Hồi ấy chả có thông tin nhanh như bây giờ, nên chuyện Tàu đánh ta mãi đến khuya mới biết. Tụi mình xúm đến nhà một ông cán bộ thôn có cái radio nghe bản tin khuya với một tâm trạng vừa căm phẫn vừa... háo hức.
Giọng cô phát thanh viên rất náo nức đọc tin chiến thắng của quân ta và giọng chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc lệnh tổng động viên. Trời ạ, rất lạ nhé, 10 thằng như chục cùng hét lên, cùng nhào ra đường: Đi đánh nhau thôi, đánh Tàu thôi, không học hành gì nữa...
Hôm sau cả bọn kéo nhau về dù thời gian thực tập vẫn còn.
27 Nguyễn Huệ Huế- Ký túc xá sv Đại học tổng hợp Huế thời ấy- sôi sùng sục. Ai cũng thấy như là mình ra trận đến nơi. Một số đứa mang sách ra... đốt. Tất cả hè nhau viết đơn xung phong ra trận. Thằng bạn thân nhất của mình, cái thằng mà vì nó mình viết đơn lên Tây Nguyên (để 2 thằng được ở với nhau, nhưng đến phút cuối cùng mình lên xe nó tụt xuống ấy) rủ mình viết đơn bằng máu. Lúc này trong trường đã có khoảng chục lá đơn bằng máu, trong đó có của 1 em nữ là Vân Anh học sau mình 1 khóa mà tụi mình hay gọi là chị Út Tịch vì nàng lúc nào cũng mặc áo bà ba, quần lụa và đi dép cao su. Sau này ra trường mình biết nàng có 3 chị em và đều nhiệt huyết như vậy. Liên tục đài truyền thanh SV ca ngợi em này. Mình nghĩ, viết bằng máu thì cũng được, ngán gì, nhưng suốt ngày cái loa kia cứ réo tên mình lên thì... ngán thật. Bèn chỉ viết đơn bút bi thôi. Hàng ngàn đơn gửi đi nhưng sau chỉ một ít được chọn đi, chủ yếu là số sinh viên "lưu dung", từ thời ấy...
Nhưng cái không khí 17/2 thì âm vang mãi. Ấy là chiều nào cũng tụ tập ở loa để nghe "tin chiến thắng". Cái giọng đọc của PTV thời ấy nó cứ vảnh vót nhấn nhá nghe như mình đang oánh tan chúng nó rồi. Rồi sau đó một chút là các chiến sĩ từ mặt trận biên giới về báo cáo thành tích. Trời ạ, đấy là các anh hùng. Họ được chào đón náo nức. SV Huế kết hoa đón họ trên những con đường hun hút vào giảng đường. Các nàng gái Huế e ấp thế mà cứ lăn vào hôn lấy hôn để các chàng trai chiến binh. Mình đi nghe đến buổi thứ 3 thì phát hiện các chàng này nói... thuộc lòng. Dò hỏi mãi thì được biết các chàng đều đã được tập huấn. Mình nhớ mãi 1 chàng nói 3 lần đều có có câu: trong trận ấy tôi bị thương vào chỗ này, âm vực như nhau, ngữ điệu như nhau, sắc diện như nhau và cách cởi áo chỉ vào cũng như nhau.
Rồi bài hát Lê Đình Chinh xuất hiện. Tụi mình hát suốt ngày đêm "chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh"... Trong tưởng tượng của mình, đấy là một người anh hùng hoàn hảo, và cái chết của anh chắc cũng đẹp như trong phim. Đến khi được xem một bộ phim chiếu nội bộ ở hội trường 3 Lê Lợi thì thấy cảnh anh chết vô cùng đau đớn. Không có cảnh trúng đạn rồi ôm ngực lảo đảo rồi mỉm cười rồi trời xoay xoay rồi từ từ ngã xuống và mặt vẫn tươi rói... Anh bị chém chết bằng dao quắm, rất nhiều vết chém, có vết vào gáy, người co quắp rất thương...
Những năm tháng ấy rất hào hùng nhưng quả thực cũng chả hiểu ra làm sao. Rồi Polpot gây hấn, lại oánh nhau chí tử. Chiều nào mình cũng ra cây xà kép ngồi để nghe loa thông báo tin chiến sự. Rồi một ngày đọc được bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: A Q túm tóc Chí Phèo/ Cả hai anh lính nhà nghèo đều thua. Mới đây tại Hạ Long, anh lại đọc lại một bài thơ khác với 2 câu kết: mọi cuộc chiến tranh thì nhân dân đều... thua.
Biết làm sao được, thế hệ tụi mình tưởng đã đi qua chiến tranh, nhưng té ra, vẫn cứ phập phù như trước giờ súng nổ...
Mười mấy năm sau, mình sang... Bằng Tường bằng một cú "Ta ba lô", coi như đã sang Trung Quốc, và đây là đoạn ghi chép thời ấy:
khuyến mãi cái thư mời này nữa |
Một cú phôn, hai lần dựng đầu dậy giữa trưa chúng tôi đã có một giấy thông hành trong tay với phần ghi nghề nghiệp là “thương gia”, tất cả mọi người trong đoàn đều thành thương gia.
...Trở lại chuyện chúng tôi thành “thương gia” và làm “ta ba lô” trên đất Trung Quốc. Ba trăm năm chục ngàn nộp cho công ty du lịch (nghe nói đã có phết phẩy trong ấy, vì sau đó có người chào giá chúng tôi hai trăm bảy chục ngàn), 15 nghìn cho một tấm ảnh 3X4 lấy ngay bị dựng dậy ngay buổi trưa để chụp, thế là sáng hôm sau đã có một em xinh đẹp hướng dẫn viên của công ty du lịch đến đưa chúng tôi đi. Tôi lần thứ 3 xuất ngoại, 2 lần trước là... bước một chân sang biên giới Căm Pu Chia và Lào. Còn phần lớn trong đoàn là lần đầu tiên, vì thế mà xúc động lắm. Mà quả là biên giới Việt Trung hoành tráng thật. Thâm u và bí hiểm. Ðường độc đạo, núi thăm thẳm. Nhưng cái chợ Tân Thanh thì nhộn nhịp, và người, và xe nghìn nghịt. Xe chúng tôi phải dừng lại ở Tân Thanh. Ði bộ vài chục bước thì lên xe du lịch Trung Quốc đón. Chúng tôi có 7 người, nhưng trình độ điện đàm giữa 2 công ty sao đó mà họ nghe là... 17, và thế là đánh hẳn một chiếc xe hai bốn chỗ cùng hai hướng dẫn viên, thêm ông giám đốc công ty hình như có việc cùng đi. Cái xe nhìn ngoài thì kín mít trông như xe Nhật, nhưng khi chui vào thì biết ngay là xe trung quốc, vì nó nổ rất to, cái gì cũng kêu to, và rất xóc. Một anh trong đoàn nói giọng Nghệ rất to: xe nổ như xe cày. Cậu hướng dẫn viên trung quốc nghe thành “bao nhiêu cây”, vội vàng trả lời rất lễ phép: dạ thưa 18 cây ạ. Cả đoàn cười ồ. Từ cửa khẩu vào thị xã Bằng Tường vừa tròn 18 cây. Nhận xét ban đầu là Trung Quốc, ít nhất là Bằng Tường, không hiện đại và phát triển như Việt Nam. Ðường rất xấu. Xe rất xấu, nhà rất xấu...
Có một loại xe giống xích lô máy ở Việt Nam nhưng xấu hơn nhiều, che chắn bằng vải rất xấu, được kéo bởi những chiếc xe gần giống xe mô kích, xe minxkơ mà toàn do phụ nữ lái. Nghe nói đi hết thành phố bằng tường chỉ 20.000đ.
Trong tua du lịch có một khoảng thời gian dành cho khách đi mát sa, nghe nói có khu A khu B chi đó rất hoành tráng. Cô Huyền hướng dẫn viên Việt Nam nhóm cả đoàn lại thông báo: bây giờ em đưa hai chị đi gội đầu, còn Xoảng, hướng dẫn viên Trung Quốc đưa các anh đi mát sa. Sau vài giây hội ý bằng mắt, cả đoàn chúng tôi từ chối công đoạn này, chấp nhận hy sinh sự hiểu biết về một cách bảo vệ sức khoẻ kiểu trung quốc, và cũng coi như không có dịp... so sánh xem Trung Quốc khác Việt Nam thế nào?...
Một ngày lang thang ở cái thị xã Bằng Tường nhỏ tí mà cũng thấy mệt, mà thực ra thì chỉ là mấy tiếng đồng hồ. 10 giờ trưa mới sang đến nơi, 13h30 đã lục tục hò nhau ra về. Buổi trưa ăn cơm ở một nhà hàng lớn nhất thị xã gặp toàn người... Việt Nam nên cứ có cảm giác đang ngồi ở nhà hàng Thiên Thanh nếu không có mấy cô gái mắt một mí váy xanh và thú thực là không đẹp bằng ở Việt Nam, đứng phục vụ dưới ánh hồng rực của lủng lẳng lồng đèn. Chúng tôi mua một chai rượu tại quầy giá 50 ngàn nhưng uống không ngon bằng chai shochu 15 ngàn mua ở Pleiku. Còn cơm thì đã tính vào tiền vé tua du lịch, nên dù rất tò mò nhưng cũng chả biết là mỗi xuất bao nhiêu để mà so sánh và phẩm bình. Ngoảnh sang mấy bàn bên cạnh thấy họ dùng toàn Lúa Mới và Vốt Ka Hà Nội mang từ bên nhà sang. Bàn xoay, ai ăn món nào thì xoay bàn về phía mình mà gắp. Thức ăn na ná như của Việt Nam, trừ hai món là vịt Bắc Kinh quay ở... Bằng Tường, cứ gọi là vịt quay Bắc Kinh cho nó oách. Và món nữa là toàn lòng trắng trứng sốt lệt sệt như đậu hũ khi ăn phải dùng thìa xúc. Chả hiểu lòng đỏ họ để làm gì mà lại dành cho món này nhiều lòng trắng thế. Cái nhà hàng thì to rộng sáng choang thế nhưng khu vệ sinh thì... ngang cơ với khu vệ sinh của ký túc xá trường trung học Văn hoá Nghệ thuật. Phố xá cũng thế, không sầm uất nhưng treo đầy đèn lồng nên trông cứ như đang trong ngày hội.
Dân Bằng Tường nói riêng, Trung Quốc nói chung, đều... không thèm biết tiếng Anh. Có mấy lý do. Một là họ đánh vật với chính tiếng Trung Quốc cũng đủ bở hơi tai rồi. Học giả nổi tiếng nhất Trung Quốc thời hiện đại Quách Mạt Nhược khi còn sống đã thừa nhận chính mình cũng còn chưa biết hết tiếng Trung Quốc. Ai học tiếng Trung Quốc rồi thì biết, nó không ghép được như chữ La Tinh mà học chữ nào biết chữ nấy. Mà đất nước Trung hoa thì bao la thế, mỗi vùng lại có một thổ ngữ, phương ngữ, thổ âm... riêng. Thành thử đến như Quách Tiên Sinh mà còn thú nhận mình không biết hết tiếng Trung Quốc cũng là dễ hiểu. Hai là lòng tự tôn dân tộc. Họ cho rằng chỉ cần biết tiếng Trung Quốc là đã đối thoại với cả thế giới rồi. Và ai muốn đối thoại với thế giới, với người Trung Quốc thì hãy học tiếng Trung Quốc chứ người Trung Quốc không cần học tiếng nước nào hết. Thế nên chúng tôi vào chợ Bằng Tường và kể cả siêu thị, nơi mà nếu như ở Việt Nam thì nhân viên phải nói tiếng Anh như gió, toàn phải nói chuyện bằng... tay. Và những người bán hàng ở chợ có một thứ ngôn ngữ riêng để nói chuyện với những người... lạc hậu, biết tiếng Anh nhưng không biết tiếng Trung Quốc, ấy là nói bằng... máy tính. Anh cứ trỏ vào món hàng nào thì họ lấy máy tính bấm số tiền ra. Con số thì ai cũng biết rồi, nhưng rắc rối là đấy là tiền gì, vì có người bấm Nhân dân tệ, người thì nhân đôi giúp khách thành tiền Việt Nam (một tệ ăn hai ngàn Việt Nam đồng), thế nên thấy số rồi mà vẫn còn xì xà xì xồ, vung tay vung chân cứ như đang sắp đánh nhau. Lại nhớ hôm ở Tam Cốc Bích Ðộng, Ninh Bình, mấy anh mấy chị nông dân thứ thiệt chèo những chiếc thuyền nan bé tí, cả những đứa trẻ con ngồi dạng chân chưa hết lòng thuyền cũng chèo đò và đều nói tiếng Anh xoe xoé với khách. Thằng bé chèo chiếc thuyền của tôi người nhỏ như cái nắm cơm, học lớp chín, tưởng tôi là người... Nhật nên cứ “How are you”, “What is your name?”, “Are you japanese?” làm tôi phải quát lên “Con nói tiếng Việt đi, bố là người Việt Nam”.
Từng đọc báo nghe bảo cửu vạn Lạng Sơn buôn lậu thớt nghiến qua biên giới rất trúng. Chở bằng xe máy, phóng vù vù mỗi chuyến vài chục chiếc thớt kiếm lời hàng trăm ngàn. Thì tôi chứng kiến họ làm thớt nghiến ở ngay chợ Bằng Tường này. Cắt mỏng từng khúc gỗ ra rồi bào, và công đoạn kỳ diệu là... vẽ hoa văn cho thới. Chỉ vài đường ngoáy từ bàn tay cầm một dụng cụ như cọ vẽ của một người đàn bà thô kệch, mặt chiếc thớt đang nhẵn như... mặt thớt hiện lên các hoa văn lõi gỗ rất đặc trưng... gỗ nghiến. Hàng ngàn chiếc được xếp ngổn ngang một góc chợ. Rồi xe vào ăn hàng. Về đến Hà Nội, giá đã đội lên mấy lần. Nhưng có nhiều thứ hàng, nhất là hàng điện tử, giá lại đắt hơn ở chợ Tân Thanh bên Việt Nam. Vì thế cô Huyền phiên dịch vô cùng đắt giá khi liên tục được mọi người tham khảo rằng cái gì thì mua ở Bằng Tường, cái gì về Tân Thanh mua...
Ở trên bảo người Trung Quốc không thèm học và biết tiếng Anh, các cửa hàng cửa hiệu chả có một tẹo English nào, nhưng tiếng Việt thì lại có. Dọc đường vào Bằng Tường, các câu khẩu hiệu đại loại “Cùng bù ưu thế, Cùng hưởng lợi ích, Cùng nhau phát triển” bằng hai thứ tiếng Việt và Trung được treo giăng giăng. Một số người bập bẹ nói được tiếng Việt, loại tiếng Việt nhát gừng không dấu. Tôi tranh thủ đi dạo phố trên cả hai loại phương tiện công cộng của Bằng Tường là tắc xi và xích lô kéo. Ông tài tắc xi nói được khoảng một trăm từ tiếng Việt bồi, và như thế là đủ để chúng tôi hót chuyện vang trời rồi. Tôi hát bài “Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông..” ầm ĩ bằng tiếng Trung bồi học cách đây bốn chục năm rồi bất chợt hỏi, tất nhiên là bằng tiếng Việt: Thế hồi 79 ông làm gì? Ông ta ngớ người ra không hiểu, tôi hỏi mãi ông cũng không hiểu. Té ra thời gian trôi nhanh lắm. Và lịch sử biết cách khép lại những gì đáng khép để mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ mà tôi đang đi ở một phần rất nhỏ nơi địa đầu đất nước có một nền văn hoá cực kỳ vĩ đại và rực rỡ mà nhiều lúc ngỡ như đang đi ở đất nước mình...
8 nhận xét:
Khúc cuối là có í khen thằng Tầu chứ zì??? (nghiến zăng ken két)
33 năm trước đúng vào ngày này, giờ này, tại trận địa Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng em và đồng đội đang chịu một trận pháo kinh hoàng của các "thúng chí mân hảo" sau đó là một trận đọ súng quyết liệt, kết thúc trận đánh thêm hàng chục anh em tiếp tục "về với đất", cùng với số anh em hy sinh lúc sáng sớm... Ôi thế mà đã 33 năm rồi... mà hôm nay không viết được gì, đành đưa lại một truyện đã đăng trên báo Văn nghệ Trẻ vậy. Nếu không đọc bài của anh thì em quên mất, chúng ta hình như không muốn nhắc đến ngày 17-2?
“Trời ạ, rất lạ nhé, 10 thằng như chục cùng hét lên, cùng nhào ra đường: Đi đánh nhau thôi, đánh Tàu thôi, không học hành gì nữa...”
“Rất lạ nhé” vì nếu bây giờ thì có thế không? Tại sao? Rồi mãi ngẫm lại câu nói của Bác “"…Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả kẻ bán nước và cướp nước…"
Anh không kể chi tiết cái công đoạn Massachusettes 1 chút cho nó … máu, cho so sánh xem bằng Xuân Lành – Chư Sê không?
ku nguyenphuong
Định trêu bác vì một câu bác viết rất dễ bị suy diễn, mà nghĩ lại thôi, em cắt bỏ.
Em tin dân mình chơi vui thì chơi, chứ cà chớn với mình là đánh chết bỏ, cũng như xưa, thời 1979 thôi bác à.
Hồi ấy tôi là binh nhì lính CAVT (biên phòng),nhưng sau vụ Lê Đình Chinh ở Hữu nghị quan thì cấp trên cử đi học, lên không tham gia trận 17/2.Ở A (tiểu đội)tân binh CAVT phân về Lạng sơn tháng 7/1978 chúng tôi sau đó có 2 thằng nằm lại ở biên giới Lạng sơn trong cuộc chiến tranh tháng 2 năm 79.Xin tưởng nhớ tới các anh.
@ các bạn:
-------
Bài này có đoạn cuối tôi trích lại từ một bài báo cách đây khoảng trên chục năm. Hồi ấy không khí không như bây giờ, và bài này là một trong những bài... ít khen nhất, chê rõ rệt nhất. Đừng ném đá, vì nó là sản phẩm 1 thời, và hồi ấy phong trào Hấn hảo đang rất tưng bừng...
Sau này lên Lạng Sơn tôi đi lang thang suốt ngày ở những nơi ngày xưa là chiến địa ấy mới càng hiểu hơn sự ác liệt và khốn nạn của cuộc chiến tranh ngày ấy. Nhưng chúng ta đã giấu nó đi, và quả thật, ngay nhiều người dân khi tôi hỏi, họ cũng không muốn nhắc lại nữa...
@ Vatinam +
Thế mà em cứ tưởng...
Thằng ku ở NB tưởng anh là người Nhật. Còn em nếu không biết trước sẽ tưởng anh là người xứ 1001 đêm đấy
Đăng nhận xét