Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

KHÔNG PHẢI PI A (PR)

Là mình lướt gúc, ngó quanh ngó quẩn, thấy ai đó viết về 1 nhà thơ không biết chọn thơ, không biết thơ hay thơ dở, hihi, đọc kỹ té ra họ viết về mình. Gọi điện thẩm tra vài người bạn, không ai nhận là người viết. Lạ quá, chả biết hỏi ai nữa, bác Tô Ngọc Thạch lôi bài này về từ Tổ Quốc chắc cũng không biết...



Một nhà thơ không biết chọn… thơ mình
Nhà thơ Văn Công Hùng đã xuất bản 8 tập thơ và được nhiều đồng nghiệp cũng như độc giả yêu thích, chọn thơ để bình.
Một nhà thơ không biết chọn… thơ mình
        Nhà thơ Văn Công Hùng đã xuất bản 8 tập thơ và được nhiều đồng nghiệp cũng như độc giả yêu thích, chọn thơ để bình. Như một lẽ dĩ nhiên, gã tự chọn những câu thơ hay của mình “treo” trên blog để ngắm và đọc. Thế nhưng, cái thói đời “văn mình, vợ người” lại không loại trừ gã thì phải…
Nhà thơ Văn Công Hùng có một blog duy trì vài năm nay. Có thể nói ông nhà thơ phố núi này khá thức thời khi biết gia giảm “món ăn” trên blog của mình, từ chuyện tầm phào, chuyện đi đâu, ăn gì, nhìn gì, thấy gì đến bài chân dung, báo chí thời sự, và cả thơ mới làm, bình thơ… tóm lại là tuốt tuồn tuột được lôi vào blog, với cách viết dí dỏm, nhễu nhại và chủ nhân không có cái giọng “cao đạo” của một nhà thơ, và rồi dưới bất cứ comment nào, dù ký tên nặc danh thì gã vẫn trả lời. Với tất cả lý do đó mà blog của gã đã thú hút lượng độc giả khá lớn mỗi ngày. 
Trước kia, khi “phong trào” xây nhà trên blog mới hình thành và khá rầm rộ, gã cũng đã thức thời và nhanh chóng tậu được một cái ở địa chỉ vnweblog. Tậu xong, gã hí hửng trang trí nhà bằng thơ. Có câu: “Gõ chiều vào bàn phím”, và: “Ta ngồi chơi cuộc tình cờ/ Nhặt lên nặng trĩu một bờ nhân gian”... Tôi thấy đây là những câu thơ khá ấn tượng và có thể đứng riêng được. 
Sau vụ một loạt blog của vnweblog bị tấn công, trong đó có nhà của gã thì gã đã nhanh chóng nhân cơ hội này “đổi nhà” mới tại địa chỉ vanconghung.blogspot.com. Được cái thị trường “bất động sản” trên Internet khá ưu ái với các nhà văn, nhà thơ nên nghe đâu gã chả mất xu nào. Thấy hời quá, gã lại còn rủ rê bạn bè xây thêm khiến bao người cứ ao ước giá mà nhà ở xây dễ như nhà blog thì tốt biết mấy, lúc ấy nhà văn sẽ khỏi phải nặng gánh với cơm áo gạo tiền, chỉ việc ngồi viết văn. 


Ở cái blogspot mới này, nhiều người nhận ra “hình như gã ngày càng viết thơ hay hơn”, có người thì lại mắt tròn mắt dẹt hồ nghi: “hình như từ ngày vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn, hắn làm thơ hay hơn thì phải. Biết thế này, khoá sau, mình cũng cố vào Ban chấp hành”. Chả biết những tin đồn này thế nào, nhưng rõ ràng là thơ Văn Công Hùng đang ngày càng được chú ý hơn, tất nhiên là vì… hay hơn!
Sau khi cất “Gõ chiều vào bàn phím” ở ngôi nhà cũ bị sập, Văn Công Hùng cũng hào phóng “vật liệu xây dựng” nên không tái sử dụng, đúng hơn phải là tận dụng những gì còn tốt để xây nhà mới, mà gã dùng toàn đồ mới. Mới từ hình ảnh vôi ve đến cái biển hiệu treo trước cửa nhà - tức là treo câu thơ ấy. Thế nhưng oái oăm thay, từ khi xây nhà mới và làm thơ hay hơn thì hình như gã lại… không biết chọn thơ mình thì phải. Bằng chứng là gã chọn câu thơ “Một leo lét đỏ một thình lình xanh” lơ lửng dưới cái giao diện gắn cái tên Nhà thơ Văn Công Hùng to đùng với 9 tập sách đã xuất bản làm nền. Thỉnh thoảng vào cái blog gã, nhìn thấy câu thơ không chịu được… cười! Một lần, nhắn tin cho gã: Văn Công Hùng có nhiều câu thơ hay, tại sao lại chọn một câu thơ không hay làm slogan của blog. Đọc câu thơ của anh, cứ tưởng tượng nhà thơ, mà đúng là nhà thơ của núi rừng với xanh đỏ, ra Hà Nội, dù đi xe máy mà tâm hồn vẫn treo ngược bản làng, cây cỏ hoa lá. Thế rồi cơn lãng mạn được cái đèn giao thông ủng hộ mà “leo lét đỏ”, nhưng chưa kịp định thần với câu thơ dang dở thì “thình lình xanh” làm nhà thơ giật mình và phải… đi tiếp, bỏ dở cơn cảm hứng vừa hừng hực đến như người và xe xung quanh. Rất nhanh, một lúc sau, gã nhắn lại: “He he, anh là tắc kè mà”.
- Thế anh có định làm tắc kè mãi không?
- Vì em góp ý, anh sẽ đổi.
Cũng rất nhanh, một lúc sau gã nhắn lại cho tôi bảo đã thay câu thơ khác rồi. Tôi vội mở ra và thấy câu thơ: Hoa hồng hỡi ta phải về trước bão. Theo tôi thì đây là câu thơ ít đặc sắc để có thể đứng độc lập. Tôi đem câu thơ này hỏi một người bạn thuở sinh viên từng theo học chuyên ngành thơ thì nhận được câu trả lời: Tớ tưởng tượng ra một người đàn ông vừa gặp một cô gái trẻ đang tràn đầy hạnh phúc thì bất giác nhìn đồng hồ, phải về nhà với… vợ, hoặc có gì bắt buộc phải tạm xa nàng nên nhà thơ mới nhắn lại: “Hoa hồng hỡi ta phải về trước bão”. Riêng chuyện bình phẩm này tôi giấu tiệt lão, vì quả thực trí tượng tượng của cô bạn tôi không phải không có lý.
Sau một hồi gã nhờ tôi chọn giúp, tôi lục lại trí nhớ và đưa ra vài câu thơ cho gã. Tôi bảo gã có bài thơ Tứ tuyệt Peiku rất hay, có thể lấy hai câu bất kỳ “Chợt nắng hửng chiều tươi như mười tám/ Gió ngẩn ngơ hoang vắng thuở si tình/ Ta xanh lại ngậm ngùi thương tóc muối/ Em như mùa chín vội tuổi sau mưa”. Thậm chí cả một vài câu thơ khác trong chính cái bài “Thình lình xanh” ấy. Hay là câu Chợt tháng ba cong mình như lá cỏ - trong bài thơ mới nhất của gã để kỷ niệm ngày gã đổi slogan cho blog. Sau một thôi một hồi thì gã quyết định chọn câu về tháng ba. Tôi nói thêm với gã, là chỉ gợi ý thế thôi để gã nghiên cứu mà chọn và để gã thấy phải “nghiêm khắc” tự chọn thơ mình hơn, chứ đừng nghĩ vì thơ mình câu nào cũng hay nên nhắm mắt cũng tóm được. Thế mà đâu được vài ngày, ngó qua blog của gã lại thấy một câu thơ mới toanh: “Về đi em phía ngày xưa/ Hình như bỏng rát sợi mưa lạc loài”. Cũng chả biết có ai góp ý hay chọn hộ thơ cho gã không, nhưng tôi thấy câu thơ này cũng tàm tạm nên không í ới gì cho gã nữa. Câu chuyện thơ cho blog tưởng như tạm dừng. Vậy mà, cũng đâu như chỉ vài ngày, gã lại thay một câu khác: “Viết cho bóng tối từ trong bóng tối”. Ối giời ơi, hoá ra đây là câu thơ trong bài thơ gã vừa làm xong. Gã lại mắc bệnh giống vụ “Thình lình xanh” rồi. Câu thơ quá thực, thực đến nỗi muốn liên tưởng ngoài không gian, thời gian cũng bị… hạn chế. 
Có những câu thơ được trích ra chọn làm đại diện cho blog có thể với tác giả là hay, là có ý nghĩa cho dù tác giả đã nhặt nó ra riêng rẽ 1, 2 câu nhưng trong ý nghĩ vẫn tồn tại ở chỉnh thể toàn diện của tác phẩm. Tác giả quên mất rằng, độc giả khó, có khi không thể, thậm chí không muốn biết cái chỉnh thể ấy như thế nào. Với họ, 1 hoặc 2 câu thơ khi đứng riêng để làm “đại diện” cho bất kỳ cái gì đấy là tương đương một bài thơ, một tứ thơ. Nó vừa mang tính thống nhất khi nằm trong chỉnh thể nhưng lại vừa có tính độc lập khi bị tách rời. 
Thú thật tôi cũng hay đọc gã nhưng để nói câu nào của gã hay nhất thì hơi khó và phải có thời gian. Hơn nữa, cũng còn phải xem thực lòng chủ nhân của blog mong muốn hay hướng ngôi nhà của mình đến điều gì chứ, đâu thể áp đặt quan điểm của mình cho người khác. Ví dụ như trên web của Lê Thiếu Nhơn có câu: Cây đời mãi mãi xanh tươi như một khẳng định mang tính triết học về giá trị thực, trên web nhà văn Phong Điệp có câu thơ của Trần Lê Văn: Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi” hướng tới sự đồng cảm… Cũng có nhà văn, nhà thơ trên web hay blog của mình chẳng có thơ gì ngoài tên của mình, hoặc có ghi thêm chữ “Nhà văn/ Nhà thơ” sau tên mình thôi.
Có lẽ nhân cơ hội này tôi sẽ bảo gã thử làm cuộc “chọn thơ cho blog”, vừa để xem độc giả thích tạng thơ nào, vừa để xem có nhiều người đọc thơ của gã không. 
Khi tôi vừa hoàn thành bài viết này, chưa kịp gửi đăng báo thì hôm sau đã thấy trên blog của gã có hai câu thơ khác mới toe: “Sim mua thắc thỏm đợi chờ/ trái tim hát giữa bụi bờ mà đau”. Hai câu thơ này tuy độ liên tưởng không bị “hạn chế” như câu “Viết cho bóng tối từ trong bóng tối” vừa bị hạ xuống, nhưng lại dễ bị hiểu lầm. Tất nhiên là tôi vẫn hiểu gã đang viết về một mối tình chưa có hồi kết, nhưng có lẽ câu thơ này gã nên đặt vào chỉnh thể bài thơ hơn là tách biệt. Một độc giả, sau khi được tôi chuyển cho hai câu thơ này và hỏi “phát biểu” cảm nhận thì nhận được hồi âm là câu thơ: “Trái tim mà bỏ bụi bờ/ Kiến càng trông thấy nó chờ đợi ai”. 
Chưa hết, vài ngày sau, gã lại thay câu thơ: “Một hoang mang ngơ ngẩn bên chiều”, ôi đúng là nhà thơ, và tôi xin phép không bình luận gì thêm, kẻo thành người… lắm lời!. Xin để phần cảm nhân này cho bạn đọc.
Chẳng biết đến khi bài viết này có mặt trên báo, cái blog của gã có câu slogan nào mới không. Ngẫm về cái sự làm thơ và chọn thơ của gã tôi thấy đúng là: Dao sắc không gọt được chuôi. Vì thế mà sau này, nếu có cuộc bình chọn thơ nào (ví dụ cho tuyển tập, thơ thả trong Ngày thơ) xin các nhà tổ chức chớ có tin tưởng hoàn toàn về khả năng tự chọn thơ của chính tác giả.
Nguyên Vĩnh
Nguon theo vanhocquenha




15 nhận xét:

Dong nói...

Viết y như mình nghĩ, cái ông nào tài thật. He he.

bimbim nói...

Không phải "PI A" nhưng hay hơn "BI A".

trantuan nói...

Ủng hộ câu này treo trước cửa nhà VCH
"sen hạc hở vai dây mỏng gió thiêng"

(Buộc bóng thả lên giời luôn, hihi)

mẹ mướp nói...

Tài thật! Tài thật! Tài đến thế là cùng! Tiên sư anh... (Ôi, sorry, nhại cụ Cao nhỡ mồm, anh tác giả thông cảm)

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
---------
Tiên sư anh nào... viết.

Văn Công Hùng nói...

@ Bim Bim:
----------------
Bi a viết liền thành BIA nhé, lại chả hay và sướng...

Văn Công Hùng nói...

Trần Tuấn:
=-----
Ơ câu ấy hay à???

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ Mướp:
-----------
Hơ hơ...

Nặc danh nói...

Anh Hùng ơi, lý do tại sao gần cả tháng nay khi vô blog của "Hạt gạo làng ta" từ link trên blog của anh nó đều dẫn về trang chủ của blogtiengviet?
(nguyenphuong)

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyên Phương:
-----------
Mình cũng không hiểu nữa, có hỏi cả anh Trần Nhuận Minh là anh trai Trần Đăng Khoa nữa nhưng cũng không biết.
Tớ đang ở Sài Gòn.

Sent from my iP nói...

Hôm nào đẹp trời đề nghị anh treo câu thơ sau trước cửa nhà :

Em dạ thảo cát đằng mơn mơn nồng nã

(Nếu có thể thì ghi luôn cả số telephone của mấy em này nhé)

Văn Công Hùng nói...

Sent from my iP:
-------------
Hơ hơ, giá mà mình biết điện thoại của các em ấy nhỉ...
Có ai biết công bố giúp nhé.

NGUYỄN QUANG VINH nói...

Kiểu viết này chắc chắn là tên...Văn Công Hùng.
Ai đồng ý giơ tay
Trên 25 triệu tin nhắn đồng ý

lặc danh nói...

Cu Vinh đoán như thần, thiên tài thiên tài, thiên thiên tài. hehe

Văn Công Hùng nói...

@ Cu Vinh và Lặc danh:
-------------
Này, đây không phải là bầu chọn Vịnh Hạ Long nhé...