-------------------
Thực ra thì không phải đến bây giờ, mà từ trước đó rất lâu, từ thời bắt đầu có trường thi, ứng thí… phần học giỏi, thành đạt, thường nghiêng về cho trẻ em nông thôn, đặc biệt vùng càng khó khăn càng nhiều người học giỏi, mà các tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh khét tiếng về sự học từ xa xưa là ví dụ ai cũng biết.
Hồi nhỏ tôi thường nghe từ học gạo mà không hiểu là gì, sau dò hỏi mãi thì nghe giải thích rằng đấy chính là học vì gạo, học để lấy gạo ăn. Mà học để lấy gạo ăn thì đích thị chỉ trẻ em nghèo ở nông thôn nghèo mới nghĩ tới chứ nhà có điều kiện mấy người phải học gạo. Tôi cũng từng là một đứa học trò thành phố sơ tán về nông thôn học những năm chiến tranh, thấy lứa bạn bè mình học gạo là như thế nào, và tôi nể chúng, kết bạn với chúng cho đến giờ.
Học để đổi đời, để sướng hơn cuộc sống hiện tại là khát vọng của những đứa trẻ con nhà nghèo, nhưng có một thời chúng ta hay nhét vào mồm chúng rằng học để phụng sự xã hội. Tất nhiên khi đi làm việc thì ngoài việc phục vụ chính mình, ai cũng có phần phụng sự xã hội, cũng đều đóng góp cho xã hội một phần công sức của mình.
Và điều ấy càng rõ khi mấy năm liên tục, các thủ khoa con nhà nghèo ngày càng nhiều. Có lẽ phải phân biệt thế này, trẻ con thành phố, con những nhà có điều kiện thường thông minh hơn trẻ con nông thôn, con những nhà khó khăn, vì chúng có điều kiện tiếp xúc, học hỏi nhiều hơn, toàn diện hơn. Còn học giỏi, sâu, thì thường hay rơi vào những đứa trẻ con nhà nghèo nhưng có chí. Năm nay rất nhiều cháu học sinh thủ khoa, á khoa, hoặc đậu cao con nhà nghèo đều thú nhận hoàn toàn không học thêm học nếm gì, chỉ học ở trường, trong sách giáo khoa, và ngoài thời gian lên lớp còn phải làm việc giúp bố mẹ, không những không có cảnh bố mẹ làm ô sin, làm lái xe đưa đón quần quật từ nhóm học thêm này đến lớp bồi dưỡng kia, mà về đến nhà quăng cặp là ra đồng, cũng quần quật nhưng là quần quật làm việc chứ không phải quần quật học.
Ai mà không rớt nước mắt khi năm ngoái cậu bé học trò nghèo ở một tỉnh miền Tây lên thành phố Hồ Chí Minh thi đại học với hành trang là 2 đòn bánh tét cột vào khung xe đạp và cứ thế guồng chân lai kinh. Đến thành phố vào ban đêm, cậu ngủ vỉa hè, chân ngoắc vào xe đạp để… giữ của. May có một bác tốt bụng, sau khi nhìn thấy 2 đòn bánh tét cột vào xe biết chắc chắn không phải bụi đời bèn kêu cậu dậy hỏi. Cậu thú thật là đạp xe cả ngày đến đấy mệt qúa, ngủ đại cái rồi sáng mai đạp tiếp đi tìm trường thi. Tất nhiên sau đấy cậu được bác này mời về nhà (nhà cũng rất nghèo và đông người) nhưng đã thu vén cho riêng cậu một góc để học và mời cậu ăn cơm cùng gia đình để đi thi mà theo như kể lại thì cậu đã rất ngạc nhiên khi thấy mâm cơm có thịt, dù nhà bác này nghèo, cũng chỉ có thịt ba chỉ kho dưa ăn với rau sống.
Và năm nay thì lại một cậu học trò khác đạp xe từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học chỉ với cái xe đạp đi mượn và ba chục nghìn trong túi. Tất nhiên rồi cậu cũng được người tốt giúp. Vấn đề là còn rất nhiều người khó khăn như thế, nhưng họ không được phát hiện, không có người giúp, hoặc được giúp một cách lặng lẽ. Và cũng chưa ai thống kê được, những đứa trẻ như thế bao nhiêu phần trăm thành đạt.
Nhưng thực tế nhiều năm nay đã chỉ ra rằng, thủ khoa càng ngày càng là những học sinh không có điều kiện, không nhà giàu, không thành phố, ít học thêm… vậy lý giải ra sao với hiện tượng này?
Thực ra vẫn phải công nhận rằng, có điều kiện để học thêm, để có đầy đủ môi trường phát triển cho sự lĩnh hội kiến thức thì vẫn hơn. Cái sự học giỏi và thông minh, thì thông mình vẫn có đất để phát huy cho tương lai hơn.
Thêm nữa, quả là nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang quá chú trọng về điểm nên nó làm lệch lạc về nhận thức một bộ phận không nhỏ học sinh và cả phụ huynh, họ đi học chỉ vì điểm. Thi gì học nấy là quan điểm học của đại bộ phận học sinh hiện nay. Vì thế mới có chuyện mười mấy năm học ngoại ngữ mà gặp người bản xứ thì bỏ chạy mất dép không dám nói chuyện. Mới có chuyện hàng loạt điểm không môn sử, mới có những câu văn nhớ đời: “Nhà em nuôi một ông nội. Ông không làm gì cả, suốt ngày ngồi thù lù hút thuốc và ho…”.
Dường như điều này đang lặp đi lặp lại và trở thành quy luật, rằng là con nhà nghèo không có điều kiện thì học giỏi và ngược lại.
Quy luật này cho thấy một điều đáng buồn và nguy hại, đó là nguồn lực xã hội hóa đã bị đặt nhầm chỗ. Nhiều học trò nghèo thông minh, có chí lại không được đầu tư để phát triển, trong khi những “cậu ấm”, “cô chiêu” lười nhác và vô cảm lại được “dát vàng” để du học.
Liệu có phải người thành phố không biết dạy con? Nếu nhìn nhận từ những kết quả sau mỗi mùa thi đại học, người thành phố có nên xem lại cách đầu tư cho con trong việc học hành? Theo chúng tôi không hẳn là thế, bởi ở thành phố hoặc nhà có điều kiện, đa phần là trí thức, họ đã trải qua quá trình học tập và đều có những cách định hướng cho con trong quá trình học tập. Bởi chưa bao giờ mà chuyện học của con trẻ lại được ưu tiên gần như tuyệt đối như bây giờ trong “xã hội học tập” của chúng ta. Song chính cách học lấy được, bằng mọi giá để lấy điểm đã khiến cái “xã hội học tập” của chúng ta mất phương hướng. Cả xã hội chúng ta đã đổ tiền của ra để “nuôi gà nòi” như học thêm dạy thêm (nó chiếm vô cùng nhiều thời gian và tiền của của dân và gây tốn kém khủng khiếp cho xã hội). Các trường chuyên lớp chọn đã tạo nên một đội ngũ “kiêu binh” ở cả người dạy và học nhưng rồi cũng chưa có một thống kê nào cụ thể để thấy những “con gà nòi” này thành đạt như thế nào so với sự đầu tư, chỉ thấy mục tiêu sống chết, sự chạy bằng mọi giá để vào đây là có thực, nên nhiều khi nó trở thành hình thức, thành áp lực cho chính học sinh và đội ngũ giáo viên ở đây. Học sinh chuyên toán thì rất dốt văn và ngược lại, chúng bị mất cân bằng ngay trong môi trường học tập được coi là ưu điểm vượt trội này, trở thành “gà công nghiệp” từ nơi được lập ra để tìm kiếm nhân tài. Tất nhiên, đã học ở đây thì không có khái niệm học dốt, bởi chúng được tuyển đầu vào rất kỹ, nhưng để được như kỳ vọng thì quả là chưa có, mà bằng chứng là các thủ khoa năm nay ít người từ các lò này mà ra.
Vậy phải chăng cái nghịch lý chúng ta đang bàn dường như đang có nguy cơ trở thành sự thật: Nhà nghèo lại học giỏi còn nhà giàu thì lười học và học dốt. Và sự thật thì chỉ ở năm nay thôi, nếu đọc báo thì thấy các thủ khoa, á khoa, những người điểm cao… phần lớn là học sinh nghèo. Đến nỗi bây giờ, nhiều người cho rằng con nhà giàu mà học giỏi còn khó hơn nhiều con nhà nghèo học giỏi. Sau mỗi mùa thi, những thủ khoa là con nhà nghèo luôn được nhắc đến, được tôn vinh như những điển hình “vượt khó học giỏi” song lại ít khi báo chí, truyền thông nhắc đến những tấm gương “vượt giàu học giỏi” ở thành phố. Điều này dường như hơi bất công thì phải! Tất nhiên chúng ta cũng phải thấy có một tâm lý là con nhà giàu học giỏi là đương nhiên nên ít được nhắc đến. Song so những thí sinh đi thi bằng xe đạp, ở trong những khu nhà trọ chật chội, ăn cơm miễn phí (là loại chiếm số đông bây giờ) với những đứa xe hơi đưa đón, ở khách sạn xịn, cả bố lẫn mẹ đưa đi thi.. thì cái tỉ lệ giàu nghèo và giỏi dốt có vẻ như chưa tương xứng.
Không có một triết lý giáo dục đúng, thì dù có quan tâm đến mấy đi chăng nữa (theo chúng tôi, đại đa số gia đình Việt Nam hiện nay đều coi sự học của con cái là ưu tiên số một, tất cả nhân tài vật lực đều đổ vào đấy) thì cái thực tế như đã nêu trên vẫn cứ xảy ra. Nếu được chọn, tôi vẫn chọn những đứa trẻ được trang bị tốt, đồng đều, có một nền tảng học vấn cùng một phông văn hóa tốt hơn là những đứa điểm cao kiểu gà công nghiệp. Nhưng dường như, sự lệch lạc của nhận thức không dễ gì ngày một ngày hai bỏ được. Và nghịch lý vẫn cứ xảy ra và sẽ còn xảy ra hàng năm, vào các mùa thi…
4 nhận xét:
Học trước nhất là để thành người hữu dụng. Nhưng đường lối giáo dục hiện nay chỉ để đào tạo ra một "robot" biết bán sức lao động lấy tiền chứ không cần thành người. Buồn thay !
Học trước nhất là để thành người hữu dụng. Nhưng đường lối giáo dục hiện nay chỉ để đào tạo ra một "robot" biết bán sức lao động lấy tiền chứ không cần thành người. Buồn thay !
Giỏi hay dốt là do IQ, không do giàu nghèo, IQ thấp thì giàu mấy vẫn dốt.Tuy nhiên cùng IQ thì vì con nhà giàu được học nhiều hơn con nhà nghèo cho nên hiểu biết nhiều hơn.
Xã hội hóa giáo dục
Ai cũng trông vào nhà trường
lỗi gì do nhà trường tuốt
Thằng dốt đỗ lỗi trình chương (chương trình)
Đăng nhận xét