Sáng sớm hôm sau việc đầu tiên là tôi hỏi ông Duy: Tối qua em có... ngáy không. Bình thường thì tôi không ngáy, nhưng có tí bia thì thi thoảng cũng khê khê. Ông Duy ngồi lướt web bằng con laptop Compaq đời đầu cười cười bảo: cậu ngáy cũng... đủ nghe...
----------------------------------
MỘT NGÀY NGỒI TỰA...
VĂN CÔNG HÙNG
Là
tôi hình dung cái việc mình được ở chung một phòng khách sạn với nhà thơ Nguyễn
Duy như cái câu ví von "một ngày ngồi tựa thuyền rồng" ấy.
Tôi
là đại biểu đến dự "Diễn đàn văn học Việt Mỹ" tại Huế đầu tiên, là
bởi máy bay từ Pleiku đến Huế rất cách rách. Nó chỉ bay đến Đà Nẵng, và chỉ bay
1 ngày lại cách một ngày, lại nữa nó xuất phát ở Pleiku lúc 8 giờ tối nên phải
ngủ lại Đà Nẵng một đêm rồi mới ra Huế. Chiều ấy tôi đi ăn tối với bạn bè về
hơi khuya, lại liêng biêng, ghé lễ tân khách sạn lấy chìa khóa thì cô bé trực
bảo: Cháu bố trí chú Nguyễn Duy ở chung với chú, chú có đồng ý không ạ. Tôi nói
ngay: Cháu phải hỏi chú Nguyễn Duy có đồng ý không chứ, còn chú thì rất vinh dự
tự hào! Cô bé cười, tất nhiên chú ấy đồng ý mới lấy chìa khóa về phòng chứ ạ.
Thế
hệ chúng tôi, dân yêu văn chương ấy, thuở đi học chả ai không coi ông Nguyễn
Duy như thánh. Ông tác giả "Tổ quốc nhìn từ xa" lẫm liệt một thời.
Trước đó thì "Hơi ấm ổ rơm", "Đò Lèn", "Ánh
trăng"... sau này thì khuềnh khoàng lục bát, và đặc biệt là hệ thống các
diễn ca truyền khẩu. Đại hội Nhà văn lần thứ IV, cái diễn ca đại hội của ông
làm tại trận mà không oai hùng à. Các đại hội sau này, nhiều người cũng bắt
chước Nguyễn Duy làm diễn ca đại hội, nhưng nó không ra, làm sao mà qua được
những là: Mặc bia hơi đóng giả bia chai/
rằng chai thì thật là chai/ rót ra âm ấm khai khai cũng tình. Hoặc: Thùy Mai nước mắt lưng tròng/ cõng Bùi Minh
Quốc vượt vòng hiểm nguy... Hồi ấy bia rất hiếm thế mà nghe nói ông đã
hưởng nhuận bút bài này bằng hàng nghìn lít bia. Tức là cứ ai thích nghe bài
này thì mua bia mời ông đọc, kể cả... công an văn hóa. Ông mà uống vào rồi thì
đọc cực hay, khi lên đồng còn hát xẩm nữa. Rồi còn đồn thổi ông bao nhiêu tài,
những là tiết canh vịt đông cứng như thạch, ông đã từng làm chủ quán, là người
phát minh ra việc vắt chanh ngược để cái tinh chanh nó làm thơm món ăn và không
phải gạn hạt, rồi lái xe xuyên Việt nếm rượu, rồi làm lịch thơ đầu tiên, quăng
thơ lên thúng mủng giần sàng nơm đó giỏ hom đầu tiên, mà không chỉ trong nước
nhé, sang tận Mỹ, nơi ông đã là một chiến binh chống lại quân đội họ khi họ vào
xâm phạm Tổ quốc, và cũng chính ông, bằng thiên chức nhà văn, đã là một trong
những người đầu tiên dùng văn chương xóa bỏ hận thù, và phát hiện rằng "mọi cuộc chiến tranh/ phe nào thắng thì nhân
dân đều bại" (Đá ơi)... hàng trăm việc thực và không thực khiến bọn
sinh viên rồi viết lách trẻ lứa chúng tôi mê ông như điếu đổ...
Tôi
rón rén về phòng 224 khách sạn Điện Biên đường Điện Biên Phủ, cố gắng đi thẳng
nhưng cứ cảm giác mình đang... cong, cố gắng bước nhẹ nhưng cảm giác đế giày
mình hơi... xịn. Nguyễn Duy mở mắt he hé: Hùng à, tao ở với mày được không? Ôi
giời bác, phải nói là em có được ở với bác không chứ? Ông lật người vài lần rồi
nhổm dậy nói chuyện. Một lúc thấy ông thiu thiu, dù rất muốn lướt web tí như
thói quen nhưng đành... trùm chăn để ông ngủ.
Năm 1994 dự
hội nghị Văn trẻ, tôi vô tình lên lạc xe và được ngồi cạnh nhà thơ Nguyễn Duy
lên Đền Hùng. Trời ơi là nó sướng. Hôm ấy ông Duy hơi ngà ngà, và cả xe xúm
lại, ngoái lại, châu lại... nơi ông ngồi, như lên đồng, nghe ông đọc... diễn ca
và nói chuyện. Tôi bí mật bật cái máy ghi âm cũ rích trong cặp. Đến lúc hết
băng không dám mở ra để đổi mặt vì không khí lúc ấy rất hãi, ai cũng có thể xán
cho mình 1 bạt tai: ghi âm để làm gì, để tố cáo à? Năm ấy chưa mở như bây giờ,
những diễn ca của Nguyễn Duy đều thuộc diện là "có vấn đề", nhạy cảm.
Ngay bài thơ dài "Đánh thức tiềm lực" ông Duy đã trực tiếp đọc cho
ông Võ Văn Kiệt nghe mà vẫn còn bị làm khó dễ, thì cái loại diễn ca ngoài luồng
này bị "alê hấp" là cái chắc...
Trước
đấy nữa, tôi có một kỷ niệm không vui với ông Duy. Ấy là hồi ấy tôi hay phải
vào Sài Gòn làm kẽm cho tờ tạp chí Văn nghệ của tỉnh. Mà thời ấy đói lắm, lấy
đâu tiền ở khách sạn. Thế là tôi chui về 43 Đồng Khởi, văn phòng 2 của báo Văn
Nghệ, nơi ông Duy đang làm sếp, có một người cùng làm với tôi trước đấy giờ làm
hợp đồng cho ông Duy. Người này bảo tôi cứ về ngủ ở bàn làm việc ấy vì có khi
cả tuần ông Duy chả đến cơ quan. Ở được 2 ngày thì ông Duy đột nhiên đến, đứng
dưới trệt, chuẩn bị về thì thấy bóng thằng tôi thấp thoáng, ông hỏi ông bạn tôi
là ai trên ấy, ông ấy nói là thằng bạn từ Pleku xuống làm kẽm, đang chờ lấy ở
tạm. Tôi nghe rõ tiếng ông Duy: Không được, ông không được biến trụ sở này
thành nhà khách. Một người ở được thì sẽ trăm người ở được. Huhu thế là chiều
ấy tôi phải lang thang...
Sáng
sớm hôm sau việc đầu tiên là tôi hỏi ông Duy: Tối qua em có... ngáy không. Bình
thường thì tôi không ngáy, nhưng có tí bia thì thi thoảng cũng khê khê. Ông Duy
ngồi lướt web bằng con laptop Compaq đời đầu cười cười bảo: cậu ngáy cũng... đủ
nghe. Rồi ông bảo tôi: Hôm nay mùng tám tháng ba, anh em mình phải chiêu đãi
chị em phụ nữ. Trước mắt trưa nay mời một số người quen ở Huế đi ăn cơm, tối
nay mời đi dự chương trình Gala Dinner Trịnh Công Sơn. Mỗi vé vào Morin để dự
cuộc này là 888.000 đồng, ông Duy có 6 vé, và ông mời 3 người đàn ông là tôi,
nhà văn Nguyễn Khắc Phê, họa sĩ Võ Xuân Huy, ba người phụ nữ là hai chị em
Phương và Hạnh, một là nhà giáo, một là nhà báo, và người thứ 3 là cô Lưu Ly,
nhà thơ. Cuộc ấy ông Duy được mời lên sân khấu kể chuyện về Trịnh Công Sơn. Có
2 người được mời là giáo sư Bửu Ý và Nguyễn Duy, và cuộc này là do chính gia
đình Trịnh Công Sơn từ Canada về tổ chức, đủ thấy gia đình Trịnh nhạc sĩ đã yêu
quý ông thi sĩ Việt Cộng này như thế nào. Ông Duy kể, ngay từ hồi còn oánh nhau
ở Quảng Trị, anh lính thông tin Nguyễn Duy đã nghe nhạc Trịnh, đã lấy được rất
nhiều sách quý từ các nhà thờ và đọc mê mải, càng đọc càng... ngơ ngác. Và ngay
năm 1975, sau khi Huế giải phóng ít ngày
thì thượng sĩ Việt cộng Nguyễn Duy đã gặp Trịnh Công Sơn để rồi từ đó, các ông
thân nhau cho đến giờ, kể cả khi Trịnh Công Sơn đã qua đời. Cuốn "Thư tình
gửi một người" tập hợp toàn bộ thư của Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh là do
Nguyễn Duy được gia đình Trịnh Công Sơn ủy quyền biên tập nhân 10 năm người
nhạc sĩ tài hoa này mất.
Năm 1976 khi
đã đóng lon chuẩn úy, chàng bộ đội thi sĩ Nguyễn Duy vào nhà Trịnh Công Sơn ngủ
và bị công an Huế bắt lên đồn Phủ Cam (lâu nay mọi người hay gọi nhầm Phủ Cam
thành Phú Cam. Chính xác nó là Phủ Cam nơi có con đường Nguyễn Trường Tộ là nhà
của Trịnh Công Sơn, có cả những là Diễm, Dao Ánh hàng ngày đi qua hàng long não
xanh mướt làm nên cái nắng thủy tinh huyền hoặc). Hồi ấy chưa có điện thoại di
động như bây giờ nên không thể liên lạc được với nhà văn Tô Nhuận Vĩ, còn Trịnh
Công Sơn là nhạc sĩ "nhạc vàng" đang "được" theo dõi nên
càng không thể tin. Ông chuẩn úy đã ngồi 1 đêm ở đồn công an với bao thành phần
dưới đáy của Huế hồi ấy, từ mấy gã ma cô đến mấy tay cắp vặt, từ cô điếm ế ở
thuyền Sông Hương đến mụ tráo bạc ở chợ... Sáng sớm mai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
đạp cái xe đạp cọc cạch đến nhà anh Tô Nhuận Vĩ lấy ba lô có giấy tờ trong ấy
cho nhà thơ, và lúc ấy anh mới được thả.
Mang danh là
người Huế mà sáng ấy, khi ngồi ô tô của Hồng Hạnh, phó Tổng biên tập báo Thừa
Thiên Huế đi ăn sáng thì chúng tôi là người được ông chỉ đường và kể vanh vách
các quán bún Huế đúng Huế. Bây giờ ông bị tiểu đường khá nặng, trong chân vẫn
còn những cái đinh dấu vết của lần ngã xe cuối
cùng, nhưng ông vẫn uống khá tốt. Hôm dự tại Morin, gần cuối buổi, chồng Trịnh
Vĩnh Trinh mang ra 1 chai Martell Cordon Bleu xách tay về thì Nguyễn Duy nháy
tôi: Uống đi mày, đây là loại Cognac đỉnh nhất, Cognac vua đấy. Khổ thân, tôi
cũng uống rượu, nhưng là rượu tạp, nào có biết loại nào ra loại nào. Sau này
tôi có đưa cái ảnh chai rượu này lên blog thì có một bạn cũng loại sành rượu
vào còm "Nhìn ảnh chai Martell Cordon Bleu, em chợt nhớ trong hầm rượu của
hãng Martell ở Bordeaux-Cognac tình cờ em gặp bút tích của Trịnh Công Sơn và bè
bạn trong sổ lưu niệm của hãng trong một lần ông ghé qua đó. Theo bút tích này
thì sinh thời ông ưa Martell và các loại cognac lắm". Trước đó, đâu như năm
2006, thời ông còn khỏe và chân mới gãy... lần 1, báo Sài Gòn tiếp thị giao hẳn
cho Nguyễn Duy 1 cái xe mới coóng, ông tự lái chở thêm kiến trúc sư Nguyễn
Trọng Huấn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tín và vài người nữa đi xuyên Việt, lúc đi
đường 1, lúc về đường Hồ Chí Minh, chỉ để... nếm rượu và các sản vật mọi miền
đất nước. Chao ơi, sao lại có người sướng đến như thế. Vòng về đến Pleiku, ông
gọi cho tôi đón. Vừa gặp ở sân khách sạn, ông thò đầu ra cửa xe nói ngay: Tao
có cái này hay lắm, mày phải kiếm nơi xử lý. Cái "hay lắm" của ông là
hai mớ rau, một mớ rau má và một mớ rau dớn đựng trong hai cái túi nhựa. Ông vô
cùng xúc động và hào hển khoe việc đã mua được hai mớ rau này như thế nào. Đang
phóng xe đổ dốc ào ào ở đèo Lò Xo, đoạn mà các cụ cựu chiến binh Hà Nội tử nạn
ngày nào thì thấy một tốp trẻ con xuất hiện, trong gùi là rau dớn và rau má.
Ông dừng xe, xuống gạ gẫm mua. Bọn trẻ con đòi hai ngàn, ông trả hẳn mười ngàn
rồi nâng niu bỏ lên xe. Tôi dẫn các ông đến một nhà hàng quen, kêu trực tiếp
chủ nhà hàng ra nêu yêu cầu là rau má thì rửa sạch ăn sống, còn rau dớn thì xào
tỏi. Kết quả hôm ấy, hai món hết đầu tiên là hai món rau mà ông Nguyễn Duy mua.
Cồn
Tiên áo trắng qua cầu
bạn tôi
nằm dưới trắng phau Đông Hà ./.
|
Rau
má thì không nói, vì quê Thanh Hoá của ông Duy là... đất tổ rau má. Còn rau dớn
thì chỉ ở rừng Tây nguyên mới có. Nó đã từng là món chủ lực của bộ đội B3
Trường Sơn một thời. Ông Nguyễn Duy đã từng là lính Trường Sơn, nên cái việc
ông vô cùng xúc động khi được ăn lại món rau dớn là điều dễ hiểu. Đang sống ở
TP Hồ Chí Minh, kinh tế khá giả, đã đi nhiều nước trên thế giới, bây giờ đang
đi trong một tour xuyên Việt để khảo sát... ẩm thực, ăn đủ món ngon vật lạ cả
Tây cả Tàu, thế mà ông vẫn đau đáu với món rau dớn của một thời khổ cực. Mà
không chỉ ông, nhiều người lính xưa mỗi khi trở lại Tây Nguyên thì đều muốn
được ăn lại một bữa... rau dớn, hoặc môn thục, hoặc rau tàu bay... Người dân
tộc thiểu số Tây Nguyên đã lấy rau dớn làm biểu tượng trên các nóc nhà rông,
nhà mồ, chứng tỏ nó đã vô cùng quan trọng trong đời sống của họ. Từ ý nghĩa vật
chất, nó trở thành biểu trưng văn hoá, thành sự thiêng liêng của đời sống tâm
linh. Trong bữa ăn, ông Nguyễn Duy cứ xuýt xoa: Lâu lắm không được ăn rau vòi
voi. Thời ở Trường Sơn, ông rất kết loại rau này. Đấy là loại cây mọc sát mặt
đất, rất mềm, hình như vòi voi, lá to như bàn tay, ăn gần như mùng tơi, xào hay
nấu canh đều được. KTS Nguyễn Trọng Huấn ngừng ăn, bắt Nguyễn Duy tả kỹ hình
dáng cây vòi voi và ông cũng lấy làm tiếc vì dù đã phát huy hết trí tưởng tượng
mà vẫn... không hình dung ra cây vòi voi nó như thế nào. Nhưng bây giờ đã vô
cùng hiếm các loại rau rừng ấy. Trong rẫy đồng bào cũng chỉ trồng bí đỏ, rau
lang, hành... những thứ bán được cho người Kinh. Còn loại rau "ký ức một
thời" kia, nó lùi dần vào rừng sâu. Nhưng mà nó ngon thật, không phải chỉ
trong ký ức đâu. Bằng chứng là cái món rau dớn xào tỏi của nhà thơ Nguyễn Duy
hôm ấy, khi bưng lên thì ông phát hiện là sao nó... ít quá. Tôi lò dò xuống bếp
hỏi thì gã đầu bếp nói thật: Nó ngon quá nên chúng em mỗi đứa làm... một gắp.
Lần đầu tiên em được ăn đấy. Tôi lên kể lại với Nguyễn Duy, ông lẳng lặng lấy
một cái đĩa, xẻ ra và mời mỗi người phục vụ một gắp nữa. Có mấy thực khách ở
các bàn bên cũng được mời. Chưa hiểu là món gì thì nó đã nằm gọn ghẽ trong
bụng...
Mấy
hôm ở với nhau, ông Duy cứ xuýt xoa: không viết được nữa rồi dù trong bụng còn
nhiều chuyện lắm. Hàng ngày ông phải tự tay tiêm mấy mũi Insulin, uống hàng vốc
thuốc để chiến đấu với căn bệnh thời thượng mà tôi cũng đang mắc là tiểu đường.
Là ông không gõ laptop được nữa chứ không phải kiệt năng lượng. Ông kể mấy
chuyến đi Mỹ của ông mà thèm. Cái bệnh viện Trung ương Huế to oành hiện đại ấy
có công và của của ông đấy. Là ông sang Mỹ và ký kết một văn bản hẳn hoi với Trung
tâm Wiliam Joiner là toàn bộ tiền bản quyền xuất bản (nếu có) sẽ nhập vào quỹ
để trung tâm này xây thêm một khu cho bệnh viện. Và tôi biết ngoài hàng chục
bài thơ in lẻ trên báo và tạp chí của Mỹ thì ông còn xuất bản hẳn một tập thơ
bên ấy, nhuận bút bỏ vào quỹ như đã thỏa thuận, tất nhiên. Mười mấy năm trước,
trong chuyến đầu tiên sang Mỹ làm khách của Trung tâm Wiliam Joiner cùng các
nhà văn Cao Tiến Lê, Chu Lai, Văn Lê, khi các vị kia về thì Nguyễn Duy
"giang hồ vặt" thêm mấy nơi là California, Bolsa, San Diego, San José,
San Francisco..., nhà văn Vũ Huy Quang, cựu sĩ quan Việt Nam cộng hòa, tác giả của "Chín
truyện ngắn", "Mười truyện tân liêu trai"... đã viết về ông thế
này: "Thi sĩ Nguyễn Duy đã về nước
ngày hôm qua, sau khi bị chúng tôi "hủ hóa" và "tẩy não".
Các cảnh cầu Cựu Kim Sơn, Phố Tàu, bờ biển, tác phẩm văn học... tỉm sấm, ruột
ngỗng, hủ tíu Triều Châu là về phần vật chất. Về phần tinh thần thì đương sự đã
được cho vào trại sáng tác cá nhân của tôi uống trà, ngủ và suy ngẫm sự đời.
Đương sự phản ứng mãnh liệt bằng cách đọc thơ và tặng thơ. Không hiểu về phần
anh em khác thế nào, phần tôi- như anh chị biết đấy- không nao núng. Nhưng với
bọn thi sĩ và khách yêu thơ người Mỹ (chưa từng có kinh nghiệm chiến tranh) thì
khác... Tôi đang ở sở làm thì có điện thoại ở nhà gọi ngược vào sở, bảo tôi
liên lạc gấp lên Los Angeles.
Hóa ra thi sĩ bộ đội cầu cứu, rằng "có mình tôi mà chung quanh toàn là Mỹ,
ông lên thông dịch hộ". Ba chân bốn cẳng tôi chạy lên cho Nguyễn Duy thoát
cảnh lúng túng. Hóa ra chàng được khẩn cấp mời tới đọc thơ tại vườn thơ ở cao
ốc Lannan Foundation. Buổi đọc thơ có Naomi Shihab Nye và Bruce Weigl, mỗi
người đọc hàng 10- 15 bài. Nguyễn Duy đọc chót, đọc 2 bài "Đá ơi" và
"Bắn"... mọi người nghe lời dịch của Bruce Weigl, nghe lời đọc dõng
dạc của Nguyễn Duy để kết thúc buổi đọc thơ. Và anh chàng này "Steals the
show" tức là trở thành cái đinh khỏa lấp hai thi sĩ trước đó. Người ta vỗ
tay ôi là vỗ tay, và lâu ơi là lâu... Có một phụ nữ đợi mãi trong đám hai ba
trăm thính giả, bắt tôi dịch từng lời cho Duy. Bà ta là một trong những người
sau chót. Tôi cảm động, bà ta cảm động. Và Nguyễn Duy cũng cảm động. Câu ấy thế
này: "Tôi xin cám ơn ông. Chúng tôi nợ ông một lời xin lỗi. Các ông đã dạy
cho chúng tôi thế nào là lòng can đảm. Đất nước các ông đã bị bom đạn chúng tôi
tàn phá. nay nhờ những người như ông mà người Mỹ có thể ngẩng mặt lên được...
sau lời xin lỗi thế này". Bà ta mắt đỏ hoe. Duy cũng đỏ hoe. Và thông dịch
viên là tôi, cũng đỏ hoe. Khi kể lại chuyện này, anh em văn nghệ bảo tôi: Xấu
hổ thật, suốt đời ông là thông dịch viên đã đành, nay cựu đại úy lại làm thông
ngôn cho cựu thượng sĩ". (Theo báo Diễn Đàn, Paris, số tháng 9.1995)".
Với
Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhà thơ Nguyễn Duy là người đầy duyên nợ. Ông có
những bài thơ nổi tiếng viết tại mặt trận Quảng Trị như: Bầu trời vuông, Cát Trắng, Chùm
thơ từ mặt trận, Ám ảnh Cát, Giấc mộng trắng… Lịch sử văn chương Việt Nam sẽ còn ghi
sự kiện chàng lính trẻ Nguyễn Duy đọc thơ từ đường dây thông tin mặt trận Quảng
Trị về tòa soạn báo Văn Nghệ, và chùm thơ này sau khi in đã đoạt giải thưởng
báo Văn Nghệ, một giải thưởng rất danh giá thời ấy. Ngay từ năm 1968, cái năm
mà lần đầu tiên xe tăng ta có mặt ở chiến trường miền Nam với cuộc đấu tăng vĩ
đại ở cứ điểm làng Vây thì chàng lính trẻ Nguyễn Duy đang làm nhiệm vụ ở đây
với tư cách là lính thông tin, chàng Hữu Thỉnh là lính xe tăng. Hôm cùng lên
thăm lại di tích lịch sử làng Vây, nhà thơ Hữu Thỉnh kể cho mấy nhà văn Mỹ,
trong đó có Kevin Bowen năm đó cũng đang có mặt ở đây với tư cách là một chiến
binh đối phương, rằng để đưa được xe tăng vào làng Vây, bộ đội ta đã biến tăng
thành... thuyền và kéo nó dọc suối. Nhiều bộ phận của tăng được tháo ra cho bà
con người Vân Kiều, Pako, Tà Ôi... gùi, còn lại thì tất cả các sắc lính từ xe
tăng đến công binh và cả thông tin... được huy động đi... kéo tăng. Là họ đã
tắt máy để giữ bí mật cho cuộc đấu tăng lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh
chống Mỹ, kéo tăng xuống suối rồi kéo nó đi dọc suối. Con suối ấy còn kia, văn
vắt trong và vô tư len lỏi giữa rừng. Người kéo người đẩy, cả chục cái tăng như
thế im lìm vào trận địa. Ông Hữu Thỉnh đang kể thì Nguyễn Duy phụ họa rằng
chính ông là người cũng được điều đi kéo tăng. Cứ nhích từng bước một bước một,
không được dô hò hai ba gì cả, mà rồi quãng đường hàng cây số cũng qua, và rồi
đã có trận Làng Vây, Tà Cơn, có đường 9 Nam Lào lịch sử... Và tại di tích Tà
Cơn chiều 10/3 vừa rồi ấy, Nguyễn Duy đã ngồi chép vào sổ cảm tưởng của bảo
tàng bài thơ rất xúc động:
GIẤC
MỘNG TRẮNG
1
Rừng
xanh chết trắng một thời
cây giơ
xương trắng lên trời mà ghê
Ve kêu
trắng xác ngày hè
lau Khe
Sanh trắng xuống khe Đầu Mầu
2
Đi từ
trắng rợn cờ lau
xuôi
miền cát trắng vẫn màu trắng thôi
Tuổi
hai mươi trắng răng cười
trắng
con đường Chín... bạn tôi không về
3
Nghe
trăng trắng khúc nhạc ve
cơn mơ
trắng xóa bốn bề hoa lau
Cồn
Tiên áo trắng qua cầu
bạn tôi
nằm dưới trắng phau Đông Hà ./.
Có
một tối chúng tôi uống rượu ở Lao Bảo. Là lúc chiều khi vào khu siêu thị miễn
thuế Lao Bảo, ông Duy mua nhõn một chai Chivas
18. Ai cũng nghĩ ông mua để đem về. Khi ăn chiều với các cựu binh nhà văn Mỹ ở
trung tâm Wilam Joiner ông Duy mang chai rượu ra mời. Nhà thơ Kevin Bowen cũng
rút ra một chai rượu xách từ Ailen qua. Cuộc ấy rất vui và tôi lại thấy một ông
Nguyễn Duy hoạt khẩu vui vẻ tếu táo thuở nào. Ông bày trò ghép đôi cho nhà văn
thiếu tướng Nguyễn Chí trung với bà Lady Borton. Ông đọc thơ của lính, kiểu thơ
ghép mỗi người làm một câu: "Trong rừng yêu nhất cây khoai môn/ Củ nó luộc
lên ăn rất ngon/ Bẹ nó nấu canh ăn cũng được/ Lá nó hao hao giống cái... xxx" trời ạ,
lính mà, vừa nghịch vừa khát khao trong sáng- mà cái từ xxx ấy ông đọc lên nó hào sảng vang vọng nền nã khát khao trong sáng và đẹp đẽ lắm, chứ không như nhiều bác cứ giấu giấu giếm giếm (tôi rất muốn viết toẹt nó ra cho sang nhưng... lại cũng hèn, hì). Ông xui tôi hát lời 2 bài
"Huyền thoại mẹ" của trịnh Công Sơn tặng các bạn Mỹ: "Nay mai rồi bỏ cấm vận/ Bợm nhậu Mỹ nó
mò qua/ Vì lợi ích quốc gia/ Ta lại đi chiến dịch/ Ta cụng ly với địch/ Mà địch
là địch còn ta là ta"... Ừ nhỉ, bây giờ chúng ta lại đi... chiến dịch,
chiến dịch trong hòa bình...
Pleiku chiều 15/3/2012
18 nhận xét:
Chào bác Hùng,
Lâu quá, vào trang của bác chỉ đọc và thôi, không một lời để lại ( trước đây thi thoảng có, nhưng lâu quá làm biếng "còm"}.Nay , sau khi đọc bài bác viết về Nguyễn Duy , thấy vui và "xin phát biểu" :Hay, bổ ích - vì mình cũng thích Nguyễn Duy từ cuối những năm 70, hồi đó cùng với Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim, Đoàn Vị Thượng ...hay tới số 7 Phan Kế bính nghe Nguyễn Duy đọc thơ.Bài viết của bác lang bang từ đông sang tây, từ Mỹ về Việt Nam, trong đó có đoạn phải bỏ qua - như đoạn bác cùng Nguyễn Duy và những người bạn ăn rau dớn, bác đã viết 1 bài trước đây rồi.
Nhưng vây là tốt rồi, cũng có người giống mình : Yêu quý và trân trọng tài năng Nguyễn Duy.
Chúc vui,
TDD
@ bác TDD:
--------
Hì, luận mãi không ra tên bác. Cám ơn bác đã đồng cảm. Nhà cháu viết tưng tửng cho vui ấy mà, kiểu viết "không định hướng" ấy, được bác khen hay và bổ ích là thấy sướng rồi bác ạ.
Sao lại có người viết chân dung hay mà hóm mà vui mà khôn đến vậy ! Văn Công Hùng đã làm cho chúng tôi thêm yêu thi sĩ Nguyễn Duy và thêm yêu cả tác giả bài này nữa . Đáng thưởng một chai rượu Tây thượng hạng !
một lần cụ lep tonstoi hỏi ông sê khôp ,ông chơi bời dữ lấm hả / ông nhà văn trẻ lúng búng không biêt nói sao thì nhà văn vĩ đại nói ,thời trẻ tôi đ.t không biêt chán /nghe vch kể nguyễn duy đoc thơ có từ l.n nên kể chuyện trên /bct
@ Bác Phạm Doanh:
--------
Bác hứa rồi nhé, 1 chai rượu tây, em gửi ở nhà bác nhé, khi nào rảnh em ghé sang uống nhé.
@ bct:
-------
Thưa bác còn có chuyện này nữa, tay nọ nói ngọng toàn L thành N, vợ nó dạy mãi k sửa được nó bèn bỏ ngay tắp lự, lý do có cái từ sang trọng thích thú ấy k nói được thì làm cái gì cho nên người, hihi...
Em đang đọc Bác từ Hà Giang đây bác Hùng ơi?
Thằng bạn em nó bán hàng, cũng đặc sản đặc xiếc. Nó bảo là ông có quen ông Hùng này không? Em bảo sao mày tự nhiên lại thích làm văn nghệ sĩ hay sao? Nó bảo: Không, không, nếu ông quen thì mời ông Hùng đến quán này, rau Dớn tôi còn to hơn, mềm hơn rau Nguyễn Duy; với lại ở đây có ra đắng, rau khai nữa. Ông ấy làm bữa mà viết bài có khi tôi ăn đủ; có khi còn làm rau khô bán cho họ nữa.
Em sướng quá nhận bừa, tao quen chớ; mày không thâyds Trương Duy Nhất ăn thịt Dê, Phạm Xuân Nguyên ăn bánh cuốn, Phạm Viết Đào ăn mướp đắng, Đoàn Tử Huyến uống rượu ngô rồi đấy à?
Nó bảo hay lắm, hay lắm; tôi vừa đi học lớp xây dựng thương hiệu ẩm thực, ông Hùng này viết như thần. Mớ rau má, với mớ rau Dớn mà ông ấy nâng tầm lên siêu đặc sản, đọc bài thằng nào chẳng muốn làm tý cho biết dù rau má tỉnh nào chẳng có bán.
Em bảo thằng này được, hiểu giá trị chất xám ha ha.
Nó bảo ông tưởng tôi ngu lắm à? Đoàn Quang Ninh lên thăm Lũng Cú, tôi hát 2 bài về QN họ quay lại quán tôi ăn 3 bữa liền, mà 35 khách kia. Nó còn mắng em là ông đéo hiểu về sức mạnh của văn nghệ sĩ, có bài thơ sáng tác xong gái chết liền, xinh hơn cả Hồng Hà nữa kia. Ông Hùng này chụp cái ảnh một ông ở Tây Nguyên dang chơi Cồng Chiêng gì đó cực biểu tượng.
Nó mắng nghĩ lại em thấy đúng lắm bác Hùng ạ. Em chỉ bảo nó, vậy khi nào Văn Công Hùng lên tôi đưa vào ăn rau đắng, rau khai, rau má, rau dớn ông đừng chém đấy nhé .Nó bảo sao ông nói ngu thế, tôi chiêu đãi cả tuần. Thằng này được bác Hùng ạ>>>
@ Nguyễn Xung Kích đúng không?
-------------
Hì hì đọc cái còm sướng củ tỉ. Cứ hẹn mãi rồi mà vẫn chưa Hà Giang được, điên thế không biết. Đầu tháng 8 này ra HN nhưng lại có kế hoạch Yên Bái mất rồi, huhu...
Kính gửi anh nhà thơ VCH!
Em - Xuân Thu đã đọc rất kỹ bài này của anh. Cuốn hút. Hấp dẫn. Ngồn ngộn tư liệu. Ăm ắp nghĩa tình. Cảm ơn anh và chúc anh ngủ ngon (vì "giao thừa" đến nơi rồi). Hì hì hì...
Bài " Huyền thoại mẹ " mà hát được như lời của bác thì bác giỏi thật , em thử nhẩm theo mà vần huyền sắc cứ trúc trắc làm sao .
Theo em vua của Martell phải là Martell D' Or , cái nút chai này được dát bằng vàng 24 , còn Cordon Blue vẫn dưới XO.
Các bác nhà thơ tài thậy đấy, em gặp tây là chạy mất dép vì không biết tiếng tây, thế mà các bác í không biết tiếng tây mà vẫn đoc thơ cho tây nghe, mà tây cũng tài, không biết tiếng ta mà vẫn nghe đọc thơ ta. Tài đến thế là cùng, he he,,,
Một ngày...dài hơn thế kỷ!
Bài này nhà thơ viết có lẽ hay nhất trong loạt tản văn về Bạn văn, Mình rất thích
Hen gặp ơ pờ lây vào một dịp gần đây
Chiều nay đi làm về, dù mệt và muộn mà vẫn đọc hết bài này, quá hay bác Hùng ạ, cái em phục ở đây là cái bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước.., không nghiêng ngả trước thời cuộc của một văn nghệ sĩ, điều đó sẽ làm cho bác được thêm phần kính trọng, không như một số văn nghệ sĩ tài hoa nhưng về cuối chiều lại lạc lối. Cảm ơn bác nhiều!
Chiều nay đi làm về mặc dù mệt và bận bịu nhưng em vẫn đọc hết "Một ngày ngồi tựa...", thấy bác Hùng hiện nay giọng văn vẫn như cách đây 6 năm, vui, hài hước nhưng có tầm. Cái phục là bản lĩnh và nhãn quan chính trị của bác, chứ không như một số văn nghệ sĩ tuy tài hoa, thậm chí vang bóng một thời nhưng về đoạn cuối chiều lại tự đánh mất đi giá trị của họ bởi nhìn thế sự theo chiều ngược lại! Cảm ơn và mong bác luôn "giữ" được như thế.
Thank chú Thái Bá Mão đã quá khen anh hihi
nên xem lại chi tiết: "Rau dớn thì chỉ rừng Tây Nguyên mới có"? Xin thưa, ở Quảng Nam có vô thiên lủng, muốn ăn đặt là có liền, không tin hỏi Lê Anh Dũng (nhà thơ-nhà báo...)dân thổ địa ở đấy là biết ngay
Chi tiết này tôi sai, tôi viết bài này từ năm 2012, thank bạn
Đăng nhận xét