Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

PHÚ THIỆN, MỘT THOÁNG...


Những đàn lợn xệ vú teo tóp dàn hàng trên quốc lộ 25 và những ánh mắt trẻ con Jrai buồn hiu hắt cứ ghim vào tôi, thảng thốt trên những chuyến xe đò chất ngất khách khặc khừ bò qua Phú Thiện khiến chiều Tây Nguyên có nỗi buồn rất khó tả…


PHÚ THIỆN, MỘT THOÁNG…
Ghi chép của VĂN CÔNG HÙNG

          Không có nhiều duyên nợ với Phú Thiện kiểu như sống chết với nó, từng này từng kia với nó, nhưng tôi cũng đã vài chục năm dọc ngang nơi này, cũng đủ thân thuộc để không bỡ ngỡ mỗi khi có dịp ghé qua Phú Thiện.

      Là từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi đã từng có những chuyến ngủ đêm ở Chư A Thai. Nhớ hồi ấy đi cùng mấy nhà văn của nhà xuất bản Phụ Nữ, những là anh Nguyễn Sinh, các chị Nguyễn Thị Hồng, Vũ Thị Hồng, mấy chị hội phụ nữ tỉnh… Đêm mùa khô cao nguyên, lạnh và gió và bụi. Như đặc quánh lại cái lạnh khô khốc và cả cái bóng đêm lòe nhòe phập phù cái bếp lửa giữa sàn nhà Jrai. Chúng tôi bắt chước người dân khi ngủ ở nhà sàn không có chăn: nằm quay chân vào bếp lửa. Ấm chân là ấm cả người. Nhưng mà rồi cũng không ngủ được. Gió từ dưới sàn luồn lên, từ vách nhà bằng le hổng hươ hổng hoác lùa vào, mang theo cái lạnh khô rất đặc trưng Tây Nguyên mà không nơi nào có. Tôi ngồi dậy hí hoáy trò chuyện với chủ nhà và đã sưu tầm trong cái đêm lạnh không ngủ ấy sự tích về Ayun Hạ. Họ - đôi trai gái người Gia rai ấy- yêu nhau say đắm. Gặp năm trời hạn hán, vì nơi đây cách mặt nước biển rất cao, hơn nghìn mét nếu tính từ đỉnh đèo Chư Sê và hai trăm mét tính từ Plei Ơi, không chỉ cây cối súc vật mà cả dân làng có nguy cơ bị cơn khát giết chết, chàng trai xung phong đi tìm nguồn nước. Từ đèo Tô Na, chàng băng qua 3 con sông cạn nước, qua 7 cánh rừng cháy nắng... đến chân đèo Chư Sê vẫn chưa tìm được nước thì hóa đá. Người con gái đi tìm người yêu, ròng rã hàng tháng trời, đến khi gặp được người yêu thì nàng cũng hóa đá. 2 hòn đá khổng lồ ấy giờ vẫn sừng sững ở chân đèo Chư Sê, ngay đường vào đầu mối của công trình thủy lợi Ayun Hạ...

          Hồi ấy, những chuyến xe Pleiku – Ayun Pa bao giờ cũng qua Phú Thiện. Khô khốc những làng người Jrai lơ thơ bên đường. Những đàn lợn xệ vú teo tóp dàn hàng trên quốc lộ 25 và những ánh mắt trẻ con Jrai buồn hiu hắt cứ ghim vào tôi, thảng thốt trên những chuyến xe đò chất ngất khách khặc khừ bò qua Phú Thiện khiến chiều Tây Nguyên có nỗi buồn rất khó tả…

          Thế rồi công trình thủy lợi A Yun hạ mở ra. Phải nói đây là kỳ tích trên cao nguyên. Từ một nơi khô khát như thế, bây giờ 13.500 héc ta đất khô khốc ngày nào trở thành ruộng nước. Ruộng nước, nó không chỉ là ruộng được… tưới nước, mà nó là sự đổi đời thật sự của những cư dân nương rẫy lâu nay canh tác phát đốt chọc trỉa mỗi năm một vụ được chăng hay chớ phụ thuộc vào nước trời, giờ trở thành cư dân lúa nước. Nó là sự thay thế truyền thống canh tác dẫn đến sự tiếp cận văn minh và giao thoa văn hóa, tạo nên những biến đổi to lớn về cả đời sống vật chất và tinh thần của người Jrai. Điều không tưởng đã trở thành hiện thực trên cao nguyên ngàn năm khô khát này: 13.500 ha lúa nước đã hình thành nên một vựa lúa khổng lồ với năng suất rất cao ở một nơi cao 200m so với mặt nước biển. Sự kiện này kéo theo sự đổi đời vĩ đại của cả một vùng đất, từ nền văn minh nương rẫy tự cung tự cấp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên tiến đến nền văn minh lúa nước hòa nhập vào đời sống thị trường hôm nay là một bước tiến dài của bà con dân tộc Gia Rai sinh sống ở thung lũng Ayun Pa đã hàng ngàn đời. Vâng, vẫn nhắc thung lũng Ayun Pa dẫu bây giờ đã là Phú Thiện, là bởi, sau giải phóng, cả vùng thung lũng rộng lớn này được gom về một huyện là huyện Ayun Pa. Nguyên một tỉnh trước giải phóng giờ biến thành một huyện, nó ì ạch phát triển trong sự trì trệ chung của xã hội thời bao cấp. Thế rồi khi công trình thủy lợi Ayun hạ hoàn thành, huyện Ayun Pa tách thành 3, thị trấn Ayun Pa và vài xã lân cận thành thị xã, các xã phía bắc thành huyện Phú Thiện và các xã phía đông thành huyện Ia Pa… Một thời kỳ mới của Phú Thiện mở ra…

Cũng chả ngẫu nhiên mà trong cuộc gặp mặt báo chí đầu xuân, huyện ủy, ủy ban Nhân dân huyện Phú Thiện đã tổ chức đưa anh chị em dạo lòng hồ và ăn trưa một cách rất dã chiến trên một hòn đảo giữa cái lòng hồ mênh mông ba mươi bảy cây số vuông dài hai lăm cây số này. Đi mới biết rằng là dưới lòng hồ mênh mông kia là 3000 ngôi nhà mồ đã hỏa táng và người ta đã phải mất đến 3 năm mới giải quyết xong vấn đề phức tạp và nhạy cảm này, rằng là người ta đã phải di rời 21 làng khỏi lòng hồ với kinh phí đền bù khoảng 10 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với hồ Ia Ly, rằng là có khoảng chục công nhân đã ngã xuống trên công trường này v.v...

Đây là một công trình vừa thi công vừa đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả ngay. Có thể hình dung thế này chăng, hàng ngàn năm đất cứ khô câng cấc như thế, và được bồi đắp, phân hóa bởi lá mục, nham thạch, bởi chính mồ hôi của con người trong quá trình vắt đất tìm nguồn sống... đến một ngày bỗng bở tơi ra bởi nước. Và vì thế mà từ con tôm con cá cho đến cây lúa cứ lớn lên vùn vụt. Phạm Nhuần, phó chủ tịch huyện Phú Thiện khoe với tôi con số 253 triệu m3 mà lòng hồ này đang chứa, tuy thế, phần lớn nó lại thuộc huyện… Chư Sê chứ Phú Thiện chỉ quản có mỗi… con đập. Tôi quen Phạm Nhuần từ hồi anh còn ở sở Nông Lâm, hồi ấy  thi thoảng anh em đã ngồi với nhau trong mối đồng cảm của những trí thức xa quê bởi cơ quan anh có một ông kỹ sư làm thơ là Phạm Đức Long. Từ sở nông lâm anh lên văn phòng tỉnh ủy, rồi lại “hạ phóng” xuống làm phó chủ tịch huyện. Cũng như bí thư huyện ủy Đỗ Ngọc Thành, chúng tôi cũng quen nhau từ hồi anh còn làm phó giám đốc nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh. Chính trong hôm gặp mặt báo chí đầu năm ấy anh kể cảnh anh tổ chức những đêm thơ mà không có… tiền. Đọc thơ diễn thơ xong anh dẫn các nhà thơ ra cái quán cà phê bên cạnh đấy uống rượu Rhum sex. Rượu rhum hồi ấy nấu bằng mật mía dùng để pha cốc tai, chúng tôi kêu cả ly nguyên chất thế uống với… muối bột. Tráng muối vào miệng ly rồi uống vòng quanh. Thế mà cái thời đói khổ ấy mãi cứ như một dòng hiện thực lãng mạn lai láng chảy trong ký ức mỗi người để có dịp là trào ra, nóng hổi và xúc động…

          Phú Thiện là huyện mới tách ra, mới toanh tò te mọi mặt, nhưng có ưu điểm là nằm ở trung tâm kinh tế của cụm Đông Nam tỉnh Gia Lai nên việc thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp khá thuận lợi. Có tiềm năng về du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng lòng hồ Ayun Hạ, có nguồn nước phát triển dồi dào phát triển cây lúa nước… Tuy thế xuất phát điểm quá thấp, trình độ dân trí không cao, nguồn vốn xã hội ít ỏi… Những điều ấy đặt lên vai dàn lãnh đạo huyện những thách thức không nhỏ. Hiện nay Phú Thiện là địa bàn sản xuất lúa nước quy mô lớn nhất tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên với hơn 6000 ha lúa nước hai vụ, là vùng nguyên liệu mía đường lớn của tỉnh với hơn 3000 ha và là vùng sản xuất chuyên canh một số cây khác như Ngô, sắn, đậu, thuốc lá… Những con số này chỉ mươi năm trước là điều không tưởng, hai chục năm trước là điều hoang tưởng…

          Nhân nói về du lịch, có lẽ không thể không nhắc đến một địa danh nổi tiếng, làng của Vua Lửa từng sống, Plei Ơi.

Từ trung tâm thành phố Pleiku, xuôi về hướng đông nam sáu mươi cây số, vượt qua đèo Chư Sê, ta sẽ đến một vùng đất cực đẹp, một đồng bằng giữa cao nguyên hùng vĩ. Sau khi công trình thuỷ lợi Ayun hạ hoàn thành, nơi đây đã trở thành một đồng bằng thứ thiệt với mười ba ngàn năm trăm héc ta ruộng lúa nước. Lọt thỏm giữa mênh mông ruộng nước và lúa ấy là ngọn núi Chư Tao Yang, không cao lắm (209,5m) nhưng nó chứa trong lòng một huyền thoại, một sự kiện văn hoá tín ngưỡng: Cây gươm thần của Pơtao Pui ("vua" lửa). Thanh gươm được cất rất kỹ trong hang, phần lớn là... chưa ai được thấy, kể cả một số người có trách nhiệm của tỉnh Gia Lai và huyện Ayun Pa cũ, bây giờ là Phú Thiện. Phải qua hai ngách hang thì mới đến nơi cất gươm. Cửa hang chỉ rộng chừng 70cm. Lách qua cửa hang này, sẽ gặp một nhánh hang nữa. Và đây chính là nơi mà chiếc gươm đang ẩn mình, mà người duy nhất có thể vào sau khi đã làm lễ cúng là Pơtao Puih Siu Luynh. Nhưng ông đã băng hà năm 1999. Bên cạnh núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi), quê hương của các Pơtao Pui. Nó thuộc xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai.

          Chúng ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jơrai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jơ Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa...

Trong hệ thống các "vua" mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm "vua" lửa, "vua" nước, "vua" gió... thì "vua" lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người JRai. Ông "vua" này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là "vua" nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa? và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng? Cái thanh gươm của "vua" nghe đồn là gươm thần được tôi bằng máu người mới nguội. Đây là một thanh gươm có thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã hơn ba chục năm, nhiều lần ngồi... uống rượu với “vua”, nhiều lần lờn vờn quanh cái hang ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm với "vua". Theo suy đoán của người viết thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền còn thì ít nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông (các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn đá suối hoặc xương thú...). Nguồn gốc thanh gươm của Pơtao Puih theo truyền thuyết như sau: nó do anh em T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về phía nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu các nô lệ (?) và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với thần linh? Từ năm 1904, một viên sĩ quan Pháp (có tài liệu nói là cố đạo, là nhà khoa học) tên là Odend’hal cùng 4 tuỳ tùng chỉ vì lý do cứ đòi xem gươm cho bằng được, đã bị dân làng giết chết. Tôi đã khá nhiều lần được tiếp xúc với... "vua" và thấy đấy là một người đàn ông Jrai hiền lành, có vợ con đàng hoàng, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng phải nhờ người lên rẫy, cách nhà hàng 5, 7 cây số tìm, vì ông suốt ngày làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là... làm kinh tế từ... danh hiệu "vua" khi ai muốn chụp ảnh ông đều phải... cho tiền.

Dưới góc độ lịch sử thì trong nửa đầu của thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, những tộc người ở Tây Nguyên là nạn nhân của những cuộc xung đột triền miên giữa Lâm Ấp và Phù Nam, tiếp theo là Chiêm Thành và Chân Lạp nên họ phải lùi sâu vào những vùng núi cao, hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Và vì thế mà họ biết đến nghề rèn khá muộn màng. Và khi những công cụ rèn đầu tiên xuất hiện với tất cả những tính năng ưu việt của nó so với trình độ săn bắt hái lượm và phát đốt chọc tỉa lúc bấy giờ, nó được gán cho yếu tố thần linh (người Tây Nguyên theo tín ngưỡng nguyên thuỷ “vạn vật hữu linh” nên việc này cũng là điều dễ hiểu). Và khi gươm đã được “phong thần” thì việc tìm một người để giữ gươm như giữ vật linh là đương nhiên. Pơtao Puih có thể đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế...

Làng "vua" lửa ở là Plei Ơi (Plei = làng) đã được bộ Văn hoá Thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1993. Khi ông mất, cả  Plei và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn?

Chúng tôi vừa trở lại Plei Ơi, ngôi làng cũ bây giờ về cơ bản đã khác hoàn toàn. Ngày xưa, ngôi làng này đặc trưng là một làng Jrai với những ngôi nhà sàn liền kề, loi xoi lúp xúp quây quần rất đẹp quanh ngọn núi Chư Tao Yang. Nhà "vua" lửa vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Bây giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, cột ăng ten ngất nghểu... Ngôi nhà sàn của "vua" để không, cũ nát xiêu vẹo. Bà vợ ông Siu Luynh giờ ở một ngôi nhà xây nền xi măng cách đấy khoảng năm chục mét cùng với con cháu. Cái trống da voi trắng để sau lưng cái... tivi. Bộ chiêng cổ xếp dưới gầm giường bụi và mạng nhện giăng đầy. Có một điều lạ, có thể là vô tình: Khi về đổ ảnh trong máy ra, tất cả những tấm ảnh chụp bộ chiêng, trống cổ của "vua" và bà vợ "vua" đều bị thừa sáng hoặc mất nét, nhòe nhoẹt, còn những bức khác thì không sao...

Đã một trời một vực cái thời mà tôi kể ở đầu bài viết này. Bây giờ Phú Thiện sầm uất, xum xuê và đầm ấm. Tuy thế, phải thành thật với nhau, nếu chỉ trông vào cây lúa nước như hiện nay thì cùng lắm là xóa đói và xóa cả nghèo, chứ còn làm giàu thì hơi khó. Lãnh đạo huyện Phú Thiện hiểu điều ấy và họ rất trăn trở. Một kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện đã được đặt ra, tức là sẽ có những vùng rộng lớn được quy hoạch để trồng lúa chất lượng cao với diện tích lên đến 4000 ha. Một kế hoạch khoanh vùng nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi bò cũng đã triển khai…

Thích nhất là bây giờ, giữa mùa khô, hơi nước cứ rời rợi phả vào mặt trong cái xanh nõn mắt của lúa đang thì con gái. Chợt nhớ bài thơ tôi viết hồi nào khi lần đầu tiên cái cao nguyên nứt nẻ này đón dòng nước mát từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, xin chép ra để kết thúc ghi chép này:

GHI Ở AYUN HẠ

          Ði dọc Chư A Thai
          tôi gặp những chiếc thuyền giấy chở ước mơ tuổi thơ trắng đồng Ayun hạ
          mênh mang hương cốm
          nước reo nước hát nước cười

          Ơi những cơn khát bazan nghìn năm
          và cũng nghìn năm bước chân lãng du trên triền đất chết
          những đêm dài thao thức
          cơn mưa nhoè giấc mơ

          Bây giờ thì lúa đang xếp hạt ngoài kia
          nước mát lịm trong veo đôi mắt già làng
          phập phồng non tơ nu nú cọng cỏ gà biếc xanh bờ giậu
          nhon nhót tiếng cười oà vỡ niềm vui

          Bây giờ thì vĩnh viễn rời xa cơn khát
          rời xa đói nghèo
          hiền hoà vầng mặt trời tháng bảy
          lúa cười như hát

          Neo vào vầng trăng tiếng dế mùa màng
          neo vào niềm vui tuổi thơ nước mát
          lăn tăn mùi bùn ngấu trong tiếng ếch
          mùa vàng...

                                                          Pleiku 2/3/2013








1 nhận xét:

luân 320A nói...

Hay . Cám ơn VCH . Đọc đến đâu tôi hình dung ra vùng đất này đến đấy . Kỉ niệm của một thời đánh giặc .