Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

CÚNG CƠM

Theo phong tục Việt Nam thì trong vòng 100 ngày, linh hồn người chết vẫn còn luẩn quẩn với người sống, nói nôm na thì... chưa kịp nhập hộ khẩu, chưa kịp... báo cơm tập đoàn (thời bao cấp ngoài bắc gọi các bếp ăn tập thể là tập đoàn). Về tình cảm thì người sống vẫn chưa quên người chết. Mới hôm qua còn ngồi ăn cơm với nhau mà hôm nay đã mỗi người một ngả, vậy nên thường thì trong mâm cơm vẫn để một cái bát một đôi đũa, nếu nhậu thì vẫn có 1 ly rượu, coi như người đã mất vẫn còn hiện diện nơi này...

Hôm từ lễ tang mẹ lên, mình có mang theo chân nhang và cát ở mộ định lập bàn thờ nhưng xem thầy lại bảo là không được, vì lúc này mẹ vẫn còn chưa nhận diện được nhà chính ở dưới này, nếu lập có khi mẹ lại... đi lạc, nên không lập, phải mãn tang mới lập, nhiều bạn bè nghe tin mình lên đến thắp hương nhưng không có bàn thờ là thế. Chả bù hồi ba mình, chả hỏi ai cả, chả xem thầy nào cả, mình cứ thế lập bàn thờ, cũng chả thấy ba quở trách gì, cũng chả thấy ai nhắc nhở gì?

Người dân tộc Tây Nguyên cũng thế. Chết chưa phải là hết, mà mới sang một cõi tạm, nên hàng ngày người sống vẫn mang cơm ra cho người chết, thậm chí là bón cơm thông qua một cái lỗ chừa sẵn trên quan tài (phần nhiều là chôn nổi, chôn chung) cho đến khi nào có điều kiện làm lễ bỏ mả (Pơ thi) thì mới thôi. Mình chứng kiến có những người vợ ra ngồi ở mộ chồng rất lâu, ngồi rủ rỉ nói chuyện, chắc là báo cáo tình hình trong ngày, cũng có thể là ôn lại, gợi lại những kỷ niệm vợ chồng? Lúc này người sống làm những bức tượng mồ rất đẹp để thay mình đi với người chết mãi mãi. Những tượng mồ này sau đó được để phơi sương phơi nắng đến mục nát. Nhưng không ai ngờ nó lại là những tuyệt tác của các nghệ nhân dân gian... Vấn đề là không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể làm được những bức tượng này. Nó như là thần nhập trong những khoảnh khắc nhất định. Chỉ có một con dao và một cái rìu, nghệ nhân đã "loại bỏ những phần thừa trong cây gỗ nguyên" để thành những bức tượng với đầy đủ mọi trạng huống cảm xúc. Bây giờ người ta hay tổ chức dạy và thi tạc tượng nhà mồ. Nhưng người ta quên rằng cảm xúc và cái khoảnh khắc thăng hoa thiêng liêng ấy thì không thể dạy và thi được. Nếu chỉ cần bức tượng thì các họa sĩ điêu khắc hiện đại ngày nay, thậm chí các ông thợ mộc, chỉ cần 30 phút là làm được một bức, nhưng cái hồn của bức tượng thì vĩnh viễn, không bao giờ có được. Cái khác nhau giữa thợ và nghệ sĩ nó như thế.

Trưa nay mình cũng cúng cơm cho mẹ như em mình đã làm hơn bốn mươi ngày qua. Đơn giản chỉ là mình ăn gì thì dọn lên cho mẹ như thế, đợi tàn hương thì bưng xuống, ngày 3 lần như thế. Buổi sáng nếu mình đi ăn sáng ngoài quán thì bày trái cây và bánh ngọt mời mẹ xơi tạm...

Hoa này không phải hoa cúng, nhưng cô em dâu mình là giáo viên, được tặng nhân ngày 20/11 nên mang về cắm tặng lại mẹ...


Không có nhận xét nào: