ĐÁM CƯỚI THẬT VUI
Tôi dự nhiều đám cưới nhưng tối nay đi dự đám “Báo hỉ”
(vì đã cưới ở Gia Lai) con gái Văn Công Hùng thì thấy vui nhất.
Đầu tiên cô dâu chú rể lên hát song ca, mà lại hát rất
hay mới lạ. (Vì cái giọng vịt đực của thằng
Hùng thì… mà thôi, nói mất lòng)
Đang nghe, tôi ghé tai vợ Hùng hỏi: “Chắc con bé đó
không phải là con thằng Hùng”. Mắt vợ Hùng rơm rớm lệ: “Thật lòng em cũng chẳng
biết nữa. Anh Hùng thì xấu trai. Mà…”
Rồi múa… mấy cô bé múa bụng mặc thì… như chẳng mặc
khiến… mà thôi nói sợ lộ.
Rồi một anh công an đến cụng ly. Hùng bảo “thằng lày
công an dưng mà tốt”. Anh công an bảo: “Các anh nhà báo nhà văn là ghê gớm lắm.
Em là công an an linh nhưng phụ trách bắt dán địp”.
Thế là cụng ly: Dô! Dô!
Mọi người lên hát đồng ca bài “Nối vòng tay lớn”,
tôi ghé tai Phan Hoàng bảo: Trên Blog anh Tạo tôi có đề nghị lấy bài này làm quốc
ca.
Rồi nhớ đến lúc nãy mới vào đã vào nhầm một đám cưới
khác nhưng may do có kinh nghiệm mà quay ra kịp, chưa đút phong bì lộn, tôi hét
lên với Hùng (vì ồn quá) Tối nay tao sẽ gửi mày mấy cái truyện ngắn đi dự đám
cưới nghe.
Truyện rất ngắn
DÒNG CHẢY
Tôi có một người bạn gái rất thân tên là Sao Mai. Phạm Sao
Mai. Một cái tên gợi một cảm giác vừa xa xôi vừa gần gũi. Thực ra tôi có thầm
yêu nàng và nàng cũng biết điều đó, nhưng vì sao nàng cố tình tỏ ra không hiểu
tình cảm của tôi thì cho đến bây giờ vẫn là bí mật.
Tốt nghiệp đại học nàng lên xe hoa cùng con một ông thứ trưởng
ra sống ở Hà Nội. Tôi vẫn ở lại cái thị trấn bé nhỏ, ngày đêm phủ một lớp bụi
than mỏng như một làn sương đen. Chúng tôi xa nhau nhưng tôi vẫn thường nhớ đến
nàng. Nỗi nhớ tuy mỏng manh nhưng luôn tồn tại.
Một lần tôi ra Hà Nội để chờ chuyển công tác. Một người bạn
trong nhóm bạn thân hồi đó là Lan gọi điện rủ tôi đi dự đám cưới con của Sao
Mai. Tôi hăm hở nhận lời. Chị tôi, nơi tôi đang ở nhờ, khi biết chuyện này đã
buông thõng một câu:
- Nó không gửi
giấy mời, mày đi làm gì?
Tôi đáp:
- Kệ, đâu có
gì quan trọng.
Tuy nhiên sau đó tôi nghĩ mãi. Bây giờ chồng Sao Mai đã là Vụ
trưởng. Bản thân Sao Mai cũng là lãnh đạo có cỡ. Hàng ngày Mai có thể gặp cả Thủ
tướng Chính phủ. Còn tôi?
Tôi – một anh giáo quèn, tỉnh lẻ, thỉnh thoảng có những bài
thơ đăng báo chưa đủ định hình một cái tên trong lòng bạn đọc. Mai coi thường
tôi hay Mai nghĩ tôi quá nghèo, không mời, để tôi đỡ phải băn khoăn vì một khoản
chi ngoài dự toán?
Kệ, tôi cứ đi.
Đám cưới con Mai có cả Bộ trưởng đến dự. Chiếc phong bì của
tôi như chiếc lá mỏng tang, rơi vào một cái thùng phì nộn. Tôi co mình giống một
con ốc sên khuất lấp cuối dãy bàn tiệc; cười với tất cả mọi người và nhận lại sự
hờ hững của họ còn hơn những người tình cờ ngồi với nhau trên cùng một chuyến
xe khách. Lan – người bạn rủ tôi đi – an ủi: “Đám cưới Hà Nội nó thế, chẳng ai
biết ai cả”.
Vài năm sau, tôi về Hà Nội công tác. Công việc bộn bề. Một lần
tôi tổ chức đầy tháng cho con. Nghe tin có một bạn đồng môn từ quê chúng tôi ra
nghỉ ở nhà khách công đoàn, tôi rất muốn trực tiếp đến mời nhưng rồi quả tình bận
quá: Nào là phải đến tận nơi rước ông Hiệu trưởng trường đại học tôi đang làm
luận án tiến sĩ, nào là gọi điện năn nỉ mời tay thư ký tòa soạn tờ báo thường
đăng thơ cho tôi. Nào là… Trăm cái “nào là” không tên mà chỉ có người chủ bữa
tiệc mới biết. Tôi đành nhờ Lan.
Sau đó thì đông khách quá, bận bịu quá và ồn ào quá. Trong bữa
tiệc, tôi chỉ kịp liếc mắt nhìn người bạn đồng môn và gật đầu chào.
Ngày đầy tháng con tôi, cũng là ngày tôi chính thức là công
dân Hà Nội.
Sao Mai ơi! Bây giờ tôi đã xử sự hoàn toàn y như bạn – y như
người Hà Nội. Dòng chảy những thói thường đời người cũng đã cuốn tôi vào cơn
xoáy lạnh lùng của nó.
NÀO, DÔ!
Hôm trước tôi nhận được điện thoại của một người bạn: “Dũng
à, mai đám cưới em cái Trâm đấy, đi nhé”.
Tôi vui vẻ nhận lời. Trâm là bạn thân của tôi thời tên lửa
Sam 2 của ta bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Người gọi điện cho tôi
là Vân, vạn thân cùng nhóm.
Tôi diện oách và tới địa điểm đã hẹn.
Vừa xuống xe, một thanh niên chạy đến mở cửa xe cho tôi, hỏi:
“Anh đến dự đám cưới?”. “Tôi đến dự đám cưới em của Trâm”. Anh ta lăng xăng đưa
tôi đến gặp cô dâu chú rể.
Vân, Trâm đâu nhỉ? Tôi đảo mắt nhìn. Đúng lúc ấy cô dâu chú
rể tiến lại cười thật tươi. Tôi vội vã bắt tay chú rể và nhanh nhẹn tiến tới
cho phong bì vào một cái thùng và ký nhoằng
vào một tấm vải điều.
“Anh đi một mình à? May quá, anh ngồi vào bàn này!” Một người
trong ban tổ chức vừa cười nịnh vừa đưa tôi tới ngồi vào một cái bàn đã đông
người. Tôi ngồi xuống. Như chỉ đợi có thế, người ta nâng ly. Tiệc được một lúc,
tôi chợt nghĩ ra một sáng kiến. Số là tôi có làm thơ và thường hay đọc thơ
trong các cuộc nhậu. Tôi leo lên bục đọc một bài thơ, hy vọng các bạn sẽ nhận
ra tôi. Mọi người ồn ào nói chuyện chẳng có ai nghe, nhưng chú rể đã tới ôm tôi
nói vào micrô: “Thưa các bác, các ông bà, các cô chú… Ba mẹ cháu mất sớm. Hôm
nay chú cháu đến dự. Chú cháu là nhà thơ rất nổi tiếng, bút danh là… Chú rể
quay lại, tôi vội nói đại một cái tên: Trường Sơn! – Dạ, bút danh là Trường
Sơn. Nếu có ai từng nghe bài hát “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây thì đây, đây
chính là tác giả bài hát tuyệt vời đó. (cha mẹ ơi!) Bài thơ chú cháu vừa đọc
xin mọi người cứ coi như là lời cảm ơn của gia đình cháu”.
Mọi người vỗ tay rào rào. Hứng chí tôi đi khắp các bàn uống
chúc mừng mỗi nơi một tí, cũng hy vọng tìm ra một ai đó là người quen.
Chợt có ai bấm tay tôi. Tôi nhìn lên: Vân! Vân ghé tai tôi:
“Đám cưới em trai Trâm bên kia cơ mà”. Tôi gượng cười cụng thêm với một vài người
nữa để tìm cách chuồn êm. Một cậu thanh niên chạy tới ôm tôi nhất định đòi hôn
tác giả bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” mà từ lâu anh ta đã rất thích.
Tôi thoát khỏi anh ta và đám ồn ào ấy như ca sĩ thoát khỏi người hâm mộ mình rồi
đi theo Vân.
Ở phòng bên, Trâm cùng những người bạn thời niên thiếu của
tôi cũng đang cụng ly. Trâm nhìn thấy tôi kêu lên: “Dũng! Đi đâu nãy giờ vậy?
Cũng ly với chúng mình mau đi để thợ còn chụp hình!” Tôi lấy đại một cái ly dở của
ai đó, đứng lẫn vào đám đông, hô lớn: “Nào, dô!”
Phạm Dũng
Theo yêu cầu, phòng cưới được trang trí màu xanh dịu, rất thân thiện... |
Chị và em- chờ tắc xi về |
2 nhận xét:
Nói thật đám cưới kiểu này có vui nhưng mà mệt lắm !
Nhất bác Hùng, hoành mọi nhẽ. Ai bảo con một bề (gái) là ngồi...mâm dưới, là vứt nào? Nhiều người còn phải ghen ấy chứ. Nhưng nhà bác ở Tân Kỳ Tân Quý có thành nhà...tình nghĩa không bác? Hehe..
Đăng nhận xét