Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NƯỚC MẮT Ở TRƯỜNG SA


Phải mấy năm sau, khi cái clip “vòng tròn bất tử” được ai đó (nghe nói là một sĩ quan Trung Quốc) tung lên mạng thì mọi người mới tường sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam và tội ác hèn hạ của binh lính Trung Quốc. Một quân nhân được đào tạo cơ bản không bao giờ đối xử ác với tù binh hoặc với quân nhân đối phương khi họ không có vũ khí, khi họ ít hơn… ở đây, bằng sự áp đảo cả quân số và vũ khí, quân nhân Trung Quốc đã thẳng tay xả đạn vào quân nhân Việt Nam, đối xử rất thô bạo khi họ bị bắt…
-------------




Vốn dĩ biết tính mình dạo này hay… khóc khi xúc động nên tôi đã định sẽ mang cả 2 kính trắng và đen để đeo khi được thông báo là 6 giờ sáng  ngày 10 tháng 5 sẽ thả hoa tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Nhưng luýnh quýnh thế nào mà quên béng mất, chỉ cầm máy ảnh và iPad. Không chỉ quên kính đen mà cả kính trắng cũng quên, và đã lên boong rồi nên không kịp xuống lấy.


          Tàu neo ở vùng biển sát đảo Cô Lin, bằng mắt thường nhìn rất rõ, và cũng không cách xa đảo Gạc Ma bao nhiêu. Sau khi thả hoa sẽ có 3 xuồng vào đảo chìm Cô Lin thăm. Tôi không có trong danh sách này nên yên phận trên tàu ngồi gõ. Nơi đây 25 năm trước, 64 chiến sĩ Hải Quân của ta đã bị Trung quốc sát hại. Họ phần lớn là chiến sĩ công binh, trong tay chỉ có dụng cụ lao động, một số ít có súng bộ binh (tiểu liên), bên kia là tàu chiến đấu với pháo và các vũ khí hiện đại khác. Phải mấy năm sau, khi cái clip “vòng tròn bất tử” được ai đó (nghe nói là một sĩ quan Trung Quốc) tung lên mạng thì mọi người mới tường sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam và tội ác hèn hạ của binh lính Trung Quốc. Một quân nhân được đào tạo cơ bản không bao giờ đối xử ác với tù binh hoặc với quân nhân đối phương khi họ không có vũ khí, khi họ ít hơn… ở đây, bằng sự áp đảo cả quân số và vũ khí, quân nhân Trung Quốc đã thẳng tay xả đạn vào quân nhân Việt Nam, đối xử rất thô bạo khi họ bị bắt… Hôm nay, trên boong tàu HQ 996, thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh khi đọc một bài tưởng niệm rất xúc động cũng… không nhắc đến Trung Quốc, mà gọi là kẻ thù, là đối phương… Hồi cái clip được tung lên, đã rất nhiều người không cầm được nước mắt, nhiều tiếng thét căm hờn bung ra. Và cũng phải hơn hai chục năm sau, sau rất nhiều cố gắng, một cuộc gặp mặt các cựu binh trận Gạc Ma mới được tổ chức bằng con đường xã hội hóa ở Đà Nẵng. Theo Dương Đình Hùng, bí thư đoàn trường đại học Duy Tân, thì hôm ấy cả hội trường đã òa lên khóc khi nghe một người lính sống sót (có mười mấy người bị Trung Quốc bắt và được trao trả theo đường hội Chữ thập đỏ) kể lại chuyện anh đã chứng kiến đồng đội anh hy sinh khi trong tay không vũ khí đã trằn lưng ra hứng đạn như thế nào?… 

Đảo Gạc Ma giờ Trung Quốc đang đóng. Họ xây một cái nhà y hệt một con tàu, tôi đã cố rum hết cỡ cái máy ảnh của mình để chụp hòn đảo thiêng liêng ấy. Nghe nói phía Trung Quốc xây nó theo phương thẳng đứng, không thể tiếp cận từ bất cứ phía nào, trừ bằng trực thăng. Họ thay quân đổi quân bằng trực thăng, tiếp tế lương thực thực phẩm bằng trực thăng…

          Tôi đã nhiều lần đi cùng với các cựu chiến binh vào các nghĩa trang liệt sĩ, có lần trên xe đang tếu táo thế, nói đủ thứ chuyện trên rừng dưới bể, cười ngặt nghẽo, nhưng khi đến nghĩa trang, vì đã quá giờ, không tìm được quản trang nên cả đoàn leo rào vào. Khi một bác vừa thắp xong hương, kêu lên: đồng đội ơi, không ai bảo ai, cả đoàn cùng bật khóc. Khóc rất to, như chưa bao giờ được khóc. Khóc như một sự dồn nén, tủi hổ, sự thương xót nén vào tận cùng sự căm phẫn…

          Hôm ấy khi cái giọng Thanh Hóa lại là lính Hải Quân từ trẻ, vốn dĩ thường ngày đã khá to của thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải Quân bỗng như nghẹn lại khi đọc lời tưởng niệm, rất nhiều đôi vai đã rung lên, nhiều tiếng sụt sịt, nhiều bàn tay đưa lên chùi nước mắt. Tôi cố nén nhưng rồi nước mắt cứ chảy ra, lăn dài trên má, nhìn xung quanh thấy ai cũng thế nên… đỡ ngượng. Nhưng ấn tượng nhất là cô bé Nguyễn Ngân của VTV. Cô bé này đứng ngay phía sau tôi, tức là sẽ là 1 trong 3 người một hàng đứng viếng, tôi đứng giữa, Ngân và 1 sinh viên nữ nữa 2 bên. Thắp hương và khấn, thấy Ngân khấn khá lâu, sau đó thì… ra một góc boong tàu và khóc, khóc rất dữ dội và lâu. Khóc như khóc chính người thân của mình vừa mất đột ngột. Nhiều người khóc, kể cả tôi, nhưng khóc như Ngân chỉ có 1. Cả người rung lên, co rúm lại. Có lẽ nhiều người thấy cảnh này dù Ngân cố tình đứng nép vào một góc, có mấy cái thùng che chắn. Ai cũng tôn trọng nên để kệ cho cô bé khóc. Tôi kín đáo bấm mấy kiểu ảnh từ xa...


Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng Hải Quân


Hương đang hóa, bốc cháy đùng đùng sau khi chạm mặt biển
          Thời gian gần đây nếu ai hay xem thời sự của VTV1 sẽ thấy có 1 cô phóng viên rất xông xáo, hôm nay vùng xa này, mai điểm cao khác, và những vấn đề mà cô đưa ra đều rất nóng, được nhiều người quan tâm chứ không phải loại tin hiếu hỉ hội họp. Ngay cả những tin ở ngay Hà Nội nhưng nếu là cô làm nó cũng bắt người ta phải xem, từ cách tìm ra vấn đề, diễn giải vấn đề, và đứng ra dẫn trước ống kính đều rất ấn tượng. Cái tên đi liền là Nguyễn Ngân. Hôm lên tàu thấy trong danh sách có tên Nguyễn Thị Ngân, và lúc sau thì cái cô bé có bút danh Nguyễn Ngân xuất hiện. Bao giờ cũng ở tốp đi đầu, bao giờ lên đảo cũng thấy cô có ngay việc để làm, thoăn thoắt và quen thuộc…

          Và hôm nay, một hình ảnh nữa của Nguyễn Ngân trong mắt tôi và một số người…

          Hôm thả hoa tưởng niệm ấy, có mấy sự lạ. Một là trước đấy trời mưa, đúng lúc làm lễ, trời tạnh, sau đấy trời lại mưa. Hai là tối hôm trước, lúc tàu neo, rất nhiều cá xuất hiện, không phải chỉ cá heo, mà rất nhiều loại cá, đều nhìn khá rõ từ boong tàu chứng tỏ chúng ít nhất cũng phải bằng bắp đùi. Không ai câu cả, cá cứ tung tăng lượn hàng đàn dưới biển. Và 3, sau khi thả bè hoa và đồ cúng xuống thì lập tức cả bát hương bùng bùng cháy. Nhiều người reo lên: hóa rồi. Có lẽ dưới lạnh lẽo hàng trăm thước nước, các chiến sĩ đã nhận được tấm lòng của những người trên tàu, dù là hoa và đồ cúng mang theo tàu từ đất liền, dù được các chiến sĩ Hải Quân nâng niu bảo quản, nhưng hoa thì đã héo và chuối cũng đã thâm. Đau lòng lắm nhưng biết làm thế nào được.

          Hôm làm lễ tưởng niệm và thả hoa ở nhà giàn DK1 lại một trận mưa nước mắt nữa.

          Để có hệ thống nhà giàn vững chãi hôm nay, hàng chục cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, có những sự hy sinh nghe kể lại rất đau xót, nhưng cũng rất anh hùng, quả cảm, xả thân vì đồng đội, vì Tổ quốc…


Không ai cầm được nước mắt


Hạc giấy mọi người gấp từ đêm hôm trước, hoa thì đã héo, nhưng biết làm sao. Phía trước là nhà giàn DK11. Mình thả hoa tưởng niệm xong xuống tàu Biển đông 08 đi gần 4 tiếng nữa đến nhà giàn DK12...

          Đến đảo Nam Yết, đảo Trường Sa… nơi có các nấm mồ của các liệt sĩ, lại nước mắt lăn dài khi thắp hương.

Các liệt sĩ còn rất trẻ, có người mới nhập ngũ được 7 tháng đã hy sinh...


          Mà các liệt sĩ hải quân chúng tôi được thắp hương trong chuyến đi này toàn hy sinh trong thời bình. 64 liệt sĩ Gạc Ma thì bị kẻ thù bắn. Các anh ở nhà giàn, ở các đảo thì hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, không phải bị kẻ thù bắn, nhưng các anh hy sinh vì sóng, vì bão, vì biển khơi. Biển rất bao dung thân thiện, nhưng cũng đầy bất trắc, khôn lường. Biển có những bầy cá heo rất thân thiện với người, tôi quay được rất nhiều clip cá heo bơi theo tàu, nhảy múa khi người vỗ tay “yêu cầu”. Nhưng biển cũng có cá mập, những con cá mập hung hăng, dưới biển chúng luôn thiện chiến hơn người…

Dẫu muộn, thì vẫn là nước mắt, dù không đánh đổi được cuộc sống, không làm sống lại được những cuộc đời, nhưng có thể, nước mắt vẫn làm ấm  những trái tim đang đập và đã từng đập...
 

7 nhận xét:

Nguyễn Minh(45 tuổi) nói...

Cám ơn Anh về những bài viết về Trường Sa;càng đọc càng thấy yêu Tổ Quốc nhiều;rất mong những bài viết mới của Anh nhé!

Hiền Giang nói...

Trong bài viết tác giả có kể: Hôm thả hoa tưởng niệm ấy, có mấy sự lạ...

Xin kể thêm, hôm 14/3/2013 vừa rồi, một nhóm bạn bè chúng tôi ở Hà Nội cũng đã xuống biển Đồ Sơn thả hoa tưởng niệm và thắp nến cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma. Chúng tôi cho người đi tiền trạm từ hôm trước, được báo về là gió ở biển to lắm, không thể thắp nến được... vậy mà đêm hôm sau (nửa đêm ngày 13/3 sang ngày 14/3) chúng tôi thuê tàu ra biển thì gió yên biển lặng, chúng tôi thắp đủ 64 ngọn nến, và 64 ngọn nến cháy suốt thời gian chúng tôi làm lễ cầu siêu cho hương hồn các liết sĩ.

Nặc danh nói...

Đọc mà cũng nghẹn chảy nước mắt

Nặc danh nói...

Ôi Tổ quốc tôi.Trải bao đời vẫn đứng vững.Ngày chúng tôi là lính đảo,tuổi 18-20.Cũng có người nằm lại mãi với đảo xa.Nhưng lúc đó bọn lính trẻ chúng tôi ,thấy nó rất bình thường,chỉ thương thằng bạn là ko còn được uống cùng nhau nữa thôi.Sau này về nhà rồi,năm tháng qua đi mới thấy thương nó quá.Mà tôi tin rằng những người lính đã ở lại nguyện giữ đảo mãi mãi,không nghĩ ngợi gì đâu.Lúc đó chúng tôi chỉ 18-20 mà.

Nặc danh nói...

Bác Hùng ơi !
Những bài về Trường Sa của bác, mình đọc tất tần tật, đọc với sự kính trọng thật sự, bài đầu tiên, mình đọc mà nước mắt muốn ứa ra. Còn bài này; mình khóc, khóc thật. Bởi quá thương cho các chiến sĩ hải quân và đặc biệt đoạn về các anh hùng liệt sĩ Gạc-Ma. Mình đọc thấy bác thầm trách các người có quyền hiện nay sao không nói thẳng bọn Trung Quốc xâm lược mà cứ nói vòng vòng, Lễ tưởng niệm tổ chức ở Đà nẵng(và sau này nhiều nơi khác trên đất nước mình) là do tự phát và các hội đoàn đứng ra tổ chức.
"Căm thù lại giục căm thù ...".
Một phút tĩnh lặng nhớ về các chiến sĩ-liệt sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa-Trường Sa - dù họ chiến tuyến nào - để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt nam. HOÀNG SA -TRƯỜNG SA MUÔN ĐỜI LÀ CỦA VIỆT NAM.
TDD

Unknown nói...

đúng một tháng trước cháu đã cùng mọi người đặt chân lên chuyến tàu HQ996 để có một chuyến đi thật ý nghĩa. Hôm nay đọc bài viết của chú cảm xúc lại ùa về. Cám ơn chú đã ghi lại những dòng cảm xúc không thể nào quên trên hành trình.Cháu Linh.

Lính HQ nói...

Cảm ơn tình cảm của mọi người với các liệt sỹ đảo xa.Nhưng là một lính HQ điều tôi lạ nhất là từ 2/1979 chúng tôi đã tập trận đánh HQ TrQ và được nhắc nhở luôn cảnh giác với giặc Bành trướng,vậy mà ai đã lệnh cho lính công binh HQ không được dùng súng(kể cả AK) chống lại kẻ cướp Gạc ma để hy sinh tới 64 người và bị bắt 9 người? Ai?.Mọi người luôn hướng ra Trườngsa,song tôi đã đọc biết Chủ tịch tỉnh Bình dương chờ ra TRSa khi biển động đã thôi và không cho đoàn văn công tỉnh ra phục vụ lính đảo nữa.Tôi đã gặp nhiều lính đảo tuyệt vời:hơn chục năm là Chiến sỹ thi đua nên luôn được tín nhiệm trực chiến ở đảo xa lúc căng thẳng nhất-và bù lại là gì? là không được xem văn công,và mãi không lấy được vợ.Lính nói:ai khôn cứ khôn hết phần người khác !Và tôi chảy nước mắt cho cả Lính đảo đang sống.