Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

LẨN THẨN NGHĨ VỀ VĂN VÀ BÁO

Mình đang dự một cái hội nghị giao ban báo chí khu vực ở Quy Nhơn. Có báo hình báo viết  và báo Văn Nghệ- hihi văn nghệ là báo viết rồi nhưng nó có đặc thù riêng nên mình mần một chữ Và cho nó dễ hình dung. Mình nhé, lúc cần là nhà thơ thì họ bảo mình là nà báo, còn lúc cần nhà báo thì mình lại thành nhà thơ, huhu, như con... tắc kè ấy. Thôi kệ nó, miễn là nó nuôi lẫn nhau...



            Có nhiều người nói rằng văn với báo, đặc biệt là thơ với báo thường kỵ nhau. Họ cho rằng, báo thì nói trực diện, nói trực tiếp ngay vào vấn đề, còn văn thì vòng vo tam quốc, ẩn dụ biểu tượng vân.vân... Nhưng thưa rằng, những bài báo hay được lưu truyền trong nước và trên thế giới, đều là những bài báo có chất văn rất rõ. Kể cả những bài nghị luận chính trị, những xã luận mang tính chiến đấu cao, thì nếu nó được diễn đạt bằng một hành văn trong sáng, một tư duy liên tưởng so sánh hợp lý, một hệ ngôn ngữ mang tính biểu đạt cao... thì sự hấp dẫn, khả năng thuyết phục, đi vào lòng người sẽ lớn hơn, dễ hơn.

            Mà tôi nghiệm ra, những bài báo thích đọc, những nhà báo có sức hấp dẫn, phần lớn họ là dân học văn ra, không Tổng hợp thì cũng Sư phạm. Nói thế không phải trường báo chí không đào tạo ra nhà báo giỏi. Mà chỉ bởi, sinh viên báo chí ra trường, đương nhiên là làm báo, còn sinh viên học văn ra, số đi làm báo rất ít, và số "đứng được" nằm trong số ít này. Ngoài ra, nếu để ý, học báo ở trường Tuyên huấn ra rất dễ làm "quan" báo- Có phải đây là nguyên nhân khiến báo VN... dở. Dở nhưng luôn luôn... đúng.

            Bản thân tôi, đọc một bài báo có chất văn như của Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân, Lưu Trọng Văn, Trần Đăng, Vũ Hữu Sự, Nguyễn Quang Vinh... vẫn có cái thú của nó. Ấy là ngoài sự tiếp nhận thông tin, còn được khám phá, khám phá những điều tác giả phát hiện khám phá và khám phá chính tâm hồn tác giả.

            Là nhà thơ viết báo, tôi cũng có cách tiếp cận riêng của mình. Trong số anh em làm báo, tôi thường được ví như "trâu chậm", không rồ lên trước các sự kiện, không khổ sở vì tin nóng, tin hot. Tôi chọn cách tiếp cận theo sở trường, theo khả năng của mình. Trước hết là phải học, lấy văn hoá bản địa làm gốc, và tất cả các sự kiện đều được soi từ cái gốc này. Thứ hai là hình thành một phong cách viết báo để tạo "thương hiệu" không thể lẫn dù anh có ký bút danh gì đi nữa cũng nhất quán một phong cách ấy. Biết sức mình không thể chạy theo sự kiện, tôi chọn phương pháp "tổng hợp" và "suy ngẫm" để phản ánh thông tin ở tầng rộng hơn bằng các mối liên tưởng so sánh mang đậm chất văn chương. Không nóng, không "hot" thì lùi lại có độ dừng rồi nghiền ngẫm, mở rộng... cũng là một cách tiếp cận thông tin ở diện rộng hơn, tầng sâu hơn, có điều kiện để so sánh, ngẫm ngợi. (Viết đến đây tôi nhớ đến một câu chuyện vui trong làng viết, ấy là có một con chó bị xe cán chết. Phóng viên ảnh chạy đến đầu tiên, chụp xong lao đi làm ảnh. Tiếp đến là phóng viên tin. Lấy tin xong cũng chạy. Sau đấy là ông phóng sự, đến la cà hỏi han, tiếp xúc nhân chứng rồi cũng hấp tấp đi. Ông nhà văn lững thững đến, ghi chép, suy ngẫm, giả thiết, bài binh bố trận dựng hiện trường, chia tuyến nhân vật, tìm bi kịch khiến con chó kia chạy ra đường, khiến cái xe kia cán phải, nghiên cứu gia phả ba đời của cả lái xe và con chó... cuối cùng là ông nhà thơ xuất hiện, mặt đầy xúc cảm, thậm chí bí hiểm, chậm rãi và trịnh trọng nhặt xác con chó về... làm thịt).

Tất nhiên không thể lúc nào cũng làm văn trong báo. Tin toà án chẳng hạn. Nhưng nếu đọc những bài của Thuỷ Cúc trên báo Tuổi Trẻ chuyên viết ký sự pháp đình thì nhận thấy ở đấy một ngòi bút đầy chất nhân văn, một trái tim đầy xúc cảm, một sự quan sát tinh tế mẫn tiệp trong sự thắc thỏm đầy nhân tính, luôn mong muốn xẻ chia và lối hành văn đầy biểu cảm có tính văn chương. Thì đấy chính là chất văn trong những bài báo lẽ ra là nghiêm trang lạnh lẽo. Và thực tế là những bài báo ấy có rất đông người đọc.

Lịch sử báo chí Việt Nam đã có những bậc thầy trong nghề như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất tố, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... Họ là những nhà báo lỗi lạc, đồng thời cũng là những nhà văn kiệt xuất, những nhà văn hoá lớn.

Thì ra, muốn viết báo hay, có chất văn, trước hết phải cần một mặt bằng văn hoá, một vốn văn hoá đủ xài. Và vốn văn hoá này phải được bổ sung, tiếp nạp hàng ngày, hàng tháng, hàng năm và cả đời, bằng quá trình sống, chiêm nghiệm, bằng những chuyến đi, bằng sự đọc, và cả sự... chơi.

            Nhưng không phải lúc nào cũng làm văn trong báo, nhất là cách làm văn ngô nghê. Ngắn gọn chính xác dễ hiểu là tiêu chí của báo, không thể lạm dụng làm văn để rối rắm thêm các tiêu chí này. Kinh nghiệm cho thấy là phải đúng chỗ đúng lúc, đúng liều lượng. Điều này đòi hỏi bản lĩnh và tài năng của nhà báo. Tôi thích đọc những đoạn văn trong báo diễn tả tâm trạng nhân vật, những tâm trạng phù hợp với hành động hoặc thúc đẩy hành động. Điều này một mặt nhà báo khai thác cụ thể ở đối tượng, nhân vật, mặt khác phải rất giỏi tâm lý học, kể cả phân tâm học, có khả năng đọc được sự phát triển tâm lý theo quy luật tư duy "biện chứng pháp tâm hồn". Tôi cũng rất thích những câu thoại thông minh sắc sảo, có thể là hóm, hài hước trong các phóng sự để nó lột tả được hết nhân vật và hoàn cảnh sự kiện. Những câu hỏi không phải chỉ để mà hỏi kiểu như "Xin đồng chí cho biết...", mà là những câu hỏi, câu thoại khiến toàn bộ câu chuyện và cả ý đồ bài viết bộc lộ, đẩy câu chuyện đi vào quỹ đạo tốt nhất, hợp lý nhất để chuyển tải hết ý đồ phản ánh. Người đọc qua đấy một mặt thích thú với nhân vật để an tâm đọc tiếp, không bỏ dở bài báo, mặt khác quan tâm đào sâu thêm những dư ba của bài báo khi dấu chấm hết đã hiện lên...

            Nhưng tóm lại, bàn chỉ để mà... bàn. Ai khi cầm bút mà chả muốn tác phẩm của mình hay, có bạn đọc. Và vì thế, ai cũng có một phong cách, một bản lĩnh của mình. Ngoài ra còn là sở trường, sở đoản. Thì tôi cũng chỉ xin nêu một vài cảm nhận của mình, may ra có được đồng nghiệp nào chia sẻ, cảm thông, đồng cảm...

----------
Bài này tôi viết cho một Tạp chí của hội Nhà Báo nhân 21/6, rồi quên mất, hôm nay đọc lại thấy vui vui, bèn post lên đây, đừng ai cho là tôi lên lớp nhé.

5 nhận xét:

huynhthaison nói...

Bài viết hay quá bác Hùng ơi sao lại bị bỏ quên ? Tôi thấy nếu không có chất văn và cái tâm thì không nên làm nhà báo.

Ảo vọng nói...

Hãy là nhà báo trong nhà thơ để có mạch sống, và làm nhà thơ trong nhà báo để có mạch ... điên ! Mạch sống để đời sống là chính nó, và mạch điên để như chưa từng có đời sống thực.

Nặc Doanh nói...

Tui là đọc giả,với báo tui chỉ quan tâm tới lượng thông tin và tính chính xác của nó.Có nhiều nhà báo thich viết rông dài mà thông tin không có gì,viết cốt để khoe mẽ và lấy số lượng chữ là chính.Ví dụ nhà báo Xuân Ba (trước đây hay có bài ở báo Tiền Phong và Văn Nghệ, không biết có phải Xuân Ba mà bác VCH khen không ?),tui đã đọc nhiều bài của ông này nhưng bài nào cũng vòng vo tam quốc rất mất thì giờ mà lượng tin thì ít.Từ lâu hễ gặp cái tên Xuân Ba là tui không đọc.

Lại Trần Mai nói...

Giá các bác cứ liên tục lẩn thẩn thế này thì tốt quá.

ptuanha nói...

Đã viết thì phải cho người ta đọc cái đã
Đọc xong thì phải khà