Tân hình thức là một sự tiếp cận
để đổi mới, nhưng với tôi, hình như vẫn mới như một anh mới thi lấy bằng lái
xe. Ở nước ta, bằng lái là một chuyện, còn lái được xe lại là chuyện khác…
Quả
là lúc làm thơ, cho đến tận khi viết hết câu đầu của một bài thơ, tôi vẫn chưa
nghĩ là sẽ viết nó như thế nào, với hình thức gì?
Có
thể có nhiều người đặt ra tiêu chí này nọ trước khi ngồi vào bàn viết. Tôi thì
tôi không thể, đơn giản vì tính tôi như thế, thói quen như thế.
Và
nếu là lục bát thì hết câu thứ 2 mới biết vì nó trên sáu dưới tám rành rành ra
đấy, còn lại là cho đến hết bài vẫn chưa biết nó là cái kiểu gì. Đến khi bạn bè
đọc, có người gật gù: bài này tân hình thức lắm. Thì té ra nó là tân hình thức.
Ông khác ngúc ngắc: Bài này hậu hiện đại đây. Té ra nó hậu hiện đại. Nhưng lại
có người nữa phán: bài này truyền thống, dù là có qua hàng, có câu dài câu ngắn,
có chấm phẩy lung tung, có không viết hoa đầu dòng nhưng lại hoa ở giữa câu, thậm
chí là câu cuối, nhưng hình ảnh rất quen, có trăng có thuyền có gió có trăng,
chữ rất mượt, mềm mại và tươi. Tân hình thức chữ phải gồ lên, khúc khuỷu nhọc
nhằn, trong khi chữ này rất mượt. Thế thì nó phải là truyền thống?
Cứ
thế cãi nhau.
Và
tôi, thú thật, vẫn… không hiểu gì.
Cho
đến khi nhận mail của nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, TBT tạp chí Sông Hương, mời
viết bài cho cuộc hội thảo “Thơ Tân hình
thức Việt, tiếp nhận và sáng tạo”, tôi có mail lại ngay cho anh Ngọc là: “Tớ có biết gì về tân hình thức đâu?”, Ngọc
trả lời: “Thì anh cứ viết những gì anh biết”.
Tôi
thì tôi biết rằng, và nghĩ rằng, hình thức là vô cùng quan trọng đối với một
bài thơ. Nó chính là sự làm cho khác nhau giữa các bài thơ. Nếu không có hình
thức, tin chắc các bài thơ sẽ giống nhau gần hết. Nó cũng chính là chỗ để cho
tài năng của các nhà thơ phô diễn. Cảm xúc, tâm trạng, góc nhìn, không gian, thời
gian… có thể nhiều người giống nhau, nhưng hình thức là độc nhất vô nhị dẫu chữ
giống nhau, xuống hàng giống nhau, chấm phẩy giống nhau… nhưng phía sau sự tưởng
như giống nhau ấy của hình thức thơ lại là sự khác nhau một trời một vực của
tài năng, và nó liên quan đến thi pháp, đến sức nổ nội tại của chữ.
Thơ
Tố Hữu: Tháng tám trời thu xanh thẳm.
Thơ
Tế Hanh: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng
Trị.
Thơ
Thi Hoàng: Trời cứ xanh như rút ruột mà
xanh…
Cũng
là trời xanh nhưng nó khác nhau hoàn toàn, đọc từ hân hoan đến thắc thỏm đến quặn
thắt. Nó là trời mà không phải trời. Xanh mà không xanh. Chữ mà vượt lên chữ.
Nó là con người- Người thơ, loại người đặc biệt.
Và
từ hình thức khác nhau này mà nó hiện ra những khác nhau về bản chất khác, của
thơ và nhà thơ.
Bởi
hình thức nó không phải chỉ là hình thức, lạnh lùng, chính xác, mà nó là xúc cảm,
là tâm trạng, là sự đột khởi xuất thần của lóe sáng thiên tài. Là sự sẵn sàng
tiếp nhận và hóa giải năng lượng kỳ bí không phải lúc nào cũng có sẵn, mà là
ngàn năm một thuở, người làm thơ phải biết khai mở và đón nhận tức thì. Nó chỉ
là khoảnh khắc, tích tụ bởi thời gian.
A
thì ra hình thức thơ nó lại cũng xuất phát từ tâm trạng, từ xúc cảm, tức là từ
chính nội tại của tác giả. Và tức là nó tuân theo quy luật của cảm xúc. Nó
thoát thai từ cảm xúc và để quay lại chở cảm xúc ấy thăng hoa.
Và cuối cùng
thì, hình như, nó lại chính là nội dung.
Thế
nhưng nói thế không có nghĩa là thơ không cần kỹ thuật.
Kỹ
thuật cao nhất của việc làm thơ là… không có kỹ thuật gì. Tức là khi anh làm
thơ, anh hoàn toàn không nghĩ đến yếu tố kỹ thuật, không để nó khuynh loát, chi
phối, không phải nhăm nhăm tâm niệm là sẽ phải làm thế này mà không làm thế kia,
nhưng thực ra, kỹ thuật đã ngấm vào trong từng rung động thơ rồi. Nó trở thành
máu thịt trong anh, thành một thứ phi kỹ thuật bởi nó đã quá điêu luyện, đến đỉnh
cao rồi.
Nó
như người lái xe, càng giỏi thì càng không để ý đến tay lái, không để ý đến
chân ga chân thắng nhưng mọi xử lý vẫn hết sức nhịp nhàng, như nó phải thế, người
ngoài không thấy, không biết anh ta vừa xử lý, chỉ thấy xe chạy rất êm, như tự
nó chạy, người lái xe chỉ ngồi cho có vì. Nhưng nếu anh mới tập lái thì sẽ rất
loay hoay luống cuống, thắng thì giật cục, vào số thì gằn, thậm chí chết máy,
muốn lái cho thẳng thì nó lại đi cong mà muốn cho nó đi cong thì nó lại cứ… chạy
thẳng…
Hiện
nay, nói thật, tôi chưa phân biệt được một cách rõ ràng thế nào là thơ tân hình
thức, mà những gì tôi thấy về thơ tân hình thức ở ta- cả các loại phi truyền thống
khác nữa- mới như người đang tập lái xe. Mới chỉ thấy toàn kỹ thuật mà không thấy
cảm xúc, tâm trạng, mới thấy chữ mà chưa thấy người, hoặc tại vì chúng ta đang
mới tiếp cận nó, chưa nhuần nhuyễn, nên mục đích là kéo độc giả đến với thơ
đương đại có vẻ như là chưa khả quan lắm.
Nhưng
quả là không thể không đổi mới thơ, không thể không hiện đại thơ cho nó tương xứng
với thời đại và chính trong sự phát triển nội tại của thơ. Cuộc đổi mới này bền
bỉ và gai góc suốt mấy chục năm nay chứ không phải chỉ riêng với tân hình thức.
Tôi thấy sự đổi mới khả dĩ nhất chính là đổi mới mà không thấy dấu vết của kỹ
thuật, của sự cố- làm- ra- đổi- mới. Đổi mới như chính nó phải thế, và đã thế.
Tân hình thức là một sự tiếp cận để đổi mới, nhưng với tôi, hình như vẫn mới
như một anh mới thi lấy bằng lái xe. Ở nước ta, bằng lái là một chuyện, còn lái
được xe lại là chuyện khác…
Pleiku ngày 17/8/2013
VĂN CÔNG HÙNG
5 nhận xét:
Nhất trí vói bác về Thơ,nhưng nói tó lại là có bằng lái xe chưa,hay vưỡn trượt ạ?
Bài nầy hay lắm.
Gia - Đà Nẵng
Em không hiểu về thơ mấy .nhưng thiển nghĩ ,làm thơ là do cảm xúc ,mà đã là cảm xúc thì nó bắt mình phải đi theo ,chứ làm sao mà biêt được là lục bát hay hiện đại hả bác ?
Làm Thơ và Lái xe giống nhau ở chỗ là đều có thể gây tai nạn.
123!
Tiên sư nhà bác ABC nhá! Bác chỉ được cái là nói đúng thôi.
Đăng nhận xét