Bác Hoàng Hưng lại mới gửi cái này, mời bà con đọc:
-------------
TRƯ
CUỒNG, LỜI CẢNH BÁO 30 NĂM
HOÀNG HƯNG
30 năm, đọc lại Trư
cuồng của Nguyễn Xuân Khánh, cảm xúc vẫn như lần đầu. Lần đầu, chuyến đi Hà Nội mùa thu 1982 đầy
sự cố, trong căn nhà nhỏ bên dòng Kim Ngưu đen và thối anh trao cho tôi tập bản
thảo viết tay mới chỉ lưu truyền trong một nhúm bạn chí cốt. Cuốn truyện đã làm
tôi mất ngủ.
Chỉ riêng những trang tả thực cảnh sống thảm thương
của một gia đình nhà văn-nhà báo nháo nhác xoay quanh cái chuồng lợn, khi sức
khỏe và sự tăng trọng từng ngày của lợn là mục tiêu sống của cả nhà, lũ lợn
“nhai gau gáu” hết xương ông Tchekhov đến sọ ông Dos, “nỗi lợn” làm người chồng
thành bất lực trên giường… đã đủ sức đánh gục người đọc bởi sự chân thực đầy cảm
xúc những trải nghiệm sống của cây bút già dặn. Những trang sử - văn một thời
cười ra nước mắt khi cả Hà Nội lao vào nuôi lợn như con đường duy nhất thoát
đói nghèo (không chỉ Hà Nội, ở Sài Gòn lúc ấy nhiều hộ ở chúng cư nuôi lợn đến
nỗi làm tắc hết đường thoát nước!). Xung quanh đó là những câu chuyện bi thương
của người lính “B quay” bị dồn đến bước đường cùng, là nỗi chua chát của những
trí thức vỡ mộng sau cả tuổi thanh xuân hy sinh cho một lý tưởng cao vời giờ mới
thấy không phải dành cho con người sống thực, là nỗi ám ảnh “hình ngục nan đào”
với những thẩm vấn, theo dõi, gài bẫy, phản bội… mà ngành an ninh dùng để khủng
bố những người viết có tư tưởng “chống đối”. (Tôi nhớ từ lâu mình đã đùa bảo
các ông anh Dương Tường, Xuân Khánh, Châu Diên… ở Hà Nội bị cái “flicisme” nó
ám – thấy chỗ nào cũng “flic”, thấy ai cũng “flic” (cớm chìm). Trong bài thơ Người đi tìm mặt năm 1973 của tôi có
hình ảnh “Mặt ga đêm/miệng mở ngủ/ Giật thức/ mắt kinh hoàng” chính là ám ảnh
“flic” ở mọi nơi. Đến khi bị bắt trong vụ Về Kinh Bắc, tôi mới biết các anh
không hề tưởng tượng).
Riêng sức mạnh tả thực xã hội ấy của Trư cuồng đã vượt hẳn tầm “hiện thực phải
đạo” chung của văn chương chính thống mấy thập kỷ. Nhưng chưa đâu! Cái chưa từng
thấy trong rừng văn làng nhàng kia, chính là nỗi suy tư đau đáu về xã hội, về
lý tưởng, về cuộc đời… Từ hiện thực của “lợn và người”, anh Khánh suy tư, những
suy tư không chút tư biện mặc dù nhiều chỗ “nghĩ thành lời”, độc thoại, đối thoại
(kể cả trong những cuộc thẩm vấn).
Ai cũng biết có một thuở suy nghĩ là việc nguy hiểm ở
nước ta. Suy tư, hay “phản tư” về lý tưởng chính trị có thể coi là hành động
dũng cảm nhất của mấy thế hệ trí thức dấn thân ở miền Bắc Việt Nam. Ở đây dùng
từ “hành động” là theo nghĩa triết học, nhưng cũng theo nghĩa rất thật mà an
ninh dùng để buộc tội họ. Chỉ cần mấy kẻ gặp nhau, xới lên câu hỏi Que faire? (theo tiêu đề cuốn sách của
nhà Cách mạng Dân chủ Nga TK 19) đã là “hành động”, thậm chí “hành động có tổ
chức”, đủ để lĩnh một cái “án cao su” có thể kéo dài hết đời người. (Chắc những
blogger, những nhà bất đồng chính kiến thời nay thấy từ thưở đó đến giờ câu
chuyện có khác về mức độ nhưng vẫn y xì về bản chất!).
Cũng vẫn chưa! Điều day dứt nhất của tác giả Trư cuồng mà hiện thực “lợn” thúc ông đi
đến tận cùng của suy tư: đó là “sự ô nhiễm” của chuồng lợn vào xã hội người. Thực
ra “tính lợn” đã tồn tại trong con người qua hàng ngàn năm. Bản chất của nó là
gì? Theo tác giả, “lợn sinh quan” chính là:
“Hãy chỉ biết ăn -
Ăn toàn bèo cũng được. Cứ ăn cho đến lúc cái bụng ta to bằng cái thúng, và thế
là cảm giác no nê, thỏa mãn, hạnh phúc sẽ đến. Tuyệt đối chớ nên suy nghĩ, vì
suy nghĩ là mầm tai ương”.
Chế độ chính trị hiện đại đã tạo điều kiện cho “tính lợn”
trở thành “bái trư giáo”, khi những tên đồ tể lên ngôi với triết lý sống “cắt
tiết cuộc đời” rùng mình của chúng. Càng nguy hiểm khi bọn đồ tể, hoặc con cháu
mang máu huyết của chúng, hết cần mặc áo máu và cầm dao lá lúa mà vẫn “cắt tiết
cuộc đời” một cách êm ả trong bộ thời
trang có khi “made in USA” hẳn hoi với những mối quan hệ dằng dịt và đặc quyền
hiến định.
Nguy hiểm cao độ khi chính những người trẻ tuổi một thời
tâm huyết, có ngày tặc lưỡi tự biện minh việc quẳng những Tchekhov, Dos,
Sartre… cho lợn ăn vì nhu cầu “cái bụng trước đã” (có khác gì những khẩu hiệu
“vivre d’abord” – sống cái đã – hay “kinh tế cái đã”, “ổn định cái đã”?), để rồi
trở thành “con rể” và học trò của bọn đồ tể lúc nào không biết!
Nguyễn Xuân Khánh dạo ấy thật sự bi quan. Ám ảnh
“Trư cuồng” (Porcinomanie – danh từ
ông bịa ra, nghĩa đen là thói tật sống kiểu lợn) không lối thoát đã đưa anh vào
cơn ác mộng mang dáng dấp Trại súc vật
của Georges Orwell, một cõi “Cực-Thiên-Thai” mà những “đỉnh cao trí tuệ” toan
tính úp lên đầu nhân loại trong đó gã Công dân số 1 hiện nguyên hình con lợn
Bò. Rồi anh tỉnh dậy, chứng kiến đứa con trai mê triết của mình quyết định bỏ
sách cầm con dao lá lúa đồ tể để cứu cái bụng của cả nhà!
Anh chỉ còn biết hóa thân vào người cựu chiến binh
trèo lên ngọn cây kêu lên lời cảnh báo vô vọng “Pooc xi nô ma ni…” rồi ngã xuống
chết tốt giữa đám đông ngơ ngác!
Lời cảnh báo 30 năm còn nguyên vẹn... (đoạn này chủ blog xin phép bỏ, hihi, mấy dòng thôi, các bạn tự hình dung vậy, xin lỗi bác Hoàng Hưng ạ).
Nguyễn Xuân Khánh (đội mũ) cùng các nhà văn Trần Huy Quang, Trần Kỳ Trung và Hoàng Minh Tường |
Mãi đến năm 2005, người đọc mới có được một bản Trư cuồng online do anh Châu Diên giới thiệu cho tủ sách
Talawas.
Để kết thúc, xin tiết lộ một chuyện lẽ ra đã động trời
từ 30 năm trước, liên quan đến Trư cuồng.
Tháng 8 năm 1982, trước khi tôi chia tay các ông anh
vào lại Sài Gòn, anh Khánh nói với tôi rất nghiêm chỉnh: “Cậu có cách nào in
cái Trư cuồng này ra, bất kể ở đâu, tớ
sẵn sàng chịu mọi hậu quả!”. Tôi nhận lời mà thực sự cũng chưa biết cách nào
đáp ứng nguyện vọng của anh. Hình thức “samizdat” (tự xuất bản ở Nga thời cuối
Cộng) chưa có tiền lệ ở VN, mà việc gửi ra nước ngoài thì quá nguy hiểm và tôi
cũng chưa có đường. Nhưng tôi cứ nhận. Phút chót, bỗng lo bản thảo bị tình cờ
phát hiện trên đường đi bởi việc lục soát hàng buôn Bắc – Nam, mà thưở ấy, chẳng
thể trông cậy vào đồng lương chết đói, tôi đang kiếm sống chủ yếu bằng những mặt
hàng như thế (máy ảnh từ SG ra, HN vào thì phim giấy ảnh, thuốc lá sợi, giấy cuốn
thuốc lá, cả mỡ lợn nước…). Tôi bèn nhờ người bạn học “Đảng viên nhưng mà tốt”
là anh Lâm Vinh – em trai Vụ trưởng Lâm Quang Thiệp mang giùm bản thảo Trư cuồng. Anh sẵn sàng. Hôm anh đến nhà
tôi lấy thư giới thiệu với anh Xuân Khánh thì biết tôi vừa bị bắt. Thật là
“tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Không bị bắt vì Trư
cuồng (nghe còn có lý vì nó “phản động” thật), lại bị bắt (một cách hết sức
vô duyên) vì Về Kinh Bắc!
Hôm cùng lên lĩnh giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm
2006 (tôi: tập thơ Hành trình, anh
Khánh: tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn), đứng bên nhau anh Khánh bật cười phụt
ra nửa câu về câu chuyện 30 năm cũ, nhưng rồi nhịn lại.
Thì bây giờ tôi kể rõ, vì bây giờ tôi mới thực hiện
được cái việc anh gửi gắm 30 năm trước. Và đây, nó là cuốn thứ 4 trong tủ sách
HHEBOOKS của tôi. Đây là bản PDF tôi chuyển từ file của anh Châu Diên gửi, chỉ
sửa lỗi chính tả đôi chút, và nhờ làm bìa...
Tháng
8 năm 2012
4 nhận xét:
- Thoạt nghe cái tên tác phẩm Trư cuồng, cứ đoán nội dung kiểu như Trại súc vật, của Gioóc-giơ Ô-oen, viết cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng đọc bài của bác Hoàng Hưng, thì té ra không phải thế.
- Năm ngoái, bác Nguyễn Xuân Khánh gửi tặng mình cuốn tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, thấy sức viết của nhà văn già thật kính nể.
Vũ Xuân Tửu
Trư cuồng không bằng Cẩu cuồng,Cẩu cuồng không bằng Nhân cuồng.
Chào anh văn Công Hùng,Cám ơn chương trinh liên hoan trình diễn thơ....tại Quy Nhơn, mà Cẩm Thạch được biết anh.Thời gian quá ngắn ...Ra về không gặp để có lời chào tạm biệt. Lần mò mãi đến được nhà anh... Xin có lời chào trân trọng...
Sau ngày cưỡng chiếm miền Nam 1975, mấy người già trong xóm tui quen miệng chào hỏi nhau hằng ngày bằng tiếng Pháp đều bị công an cộng sản VN bắt về đồn kiểm điểm. Sau này, khi ông chủ tịch xã "chữ nghĩa đầy mình" về thay cho đ/c chủ tịch ủy ban quân quản mù chữ, mấy ông già mới thôi bị "hành"!
Đăng nhận xét