Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

LẠI VẪN LÀ NHÀ RÔNG...

Báo Nhân Dân mới mở mục "Bình luận phê phán", ông bạn Nguyễn Hòa bảo viết cho một bài về cái món Nhà Rông. Viết thì viết, nó ngang ngược thế mà. Cũng luột mất mấy tuần vì "mới năm mới không muốn phê mạnh quá", hôm qua thì đã in...




LẠI NÓI CHUYỆN NHÀ RÔNG VÀ NHÀ RÔNG VĂN HÓA…

          Nhà rông từ lâu đã được coi như là biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ. Nó mang nhiều ý nghĩa trong đời sống đồng bào nơi đây, vừa là vật chất vừa là tinh thần, vừa là quyền uy của làng vừa là thần quyền. Truyền thuyết kể rằng, vốn dĩ ngày xưa các dân tộc trên dải đất chữ S ấy đều là anh em chung trong một nhà, nhưng cho đến một ngày bố mẹ sinh nhiều quá, chỗ ở chật chội nên tất cả thống nhất sẽ làm một cái nhà thật to và cao để tất cả cùng có chỗ ở. Thế là tất cả anh chị em xúm tay vào làm, vào rừng chặt cây cắt tranh rồi dựng nhà. Ngày này sang tháng khác cái nhà cứ cao dần, cho đến một ngày thì người đứng dưới nói lên người trên không nghe rõ tiếng… và thế là sinh ra các dân tộc. Và cũng tất nhiên, những người phía trên của mái nhà ấy là là các tộc người Tây Nguyên.

          Để làm được nhà rông không phải dễ, thường thì mỗi làng, thậm chí là vùng, chỉ có một vài người, vừa là do năng khiếu bẩm sinh, vừa được truyền nghề, để có thể chỉ huy dân làng làm được nhà rông. Nó hoàn toàn chỉ là tranh tre nứa lá, chỉ hoàn toàn dùng rìu và dao rựa, thế mà cao vút, mà uy nghi, mà tinh tế, mà chống chọi với gió Cao Nguyên mùa khô và mưa thối đất mùa mưa…

          Nhà rông nó vừa là nơi dân làng tụ tập sinh hoạt, như một trái tim của làng, nên nó đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của đời sống như có chỗ ngủ, có bếp lửa, có nơi dành cho khách. Khách đến làng thì mời lên nhà rông, và ở đấy như ở nhà mình. Đến bữa dân làng sẽ mang đồ ăn đến, nhà nào cũng mang đến mời khách, và khách trở thành khách chung của tất cả mọi người. Có nơi cho dân làng hội họp, là sàn rộng để ngồi, sàn thưa để uống rượu cần và… nhổ nước bọt… Làng nào không có nhà rông bị gọi là “làng đàn bà”, và ở một số làng, người ta còn cẩn thận làm đến… 2 nhà rông, gọi là nhà rông cái và nhà rông đực. Cái dành cho đàn bà và đực dành cho đàn ông. Tối tối các chàng trai chưa vợ hoặc đàn ông chết vợ thường lên nhà rông chơi rồi ngủ ở đấy. Tôi đã rất nhiều lần ngủ ở các nhà rông của làng, chứng kiến rất nhiều đêm Tây Nguyên thầm thì trong giấc ngủ chập chờn của mình. Nhưng nhà rông còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn chi phối đời sống tinh thần của làng.

          Từng dân tộc có kiểu làm nhà rông khác nhau dù mới nhìn chúng ta tưởng là chúng giống nhau. Nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng, trong khi nhà rông của người Xê Đăng lại vút cao uy vũ. Người Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh thì của người Ba Na lại mềm mại như con gà mẹ đứng giữa đàn gà con là các nhà sàn xung quanh… Và cũng không hiểu tại sao mà nhà rông giờ chỉ còn ở các dân tộc ở phía bắc Tây Nguyên, từ Gia Lai trở ra đến các dân tộc ven dãy Trường Sơn ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… chứ vào phía nam Tây Nguyên, từ Đăk Lawk trở vào với các dân tộc Mơ Nông, Ê Đê… thì nhà rông không còn mà bà con dùng nhà dài, và tất nhiên ý nghĩa cộng đồng của nó không giống như nhà rông. Có nhà nghiên cứu đồ rằng, vốn dĩ xưa kia tất cả các tộc người sông ở Trường Sơn - Tây Nguyên đều có nhà rông, nhưng vì lý do gì đấy mà nhà rông dần triệt tiêu chứ không phải là các dân tộc Nam Tây Nguyên không có nhà rông.

          Về mặt nào đó, nhà rông như đình làng của người Việt, nó gắn với đời sống nương rẫy. Về vật chất nó biểu hiện sự hùng mạnh của làng, nhà rông càng to thì làng ấy càng mạnh và sung túc. Về tinh thần nó như là nơi linh thiêng, bởi người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, nhà rông cao thế, to thế… là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang, vì thế, tất cả các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong bất cứ nhà rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà rông đều phải trang trí rất đẹp với các hoa văn, họa tiết mô phỏng hỉnh mặt trời, rau dớn vân vân…

          Không biết tự năm nào, chúng ta quyết định giúp dân làng bằng cách làm cho họ các… nhà rông văn hóa.

          Hàng loạt các nhà rông văn hóa đã ồ ạt ra đời trong vòng vài chục năm qua, hình như chưa ai thống kê xem trên tất cả các buôn làng Tây Nguyên hiện đang có bao nhiêu nhà rông Văn hóa.

          Nhà rông văn hóa xuất hiện từ nhiều nguồn. Ban đầu là từ các dự án của Bộ Văn hóa (cũ), sau đấy là của các đơn vị nhà nước “tặng” nhân dân Tây Nguyên (hoặc ngược lại nhân dân Tây Nguyên từng ra công viên Hà Nội làm một cái nhà rông to vật vã tặng thủ đô Hà Nội, và cái nhà rông tốn rất nhiều công sức tiền của này tự nhiên bị cháy sau đấy chỉ vài năm). Sau nữa là của các dự án di dân đền bù… dù từ nguồn nào, từ ai làm thì, điểm chung nhất là đồng bào đều rất ít sử dụng nó, đều coi nó không phải là của mình. Chả thế mà cách đây gần hai chục năm, ông Sô Lây Tăng, một trí thức người Giẻ - Triêng, khi làm bí thư tỉnh ủy Kon Tum đã ra hẳn một chỉ thị “giữ gìn và bảo tồn nhà rông truyền thống” cho riêng tỉnh Kon Tum và ông ra lệnh "không chi thiết kế phí cho nhà rông".

          Người ta đổ tiền đổ của vào xây dựng các nhà rông văn hóa, bất kể nó có là… nhà rông hay không, bất kể là đồng bào có sử dụng hay không?

          Tất nhiên ban đầu là từ ý tưởng tốt đẹp, nhưng sau đó nó trở thành… dự án nên cái ý tưởng phi thực tế kia trở thành nơi người ta có thể “tận dụng”.

          Về nguyên tắc nhà rông bao giờ cũng nằm ở trung tâm của làng, nó đạt đến độ hài hòa kinh ngạc giữa nhà rông với cảnh quan xung quanh, với các ngôi nhà sàn của làng và với chính nó. Các nhà kiến trúc sau này công nhận, chỉ bằng đôi tay và mắt ước lượng của các nghệ nhận mù chữ, chỉ có dao và rìu mà những người dân Tây Nguyên kia đã tạo nên ngôi nhà rông rất lớn với tỉ lệ vàng. Nó đủ lớn để chứng minh sự uy dũng nhưng cũng đủ sự mềm mại để thân thuộc trong mắt mỗi người dân trong cộng đồng. Nó đủ cao to để tự hào, để người dân gửi khát vọng của mình vào đấy trong ước muốn chinh phục và cả tư tưởng thần phục nhưng cũng đủ để chống chọi với nắng với gió Cao nguyên để tồn tại như một biểu tượng vĩnh hằng của cái đẹp và sự trường tồn… Nhà rông văn hóa ra đời đã phá vỡ điều này. Nó thường là của… xã, nên sẽ đặt ở cạnh trụ sở xã. Với người dân Tây Nguyên, khái niệm xã còn rất xa lạ, bởi họ coi làng là đơn vị trung tâm, ý thức làng của họ rất lớn, vì thế khi nhà rông văn hóa nằm ngoài làng họ, họ coi như không phải của họ.

          Chưa kể còn các bất tiện khác để họ không lên, không sử dụng nhà rông văn hóa.

          Cách đây hơn hai chục năm, một cái nhà rông Văn hóa to khủng khiếp được làm tại sân trụ sở xã A Yun, huyện Mang Yang. Ông họa sĩ Xu Man là một trong những người được huy động để làm. Hồi ấy cải vỏ nhà rông được đầu tư 100 triệu và bộ ruột cũng 100 triệu, với thời giá hồi ấy thì nó khủng khiếp lắm. Và sau khi khánh thành thì… ngôi nhà cũng đóng cửa đến giờ, khi nó bắt đầu hư hỏng. Ngay cả ông Xu Man, sau khi dự cái lễ rất lớn để khánh thành, có cả “ăn trâu” nữa, thì ông cũng  không bao giờ héo lánh đến nữa dù nhà ông chỉ cách đấy một đoạn, dù cả khi chúng tôi lặn lội về làng và muốn đưa ông lên đấy để chiếu cho ông xem một bộ phim về ông ông cũng cương quyết không lên.

          Khi đầu tư làm nhà rông văn hóa người ta đã không tính đến những điều sau đây:

          Một là ý nghĩa tâm linh đã không còn khi không có nơi để vật thiêng, dù vật thiêng có khi chỉ là hòn đá, cái nanh thú, con dao… nhưng nó là nơi  dân làng gửi niêm tin vào đấy, nơi người ta trao gửi ước mơ, khát vọng và những điều sâu xa thầm kín.

          Hai là như đã nói, người Tây Nguyên không hình dung nổi một ngày nào đó lại… thờ chung Yang, lại cùng người làng khác “đối thoại” với Yang từ cái nóc nhà rông cao vút kia, từ cây nêu mềm mại trước sân kia?

          Ba là về sự tiện dụng. Nhà rông truyền thống được lát sàn bằng le, chừa các kẽ hở với rất nhiều tác dụng. Khi uống rượu ghè thì dứt khoát sẽ có nước chảy ra, nó theo các kẽ hở kia lọt xuống sàn ngay, chứ không ướt tẹp nhẹp như cái sàn xi măng hoặc ván khít khịt của nhà rông văn hóa. Họ hút thuốc rất nặng nên hay nhổ, cái kẽ nhà sàn kía tiện dụng vô cùng chứ cái nhà rông văn hóa không có. Nhà rông truyền thống là của chung của làng nhưng cũng chính là của từng người, trên ấy thanh niên chưa vợ và đàn ông chết vợ có thể lên ngủ hàng đêm, nhà rông văn hóa không có điều này vì đến khuya là khóa bởi nó liên quan đến máy móc được trang bị trong ấy.

          Bốn là nó không còn là sự tự hào của làng nữa, nó là của nhà nước làm cho, vậy nên dẫu có rồi, từng làng vẫn cố để làm một cái nhà rông truyền thống của mình. Lúc ấy nhà rông văn hóa trở thành… biểu tượng.

          Năm là bộ ruột. Nhà rông văn hóa được trang bị rất hoàn hảo để trở thành một “thiết chế” gồm máy nổ, loa đài, ti vi đầu chiếu… nhưng họ quên… chi phí vận hành. Ở cái nhà rông văn hóa xã A Yun đã kể, sau vài buổi ban đầu chiếu phim Video thì phải nghỉ vì không có tiền thuê băng, không có tiền mua xăng chạy máy nổ, và cả không có tiền để cử một ông nào đó phụ trách cái nhà rông ấy… thế là phương án khóa lại trở thành an toàn nhất để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

          Sáu là nó phá vỡ sự hài hòa và cả yên bình vốn có của các làng Tây Nguyên. Hãy hình dung giữa những ngôi nhà sàn lúp xúp lại bật lên một khối bê tông lù lù với mái tôn lạnh lẽo và thô kệch. Dẫu chả được học hành gì nhưng bằng đôi mắt và kinh nghiệm sống hàng vạn năm để tồn tại giữa tự nhiên, đồng bào cũng hiểu rằng, muốn tồn tại giữa thiên nhiên thì phải dựa vào nhau trong mối quan hệ tương hỗ, trong sự xẻ chia tin cậy. Thế mà giờ, cái sự hoành tráng kia như tự trời xanh lọt xuống, nó cách bức và xa lạ…

          Vân vân và vân vân…

          Thế nên bây giờ, nếu về các làng đồng bào Tây Nguyên chúng ta sẽ thấy một nghịch lý, là bên cạnh ngôi nhà rông văn hóa hoành tráng đứng đâu đó ở đầu làng, thì giữa làng vẫn có những ngôi nhà rông nhỏ bé thôi, nhưng ấm áp và thân thuộc, và ngôi nhà rông này là nơi dân làng thường xuyên lui tới, còn ngôi nhà rông văn hóa kia năm thì mười họa mời bà con lên họp khi có cán bộ về phổ biến gì đó, họp xong họ lại về nhà rông của họ uống rượu, chuyện trò và sinh hoạt như hàng ngàn năm nay họ đã từng…

          Chúng ta đã rất duy ý chí khi cố tình áp đặt tư duy của mình vào cho người khác, dù có thể tư duy ban đầu ấy là tốt. Ông họa sĩ Xu Man người Ba Na, đã từng nhiều năm là ủy viên Ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam, khi về hưu đã cương quyết về làng ở, dù tỉnh Gia Lai – Kon Tum hồi ấy có nhã ý xây biếu ông một ngôi nhà ở thị xã. Thì người ta mang ngôi nhà ấy về làng xây cho ông. Rất nhiêu khê vì hồi ấy chuyên chở vật liệu rồi thuê nhân công về làng rất khó khăn, rồi ngôi nhà cũng hoàn thành. Nó là một sự kiện ở làng vì lần đầu tiên làng có nhà xây. Ông Xu Man cùng vợ con khúm núm cảm ơn “Đảng và chính phủ” nhưng khi quan khách dự khánh thành vừa về thì tất cả con cháu được ông huy động cấp tập để làm một ngôi nhà sàn phía sau đấy để ở, còn cái nhà xây tốn khá nhiều tiền kia ông dành để… làm kho và tiếp khách người Kinh mỗi khi có ai đó lạc bước về làng và ngủ qua đêm.

          Và bên bếp lửa phập phù tối sáng của ngôi nhà sàn phía sau ấy, khá đông văn nhân nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ người Kinh, từ khắp nơi về thăm ông, đã quây quần uống rượu cần, rồi châu đầu vào ngủ giữa những mùa khô lạnh giá mà vẫn ấm áp, vì nó chính là hơi thở Tây Nguyên, đời sống Tây Nguyên, tâm hồn Tây Nguyên. Phía trước ngôi nhà sàn ấy là cái nhà rông truyền thống cũng thường xuyên được dân làng sử dụng, nó chỉ cách ngôi nhà rông văn hóa hoành tráng của xã Ayun mấy bước chân mà một trời một vực…
                                         HOÀNG HƯƠNG GIANG

2 nhận xét:

ngoc nói...

Hay quá bác ơi.

Unknown nói...

cám ơn bài viết của tác giả