Mình cứ trong sáng phơi phới mà không biết rằng, cuộc đời không đơn giản như thế. Té ra trong nội bộ cơ quan họ rất ghét mấy thằng trí thức, mà cầm đầu là... mình. Đã bảo hồi ấy mình là đứa thứ 2 có bằng đại học trong cơ quan, người kia là một anh người Jrai. Vài đứa cao đẳng, trung cấp, còn đâu là tay ngang, bộ đội chuyển ngành. Mình rất vô tâm, tung tăng chơi, tung tăng làm, và tung tăng... hứng...
Ngay tuần đầu tiên, trưởng phòng giao cho mình một cái bao tải rất to, trong ấy toàn... thơ. Thì ra Ty văn hóa đang có cuộc thi thơ, ông này bảo mình đọc chọn ra mấy chục bài hay trình ông ấy, sau đấy viết 1 bài nhận xét cho số tạp chí đang thực hiện. Mình vô tư đọc, và vô tư viết. Đại bộ phận là thơ... dở, rất nhiều vè và văn xuôi sai ngữ pháp. Có mấy cây đa cây đề hồi ấy nhưng mình cũng không biết, cứ đọc trên văn bản rồi... phang. Bây giờ nghĩ lại thấy mình cũng liều. Bài ấy in ra và mình hứng búa rìu. Mọi người xôn xao: VCH là cu nào mà dám chê người này người kia. Ngay khen cũng bị mắng, bảo nó là ai mà dám khen. Mình suốt ngày len lén như rắn mùng 5. Chính ông trưởng phòng là người sai mình viết và đọc sửa thì lại là người chê nhiều nhất. Chê và kích động, bảo thằng ấy láo, không biết trên biết dưới, sinh viên mới ra trường mà dám nhận xét cha chú, huuhu. Có hôm mình ngồi bên phòng này, thấy 1 ông dong dỏng cao vào, ngồi ở phòng Hồng Vân, nói chuyện khá lâu, rồi loáng thoáng nhắc đến mình. Mình dỏng tai nghe thì ông nay cũng đang chê mình. Khi ông về mình hỏi Hồng Vân thì biết đấy là ông Nguyễn Lưu, ở Hội VHNT Đắc Lắc nhưng được trường cao đẳng sư phạm Gia Lai mời sang dạy toán. Ông Lưu giờ là bạn rất thân với mình dù ông hơn mình gần 2 chục tuổi. Đấy là một người đa tài, là nhạc sĩ, nhà báo, viết văn nữa, bình luận thể thao, vận động viên bóng rổ, bóng bàn cấp quốc gia... con ông Nguyễn Xiển, vì ái tình mà bỏ Hà Nội vào Đăc Lăc, và chìm ở đấy, sau lại trở ra Hà Nội thì mới gặp đất dụng võ, phát tiết tài năng. Đại loại ông hỏi Hồng Vân về mình, rồi chê bài mình là huếnh, huhu, mình ngồi bên này chết lặng. Chả biết ông Lưu có nhớ không, chứ mình nhớ rất rõ, nhưng quả là nhờ thế mà mình lớn lên.
Năm sau thì mình được giao biên tập cuốn truyện cổ Gia Lai- Kon Tum. Cuốn này sau được tái bản rất nhiều lần với số lượng rất lớn. In ra cả tháng, bán đầy hiệu sách thì một hôm ông phó ty đi họp về, quát ầm ầm từ cổng: Ông Hùng ơi ông giết tôi rồi. Ông đi thu hồi ngay cuốn sách về cho tôi. Làm ngay lập tức. Mình đang xách bát xuống nhà ăn tập thể ăn trưa, tái mặt đứng đần ra. Nghe ầm ầm quát 1 hồi thì mình mới thủng là cái ông bí thư thị xã (hồi ấy đang là thị xã) trong cuộc họp nói Ty văn hóa nói xấu, bôi bác, làm nhục Pleiku khi trong cái tập truyện cổ ấy in ngay ở trang đầu tiên truyện "Sự tích Pleiku". Pleiku tức là làng đuôi, nó lý giải tại sao lại là làng đuôi, bởi có con lợn cúng nhưng cứ mang lên là tụi thanh niên lại ăn vụng mất đuôi. Ôi giời. Ông phó ty là người chịu trách nhiệm xuất bản mà giờ ông cứ làm như vô can. Mình bình tĩnh nói: thưa chú, thu hồi sách là phải có quyết định. Chú làm quyết định cháu thực hiện ngay. Nhưng theo cháu việc này không sai, vì nó là truyện cổ tích mà, chứ cháu có phịa ra đâu. Nếu muốn thu hồi chú phải họp cả ban giám đốc chứ mình chú cũng chưa đủ thẩm quyền, vì chú là người chịu TNXB. Ông vẫn quát ầm ầm, bảo ông giết tôi đi, cử nhân với chả cử vỏ... Cái ông mà bảo truyện bôi nhọ Pleiku ấy, sau là thường vụ tỉnh ủy, bí thư thành phố rồi giám đốc sở nông lâm, còn kiện mình một trận ra trò nữa, gửi đơn ra tận Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Khoa Điềm, huhu.
Mình vô tư và tung tăng đến nỗi, một hôm thấy 1 tổ ong rất lớn, to bằng cái rổ, làm ngay trên cái cây trước cửa phòng hành chính. Có một đứa xui mình lấy đá ném, hehe mình tương nguyên 1 cục gạch vào, thế là nó bay tóe loe ra đuổi đốt mọi người. Mình xanh mặt chui vào phòng... trốn. Một thằng bị đốt sưng mặt giật cửa xông vào phòng đòi đấm mình. Thiếu nước mình lạy nó. Một ông phó ty khác chạy ra quát: Trói thằng Hùng lại, trói ngay vào gốc cây có ong ấy. Mình lẩy bẩy và... té đái luôn. Kết cục có hơn chục người bị ong đốt, trong đó có 2 chị phải cấp cứu vì ngất tại chỗ (hồi ấy bệnh viện tỉnh trên đường Trần Hưng Đạo, sát cơ quan). Một chị cấp cứu 1 lúc thì về được, vác cái mặt sưng vù về, anh chồng chị ấy gặp mình bảo: em ở xuôi lên nên không biết ong nguy hiểm thế nào, nhất là ong này là ong lỗ, lần sau rút kinh nghiệm nhé. Mình lí nhí xin lỗi. Còn chị nữa nằm viện cấp cứu mấy ngày. Mình nhờ Hồng Vân đi mua nải chuối rồi rủ Vân vào bệnh viện thăm. Mọi người bàn tán bảo: chị này bị nặng, khả năng không hồi phục, khéo chồng nó bỏ, thằng Hùng phải chịu trách nhiệm. Mình nói với Vân: Nếu chồng chị Ng bỏ thì mình sẽ... lấy chị. Cái hồi ấy nó trong veo thế. Vào viện mình không dám bước, cứ đẩy Vân đi trước. Nhưng chị lại cười rất tươi, bảo đừng sợ, chị đỡ rồi. Mày có tiền đâu mà mua chuối thăm chị. Thôi về đi, không phải thăm nom gì nữa nhé...
3 nhận xét:
Hơn 30 năm rồi vẫn nhớ thầy Lưu, nhưng không biết thầy giờ ra sao ! Năm 1981 thầy dạy tôi môn....thể dục (bóng chuyển) ở trường Đại Học Kinh tế Kế Hoạch Hà nội. Thầy rất đa tài, và vô cùng đào hoa...đẹp trai thì khỏi nói, diễn viên điện ảnh nối tiếng Thế Anh còn thua. Tôi tiếng là trò nhưng chơi với thầy như anh em, đàn hát, thơ ca, nhạc họa, bòng chuyền, bóng rổ ( sở trường của thấy), tán gái đủ cả
Bẵng đi một dạo, đến nhà thấy nghe người nhà thầy bảo thầy bỏ trường rồi, đừng tìm nữa.. he he he...hóa ra đợt đó thầy trốn vào Tây Nguyên.
Nay cám ơn bác Hùng cho mấy thông tin về thầy. Bác Hùng biết địa chỉ thầy tôi không ? nếu có bác cho cái
Lạy bác một lạy
@ Tinhthandongdoi:
Ông Lưu có facebook đấy, nhà ông ở ngay phố Tràng Tiền thì phải. tôi có nhắc ông vào đọc bài này, ông sẽ đọc và tức là sẽ đọc thư của bạn.
Bạn muốn tìm ông ấy rất dễ, nếu bạn ở HN, ông ấy hay ngồi cà phê Lâm, và giờ thường xuyên đánh thuê cho VTC, suốt ngày ngồi bình luận trên ấy.
Cám ơn bá Văn Công Hùng, người có mẹ ở Ninh Nình ( tôi sinh ra và lớn lên ở NB)
Nhắn thầy Lưu : Em lớp Ngân Hàng k23 ĐHKTKH, cháu thầy Khuê, hiệu trưởng, giờ cứ quốc tịch và cư trú tại Úc. Xin gặp thầy một ngày gần nhất
Cám ơn nhà thơ Văn Cônng Hùng
Đăng nhận xét