Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

TỪ NAY HẾT ĐẮP ĐẬP BE BỜ...

Nhớ hồi xưa trước khi ông chủ tich tỉnh Gia Lai-Kon Tum- sau chia tỉnh là bí thư tỉnhn ủy Kon Tum- Sô Lây Tăng dọa sẽ... đóng khố đi họp quốc hội nếu trung ương không cho làm thủy điện Ia Ly, thì bà Y Một, lúc ấy là Ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư tỉnh ủy GKKT được cử đi... ngoại giao với ông Saplin, đại sứ Liên Xô khi ông này vào GLKT thăm. Cái cuộc ngoại giao ấy thuộc loại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngoại giao... cán bộ.

Đại loại trong cuộc chiêu đãi (đại sứ Liên Xô chiêu đãi), bà Y Một cầm rượu lại: Nhân dân Tây Nguyên rất biết ơn Liên Xô, nhưng sẽ càng biết ơn nữa nếu bây giờ LX làm thủy điện Ia Ly cho Tây Nguyên. Ông Saplin: Tôi cũng rất muốn làm ngay thủy điện cho Tây Nguyên, nhưng tôi chỉ là đại sứ, tôi sẽ báo cáo với chính phủ tôi. Đồng chí cứ đồng ý là chính phủ sẽ đồng ý thôi. Đâu có được như thế đồng chí Y Một ơi, tôi chỉ là đại sứ mà. Thôi thì thế này, tôi là Ủy viên Trung ương, đồng chí cũng ủy viên trung ương, chúng ta đồng ý với nhau là 2 Đảng đồng ý nhé. Ơ không được đâu đồng chí Một ơi, vì đồng chí là ủy viên chính thức còn tôi chỉ là dự khuyết... Đại loại thế, cứ một câu trao đổi lại một ly tướng rượu Lúa mới, nghe nói cả 2 cùng... say...

Là kể để thấy, hồi ấy làm 1 cái thủy điện nó công phu và cẩn thận, khó khăn vất vả đến thế nào. Giờ, cảm giác như làm thủy điện dễ như... nuôi gà công nghiệp, thậm chí còn dễ hơn nuôi gà.

Bởi, phàm dân Việt ai cũng phải biết con gà, ai cũng biết muốn nuôi nó thì chỉ cần cho ăn, cho uống- nếu không có vườn thả- rồi nó đẻ, nó ấp, rồi lại ra gà con, rồi lại cho ăn cho uống... kết thúc chu kỳ ấy là... xoong là đĩa là lá chanh là mâm... còn thủy điện, đã ai biết nó mặt ngang mũi dọc thế nào, thế mà thấy người ta ào ào làm thủy điện.

Một anh bạn nhà báo một hôm được mời đi dự khởi công một thủy điện nhỏ, bảo với tôi: em thề với bác là cái mụ làm thủy điện này chưa biết cái roto với stato nó khác nhau thế nào, thế mà cũng đổ vốn làm thủy điện...

Kết quả bây giờ: cái thì gây ngập lụt, cái thì gây hạn hán, biến ruộng thành sông sông thành ruộng, cái thì vỡ đập, cái thì bong thân, làng xóm tan hoang dân cư xơ xác... môi trường sinh thái và văn hóa bị xô lệch, tác động không nhỏ đến đời sống hiện tại của cư dân và cả lâu dài với xã hội...

Nên cuối cùng thì ban chỉ đạo Tây Nguyên đã chính thức đề nghị tạm dừng làm thủy điện ở Tây Nguyên trong 2 năm 2013 và 2014, còn hiệp hội năng lượng VN thì quyết liệt hơn, đề nghị dừng hẳn, dừng vĩnh viễn thủy điện vừa và nhỏ chứ không tạm dừng gì hết.

Thế là từ nay hết... đắp đập be bờ nhé, hết thấy cứ có chỗ nào nước chảy róc rách thì ngăn lại làm thủy điện nhé. Đợi lúc nào có điều kiện thì giao cho mỗi nhà làm hẳn một cái thủy điện nhỏ, tự cung tự cấp, còn thừa thì bán cho Thái Lan, Myanma, thậm chí là... Mỹ...

Không dừng lại kịp, có khi thời ấy cũng chả xa...

3 nhận xét:

Unknown nói...

"Một anh bạn nhà báo một hôm được mời đi dự khởi công một thủy điện nhỏ, bảo với tôi: em thề với bác là cái mụ làm thủy điện này chưa biết cái roto với stato nó khác nhau thế nào, thế mà cũng đổ vốn làm thủy điện".
Nói như thế rất dễ truy xuất, vì "mụ" làm thủy điện là số rất ít và dễ nhận diện , mếch lòng đấy Bác! Thứ nữa, thời nay xe ôm, bán báo... thậm chí ôsin còn làm GĐ được mà cứ chi "mụ"này, "mụ" nọ! Vấn đề cơ bản là ai có trách nhiệm cho phép làm những dự án "Lợi cho số ít, hại cho số nhiều" này (Những người này thì phân biệt rất rõ roto và stato!)He!

Daniel nói...

Thật tội nghiệp cho các nhà báo quê mình , vì hễ mở miệng là sợ bị truy lùng ( còn truy xuất tui ko hiểu nghĩa là gì ).
Ngày nhà báo cách mạng VN tui có chúc các nhà báo " đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" , nếu anh Triều TCAN truy lùng thằng nào sáng tác câu này thì tui từ My iP Daniel hoá thành Đồ Chiểu . Hì hi , Sướng !!!!!!!!
Còn chuyện đắp đập be bờ làm thủy điện ở quê mình , nó cũng giống như phong trào " bắt chim sẻ" , hay " nhà nhà luyện kim" của Mao - chủ- xí ở Tàu thế kỷ trước .
Tui nghe chuyện nhiều nhà máy thủy điện làm xong ko có đường dây cao thế dẫn điện đành nghỉ ...
Tui nghe chuyện thủy điện chỉ là cái cớ để " nhóm mình" khai thác gỗ và tàn phá rừng .
Cũng như chuyện khai hoang ở Tây Nguyên hay Lào để trồng cây cao- su vậy . Thực sự của các dự án này là phá rừng bán gỗ .
Cũng như hàng triệu tấn than xuất lậu mà ko ai dám ho he gì...Miền Bắc xuất than , còn Miền Nam nhập than .
Cũng như chuyện nợ xấu và bất động sản quê mình ...
Ko có thống kê cụ thể , vì số liệu thống kê của quê mình đều do chi bộ chỉ đạo , nhưng chắc chắn rằng sau mỗi vụ hạ cánh an toàn của các sếp , chắc chắn tui, các bạn và con - cháu - chắt của chúng ta sẽ phải nai lưng ra trả nợ dài dài .
Ở đâu có quyền lực , ở đó có tham nhũng . Một khi quyền lực độc quyền thì tham nhũng cũng độc quyền .

Nặc danh nói...

Các bác quên rồi. Ngày xưa có bộ Lâm Nghiệp chuyên trông coi về rừng thì nay nó chỉ là một Cục nằm trong Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thôi.
Rừng không thể là nông thôn, mà sao cứ bắt rừng phải là nông thôhn? Cuối cùng thì không là rừng, không là nông thôn, mà trở thành sản phẩm của cái gì ấy…. được gọi là “định hướng”.
Rừng nước ta đã và đang tiếp tục được nông thôn hóa. Càng nhiều thủy điện thì rừng càng cạn kiệt. Các đại gia phá rừng lấy gỗ bằng cách lập dự án thủy điện là khả thi nhất. Cánh rừng nào bằng phẳng, không có cớ làm thủy điện thì thuê người tỉa dần, trở thành “rừng nghèo”, “rừng kiệt”. Từ đó dự án trồng cao su được vạch ra. Chính quyền OK. Mà thực ra người thuê đất trồng cao su cũng toàn là người của cán bộ chính quyền cả.
Tây Nguyên liệu có được hồi sinh như nhiều người mơ ước (trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc) không? Chắc là không. Giữ được nguyên trạng đã là đại thành công rồi. Những hàm răng cá mập đang rập rình ngoạm nốt những màu xanh đang thoi thóp của Tây Nguyên.
Chiến tranh, chất độc màu da cam, bom phạt, bom phá không xóa sổ được rừng miền Đông, rừng Tây Nguyên, rừng U Minh thì nay, nền “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã thành công trong việc phá nát, san phẳng rừng và đi theo nó là nền văn hóa đặc sắc đang bị biến dạng, nhố nhăng, kệch cỡm. Điều qua trọng nữa là dân ở rừng đang nghèo đi, khổ đi rất nhanh. Họ không phải là cư dân nông thôn, cũng chẳng còn là cư dân của rừng.
Bao nhiêu kỳ đại hội đảng, bao nhiêu cuộc bỏ phiếu bầu các cấp chính quyèn đều “thành công tốt đẹp”. Nhưng kết quả là như thế này đây.
Phải chăng mọi cán bộ có chức quyền là thành công, được minh chứng bằng tài sản họ có như nhà lầu, biệt thự, xe hơi, trang trại ….(tất nhiên đa số đứng tên chủ sở hữu là vợ con, anh em, bồ nhí …còn cán bộ ta thì vẫn “ba cọc ba đồng”, chẳng sở hữu tài sản nào ngoài cái xe máy). Chỉ có dân là thất bại.