"Phút lành hiền hiếm hoi sau những
lời văn xuôi tả xung hữu đột. Một khoảng lặng cần có trong mỗi người thơ. Tôi
trân trọng những khoảng lặng ấy..."...
Thi sĩ Vân Đình Hùng vừa mail cho tôi bài viết này, kèm lời nhắn trong mail: Khen cho Phạm Khải chọn in trên Văn nghệ Công an.
Gửi VCH đọc chơi.
VĐH
Đọc xong thấy nên... tự sướng phát.
----------------------
RU
Văn Công Hùng
ngủ
đi em
những
hạt mưa bắt đầu rơi
và
gió thổi tơi bời nỗi nhớ
những
cành xanh vẫn thẫm sắc ngoài hè
chiều
mộng mị con đường không lông ngỗng
bên
cửa sổ chân trời trôi ngược
giấc
ngủ chập chờn đứt nối giấc mơ
ngủ
đi em buổi chiều không yên tĩnh
em
khoanh chân như một chú mèo hiền
dẫu
chớp mắt chứ nghìn năm cũng thế
bình
yên nào chẳng đắng phía bão giông
ngủ
đi em
kìa
đám mây rắc một viền hoa cúc
ru
bập bềnh hơi thở mù xa...
chiều
22/11/2001
Một buổi chiều không có lông
ngỗng bay. Những câu thơ khảm chiều một đường viền hoa cúc. Nhịp thơ là nhịp
ru. Ru chao nghiêng một cánh võng tưởng tượng. Hơi thở ai tận nơi mù xa đang thổn
thức. Nàng Mỵ Châu? Hình như thế! Còn lời ru này: Trọng Thủy cất lời chăng.
Tôi được đọc Sự tích ngày đẹp trời của cố nhà văn Hòa Vang từ đầu năm 1989, báo
Văn nghệ đăng ngày 25 tháng 1 năm ấy. Đọc xong thấy thương chàng Thủy Tinh. Từ
sự liên tưởng này, tôi ngờ những lời ru này mang mác lời Trọng Thủy.
Tôi vin vào:
chiều mộng mị con đường không lông ngỗng.
Và
Dẫu chớp mắt chứ nghìn năm cũng thế
Bình yên nào chẳng đắng phía bão giông
Thi ảnh bài thơ là một không gian
hoài cổ bật ra không chủ ý. Viết xong chính tác giả cũng không nghĩ là mình định
thế. Trong tiềm thức, những dấu ấn lịch sử in đậm thành những bài học cho đời
sau, cho muôn đời… Thơ bật ra từ tâm thức. Có gì gọi từ trong mênh mang kia… Rồi
có lời đáp u oa như vọng vang vách núi.
Lời ru thật đắc địa bởi sự chọn lựa
bến đỗ. Cả không gian cũng đắc địa. Ta điểm lại nhé: Lời ru. Khung cửa sổ có chân trời trôi ngược. Những hạt mưa rơi từ nỗi
nhớ. Gió thổi tơi bời. Trời đã về chiều mà mây lại rắc đường viền hoa cúc nữa.
Con đường thì vắng còn đắng vị bão giông, không còn lông ngỗng bay… Với những
dữ liệu này làm sao không nhớ tới Mỵ Châu cho được. Là tôi cứ cực đoan mà nghĩ
thế cho riêng mình. Là tôi cứ vin buộc vào những thiên tình sử nổi tiếng thành
huyền thoại để khi đọc bài thơ này cũng lại một mình tự huyễn hoặc mà bồng bềnh
trôi cùng lời ru kia của nhà thơ phố núi. Lời ru cất lên, mưa bắt đầu rơi… tiếng
mưa điểm canh cho giấc ngủ mộng mị, phấp phỏng cho cả bạn, cả tôi, khi đọc nó.
Ngoài cửa sổ chân trời trôi ngược.
Ngược về miền ký ức. Dừng bến Mỵ Châu!
Chữ trong thơ tuyệt nhiên không Mỵ
Châu, không Trọng Thủy. Chỉ nhắc tới một buổi chiều và con đường không lông ngỗng.
Đọc nó là gợi. Gợi tiếng vó ngựa vua cha, gợi cả hơi thở thật gấp vì lo sợ. Sợ
bởi nhiều nỗi: giặc đang đuổi phía sau. Sợ mối tình thật đẹp cũng đang ở phía
sau, bỏ lại phía sau. Tiếng gọi của tình yêu cũng đang ở phía sau… xa. Nàng
công chúa với chiếc áo lông ngỗng đã rút gần hết thả xuống đường làm dấu, theo
cha chạy trốn giặc, đến tận biển xanh, trên cao có một lời phán… một đường gươm
vung lên… máu nhuộm đỏ chiều lông ngỗng. Máu đỏ luyện thành ngọc trai bảy sắc cầu
vồng quang phổ. Ngọc trai biển rửa nước giếng Loa thành. Ngọc quang phổ sáng ngời…
Thì cũng đành nhắc lại một chút thiên tình sử này, thuở nhỏ đến trường, ai chả
được học.
Lời ru này, Văn Công Tiên sinh có
dành cho Mỵ Châu hay không, thì:
Ngủ đi em
Kìa đám mây rắc một viền hoa cúc
Ru bập bềnh hơi thở mù xa
như lời dỗ dành ngọt dịu, ai lại
chối từ, bạn nhỉ.
Phút lành hiền hiếm hoi sau những
lời văn xuôi tả xung hữu đột. Một khoảng lặng cần có trong mỗi người thơ. Tôi
trân trọng những khoảng lặng ấy.
Ngày 24/5/2012_Vân Đình Hùng
2 nhận xét:
Trân trọng chúc mừng ông Văn và ông Vân!
Tôi thì đồ rằng sau những dằn vặt băn khoăn ,cuối cùng Nàng đã gạt bỏ tất cả để đến với nhà thơ . Thật bình yên khi họ ở bên nhau , trong khi tình địch bão giông của nhà thơ lồng lộn ghen tuông nhận trái đắng từ Nàng.
Nhà thơ thật hạnh phúc khi có Nàng ngoan ngoãn ở bên , nhưng chính nhà thơ cũng chưa biết kết cục cuộc tình này sẽ đi về đâu , bởi con đường " không lông ngỗng" là con đường không định hướng ,rất lơ mơ và may thay là không dẫn đến một kết cục thảm khốc của cuộc tình như Trọng Thuỷ và Mỵ Châu.
Nhờ con đường ko có lông ngỗng mà bi chừ chúng ta còn nhà thơ VCH, chứ có lông ngỗng thì chắc chỉ có 1 truyền thuyết về chàng ở bờ biển nào đó vùng Thanh Hoá .
Đăng nhận xét