Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

SỰ VÔ CẢM

Một bạn ở hội VHNT Hà Giang vừa điện cho mình, nói chuyện khá lâu về... sự vô cảm, nhân bạn này đọc bài của mình trên VNT. Bạn này kể, bản thân bạn ấy cũng từng gặp nhiều sự tương tự, và bảo mình là... chịu khó dấn thân. Mình bảo, thì là cái nghiệp rồi, trờii ban cho cái nghiệp cầm bút, mà lúc cần không lên tiếng thì mặt mũi nào mà nhìn trời...





 CON NGƯỜI VÀ SỰ VÔ CẢM

KTH-Tôi hay đọc facebook của anh, và cũng như rất nhiều facebook cá nhân khác, chúng ta thường hay đưa những thông tin nọ kia, trong đó không ít thông tin vụ án, thường là với thái độ lên án, nhưng một cảm giác chung là chúng ta dù có chia sẻ cũng chỉ rất hời hợt. Anh có nghĩ đó là sự thông cảm, chia sẻ hay trạng thái nào?

        VCH.  Tôi vừa viết 1 status ngắn về vụ ông Chấn ở Bắc Giang bị giam oan 10 năm, và may là gia đình ông đã tự điều tra để tìm được thủ phạm giết người thực sự cung cấp cho cơ quan điều tra để chứng minh ông bị oan. Viết và đưa lên chưa đầy tiếng đồng hồ đã có mấy trăm lượt like và mấy chục comment. Thì tất nhiên là phẫn nộ và giận dữ, và lên án các loại. Thì thử hỏi còn có thể làm gì hơn trong thế giới mạng. Nhưng sự chia sẻ và giận dữ, phẫn nộ… cũng là một cách bày tỏ, cũng là một cách để con người tự lương thiện và bày tỏ sự lương thiện.

Vấn đề đáng nói là, báo TT phỏng vấn 2 ông từng ngồi xử ông Chấn, thì một ông nói là ông ấy không nhớ gì cả, ông ấy xử bao nhiêu vụ thì làm sao mà nhớ hết từng vụ. Ông thứ 2 bảo hồi ấy ông xử có chứng cứ đầy đủ, và tòa phúc thẩm cũng xử y án thì đương nhiên ông ấy xử đúng, còn giờ nó sai thì phải đi hỏi… quốc hội ấy. Nó vô cảm đến kinh hoàng thế đấy. Sự vô cảm đang lan tỏa rất nhanh trong xã hội, đặc biệt trong những người có quyền. Còn sự chia sẻ của cộng đồng, tất nhiên nó cũng có nhiều cấp độ, bởi mạng ảo, những tiếng kêu, sự chia sẻ chân chính cũng rất dễ bị đánh đồng với những góc tối của thế giới ảo. Nhưng tôi thấy sự chia sẻ của cộng đồng có vai trò rất lớn trong việc đi tới cùng vụ việc, cung cấp thông tin và đánh thức lương tri con người. Như vụ ông bố ở trong ống cống tiết kiệm tiền nuôi con học ấy, rất nhiều chia sẻ vật chất đã đến từ sự chia sẻ thông tin và tinh thần trên facebook và các trang mạng.

          Tất nhiên như đã nói, nó chỉ là thế giới ảo, nên vẫn có rất nhiều cung bậc thể hiện. Thì thế giới thật, với những người đầy trách nhiệm, có sự giám sát rất chặt chẽ của luật và xã hội, thế mà vẫn có việc một người vô tội như ông Chấn bỗng nhiên thành kẻ giết người, đã ngồi tù oan 10 năm, tan nát cả một gia đình, một cuộc đời kia mà…

          Đưa thông tin và đọc thông tin trên mạng xã hội đòi hỏi con người cá nhân phải có bản lĩnh, biết chọn lọc thông tin chứ không anh sẽ lạc vào mê hồn trận. Muốn thế con người phải có đủ tri thức, nhân cách… để biết phân biệt đúng sai xấu đẹp…

KTH-Tôi nhận thấy nhiều sự chia sẻ, thông cảm, mang dấu hiệu của sự vô cảm. Họ cứ hồn nhiên nhận xét, nhận xét trên nỗi đau của nhiều người. Hiện nay tôi thấy sự vô cảm tràn lan, như một phản ứng tự nhiên của con người.  Anh nghĩ về điều này như thế nào?

       VCH.   Như đã chia sẻ ở trên, đau nhất là sự vô cảm của chúng ta lại đến nhiều hơn từ phía những công bộc của dân, trong cuộc đời thực. Bao nhiêu vụ bắt oan, giam oan, bao nhiêu sản phụ chết oan, bao nhiêu gia đình tan nát từ những quyết định sai trái… chỉ cần có một trái tim nóng, trước khi làm gì ta nghĩ đến số phận những con người cụ thể, có khi những quyết định sẽ không đến nỗi gây tác hại lớn. Nhưng chúng ta đã vô cảm, luôn coi mình đúng, dân phải sai để rồi sau này sửa sai thì tác hại nó lên cấp số nhân…

          Thì cái sự vô cảm trên mạng không thể không có. Nhưng tôi không bi quan lắm. Là người có blog, lại có tài khoản facebook, tôi thấy mình và các bạn đọc của mình đầy trách nhiệm xã hội. Tất nhiên, với những đối tượng khác, họ có đối tượng bạn đọc khác, ví dụ như tung hô các thần tượng, như công kích dèm pha nhau… nhưng đấy không phải là số nhiều. Tôi thấy mọi người trên mạng, khi đã công khai tên tuổi thì đều rất có trách nhiệm với nhau, với xã hội. Hiện tại facebooker, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đang dùng facebook của mình kêu gọi giúp đỡ bà con bị bão lũ Quảng Bình rất thành công là một ví dụ…

KTH-Khi anh post lên mạng bài viết trong đó có đoạn: “Mà bây giờ có vẻ như con người không gớm cái ác, các đòn tiêu diệt nhau cũng "ra tấm ra món" hơn. Thì cái thằng cha giết rồi cắt đầu cô người yêu xinh đẹp có những ngón chân sơn cẩn đá vừa ăn nằm với mình mà không kinh à. Lại cái thằng bắt cóc rồi đốt xác hai cháu bé trong khi vẫn liên tục nhắn tin đòi tiền bố mẹ các cháu. Rồi thằng nữa giết một chị bà con chú bác với mình từ Pleiku về Huế chữa bệnh cho người nhà. Giết xong buộc cục đá ba chục cân vào bụng thả xuống sông, chưa kể còn một cô bé 16 tuổi đi cùng đang mất tích. Tội ác thì thời nào cũng có, nhưng ác quá như thế nó biểu hiện một sự lệch lạc nhân cách của một bộ phận người trong xã hội”... Hình như cái ước mơ tưởng vớ vẩn, rằng một buổi sáng hoàn toàn nhẹ nhàng khi cầm tờ báo không có thêm một cái chết, vào fb không phải đọc thêm những dòng chữ chửi rủa càng ngày càng khó. Có bao giờ anh muốn có một buổi sáng thật sạch, thật trong lành?

       VCH.   Có chứ, ai mà chả mơ ước thế, người bình thường còn thế, huống hồ tôi là nhà thơ. Và cái việc tôi lên án cái ác, cái xấu cũng là cách để xã hội bớt đi cái ác cái xấu, để mọi buổi sáng đều trong lành, đều là những nụ cười, có điều, cái ước mơ ấy có vẻ viển vông quá, chí ít là bây giờ

          Cái đoạn mà chị trích ấy, nó là trong status “Loa kèn, ta sẽ vì nhau mà tồn tại”.  Và nó như 1 tản văn ấy, đọc xong có một bạn còm thế này: “"nhà văn nói láo, nhà báo nói phét" người ta vẫn nói thế, nhưng cái bác Hùng này ko thích nói láo nữa rồi, toàn nói cái thật trên đường phố, ko phạm luật, nhưng mà hay, tôi phải đọc nhiều lần ko chán, lúc buồn mà nghe bác Hùng nói thì lại thấy vui, cảm ơn bác về món ăn tinh thần cho mọi người”. Ơ thì đấy là sự sẻ chia hoàn toàn không vô cảm chứ gì?Tức là với mình tôi luôn muốn gạn lấy phía sau cái xấu cái ác ấy sự nồng ấm của tình người, của bình yên, tử tế.



KTH-Có người đã từng cho rằng lí do của sự vô cảm đó chính là chúng ta tiếp xúc với quá nhiều cái ác, cái ác hiện hữu và ở bên cạnh cuộc sống hàng ngày, vì vậy con người dễ mất niềm tin, hay nghi ngờ. Tôi chắc chắn anh đã từng/ đã bị nghi ngờ vì những điều rất ngớ ngẩn?

VCH. Đúng, hàng ngày chúng ta tiếp xúc với nhiều cái xấu, cái ác nó khiến chúng ta chai lì đi. Nhưng căn nguyên sâu xa, theo tôi nghĩ, là do chúng ta đã để cho cái bản năng hoang dã của con người phát triển quá trớn. Chúng ta khuyến khích sự làm giàu, sự kiếm tiền, nhưng chúng ta lại quên giúp con người cũng phải kiếm, phải tìm, phải bồi bổ, bằng nhiều cách, lương tâm và nhân cách, những giá trị sống để con người phát triển hoàn hảo. Chính cái thế giới tinh thần tốt đẹp, nhân văn của con người nó làm cho tính ác bớt đi, con người hoàn hảo hơn. Hôm qua ngồi nói chuyện với mấy người bạn, tôi có nói đùa: chúng ta đang ở thời kỳ tiền chủ nghĩa tư bản hoang dã
 
          Thế nên bây giờ, nhiều khi thấy người gặp nạn lại không dám giúp, hoặc có giúp, có khi người bị nạn lại không tin. Điều ấy không đáng để đau đớn và xấu hổ ư? Con người đang mất niểm tin vào những điều tốt đẹp, vào chính con người. Đây là điều đáng phải báo động nhất. Bởi khi không tin thì người ta sẽ nổi loạn. Cũng như giờ dân rất ít tin vào chính quyền ấy, và vì thế mà họ… tự xử. Đánh chết kẻ trộm chó, cứ người nhà chết ở bệnh viện là vác quan tài diễu phố, rào làng lập lũy để giữ đất vân vân, dân biết là phạm luật nhưng vẫn làm, bởi họ không tin vào sự giải quyết đúng đắn, công bằng của người nhà nước nước nữa. Nó tạo nên một xã hội hỗn loạn. Mới nhất là một cụ ông, từng là tỉ phú, hắt a xít vào vợ cũ rồi tự thiêu vì bất lực trước cách xử lý thiếu thuyết phục, vô cảm của những người thi hành án. Xã hội chúng ta nhiều khi biến con người thành rô bốt…

KTH.-Các nhà văn thường chú ý vào những thân phận con người, những giằng xé nội tâm, và cả sự đa nhân cách trong một con người, nhưng có vẻ như giữa cuộc sống hỗn loạn này, các nhà văn cũng làm gì có phút tĩnh tại nào để mà ngẫm, mà nghĩ. Anh có làm thơ mang tính thời sự không?

VCH. Có chứ, dù nó không phải là thế mạnh của tôi. Và lúc nào thơ bất lực thì tôi viết… báo.

Phải  tự tạo ra cho mình những phút giây tĩnh tại để mà chiêm ngẫm, chứ cứ để cho cuộc sống xô bồ ào ạt cuốn đi thì đúng là có khi mình cũng… vô cảm thật. Có điều nói thật, để có những phút tĩnh tại để chỉ nghĩ về cái đẹp, điều thiện bây giờ thật khó, vì từ xã hội cho đến trong nhà bây giờ có bao nhiêu điều phải lo phải nghĩ, phải để tâm vào. Thi thoảng restart lại mình là cách để mình giữ mình.

KTH-Và một điều tôi thường nghĩ đó là các nhà văn các nhà thơ hiện nay, thích hô hào trên bàn nhậu, chém trên các trang mạng xã hội hơn là phát ngôn chính thức, chứ chưa nói là đưa vào tác phẩm của mình. Anh có thấy như vậy không? 

       VCH.   Không hẳn thế. Rất nhiều điều hô hào trên bàn nhậu, viết trên mạng được đưa vào tác phẩm đấy chứ. Vấn đề là, khi vào tác phẩm nó phải ở một dung mạo khác, một tâm thế khác, mang tính trách nhiệm xã hội cao hơn, tính khái quát nhiều hơn. Tôi vừa đọc 1 loạt tiểu thuyết của các nhà văn mới xuất bản, thấy những vấn đề xã hội được đưa vào tác phẩm rất giỏi, và hay, như cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn “Gã tép riu” là một ví dụ…

KTH-Với tinh thần AQ thì tôi tin rằng xã hội nào cũng có giai đoạn khủng hoảng niềm tin, nhưng nếu để cái xấu tràn lan, để cái xấu thống trị trên truyền thông, báo chí thì đó là nỗi buồn, sự đáng thương của xã hội. Niềm tin lấy từ đâu ra và mỗi con người đều phải tự gỡ rối cho mình. Anh thường dùng phép thắng lợi tinh thần nào vậy?

      VCH.    Phép ấy của tôi là: Mình là hạt cát, nhưng là một hạt cát hoàn chỉnh. Nếu nó lọt đúng vào lòng một con trai may mắn nào đó, có khi nó thành ngọc. Còn không, nó vẫn là cát, nằm phơi nắng và… ngắm biển

          Nói thế thôi, những lúc không AQ, và những lúc ấy nhiều lắm, tôi cũng đau, cũng xót trước cái xấu, cái ác đang ngày càng hoành hành, và cũng rất kinh ngạc trước sự phát triển của nó, cũng như sự bất lực của chúng ta
                                               Kiều Thu Huyền thực hiện

3 nhận xét:

hat dieu vo lua - hat dieu lua nói...

Những người vô cảm thường là những người k có lương tâm!

Nặc danh nói...

"Lành dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên".
Ngày trước(Ba bốn chục năm hay nửa thế kỷ trước) không như hiện nay đâu.Tất nhiên hồi đó có kẻ ác,kẻ tham,kẻ xấu ...nhưng không "xã hội hóa" như bây giờ.
Ai cũng thấy mà lãnh đạo như là cố né,chỉ chủ quan,tự mãn và...vô cảm.

nhatrang nói...

mấy bữa ảnh hưởng bão nên ở tôi k vô mạng được.qua đây tôi chỉ nói với mấy người "năc danh" về chuyện tìm mộ LS. Các người chưa phải là thân nhân LS nên đừng ném đá TS VTK.Khi thục sự mình là con,em,cháu... mới thấy được sự thật như thế nào.Xin các người (chưa chảy nước mắt)hãy im lặng đi