Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

ĐỒNG HÀNH VỚI TRẺ



         
          Là một người cũng có sự gắn bó mật thiết với nhiều thế hệ người viết ở Gia Lai, đã từng là trẻ, và giờ thì vừa thoát ngưỡng trẻ, nhưng được các bạn viết trẻ tin cậy, vừa coi như anh vừa coi như bạn, qua thực tiễn hoạt động phong trào, tôi thấy có vài điều trao đổi trong việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ.

He, ảnh chụp lại từ báo VNT sáng nay...


          Một là muốn phát hiện, bồi dưỡng thì trước hết anh phải là người trong nghề, được người viết trẻ tôn trọng. Không hiểu biết về văn chương mà đi phán văn chương là giết chết văn chương, dù anh có tâm. Một lời khen quá đà có khi giết chết một tài năng mới nhú. Và ngược lại, một câu chê không đúng chỗ cũng đủ để một người bỏ bút. Khác với các thế hệ trước, thế hệ trẻ ngày nay còn nhiều mối quan tâm. Họ không coi văn chương như một sự sống chết. Nên nếu không khéo léo thì họ sẵn sàng bỏ đi, không chơi với chúng ta nữa. Mà làm văn chương khi đã mất lửa thì rất khó để nhóm lại, dù chúng ta có nhiệt tình đến đâu chăng nữa. Thêm nữa khi đã phát hiện được thì người phát hiện phải có điều kiện và uy tín để giới thiệu họ một cách thận trọng và sang trọng. Tôi là Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ tỉnh nên có điều kiện để giới thiệu. Ví dụ tôi mở mục “Sáng tác trẻ” để giới thiệu các tác giả mới. Tác phẩm đầu tiên được in là vô cùng quan trọng với người cầm bút. Tôi đã trải qua nên thấu hiểu điều ấy. Có thể in xong tác giả ấy sẽ tiếp tục phát tiết thăng hoa, nhưng cũng có thể in xong là anh ta chết luôn, vì hai nhẽ, tự ti và cả tự hoắng. Bệnh tự ti có thể chữa, nhưng tự hoắng trong văn chương là coi như tự sát. Nên người quyết định in tác phẩm đầu tiên của tác giả trẻ phải có kinh nghiệm, để họ tiếp tục phát triển một cách bình thường. Ngoài ra, bằng uy tín cá nhân, tôi giới thiệu tác phẩm của họ cho các tờ báo văn chương uy tín của quốc gia. Đầu tiên là tờ Văn Nghệ trẻ, sau đấy là Văn Nghệ, Văn Nghệ quân đội, các tờ báo có trang văn nghệ khác. Có lần tôi tổ chức một trang thơ Gia Lai cho báo tuổi trẻ, họ mừng vì được in ở đấy một phần, nhưng phần nữa, khi nhuận bút gửi về họ phát hoảng luôn, vì nó quá cao so với hình dung của họ. Từ đấy họ thấy, té ra, văn chương không chỉ có danh, mà còn có… thịt.

Nói luôn là để có một đội ngũ đồng đều như thế xuất hiện không dễ. Một mặt nó như là có chu kỳ ấy, như cái lớp đang chín ở Gia Lai bây giờ với Hương Đình, Thu Loan, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào... là được phát hiện từ một cái trại năm 1985, mặt nữa vai trò bà đỡ, phát hiện, bồi dưỡng và nâng niu họ là rất quan trọng. Tỉnh lẻ mà, họ còn rất nhiều việc phải làm để kiếm sống, rồi cái mặc cảm tự ti, rồi ít được cọ xát... những người đi trước phải biết động viên họ, giới thiệu họ một cách đúng mực. Lơ đãng quá thì họ nghỉ chơi, mà quýnh quáng quá lỡ họ lên đến mây xanh rồi cũng... khó xuống…

          Hai là          vai trò của hội văn học nghệ thuật. Tôi cho rằng, đã làm ở hội, thì nhiệm vụ cao cả và là lý do để anh tồn tại là phải chăm lo cho phong trào, phải vì đội ngũ tác giả, tất nhiên trong đấy có tác giả trẻ. Trên đời chín người mười ý, nhất là văn nghệ sĩ, ai cũng muốn và nghĩ mình là số 1, không có số 2, số 3, may lắm đến số 10 mới có. Tâm lý này cũng có ở người trẻ. Nhưng tôi nghĩ, văn chương nghệ thuật hữu xạ tự nhiên hương, tác phẩm của anh thế nào thì bạn đọc và công chúng người ta đánh giá. Còn đây là trong sinh hoạt, vài anh hoắng tí bột phát cũng chả sao, mình nhịn là xong. 


Từ tấm lòng ấy mà nghĩ ra việc, ví dụ như phải tạo điều kiện cho họ cọ xát. Sáng tác là hoạt động tự thân, là việc cá nhân của họ, nhưng cọ xát, trao đổi, gặp gỡ với đồng nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Tôi thấy cứ sau mỗi hội nghị viết trẻ, một loạt tác giả trẻ lại nổi lên. Đọc nhau online, nhưng khi được offline nó gợi hứng cho người viết rất nhiều. Và trong ấy có cả sự thi đua ngầm bên cạnh việc rút kinh nghiệm của nhau, truyền lửa cho nhau.

Một việc nữa tưởng đơn giản mà lại không dễ, ấy là việc sử dụng công nghệ vào sáng tác và đọc của nhau và phát hiện tài năng trẻ. Phần lớn các trao đổi của tôi với các bạn viết trẻ bây giờ là trên Email. Toàn bộ mấy chục số Văn Nghệ trẻ tôi cộng tác mục “Thơ trẻ với lời bình” là chúng tôi làm việc trên Email. Việc phát hiện ra tác giả trẻ miên di cũng là từ trên mạng. Tối ấy lang thang trên mạng, tôi đọc được một bài rất hay về văn trẻ và các trào lưu văn học, có nhắc đến Tây nguyên. Tôi comment vào đấy xin bài này về in tạp chí. Sau đấy tạp chí ra tôi lại comment vào xin địa chỉ để gửi tạp chí biếu và nhuận bút vì tôi vẫn đinh ninh bạn này ở Hà Nội. Mấy ngày sau thì một gã trai hầm hố xuất hiện tại phòng tôi nói tôi là miên di đây. Té ra bạn này là chủ một nhà hàng ở Pleiku lâu nay lặng lẽ viết và chỉ đưa lên mạng. Nếu không chịu khó lướt mạng có lẽ miên di vẫn sáng tác nhưng anh ta vẫn chỉ công bố trên mạng, không xuất hiện ở hội nghị văn trẻ, không in trên các báo văn nghệ chính thống, không đi thực tế cùng ban văn trẻ Hội Nhà Văn mấy chuyến… và ai biết điều gì sẽ đến, chứ bây giờ, rõ ràng anh ta đang nổi tiếng.

Cái khó nhất ở các địa phương bây giờ là các bạn trẻ  không coi văn chương là một nghề để sống chết. Họ phải kiếm sống chính đáng như mọi người, vì thế họ chơi kiểu lãng tử, nên nếu không cẩn thận thì họ... nghỉ chơi. Thêm nữa, tỉnh lẻ, ít có sân chơi cho họ. Cái cảnh làm được bài thơ rồi hú nhau đến uống rượu đọc thơ bình thơ như thời chúng tôi trẻ... giờ rất hiếm, thậm chí bị coi là có vấn đề về thần kinh (!). Rồi tùy lãnh đạo từng hội nữa. Lãnh đạo mà có năng lực, quý tài năng trẻ thì khác, còn không thì, người trẻ rất dễ bị coi là kiêu ngạo, lộng ngôn, thậm chí là sẽ bị vùi dập nếu người "trên" không "thấm" được những gì người trẻ hôm nay viết. Tôi cho việc ở mỗi địa phương có một vài người viết có uy tín, thiết tha với lớp trẻ là điều kiện rất quan trọng để lớp trẻ phát triển...

Một điều tôi băn khoăn nữa, là có vẻ như người viết trẻ hiện nay đang thiếu ký ức, điều mà thế hệ chúng tôi có, và hiện nay đang xài nó. Tất nhiên không cứ phải bắt lớp trẻ giống hệt cha anh, nhưng nếu có người đi trước chỉ dẫn thì tiện lợi và rút ngắn thời gian biết bao. Điểm yếu có lẽ là họ thiên quá nhiều về cái tôi bản thể, khai thác mình quá nhiều. Họ rất thông minh nhưng hình như thiếu vốn sống. Đến tuổi này tôi mới thấy ký ức đối với nhà văn vô cùng quan trọng. Tất nhiên họ lại thừa những điều mà thế hệ tôi không có, và họ hơn hẳn chúng tôi về điều ấy… Kết thúc tôi xin kể rất nhanh về cái cảm giác mấy chục năm trước khi tôi tần ngần và sợ hãi đi qua đi về trụ sở Hội Nhà Văn khi ấy ở 65 Nguyễn Du và cả trụ sở Liên hiệp 51 Trần Hưng Đạo. Tôi biết trong ấy là các đấng, các bậc thần tượng của tôi đang ngự. Cả hàng mấy chục lần rụt rè rồi tôi mới dám bước vào, nhưng chỉ đến... cổng rồi lại hấp tấp quay ra…

Lớp nhà văn trẻ bây giờ hình như ít đi những phút giây rụ rè hồi hộp như thế. Họ mạnh bạo và tự tin, và đấy là lợi thế rất lớn của họ…
----
                                                          V.C.H



4 nhận xét:

Nông dân nói...

Những người trẻ mà làm thơ thì hoặc là đang muốn yêu nhưng không hiểu tình yêu là gì,hoặc là thần kinh có vấn đề. Nhưng người trẻ mà khi làm thơ xong lại đọc bắt người khác nghe thơ mình,thì nói như người Hà nội,đường đến Trâuquỳ gần lắm.

Nặc danh nói...

bác có thể nghe thì sửa. tít bài nhiều lần báo Văn nghệ và báo khác đã nói rồi. Đồng hành cùng, đồng là cùng, hành là đi, ko thể cùng đi cùng, có là đồng hành với, đi cùng với,... còn bác bảo quê tôi gọi như thế đấy, bác coi là đúng, ko sai, ko ai chết cả thì vái chào bác

Văn Công Hùng nói...

Tôi vái bác nặc danh 22:30 ạ. Bác chỉ rất chí lý, là cái thói quen khốn khổ nó luột đi như thế. Người chê ta là thầy ta, người chỉ ra cái ngu của ta còn trên cả thầy, là ân nhân của ta. Cám ơn bác rất nhiều...

Nặc danh nói...

em lại sợ ko đúng bác chưởi cho. Hôm nay vừa nói với TBT và BBT báo về cái tít bài xã luận của báo 55 năm HNV đồng hành cùng... sắp in đấy. Em anh ở báo VN đấy, nó hay chụp ảnh ấy và tranh luận với anh ý... thêm cho anh 1 tin chữ nghĩa. Hà Nội đang chăng đầy khẩu hiệu Kỷ niệm 40 năm chiến thắng ... Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, mới sáng tác, mà trước đây vẫn là Hà Nội chiến thắng... chứ. chào ạ.