Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

NẮNG MẨY



Thế mà trong một khoảnh khắc phối màu tuyệt vời, trong một bố cục vô tình với độ nghiêng của dốc, độ xiên của nắng, cái thăm thẳm của mắt và cơn cớ của nhạt nhòa ký ức, của vọng vang tiếng chuông mơ hồ đâu đó, ta có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều như cổ tích với những cung bậc cảm xúc đến thắt nghẹn mà lại mở toang ra rất nhiều ô cửa nhỏ...
--------------


NẮNG MẨY

          Bùng lên như một chớp mắt thanh tao giữa cơn ngái ngủ, tôi cũng chợt bừng thức một câu ngẫu hứng ngu ngơ: Nắng mẩy.

          Ấy là một buổi chiều giao thời giữa mùa khô mùa mưa, bên quán cà phê quen vỉa hè, giữa lúc cái hương cái vị cà phê đang dậy lên, những tí tách mơ hồ kéo loãng cái không khí như chuẩn bị chùng xuống để thả chiều vào hoàng hôn, thì tôi bất chợt ngước lên. Nắng.

          Như trong mình vừa có hàng triệu cầu vồng xuất hiện.

          Nó không chỉ là nắng, bởi nắng đã nắng rồi. Nắng miên man kiếp này kiếp khác. Mà nó là cái thứ ánh sáng trong veo chắt ra từ những tàn cổ thụ mươn mướt trên con đường đẹp nhất thành phố: Đường Nguyễn Du.

          Đã từng có rất nhiều những con đường đẹp như thế, thậm chí đẹp hơn thế. Chênh vênh trong sương, nghiêng nghiêng trong gió, chênh chao trong những bước chân nữ sinh khép nép áo dài. Và rợp cổ thụ. Biếc xanh long não, nhoi nhói thông. Và pơ lang, mảnh tơi trong gió những sợi bông li ti vấn vít vào tóc người trong cái nắng mưng mưng nhẹ bẫng của cái nhìn “má đỏ môi hồng” trước vẩn vơ khách lạ.

          Thế rồi lần lượt cổ thụ mất đi, nhường chỗ cho phát triển trong sự hăng hái quá đà của những nông nổi nhất thời. Nắng trần trụi, gió sỗ sàng, bụi thông thốc, và mây cũng không còn kéo sợi trên trời mà cứ loang loang từng mảng trôi đi. Thành phố trần trụi trơ khấc những bê tông sắt thép, mặt người phơi ra trong gió trong nắng, trực diện và thẳng thớm, nhìn nhau không cảm thán, không tưởng tượng, không mơ hồ, không biểu cảm. Xuyên thấu và hừng hực ngay cả cái liếc nhau cố tỏ ra dịu dàng nhất.

          Thì bây giờ, may thay, lại vẫn còn một khúc đường Nguyễn Du này. Nó chưa đầy hai trăm mét. Và dốc. Không còn bướm bay mỗi sáng mỗi chiều nhưng những tà áo trắng học trò bù lại. Nó không đủ sương để ảo nhau đi khi ta muốn lẩn mình đi một chốc một lát thôi giữa cuộc đời đầy xốn xang này. Và cũng không đủ nghiêng để thấy thi thoảng tim mình chùng đi một lát. Dốc cũng chưa đủ độ để hơi thở đứt đoạn trong một nỗi niềm hoài vọng. Một nốt trầm trong thành phố từng xanh, nó tạo nỗi bâng khuâng vừa đủ để cái quán cà phê cóc luôn luôn có mấy gã ngẩn ngơ ngồi. Và từ dốc ấy, cập kênh mơ hồ những âm thanh thiếu nữ.

          Không dễ gì túm được cái khoảnh khắc nắng ấy. Cơn nắng mẩy như một đặc ân của trời ban cho kẻ luôn thao thiết đi nhặt ký ức. Không phải là loại hoài cảm đến dở hơi, cũng không khư khư nhai xưa cũ như một con nghiện bệnh hoạn. Nhưng quả là có những cái trong đời ta đã một đi không trở lại để rồi lâu lâu lại lẩn mẩn nhớ như thi thoảng tự mình đi chợ đồ cũ. Ấy là nói đời người, tuổi người, là những kỷ niệm, những khát khao, ước mơ, là những tháng năm cứ lặng lẽ rơi sau lưng, rắc lên đường những vệt vàng ký ức. Còn ở đây, là những điều đang trước mắt ta, tươi rói và xót xa, đủ để thấy mình vô nghĩa trong một cái chiều tuyệt vời đến thế, cái chiều biến ta thành kẻ khác, ngu ngơ và lẩn thẩn, nhẹ hơn chiếc lá rơi, ta tự bảng lảng mình.

 Thì cũng chỉ là một vệt nắng mà thôi.

Và 5 cái cây cổ thụ. Ba cây long não, 2 cây pơ lang.

Thế mà trong một khoảnh khắc phối màu tuyệt vời, trong một bố cục vô tình với độ nghiêng của dốc, độ xiên của nắng, cái thăm thẳm của mắt và cơn cớ của nhạt nhòa ký ức, của vọng vang tiếng chuông mơ hồ đâu đó, ta có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều như cổ tích với những cung bậc cảm xúc đến thắt nghẹn mà lại mở toang ra rất nhiều ô cửa nhỏ.

Những ô cửa mở vào mình.

Nắng mẩy ạ, mùa xuân đến.

(Ảnh minh họa: Một hôm nắng mẩy)


                                                         
 

2 nhận xét:

Unknown nói...

Nắng mẩy - nhà văn dùng từ hay quá. Giá được đến Tây Nguyên để xem nắng!

123 nói...

Dạ! Chắc em út...mẩy không còn làm nhà thơ hứng thú được nữa nên "cụ" Văn Công Công...đành đi tim...nàng nắng mẩy!?