Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

THỦY ĐIỆN TRẢ ĐŨA

Hôm qua một con đập thủy điện (may mà chưa tích nước) ở Đăk Glei, Kon Tum bị sập làm chết một người. Chủ đầu tư bảo tại cái xe ben đụng vào nên nó... sập. Cái sự nói dối trắng trợn giờ nó không chừa một ai, nhà nhà nói dối, người người nói dối, mọi tầng lớp nói dối. Đứa trẻ con nó cũng biết là nếu cái xe ben đụng vào mà nó sập được thì khi tích nước nó sẽ như thế nào? Thế mà các ban ngành tỉnh Kon Tum và huyện sở tại thì... nhờ đọc báo mới biết đập vỡ.

Dù đã được cảnh báo từ rất lâu, rất sớm rằng, thủy điện nó phá môi trường kinh hoàng lắm, từ đấy nó hủy hoại sự sống, và cả lương tâm con người nữa, nhưng chả ai nghe, vẫn nhà nhà thủy điện, người người thủy điện...

Tỉnh Gia Lai Kon tum cũ đã từng rất mặn nồng với thủy điện. Ông Bí thư tỉnh ủy thời ấy là Sô Lây Tăng đã từng tuyên bố nếu trung ương không duyệt cho làm thủy điện Ia Ly thì ông sẽ... đóng khố đi họp quốc hội. Kết quả là... cầu được ước thấy. Không chỉ mình Ia Ly, mà toàn bộ hệ thống sông Sê San chỗ nào có thể làm thủy điện được là người ta đp đập làm. Và bây giờ thì chính tỉnh Gia Lai với điện lực Việt Nam đang mất ngọt mất mặn với vụ thủy điện đang làm toàn bộ thị xã An Khê khốn khổ. Con sông Ba thời ông núp đánh tây ấy đầy cá sấu, mà giờ nó trơ đáy với lổn nhổn đá. Kêu quá, nửa đêm mấy ông điện nổi hứng cho một nhát nước, thế là quáng quàng lại dậy chống... lt. Mấy năm nay bao nhiêu cuộc họp mà vẫn không giải quyết được.

Rồi thủy điện sông Tranh, dù các bác lãnh đạo bảo dân cứ yên tâm sống ở đấy, động đất thế, cho đến hiện nay, là chưa nguy hiểm. Nhưng bảo các bác vào ở với bà con, đố bác nào dám, cứ vào như chuồn chuồn đạp nước, đến nỗi lãnh đạo huyện tuyên bố: không tiếp các bác nữa. Chỉ nguyên động thái ấy, nếu là người bình thường, các bác phải xấu hổ mà... từ chức quách đi. Cũng mới biết chữ và tiếng Việt Nam nó vĩ đại thật. Các bác bảo: cho đến bây giờ thì vẫn an toàn là vô cùng chính xác, bố đứa nào cãi nhé.

Rồi thủy Điện Đồng Nai, một bên cố sống cố chết bảo vệ (là đại gia) và một bên là nhân dân bảo rằng nếu làm nó là vô cùng nguy hiểm...

Chỉ qua vụ v đập thủy điện Đăk Gleei, khối chuyện lòi ra.

Nhân đây đăng lại cái bài viết đã lâu lâu nhân sau một cơn bão:

SAU BÃO

Ngay sau cơn bão số 9 mình đã viết bài này theo yêu cầu của PTBT Phan Đình Minh cho tờ báo của anh. Bây giờ "lĩnh" thêm 2 cơn nữa, thấy té ra có nhiều điều mình nói... đúng. Đau xót, tiếc nuối, phẫn nộ... ai cũng có khi chứng kiến mấy trăm người thiệt mạng và hàng nhiều nghìn tỉ đồng của dân và nhà nước đội nón ra đi, hàng trăm gia đình tay trắng đúng nghĩa, và chúng ta, những người không bị ảnh hưởng bão hoặc ảnh hưởng ít, lại chuẩn bị rút hầu bao (trừ mấy đại gia rất giàu, cực giàu, vô cùng giàu... từ rừng, và cả những công ty Thủy điện lớn- chưa bao giờ thấy họ rút tiền ra cứu trợ đồng bào bão lụt, mà bão lụt là có công... đóng góp rất lớn của họ). Vấn đề là, chả lẽ cứ mãi mãi để con dân nước Việt ta sống thắc thỏm trong bão, và chúng ta cứ luôn luôn sắn sàng đặt tay rút ví rút những đồng tiền nhỏ nhoi của mình vì những cơn bão không phải do chúng ta gây ra...
----------------------





          Rồi dư âm trực tiếp của các cơn bão số 9, 10, 11 cũng đã qua, mọi người đã trở lại với cuộc sống thường ngày, với những nỗi đau ẩn trong lòng, và cả những nỗi đau đang gào thét trước mắt (cho đến giờ này người ta chưa biết đích xác cái vụ lở núi Nước Vin Quảng Nam làm chết bao nhiêu người, trưa nay mới thông báo đã tìm được 11 xác, chưa xác định danh tính), nhưng dư ba của nó thì vẫn còn, dai dẳng, không chỉ một tuần một tháng, mà sẽ âm ủ mãi.

          Tất nhiên đến bây giờ người ta đã thống kê được rằng, bão Ketsana to hơn, dữ dội hơn rất nhiều cơn bão khủng khiếp Xangsane năm ngoái, không chỉ bởi số người chết lớn hơn nhiều mà ở chính cái "ngoại biên" của bão. Cường độ đạt cấp 13, phạm vi rộng lớn, bão lại song hành với lũ. Bão Xangsane chỉ quét qua Đà Nẵng khoảng 2 giờ, trong khi bão số 9 từ khi cách bờ 140 km (lúc 4h sáng 29/9) đã gây gió mạnh cấp 10 cho vùng đất liền Đà Nẵng, Quảng Nam và hoành hành ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến tận 16h chiều cùng ngày. Nghĩa là thời gian tàn phá của bão số 9 là hơn 12 tiếng đồng hồ.

          Một điểm khác biệt nữa mà ai cũng nhận thấy là thực ra cả 3 cơn bão 9, 10 và 11 đều nhỏ, lượng mưa không bằng các cơn bão khác mà sao tác hại của nó lại khủng khiếp thế. Riêng cơn bão 11 là gần 150 người chết. Thì đây, câu trả lời đây: Rừng trắng trơn, các dòng sông thì bị uốn nắn đắp lại làm thủy điện và làm tất cả những gì có thể được. Đồng bằng thì chia cắt... Tóm lại là... không có chỗ cho nước chảy. Bão Xangsane người dân chủ yếu chết vì gió bão giật đổ nhà cửa, nhấn chìm tàu thuyền. Còn từ cơn bão số 9 phần lớn chết do mưa lũ. Các cơn bão vào Miền Trung Tây Nguyên đều gây ra các hệ lụy rất lớn, và nó cũng để lại những điều cần suy nghĩ, ngoài những thiệt hại đã kể trên. Thực ra lâu nay Tây Nguyên mới chỉ bị ảnh hưởng bão là chủ yếu. Do vị trí địa lý bị dãy Trường Sơn án ngữ nên bất cứ ở đâu trên nước ta bão hay áp thấp thì Tây Nguyên sẽ bị mưa, nhưng bão thực sự thì lần này là lần đầu tiên. Lần đầu tiên những người sống trên dải đất này bị bão uy hiếp nên sự lúng túng hốt hoảng trước bão là điều không tránh khỏi.

          - Trước hết là về điện. Hầu hết điện của chúng ta hiện nay là chạy trần, vì thế khi bão vào đương nhiên là bị cúp. Nếu không bị chủ động cúp thì cũng bị đứt dây hỏng lưới. Nhìn chung tất cả sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối là do mưa to kèm theo gió lốc làm ngã cây, đứt dây và làm tôn bay vào đường dây gây mất điện diện rộng tại nhiều khu vực và hầu như địa phương nào cũng bị hư hỏng. Ở thành phố còn đỡ, chứ nông thôn phần lớn là bị cúp chủ động trước khi bão vào. Thế nên trong cơn bão vừa rồi, rất nhiều người ở vùng bão đã phải điện ngược ra Hà Nội vào Sài Gòn hoặc các tỉnh không bão nhờ người ở đấy xem tivi để... theo dõi hộ bão và thông báo tình hình thiệt hại. Toàn bộ những gì mà các nhà báo phản ánh trên báo chí, đặc biệt là truyền hình, là để cho... người nơi khác xem, còn những người trong vòng ảnh hưởng của bão thì mù tịt. Thêm nữa, nếu bão kéo dài thì đến lượt điện thoại di động thành cục sắt vì hết pin, và điện thoại cố định thì lúc này cũng chung số phận với điện thắp sáng vì dây đứt. Mà điện và điện thoại mất thì internet cũng "hư vô" luôn, tóm lại lúc này hàng triệu người bị bão tàn phá trở thành người... mù vì không thể liên lạc với thế giới bên ngoài, không hiểu điều gì đang xảy ra xung quanh, ngoài bão hoành hành và trời đen kịt ngay bên cạnh mình. Nhưng với hệ thống cơ sở hạ tầng như hiện nay thì không thể không cắt điện. Ngay trong cơn bão vừa rồi cũng đã có mấy trường hợp chết vì điện, trong đó có cả công nhân điện đi sửa chữa điện sau bão (việc này xảy ra ở Quy Nhơn, khiến cô người yêu của anh công nhân này cũng đã tự tử chết sau khi từ thành phố HCM về đưa tang người yêu).

          - Rồi đến là lũ. Sau bão bao giờ cũng là lũ. Các cơn bão từ số 9 này người chết nhiều là ở những ngày lũ sau bão. Ngoài những cái chết bất khả kháng như một cô giáo cấp ba đang chở con trên đường phố Đà Lạt thì bị cây đổ đè chết, hoặc bốn công nhân bị đất lở vùi chết trên đường Hồ Chí Minh cũng như 13 người ở Nước Vin thì phần lớn các cái chết còn lại là do chết đuối, có thể là chủ quan khi qua sông suối, hoặc là khi đi thuyền bè vớt củi, đánh cá... Đây là những cái chết do ý thức chủ quan của con người, có thể tránh được nếu cẩn thận hơn và các lực lượng cứu hộ cứu nạn làm việc hiệu quả hơn, kiên quyết hơn và chúng ta dự báo được mức độ lũ ngay khi bão còn chưa tan. Kon Tum là tỉnh có số người chết vì lũ rất lớn, đều sau khi bão đã tan.

          - Một vấn đề nữa là cây xanh trong các thành phố Tây Nguyên. Thành phố không thể không có cây xanh, và cây xanh là một trong những đặc trưng của các thành phố Tây Nguyên,  nhưng khi bão, đây chính là một trong những tác nhân gây thiệt hại. Những cây xanh gãy cành, bật gốc, gãy đổ làm cản trở giao thông, sập nhà, đứt dây điện... Qua cơn bão vừa rồi, quan sát ở cả mấy đô thị Tây Nguyên thì thấy việc theo dõi, kiểm tra... đối với hệ thống cây xanh trong thành phố là rất hời hợt. Có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Pleiku khi đổ xuống mới biết bên trong đã mục ruỗng gần hết, nên khi bão nó đổ là đương nhiên. Ngoài ra cũng ở Pleiku, một loạt thông di thực 15 năm tuổi bị trốc gốc, vì thông di thực rễ rất nông.

          - Các hồ đập thủy điện ở Miền Trung Tây nguyên cũng là một mối hiểm họa trong bão lũ Tây Nguyên. Và thực tế đã có vài vụ xảy ra tranh cãi rằng việc xả hồ như thế đã đúng thời điểm chưa, vùng ấy vùng ấy bị ngập có phải do xả lũ lòng hồ như A Vương, Ba Hạ và cả Ia Ly (mình biết có một vụ xả lũ một cái hồ to lắm nhưng... chả nói)... Có nhiều cảnh báo về việc nếu không chủ động được việc điều tiết thì các hồ thủy điện sẽ trở thành những quả bom nước khổng lồ treo trên đầu hàng chục triệu người dân với biết bao ruộng nương tài sản... mà chỉ một tích tắc sẽ trắng xóa thành biển.

          Việt Nam chúng ta hàng ngàn năm nay không lạ gì với bão lũ, nhưng mỗi lần bão lũ lại vẫn thấy có rất nhiều điều lẽ ra đã không xảy ra. Các cơn bão lần này cũng vậy. Hàng mấy trăm người chết với số tài sản thiệt hại lên tới hàng nghìn nghìn tỉ đồng và di hại của nó không biết bao nhiêu năm mới khắc phục được. Chủ động phòng chống, không đối đầu mà uyển chuyển dựa vào bão để thắng bão theo kiểu lấy nhu thắng cương, không chủ quan và có những đối sách cụ thể với từng cơn bão trên cơ sở rút kinh nghiệm những cơn bão đã gặp... là những việc làm cần thiết để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất...
--------------

Bài thơ này làm mấy năm rồi, mình đã từng mừng vì bão đã không vào Miền Trung:

BÃO KHÔNG VÀO MIỀN TRUNG


rồi bão đã không vào
                biển như là xanh từ chín kiếp
                những lứa đôi lại đi
                đường chênh chao sóng


                cơn mơ còng gió
                em đắp cát vào hoa cúc
                chiều không bão
                chín tầng trời mây ngẩn ngơ trôi

               
nào phải xa nhau thì mới nhớ
                nồng son phấn
                nồng mồ hôi
                nồng cơn khát của buổi chiều không bão


                em về
                trái bàng vuông chín tới
                con mắt lập thể
                có mầu đom đóm lập loè
                như nghi ngại một điều gì không rõ


                vẫn còn một cơn bão
                anh mang trong mình từ thuở mới sinh...

                                                Pleiku 07/11/06
               Những ngày nghe bão số 7 không vào Miền Trung

                                                                  

3 nhận xét:

daquyvangcaonguyen nói...

Cho em chia sẻ lên facebook nhé, anh VCH

Nông dân nói...

Ở nước ta hiện nay tất cả mọi hiểm họa về chính trị kinh tế văn hóa giáo dục thiên tai địch họa... đều do sự ngu dốt của các nhà lãnh đạo mà sinh ra.
Trước đây dân tộc ta đã sinh ra nhiều nhà lãnh đạo là những anh hùng dân tộc vĩ đại, không hiểu sao bây giờ dân tộc ta lại sinh ra những nhà lãnh đạo ngu dốt đến thế.

nhatrang nói...

Anh nói chỉ toàn đúng. A nên từ chức cho người khác học theo.
Nhưng mà anh có chức gì to mà từ hè.
mà từ chức anh lấy chi sống hè
E xin lỗi anh vì anh nói đúng