Bài này là cái trả lời phỏng vấn của mình với em Thu Huyền báo Văn Nghệ trẻ. Em này phỏng vấn 3 nhà thơ Y Phương, Võ Quê và mình...
---------
1. TH: Cảm xúc
của tất cả các bài viết về văn hóa phong tục hầu hết là tiếc
nuối. Tất nhiên lí do là văn hóa đang có sự thay đổi, và sự thay đổi
đó đáng tiếc lại theo chiều hướng tiêu cực. Mỗi khi nghĩ về vấn đề
này cảm giác của anh là gì?
VCH: Tôi là người luôn xa xót vì sự biến mất hay thay đổi
tiêu cực. Tất nhiên, bao giờ cũng thế, sự phát triển luôn tỉ lệ nghịch với văn
hóa. Ngay giữa văn minh và văn hóa cũng đã có sự đối nghịch rồi. Chúng ta đang
sống giữa thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ, của văn minh, ông
Nguyên Ngọc nói Văn hóa là cái phanh là vô cũng chính xác. Và cái phanh thì bao
giờ cũng ngược chiều với tốc độ. Vấn đề là, có những cái mất đi do quy luật
phát triển, nhưng cũng có nhiều cái mất đi do sự ngu dốt của con người. Điều
này mới đau xót. Sự ngu dốt và nhẫn tâm, vô cảm, cả tham lam nữa đang khiến cho
văn hóa biến dạng một cách khủng khiếp…
Ở Tây Nguyên chẳng hạn, văn hóa truyền thống đang bị
biến dạng đau đớn, những lai căng kệch cỡm đang chiếm chỗ của những nền nã nhân
văn của bản sắc…
2. Tôi thấy
hình như các lễ hội đang được tối giản hết mức, cái cần làm nghiêm
túc thì không nghiêm túc, cái không cần thiết lại được làm ầm ĩ.
Với anh, vùng đất anh đang sống, anh có tham dự các lễ hội và điều anh lo
sợ nhất khi mùa lễ hội đến là gì?
VCH: Nguy hiểm nhất là bây giờ lễ hội đang biến thành chỗ…
kinh doanh. Ngày xưa lễ hội là do nhân dân tự làm, giờ lễ hội nếu không phải
nhà nước làm thì cũng do một tổ hợp nào đó kinh doanh, và người ta làm lễ hội
bằng ý chí, bằng sự hiểu biết nông cạn. Ví dụ ở Tây Nguyên nhé, làm gì có lễ
hội cồng chiêng hay lễ hội đâm trâu. Cái này là do mấy ông người Kinh đẻ ra rồi
áp đặt. Cồng chiêng, ăn trâu… chỉ là một thành tố của lễ hội thôi, nhưng giờ
người ta bóc tách nó ra thành “lễ hội” riêng, rồi vác lên phố tổ chức, cũng
xanh đỏ tím vàng rồi sân khấu rồi giám khảo rồi diễn viên rồi khán giả… Lễ hội
khi bị bóc ra khỏi môi trường của nó, nó chỉ còn là văn nghệ quần chúng mà
thôi. Trong lễ hội không có diễn viên
không có khán giả, mà ai cũng là một phần của lễ hội…
3. Thực ra chúng ta cứ quan trọng hóa mọi điều,
trong khi văn hóa xuất phát từ những điều nhỏ nhất, chẳng hạn như
không khí của một lễ hội, không gian ngày tết bắt đầu từ gia đình.
Nếu trong gia đình chưa tạo lập được ý thức văn hóa làm sao các
thành viên đủ hiểu vai trò của văn hóa. Tôi thấy các anh tiếc một
tấm bánh, một mùi hương, những thứ gia vị chỉ cần nghe, hiểu về nó
đủ có một cái tết đẹp và ấm áp, phải không thưa anh?
VCH: Phải biết chấp nhận những cái sẽ mất đi trong tiến
trình phát triển, nhưng như thế không có nghĩa là sổ toẹt tất cả. Tôi nghĩ từng
người, từng gia đình, tùy cái phông văn hóa của mình mà hành xử với văn hóa,
với phong tục, hay nôm na là với thói quen
cổ truyền cho nó phù hợp. Như người Bắc thích chơi hoa đào ngày tết,
nhưng khi vào Nam thì thay nó bằng hoa mai, miễn là cái phong vị tết, không khí
tết vẫn có, và trong ký ức từng người thì những gì đã qua bổ trợ cho hiện tại
để có một cái tết vừa cổ truyền vừa hợp quy luật phát triển…
4. Câu chuyện
văn hóa mỗi năm mỗi chuyện nhưng căn cốt nhất vẫn là tâm hồn con
người, trái tim con người, có rất nhiều bộn bề xung quanh, chúng ta
đang búi xùi trước mọi việc, chúng ta đang theo xu hướng quốc tế, đi
du lịch trong ngày lễ thay vì túi bụi trong vài ngày tết, với món nọ
món kia, với dưa cà mắm muối, với hỏi thăm chúc tụng. Thường ngày
tết, các anh làm gì?
VCH: Tôi thích nghỉ ngơi, nhất là càng ngày nghỉ tết càng
được dài ngày. Nhưng quả là khó, bởi cái thói quen, cái tâm lý chộn rộn nó vẫn
không buông tha. Nào là dọn dẹp, trưng bày, nào là sắm sanh các loại. Rồi ngày
tết thì đi thăm nhau, tiếp khách, dù cả năm đã đèo đẽo với nhau ở cơ quan nhưng
tết vẫn phải đến nhà nhau. Rồi thì phải nâng ly cụng ly… nó khiến mình mệt mỏi
và bận rộn, nhưng nếu mà không có những thứ ấy, tết nó lại có vẻ như ít phong
vị đi… Và chính cái sự giằng co ấy, nó làm cho tết quyến rũ hơn…
Nhưng làm gì thì làm, chiều 30, giữa lúc bận rộn nhất
thì tôi… tiếp bạn, một mâm tiếp bạn, sau đó thì ngồi vào bàn viết, để chỉ sau
giao thừa 30 phút là tôi phải có một bài khai bút. Mấy chục năm rồi tôi vẫn giữ
thói quen ấy…
5. Dưới góc độ
của một người quan tâm đến văn hóa, thường anh lưu giữ văn hóa bằng hình thức
nào, đó có phải là sự ngọt ngào với hoa thơm, rượu ngon và gái đẹp?
VCH: Văn hóa trong tôi chính là ký ức của tôi, những ký ức
khốn khổ đến đau đớn một thời nhưng lại cứ trong veo cảm xúc. Và tôi nâng niu
nó…
6. Đang sống
trong một thời đại mà những vội vã thay thế sự thong dong, những toan tính thay
thế sự hồn nhiên, những nỗi buồn khỏa lấp niềm vui, lúc nghĩ về quê hương –
vùng đất mình gắn bó với cái kí ức nhức buốt lên da non ấy hình ảnh nào lóe lên?
VCH: Tôi nhiều quê lắm. Mẹ thì Ninh Bình, ba thì Huế, lại
đẻ ở Thanh Hóa, thời chiến tranh phá hoại đi sơ tán lênh đênh nhiều nơi ở miền
bắc, rồi giờ sống ở Tây Nguyên. Bù lại tôi có sự pha trộn văn hóa của nhiều
vùng đất, và tôi có quyền nhấm nháp những tinh hoa của từng vùng đất tôi đã
sống. Và tất cả những tinh hoa ấy, gắn với mẹ tôi, người đàn bà không lam lũ vì
cụ đi thoát ly từ năm 45, nhưng là hiện thân của sự vượt lên khốn khó tảo tần
và nghị lực sống. Mẹ tôi là người gieo vào tôi tình yêu văn chương từ bé vì cụ
thuộc rất nhiều ca dao tục ngữ và truyện Nôm khuyết danh…
7. Neo đậu trong
tâm hồn chính là cảm xúc, mỗi dịp tết đến, điều anh đòi hỏi ở gia đình “văn
hóa” của mình là cháu con tụ tập, là một ngày tết long trọng với đủ đầy những
món ăn cổ truyền, hay là một cái gì khác?
VCH: Có những điều mình muốn nhưng không thể được. Ví dụ
như tôi đã từng rất muốn năm nào cũng cùng các con mình về ăn tết với mẹ, nhưng
rồi năm được năm không. Giờ mẹ mất rồi mới thấy
cái ước muốn về quê ăn tết càng khó. Cũng như thế là gia đình nhỏ của
mình. Con gái lấy chồng rồi, nó có nhớ mình yêu mình đến mấy thì cũng phải về
nhà chồng nó trước. Rồi cái gia đình nhỏ của nó cũng phải chứng minh sự hiện
diện của gia chủ ngày tết… nên cái ước muốn sum vầy trong tết rất là chính đáng
nhưng rồi cứ phải là liệu cơm gắp mắm thôi…
Càng phát triển thì sự
cô đơn trong những ngày tết càng nhiều. Ở nước ta, cái cảnh hàng vạn
người hành xác trên xe, ở các bến xe những ngày giáp tết để về quê ăn tết nó
vừa ấm cúng vừa xót xa. Nhưng nếu không về, không xum vầy, có còn là tết Việt?…
1 nhận xét:
Tui bổ sung thêm một thứ "văn hóa" ngày tết cổ truyền là "văn hóa con trai". Gia đình VN nào cũng vậy nếu không có con trai thì tết buồn lắm.
Bố mẹ vợ tui chỉ có hai cô con gái đều lấy chồng xa, rất ít khi con cháu về ăn tết cùng bố mẹ, Nhiều tết chỉ có hai ông bà già ôm nhau...ngủ. hu hu hehe.
Đăng nhận xét