Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

LỆ CẦN KHOAI...

Mình đang ở Quy Nhơn dự (tổ chức) kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tối qua làm một cuộc trao đổi trên sân khấu với 4 quý ông của nền thơ Việt Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha. Nghe các quý ông nói về Hàn  Mặc Tử mình vỡ ra rất nhiều điều. Cả 4 ông này đều hiểu và yêu Hàn mê muội...

Ở Quy Nhơn không chí có Hàn. Hôm qua nhà thơ Thanh Thảo nói Hàn có ảnh hưởng lớn tới Chế Lan Viên và Bích Khê chứ Yến Lan và Quách Tấn thì ít. Ở Quy Nhơn còn có Xuân Diệu và tên ông được đặt cho con đường đẹp nhất ở Quy Nhơn bây giờ.

Bài này nhắc đến Xuân Diệu. He he, bắc cầu từ Hàn sang Xuân...
------------

Phi ông Xuân Diệu ra thì không ai đặt được một cái tên vĩ đại như vậy- Lệ Cần khoai...

Trong một lần về thăm tỉnh Gia Lai hồi mới giải phóng, nhà thơ Xuân Diệu được vợ chồng nhà giáo người Huế Lê Nhược Thuỷ chiêu đãi món khoai lang Lệ Cần luộc. Ông nhón nhén ăn hết... một củ rồi ngồi thần ra. Sáng hôm sau, trong cuộc nói chuyện trước mấy trăm công chúng yêu thơ và yêu... ông ở nhà văn hoá tỉnh, ông đã đọc "hiến tặng"- từ của ông- cho người nghe một bài thơ nóng hôi hổi như... khoai luộc, trong đó có hai câu... nổi tiếng- vì nhiều nhẽ- Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai. Đợt này nhà thơ Xuân Diệu đi một vệt dọc đất nước, đến đâu ông đều đăng đàn nói chuyện thơ, mà chủ đề chính là "bữa tiệc ngôn từ, vần điệu", "một mâm ngồn ngộn những ngôn từ lộng lẫy, sóng sánh, những vần điệu mê ly thánh thót no mắt, no tai...". Ví dụ đến Đắc Ui, một công trình thuỷ lợi trọng điểm của tỉnh Gia Lai- Kon Tum thời ấy, ông làm một bài thơ độc vận Ui với câu kết là Đẹp úi chu cha hồ Đắc Ui. Đến hồ Lắc ở Đắc Lắc, ông làm bài thơ độc vận Ắc, đến Phan Thiết, ông làm bài thơ độc vận Iết... và ông say sưa bình về bữa tiệc vần điệu ngôn từ ấy. Ty Thông tin Văn hoá tỉnh Gia Lai Kon Tum khi ấy đã trân trọng in bài thơ này của Xuân Diệu thành một Poster trên giấy bìa láng với nhiều ngàn bản phát không cho đồng bào, một việc vô cùng tốn kém và sang trọng lúc bấy giờ. Cái bài thơ ông viết hôm ăn khoai ở nhà anh Lê NhượcThuỷ nó nổi tiếng đến mức, sau này người ta không gọi là khoai lang Lệ Cần nữa, mà cứ hồn nhiên gọi là... Lệ Cần khoai.
 
        Vậy khoai Lệ Cần có gì khủng khiếp mà được mang ra mời nhà thơ lớn, rồi được ông chiếu cố cho vào thơ như vậy.



        Thực ra thời ấy đói, đói lắm, nên khoai Lệ cần là một thứ xa xỉ, bởi nó... nhỏ và đắt. Đấy là loại khoai lang có màu ruột vàng như lòng đỏ trứng gà luộc, mà quyện sánh, mà thơm một mùi thơm nghi ngút rất lạ. Nó chỉ có ở xã Lệ Cần, huyện Mang Yang, cách thành phố Pleiku chừng 20 km. Mang đến nơi khác trồng, nó không còn là nó nữa. Nó chỉ còn là những củ khoai lăn lóc đầy sân đầy gầm giường vô danh khác. Dây và lá khoai Lệ Cần ngăn ngắt tím, tím đến ngẩn ngơ. Nhưng mang sang vùng khác nó lại xanh đến vô cảm như các loại khoai lang khác. Cái câu khoai đất lạ, mạ đất quen hình như không ứng với loại củ quý tộc này. 

        Bây giờ không còn phải dùng khoai lang để ăn độn cho no bụng nữa nên khoai Lệ Cần càng có giá. Nó là cái món ăn chơi, món quà quê thú vị và... sang trọng, không ngán. Ngoài luộc ăn trực tiếp, còn rất nhiều cách chế biến hấp dẫn khác như chẻ nhỏ bằng chiếc đũa, phơi khô để hấp cơm, hoặc luộc chín chà nhỏ qua lưới, phơi khô để hấp chung với lạc rang. Hoặc cán thành bánh, rải vừng vào rồi nướng như bánh đa. Có nhà làm tinh bột như bột sắn để ăn như bột dinh dưỡng, có nhà làm thành đông xương... rất nhiều kiểu chế biến được sáng tạo từ củ khoai nổi tiếng này.

        Tôi không bàn việc nhà thơ Xuân Diệu sáng tạo chữ như thế là hay hay dở, đúng hay sai, chỉ nhân chiều nay cơn mưa đầu mùa tháng 5, chợt vợ nổi hứng bưng lên một đĩa... Lệ Cần khoai, vỏ tím rịm, ruột vàng như lòng đỏ trứng gà, dẫu cũng đã lâu tôi không ăn trứng gà vì H5N1, và còn vì cả tin đồn trứng gà Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam. Lại còn một vịm chè xanh, cái thứ hiếm hoi giữa thị thành chật hẹp này. Và tôi chợt nhớ một thời, chưa xa lắm đâu, những câu thơ, những cuộc đời, những tháng ngày quay quắt trong đói mà người người nghe và tin thơ đến thế, nghe thơ như lớp trẻ bây giờ đi Live show. Chưa xa lắm đâu, ngày xưa ạ...
                               Pleiku, cơn mưa đầu mùa.
                                          V. C. H.

9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sao ngày (thời chưa xưa)ấy có nhiều cái hay quá bác VCH hè ?

khue nói...

Răng bác không nói chi về cái "gốc Huế" ở Lệ Cần hết rứa? Họ đi "dinh điền" (kinh tế mới)từ thời ông Diệm, ở cả làng, hơn 1/2 thế kỷ rồi nhưng con nít vẫn nói giọng Huế đặc.
Có 1 chuyện nhỏ mới nghe tưởng như thời xhcn : Ông Diệm cấp ngân sách cho dân ổn định cuộc sống, sản xuất... Vài năm sau ổng đi kinh lý, kiểm tra, ông quận trưởng (cháu gọi Phan Khôi "NV-GP" bằng chú ruột) bắt dân chặt cam trong vườn nhà ra cắm dọc 2 bên đường 19 đánh lừa tổng thống rằng đó là cơ nghiệp của dân di cư!

nguyen duc thao nói...

Ôi trời ơi!Đúng 25 năm xa quê mới nghe lại từ " Vịm " của Bác Hùng nhớ ơi là nhớ

Nặc danh nói...

Bác tả chi lạ rứa hè ?
Rọt VÀNG như lòng ĐỎ trứng gà là
màu chi rứa có ai biết lỗ mô ko ?

mẹ mướp nói...

cứ bắt bẻ bác mãi mệt chết được, nhưng cái bệnh nghề nghiệp nó quen rồi, hớ hớ. Là "đông sương", không phải "đông xương"...
đọc xong xóa còm giữ thể diện cho bác, hớ hớ...

mẹ mướp nói...

Chè xanh xuống chợ Hoa Lư mua, có mà đầy, chè vườn ngon thơm hơn chè mua ở các chợ khác. Ấm tích thì mấy chỗ bán đồ gốm đường Trần Phú í, có cả giỏ ủ nữa..., gớm, phải biết là xứ La Cu cái gì cũng có nhá.

Nặc danh nói...

bác đưa tin và ảnh bình định đi, nhanh và sớm như đa nẵng ấy, mải nhậu và say quá uh, thê mới là VCH CHỨ. mai ngày kia khối nơi đưa tin rồi

Nac danh nói...

Có rất nhiều loại khoai: khoai lang khoai sọ khoai mài khoai tây...Không hiểu loại khoai Xuân Diệu ăn còn Văn Công Hùng khen ngon là loại khoai gì.???

Bờm nói...

Lệ cần khoai có lẽ là giống khoai lang củ nhỏ ruột vàng , dây khoai màu tím , quê tui gọi là khoai nghệ ( vì ruột khoai vàng như nghệ) . Giống khoai lang này ngon nhưng năng suất thấp .
Với tui thì khoai lang gắn liền với những tháng năm đói khổ . Sợ nhất là phải ăn khoai lang thay cơm ,vì nó ngọt,ăn nhiều thì ngán bứ, lại nhanh đói ( dễ tiêu ?) chứ ko chắc bụng như ăn cơm nguội .
Có lẽ từ xưa cũng có nhiều người ghét khoai lang như tui lên mới có câu :
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng .