Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

MÈO

Ngày xưa ngoài Bắc không gọi người tình là mèo, mà đơn giản là người yêu. Sau giải phóng mình về quê mấy bà cô hỏi có... mèo chưa? Mình ngơ ngác. Rồi từ bồ cũng là từ miền Nam. Ngoài bắc bảo đi tán gái, vào Nam gọi cua gái. Gọi người yêu là Bồ, giờ riết thành một từ sang trọng. Đi với bồ. Thời sinh viên đứa nào ăn cơm chiều xong mà vừa đánh răng vừa tủm tỉm thông báo tin ấy là một hành vi đảng nể, làm bọn khác phải... ngước nhìn dẫu không cao...

Giờ cái từ Mèo để chỉ tình nhân hình như đã biến mất, chỉ còn từ cặp bồ.
Lẩn thẩn thế để mình cung cấp cho các bạn cái thông tin này, bảo đảm ít người biết nhé, nó cũng liên quan đến... Mèo, nhưng không phải tình nhân:

BÍ ẨN VIỆC NGƯỜI TÂY NGUYÊN KHÔNG NUÔI… MÈO

          Người Tây Nguyên rất yêu các con vật, cả những con vật nuôi và những con thú hoang ngoài rừng. Họ có một hệ thống kiêng cử quy định trong hương ước hoặc luật tục, ví dụ như khi ra đường nếu thấy con chim gì kêu ở hướng nào thì tiếp tục đi, nếu kêu ở hướng nào thì quay lui không đi nữa. Cũng như thế, họ nhắc nhau gặp thỏ thì sao, gặp rắn ứng xử thế nào, rồi còn nai, mang, lợn rừng cho đến cọp gấu rùa tê tê vân vân...


          Tượng mồ của người Tây Nguyên là cả một thế giới nghệ thuật tinh xảo, dù họ làm hoàn toàn không phải với lý do nghệ thuật, làm xong là bỏ. Trong thế giới tượng mồ ấy, ngoài con người là nhân vật chủ đạo thì còn có các con vật như khỉ, chim, chó, voi... Và cũng như người, những con vật này được đẽo tạc vô cùng sống động, đặc biệt là tượng tạc những chú khỉ, chúng như là hiện thân của con người với tất cả các trạng huống cảm xúc…

          Hình ảnh thường thấy ở các buôn làng Tây Nguyên là cảnh lên rẫy buổi sáng. Người chồng ngậm tẩu, vác dao lững thững đi trước, người vợ địu con cắm cúi phía sau, và một con chó nhũng nhẵng lúc chạy trước lúc chạy sau. Buổi chiều về là cảnh lợn, gà, vịt nhao nhác đòi ăn, và lúc ấy là các nhà sàn toả khói, sương núi là đà, đầm ấm và nên thơ...

          Nhưng có một hiện tượng lạ, ấy là với các tộc người Tây Nguyên, họ rất ít nuôi mèo. Nói rất ít cũng chưa chính xác, bởi thực tế họ hoàn toàn không nuôi, bây giờ lác đác bắt đầu có ở những nhà gần với người Kinh hoặc những nhà ở phố, còn nguyên thủy, mèo không hiện diện trong đời sống của họ.

          Đối với người Kinh, đặc biệt ở nông thôn, rõ ràng là mèo có vai trò rất quan trọng. Thế mà cả vùng Tây Nguyên mênh mông bao la thế, không có mèo thì quả là chuyện lạ.

          Chúng tôi đã rất nhiều lần đi công tác xuống các làng đồng bào Tây Nguyên, nhiều khi ăn ở cả tháng trời, lang thang làng này sang làng khác, đều không thấy mèo, và cũng tất nhiên là không bao giờ nghe nói đến cái tên mềm mại mượt mà được người Kinh chọn là một trong mười hai con giáp ấy.


          Trong các truyện cổ, dân ca ca dao, các trường ca dân gian của người Tây Nguyên xưa cũng hoàn toàn không thấy bóng dáng loài mèo. Để kiểm tra thông tin, chúng tôi đã hỏi một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, rằng trong các công trình của sưu tầm và dịch, trong quá trình xuống làng tác nghiệp, có thấy nói đến mèo không? Anh Đoàn Minh Phụng, Tổng biên tập Báo Gia Lai, người thoát ly vào núi ở với đồng bào Tây Nguyên từ năm 16 tuổi cũng lắc đầu: chưa thấy, lạ nhỉ?

          Vâng, quả là lạ, nhưng chưa ai để ý.

          Thế mà trên trái đất này, cùng với chó, mèo là loài vật gần gũi và thân thiện với người nhất. Nhiều nơi nuôi mèo không phải để bắt chuột mà là để làm cảnh, để chơi với mèo như bạn, như con cái trong nhà.

          Có hai cách lý giải điều này, và đều liên quan đến... chuột, kẻ thù không đội trời chung với mèo.

          Một là người Tây Nguyên ăn thịt chuột, coi chuột là món ăn đặc sản. Họ không có nhu cầu nuôi mèo vì cứ có chú chuột nào xuất hiện là họ bắt bằng được, bằng bẫy trong rẫy, bằng nỏ (tôi đã chứng kiến cách xa mười lăm mét, một người đàn ông Bahnar ở Plei Bông bắn một mũi tên xuyên ngang chú chuột bằng nửa cổ tay người lớn), bằng chó, bằng đủ cách để gần như không thấy chuột xuất hiện trong làng người Tây Nguyên. Chuyện này cũng bình thường, vì ngay ở thủ đô Hà Nội ta vẫn bắt gặp những mẹt thịt chuột bày bán rất hấp dẫn. Nghe nói ở làng nào đó ngoài Bắc mâm cỗ cưới mà không có đĩa thịt chuột thì chưa được gọi là cỗ cưới. Còn vào miền Tây thì chuột lên hàng đặc sản, và bây giờ món đặc sản miền Tây ấy đã lan ra cả nước. Hôm nọ ở Pleiku tôi vừa thấy người ta khai trương một nhà hàng chuột dừa. Trong các hạng chuột thì chuột dừa nghe nói là thượng thặng nhất. Rồi còn các loại chuột cống nhum, chuột cơm... Các món chế biến từ chuột thì chuột nướng chao, chuột xào lăn, chuột bằm trộn lá cách... Đơn giản hơn thì chuột đồng nướng tươi, chuột luộc nước mẻ, chuột hấp cơm hoặc chuột khìa, thống kê có tới hơn 10 món từ chuột tất cả...

          Hai là người Tây Nguyên ở nhà sàn, và nhà rất trống, không có ngóc ngách hoặc buồng tối om như nhà ở nông thôn người Kinh, tức là không có chỗ cho chuột trú ngụ. Các kho lúa đều làm kiểu nhà sàn, chỉ có bốn chân cọc chạm đất, và phên rất kín nên nếu có chuột thì chú cũng chỉ đứng dưới ngó lên và... khóc. Ngay rẫy của người Tây Nguyên, ở sâu thút lút trong rừng, trồng mì (sắn), bắp (ngô), lúa, bí đỏ... mà cũng gần như không bị chuột phá. Có lẽ là cứ có chú nào lú ra là bị người bắt ngay rồi.

          Tất nhiên còn nhiều cách lý giải khác nữa về nguyên nhân người Tây Nguyên không nuôi mèo, hoặc là kiêng kỵ, trong đấy không loại trừ cả yếu tố tâm linh bí ẩn nào đấy, ở đây chúng tôi chỉ tạm nêu như là giả thiết qua sự hiểu biết của riêng mình.

          Sở dĩ tôi kỳ cạch đi điều tra về điều thú vị mà ít người để ý này là vì sáng nay một ông anh nhà báo chợt thảng thốt gọi bảo: Ơ này, người Tây Nguyên có nuôi mèo không nhỉ?

          Và sự thực rất đáng ngạc nhiên và thú vị đúng không?
                                                                  

5 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Thật tuyệt vời. Không phải ai cũng biết về điều thú vị này. Thank bác!

nặcdanh nói...

Bây giờ ở nhiều nơi người ta ăn cả mèo lẫn chuột.

Nặc danh nói...

Sao ông ko hỏi thẳng người Tây Nguyên mà viết vòng vo làm giề? Sốt cả ruột.

Đoàn nam Sinh nói...

Người Tây nguyên chống chuột và bắt chuột kỳ tài. Từ vị của họ có mèo đấy chứ, nhưng họ nuôi làm gì cho tốn cơm.

khue nói...

Hồi tụi tui đóng quân ở trên đèo Mang Giang (với Lê Chiêm), có câu "gà đeo quân hàm, chó mặc áo mưa". Bác thử "nghiên cứu" câu đó xem sao ?