Trẻ em làng vua lửa hôm nay |
--------------------
Ở Tây nguyên thực ra có đến 3 ông vua không ngai là vua gió, vua nước và vua lửa. Ông vua gió và vua nước nghe đồn là ở huyện Chư Sê, Gia Lai nhưng đã chết từ đời nảo đời nào, chỉ nghe nói chứ chả gặp bao giờ. Còn Hoả xá chính là Vua lửa Siu Luynh đời thứ 14 vừa băng hà tại quê nhà, làng Ơi, xã Chư A Thai, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai cách đây 6 năm (giờ là huyện Phú Thiện). Tức là trước ông Siu Luynh này đã có 13 đời Hoả xá (Vua lửa) cùng trong dòng họ Siu, và cũng chỉ ở Chư A Thai.
Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn ghi: “Nước ấy có chừng hơn 50
thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thuỷ
Vương ở phía Đông núi, Hoả Vương ở phía Tây núi, đều có địa phận riêng,
gác cây làm nhà, bộ thuộc đều vài trăm người, cày bằng dao, trồng bằng
lửa, tháng giêng reo, tháng năm lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt, không
biết ngày tháng. Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn mười người. Đến một thôn
Man nào đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra, làm nhà tranh cho
vua ở”... Còn
trong “Đại nam liệt truyện” sơ tập 931 thì viết: “Nước Thuỷ xá và nước
Hoả xá, hai nước này ở trên đất Nam Bàn, có độ hơn 50 thôn. Cứ 5 năm một
lần, chúa Nguyễn sai người đến nước ấy, mang cho các đồ vật như áo gấm,
mũ, nồi đồng, chảo sắt và bát đĩa, các thứ đồ gốm... Hai nước nhận được
các thứ cho ấy, tức khắc sắm sửa các thứ sản vật địa phương như kỳ nam,
sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực... để dâng hiến lại”... Sách này
chép tiếp: “Hai nước tuy nay có vua mà không có binh lính và thành
quách; cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc... chỉ nên ra là nhờ dựa vào thần
quyền mà dân chúng suy tôn. Mán dân thờ phụng như thần thiêng vậy. Còn
như cái quyền sinh sát, việc tranh đấu đều do sách trưởng (có thể là tù
trưởng hoặc tương đương thế- TG) nắm cả, vua thực không dự đến”.
Ở
Tây nguyên thực ra có đến 3 ông vua không ngai là vua gió, vua nước và
vua lửa. Ông vua gió và vua nước nghe đồn là ở huyện Chư Sê, Gia Lai
nhưng đã chết từ đời nảo đời nào, chỉ nghe nói chứ chả gặp bao giờ. Còn
Hoả xá chính là Vua lửa Siu Luynh đời thứ 14 vừa băng hà tại quê nhà,
làng Ơi, xã Chư A Thai, huyện A Yun Pa, tỉnh Gia Lai cách đây 6 năm. Tức
là trước ông Siu Luynh này đã có 13 đời Hoả xá (Vua lửa) cùng trong
dòng họ Siu, và cũng chỉ ở Chư A Thai, Phú Thiện.
Lâu đài một thời của vua lửa nay bỏ không |
Chúng
ta đều biết, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà
nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây nguyên vẫn còn đang ở
giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai
trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người
lãnh đạo nhân dân Jơrai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu
nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, pơtao để
chỉ mối liên hệ giữa người Jơ Rai với các sức mạnh vô hình với họ như
thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa
huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực
quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu
nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa. Ở đây, ta cũng cứ gọi là “vua’
theo truyền thống cho nó... oách và quen miệng.Trong
hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây nguyên gồm vua lửa, vua
nước, vua gió... thì vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh
thần các tộc người tây nguyên, đặc biệt là người Gia Rai. Ông vua này
đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của
các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh
là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây nguyên.
Gọi là vua nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường,
cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền
khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán
thì ông cúng cho... mưa? và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết
mưa để khỏi úng? Vua có một thanh gươm nghe đồn là gươm thần được tôi
bằng máu người mới nguội, hiện được cất rất kỹ tại một hang đá ngay bên
cạnh làng Ơi, giữa cánh đồng Ayun hạ bây giờ. Đây là một thanh gươm có
thật nhưng chưa ai được thấy bao giờ. Tôi sống ở Gia Lai đã mấy chục năm,
nhiều lần ngồi... uống rượu với “vua”, nhiều lần lờn vờn quanh cái hang
ấy, nhưng chưa bao giờ dám hó hé chuyện gươm với vua. Theo suy đoán của
người viết thì nó chỉ có ý nghĩa tượng trưng cho thần quyền còn thì ít
nhất nó cũng đã gỉ sét hết, và nó cũng tương tự như các thanh gươm hoặc
các loại binh khí được tôn làm vật thiêng treo trên các nóc nhà rông
(các vật thiêng trên nóc nhà rông ngoài binh khí, nhiều khi chỉ là hòn
đá suối hoặc xương thú...). Nguồn gốc thanh gươm của Pơtao Puih theo
truyền thuyết như sau: nó do anh em T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở
núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ cách trung tâm TP Pleiku về
phía nam khoảng chục cây số), nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực,
không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô,
nhúng xuống sông sông hết nước... cuối cùng người ta phải nhúng bằng máu
các nô lệ? và ai sở hữu thanh gươm này, người đó sẽ nói chuyện được với
thần linh? Từ năm 1904, một viên sĩ quan Pháp (có tài liệu nói là cố
đạo, là nhà khoa học) tên là Odend’hal cùng 4 tuỳ tùng chỉ vì lý do cứ
đòi xem gươm cho bằng được, đã bị dân làng giết chết. Sau đó tỉnh Gia
Lai đã có một kế hoạch xem gươm do hai ông người Gia Rai đương chức thời
ấy là ông Ksor Krơn nguyên bí thư tỉnh uỷ và ông Nay Quách nguyên phó
giám đốc sở Văn Hoá thông tin chủ trì. Kế hoạch là phải làm một lễ rất
lớn, có giết trâu cúng... rồi sau đấy mới được xem, được quay phim chụp
ảnh... trong thời gian rất ngắn. Nhưng sau đấy hình như vì lý do kinh
phí và cả một vài ý kiến rằng làm như thế là mê tín, là... công nhận
vua... nên cuối cùng chưa ai thấy gươm cả. Tôi đã khá nhiều lần được
tiếp xúc với... vua và thấy đấy là một người đàn ông Gia Rai hiền lành,
có vợ con đàng hoàng, cũng lam lũ lắm, đến nhà ban ngày bao giờ cũng
phải nhờ người lên rẫy, cách nhà hàng 5, 7 cây số tìm, vì ông suốt ngày
làm việc trên ấy, duy chỉ một việc ranh mãnh là... làm kinh tế từ...
danh hiệu vua khi ai muốn chụp ảnh ông đều phải... cho tiền.
Như
thế, Pơ tao Puih là người luôn phải gắn chặt với gươm thần. Nếu không
có gươm thì... không có vua. Nhưng điều lý thú rằng, người Jrai, người
Bơnah, người Lào, người Mơ Nông... đều có chung truyền thuyết về thanh
gươm này. Ấy là khi thanh gươm cứ đỏ mãi không chịu nguội, sau khi đã ăn
máu người (có truyền thuyết kể ăn máu nô lệ, có truyền thuyết cho rằng
máu của chính một người giúp việc tên là Pang) nó vừa nguội thì anh em
TDia, TDiêng vứt xuống sông. Hay tin, người Chàm, người Lào, người Khơ
Me... đều lặn tìm thanh gươm. Một dân chài người Kinh lặn được thanh
gươm. Từ dưới nước ông nhô người và giơ thanh gươm lên thì người Jrai
giật được lưỡi gươm, người Lào giật được chuôi gươm, còn người Kinh giữ
vỏ gươm. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khai thác truyền thuyết này thành chi
tiết khá đắt nói về tình đoàn kết Kinh Thượng trong tiểu thuyết “Đất
nước đứng lên”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đang công tác ở sở Văn hoá
Thông tin Gia Lai cho rằng: Yếu tố bản địa của “thanh gươm thần” được
nhiều tộc người khác nhau công nhận. Bóc đi các yếu tố thần thoại, đối
chiếu với các tài liệu và suy luận khoa học, có thể thấy khi việc trồng
lúa trở thành phương thức canh tác chính nuôi sống con người trên cao
nguyên, nó đòi hỏi kèm theo những yếu tố khí hậu thời tiết nhất định.
Nhưng khí hậu Tây Nguyên bấy giờ với 6 tháng nắng liên tục rất khốc liệt
và cũng đầy bất thường. Trong đó, nguy cơ thường trực nhất là hạn hán
(Các truyện cổ, truyền thuyết, trường ca... của người Tây Nguyên đều
nhắc đến hạn hán như một nguyên nhân gây ra bi kịch và là dịp để các
dũng sĩ ra tay nghĩa hiệp cứu dân làng, cứu người yêu, mà truyền thuyết
nàng Ly (Thác Ia Ly) là một ví dụ). Trong hoàn cảnh ấy, ước muốn lớn
nhất của người Jrai là có thể cầu xin, “hô phong hoán vũ”, bắt thiên
nhiên phục vụ con người. Ngay ở làng của vua Lửa, làng Ơi, bây giờ là
giữa cánh đồng Ayun hạ mênh mông nước, có một hòn đá sừng sững. Truyền
thuyết kể rằng đấy chính là chàng trai người Jrai đi tìm nước cứu dân
làng. Khi chỉ còn cách nước mấy chục mét nữa thì chàng chết khát và đứng
luôn ở đấy từ bấy đến giờ. Dưới góc độ lịch sử thì trong nửa đầu của
thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên, những tộc người ở Tây Nguyên là
nạn nhân của những cuộc xung đột triền miên giữa Lâm Ấp và Phù Nam, tiếp
theo là Chiêm Thành và Chân Lạp nên họ phải lùi sâu vào những vùng núi
cao, hẻo lánh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Và vì thế mà họ biết
đến nghề rèn khá muộn màng. Và khi những công cụ rèn đầu tiên xuất hiện
với tất cả những tính năng ưu việt của nó so với trình độ săn bắt hái
lượm và phát đốt chọc tỉa lúc bấy giờ, nó được gán cho yếu tố thần linh
(Người Tây Nguyên theo tín ngưỡng nguyên thuỷ “vạn vật hữu linh” nên
việc này cũng là điều dễ hiểu). Và khi gươm đã được “phong thần” thì
việc tìm một người để giữ gươm như giữ vật linh là đương nhiên. Pơtao
Puih có thể đã xuất hiện trong hoàn cảnh như thế.
trống da voi của vua |
chiêng cổ xếp lớp trên giường mô đéc... |
Như
đã nói, đến nay đã có 14 đời Pơtao Puih. Nếu tính trung bình sáu chục
năm một đời thì Pơtao Puih cũng mới xuất hiện trên dưới bảy tám trăm
năm. Thứ tự tên các Pơtao Puih như sau; 1/ Ksor Chlỡi. Ông này là người
đầu tiên được giao nhiệm vụ giữ gươm nhưng ông cương quyết từ chối vì
Pơtao phải thực hiện một chế độ kiêng khem rất nghiêm ngặt (không được
ăn thịt bò, ếch nhái, lòng của những động vật nuôi trong nhà...). Vì từ
chối mà ông đã bị cộng đồng giết rất dã man, chặt 2 chân, 2 tay rồi chặt
đầu. 2/ Rơ Chăm Trũl. 3/ Rơ Chăm ANur. Đây là người đầu tiên thực hiện
các nghi lễ cúng thần gươm và có bài cúng cầu mưa hẳn hoi. 4/ Siu Bôm.
Khi Anur chết, ông không trao việc giữ gìn thanh gươm cho dòng họ Rơ
Chăm nữa mà trao cho con trai mình, một thanh niên thông minh và tài
giỏi. Vì là con của Anur nên anh này mang họ mẹ. Từ đây vĩnh viễn thanh
gươm do dòng họ Siu nắm giữ. 5/ Siu Djua. 6/ Siu Nhong. Đây là người đặt
nền móng cho sự manh nha hình thành vùng lãnh thổ của Pơtao Puih. Đầu
tiên ông này cũng từ chối không nhận nhiệm vụ giữ gươm vì nhà nghèo
không ăn kiêng được. Dân làng thuyết phục ông 7 ngày 7 đêm, hứa sẽ cấp
thức ăn cho ông ăn kiêng. Dân làng nói “ Nhong ơi, nếu ông không chịu
giữ thanh gươm, chắc là cả vùng mình đây sẽ chết hết thôi. Bây giờ trời
đang nắng, nếu ông gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông
là người có thần, có tài, chúng tôi sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cúng
và cử ông làm Pơtao”. Nhong đã đánh 7 lần vào nước, và 7 ngày sau thì
mây mưa ào ào kéo đến như thác. Và ông chính thức phải nhận là Pơtao
Puih. 7/ Siu Blông. 8/ Siu Blet. Đây là Pơtao có công rất
lớn trong việc thiết lập quan hệ với người Việt. Hàng năm ông đều cử
người mang quà đi tiến cống vua nước Việt và nhận quà của vua Kinh. Sử
cũ có nhắc đến việc này. 9/ Siu Ji. 10/ Siu Y. Đây là Pơtao đã rời làng
về địa điểm Plei Ơi ngày nay. Đây là thời kỳ trong xã hội Jrai xuất hiện
nô lệ, thường là những người bị tội và không có tiền nộp phạt cho làng
và bị những người giàu “mua” về, lấy tiền đó trả cho làng. 11/ Siu
Ăt. Đây là vị thủ lĩnh Jrai chống pháp. Và người Pháp đầu tiên bị người
Jrai giết Odend’hal chính là ở thời kỳ này. 12/ Siu Tũ. Ông này cũng
quyết liệt chống Pháp và bị Pháp bắt giam ở Kon Tum. Ông mất năm 1947.
13/ Siu Nhót. Ông được cả người Pháp rồi người Mỹ sau này tìm cách thu
phục. Năm 1973 ông bị ốm liệt cả tứ chi, nhưng đến 1986 ông mới mất. Mộ
của ông vẫn còn ở Plei Ơi. Và người thứ 14 là Siu Luynh kế vị từ 1986.
Thực ra ông này chưa được làm lễ nhận gươm và đã mất năm 1999. Ở đây có
một điều lưu ý là vì người giữ gươm, tức được làm Pơtao Puih chỉ là
người mang họ Siu nên con của các Pơtao không bao giờ được... nối ngôi,
bởi người Jrai theo chế độ mẫu hệ, mang họ mẹ, mà theo nguyên tắc, vợ
của Pơtao phải là người mang họ Rơmah. Quy định cụ thể về người nối ngôi
như sau: Nếu một người mẹ họ Siu có con làm Pơtao, thì ở thế hệ tiếp
theo, người kế vị sẽ là con trai của những người chị hoặc em gái của
Pơtao cũ. Và cứ thế, bảo đảm người nối ngôi luôn mang dòng họ Siu. Nếu
người nối ngôi khi lên nhận chức Pơtao Puih mà đã có vợ không phải họ
Rơmah thì ông ta phải... bỏ bà vợ này và các phụ tế, gọi là kơeng, sẽ
chọn cho ông một... hoàng hậu họ Rơmah.
Theo
chúng tôi, vua lửa Pơtao Puih là một nhu cầu tâm linh thiết yếu của
người tây nguyên nói riêng, loài người nói chung, bởi ai cũng biết lửa
quan trọng đối với đời sống con người như thế nào? Prômêtê chẳng đã từng
được ca ngợi là "kẻ đầu tiên tuẫn tiết trên tấm lịch triết học" đó sao?
Và vai trò chính của Pơtao là cầu mưa, cũng là một thứ thiết yếu với
loài người. Các đời Pơtao trước có thể vai trò và thế lực của các ông
lớn hơn, còn đến Siu Luynh, thực chất ông chỉ còn cái tiếng, vì sống
giữa rốn của công trình thuỷ lợi Ayun hạ mênh mông 13.500 ha, chả ai cần
phải đợi mưa nữa cả, nước mênh mông như giữa đồng bằng lúa nước. Nhưng
dẫu sao thì ông cũng đã là một nhân vật được chú ý. Mặt trận tổ quốc
Việt Nam tỉnh Gia Lai hồi đó đã tổ chức cho ông tham gia đoàn già làng
trưởng bản ra thăm Hà Nội, viếng lăng bác Hồ, khi về ông say sưa hào
hứng kể chuyện cả tháng trời cho dân làng nghe mà vẫn "chưa hết cái Hà
Nội", chưa hết “con đường ra Hà Nội”. Làng vua lửa ở là Plei Ơi (Plei =
làng) đã được bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá
cấp quốc gia từ cách đây hơn mười năm (1993). Khi ông mất, cả Plei
và các vùng phụ cận đều đi đưa. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người
thường một chút: Không đặt thi hài trên sàn nhà mà đặt dưới đất theo
hướng đông tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng và 2 ngày
mới đi chôn. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không
có tượng mồ như phong tục của người Tây Nguyên, vì tuy ông chết nhưng
hồn ông vẫn còn ở với dân làng giúp những người kế vị tốt hơn?
Theo
quy định như đã dẫn thì con của Siu Luynh không được "nối ngôi". Vậy
chỉ có em ruột hoặc một người nào đó mang họ Siu mới được quyền này (một
thứ quyền chẳng có... quyền gì). Theo chỗ tôi được biết thì có một vị
phó vương là em Siu Luynh, người thường xuyên phụ giúp Siu Luynh khi
hành lễ cúng Yàng khả năng sẽ được dân làng suy tôn, tuy thế, đã mấy năm
rồi, ngôi vị Pơtao Puih vẫn để trống...
NHà sàn của người Jrai quê vua lửa |
2 nhận xét:
Theo tôi đây chỉ là tín ngưỡng của một tộc người sống ở vùng cao....đối chiếu với các giai đoạn phát triển của xã hội loài người: Nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản, xã hội chủ nghĩa thì tộc người này cho đến năm 1945 không thuộc nhóm nào, có chăng chỉ là nguyên thuỷ mà thôi, vì vậy có thể nói trong 54 dân tộc Việt, đi lên CNXH thì tộc người này có điểm xuất phát thấp nhất...có lẽ vì thế mà ngày nay các tộc người khác đến đây chung sống vì nhiệm vụ được giao, vì miếng cơm manh áo, nhưng khi họ có cơ hội ra đi sống ở nơi khác thì họ không muốn quay về ,,,không phải vì lý do kinh tế mà vì cách cư xử giữa người với người rất ít được cải thiện....cảnh tượng diễn ra hàng ngày hơi giống chồng của Cô Mai trong "Đồng tiền Vạn Lịch"
Ở Tây Nguyên còn một ông "vua phá rừng" không nghe bác Hùng nhắc đến.
Đăng nhận xét