NGƯỜI TRẺ CAO NGUYÊN
VĂN CÔNG HÙNG
Chưa chịu... già là vẫn những cái tên Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Ni Ê Thanh Mai ở Đăk Lăk, lứa sau một tí là Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân ở Gia Lai, còn trẻ thật sự, cả đời và nghề, đáng mừng, Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, có vẻ đang phát ở thời điểm này. Tất nhiên bỏ qua sự lùm xùm của một "tên tuổi" cũng khá trẻ ở Đăk Nông vừa bị phát hiện đạo văn...
Tôi đang được Lê Vi Thủy nhờ đọc tập bản thảo thơ đầu tay có tên "Mắt vỡ không còn bóng". Đọc thơ cứ căng như dây đàn, mình chỉ là người đọc mà cũng phải làm mới mình mới theo kịp. Đọc vừa sướng vừa mệt. Vượt qua những điều dễ dãi của nhiều cây bút khác, Lê Vi Thủy quằn quại để mới với cái nhìn đa chiều đa diện đầy ám ảnh màu sắc, một sự lập ngôn vừa bản lĩnh vừa hơi... liều. Nhưng như thế mới là trẻ. Cô bé này rất lạ. Được đào tạo để ra dạy mỹ thuật cho học trò cấp 1, thế mà rồi cứ suốt ngày bị chữ ám, cho đến một ngày không chịu được thì phải ghi những ý nghĩ lộn xộn rời rạc ấy ra giấy. Sắc lạnh, táo bạo và mở toang hết mọi chiều kích cảm xúc, chữ quăng quật như búa tạ mà cái dáng thì mảnh mai như liễu như sậy như đót như le, chân dài miên man như chiều Pleiku mà mũi thì vời vời như núi Hàm Rồng chỉ chực phun lửa. Cũng may thời bây giờ mạng miếc phát triển, chưa in đâu được thì cứ đưa lên blog mình đã. Một nhà thơ lớp trước đọc, bỏ qua sự... thường tình ganh đua, bỏ qua cả những khó chịu vì nó... quá khác thơ thế hệ mình, khuyến khích và giới thiệu Thủy cho mấy tờ báo văn chương, thế mà rồi liên tục Thủy xuất hiện ở Văn Nghệ trẻ, Văn Nghệ quân đội, Văn Nghệ... Cũng ông nhà thơ đang... già này khuyến khích Thủy làm đơn xin vào hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai để bây giờ cô là tác giả trẻ tuổi nhất của hội này, và hiện đang được tạp chí Văn Nghệ quân đội mời đi dự trại sáng tác tại Quy Nhơn. Nhà thơ Nguyễn Bình Phương cho biết, cái trại lần này rất kén tác giả, nó mở ra để tìm giải cho cuộc thi lục bát của Tạp chí và phát hiện nguồn cộng tác viên lâu dài. Thú thật, đời tôi, lần đầu tiên được in ở Văn Nghệ Quân đội là mới cách đây hơn chục năm, cầm cuốn tạp chí cứ thi thoảng lại lén... hôn một cái. Tối ngủ lén lút để cuốn Tạp chí ở đầu giường khiến vợ cứ tưởng mình giấu... thư của bồ trong ấy. Thế nên giờ thấy lớp trẻ trưởng thành cứ vừa mừng vừa ao ước giá mà mình được trẻ lại...
Một hôm lang thang trên mạng, gặp một bài viết rất thú vị có tên "Lạm dụng nàng thơ hay làm tình ngôn ngữ", ngôn ngữ rất hiện đại, văn phong thì... hậu hiện đại nhưng lại rất chừng mực và... có lý, trong ấy có trích thơ của một số tác giả Tây Nguyên. Tôi comment vào và nói xin bài này về in trên tờ tạp chí do tôi làm tổng biên tập vì nó hợp. Thú thật tôi cứ nghĩ anh chàng (hay cô nàng vì cái tên cũng rất... teen và không viết hoa- miên di) đang sống ở đâu đó trong nam ngoài bắc chứ không biết đang ở ngay Pleiku. Báo ra thì một anh chàng đầu cua, râu nhôm nhoam, quần sooc dép lê cưỡi vespa đến tòa soạn nhận báo biếu và nhuận bút. Trông rất mất cảm tình nhưng nói chuyện thì rất lễ phép, luôn miệng dạ và cám ơn. Đến lúc vào chuyện văn chương thì cái chất trẻ bùng ra như lửa. Mới quen nhưng cậu chàng vẫn rất- vừa lễ phép vừa quyết liệt: Dạ thưa anh cho em phản biện vấn đề anh vừa nói. Và cãi, cãi rất hăng, có lý có tình, có thoái có lui, rất bản lĩnh và lại biết cách để không làm mất lòng người đối thoại mà vẫn giữ quan điểm của mình. Bây giờ thì chúng tôi thân nhau, và mới thấy anh chàng này là không thể coi thường: Hoàn toàn tự học để trang bị kiến thức cho mình. Trẻ thế mà đã qua rất nhiều nghề: Là người tạo mẫu tóc đã từng nổi tiếng ở Sài Gòn, nghe nói được sờ đầu vuốt cổ rất nhiều nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng, là người thiết kế thời trang và tự cắt quần áo cho các tiệm lớn ở cả Sài Gòn và Pleiku, khách nườm nượp rồi lại bỏ ngang đi thiết kế làm đì zai nội thất cho các nhà hàng, rồi cuối cùng là tự mở nhà hàng, khách cũng đông nườm nượp. Ban ngày loăng quăng tiếp khách, tối vợ con ngủ thì bắt đầu ôm sách đọc hoặc kẹp laptop sáng tác. Viết lý luận phê bình rất hay, ngôn ngữ uyển chuyển mà kiến thức cứ tươi rói đông tây kim cổ như là vừa thoát thai từ học viện, tất nhiên chữ không kinh viện mà hoàn toàn vượt thoát thứ ngôn ngữ khoa học gò bó để tung tẩy như... tùy bút. Tay ngang mà y viết "vài "xung đột" trong đời sống văn nghệ trẻ" in Văn Nghệ trẻ với những nhận định: "Luôn dung nạp rất nhanh kiến văn của lớp người đi trước, hừng hực khát vọng và cực kỳ nhạy cảm với biểu hiện của thời cuộc… Người viết trẻ - một bộ phận tươi sữa của nền văn học, đồng thời mỗi người trong họ còn là một “tiểu vũ trụ” với cái quyền tự trao: “được biểu hiện theo một cách tuyệt đối riêng”. Chính “cái tôi” dễ thương ấy tạo nên cá tính sáng tạo, như một chiều kích khơi cạy vỉa ngầm hiện thực. Nhưng mặt khác của “cái tôi” nếu quá cồng kềnh, sẽ là nguyên nhân khiến những sáng tạo của họ bị cô biệt, không “tương thích” được với khả năng cảm thụ của người đọc, đánh mất đi phần nào giá trị của tác phẩm khi chạm ngõ nhân sinh. Suy cho cùng, mỗi tác phẩm chỉ có ý nghĩa khi đến được với công chúng. Và chỉ phát sinh giá trị trong mối tương quan của nó với xã hội". Hoặc "Cái đẹp là... cái gì" in Tạp chí Sông Hương... Mà nào chỉ có lý luận phê bình, thơ miên di cũng đã đủ để in một tập, thơ hiện đại, vượt thoát, nửa trần trụi nửa rưng rưng. "có lần mở cửa bước vào/ vào trong mới biết mình lao ra ngoài" là một cặp trong một bài lục bát của y. Rồi đây nữa: "Chiếc lá vàng chợt hiểu mình là rác/ ai đem buồn vứt vào sọt trăm năm", hoặc đây: "nơi gót chân chưa từng cắm rễ / nơi đón tôi nằm chết cưu mang/ rồi lại đi…/ rồi lại về…/ nơi mộ tôi trổ đóa"... Và chưa hết, y còn viết truyện, cả ngắn và dài, mà mới nhất là đang làm một việc động trời, lén lén lút lút vì sợ nhưng trẻ con đang rất thích, ấy là y viết "Tân dế mèn phiêu lưu ký". Y viết mà sợ mình hoắng, mà sợ bác Tô Hoài mắng. Bởi y quan niệm: Thời bác Tô Hoài, con dế ấy nó chưa có Internet, chưa có phim 3, 4D, chưa có kỹ thuật số... bây giờ y thảy con dế vào đấy, cho chúng nó ngọ nguậy râu và... chat với nhau. Y viết xong pots lên blog và rất đông trẻ con vào hò reo. Để viết được về dế mèn, y bỏ ra cả tháng đọc sách sinh học, có cả những đêm trắng ngồi hầu nhà sinh học Đoàn Nam Sinh để ông kể cho nghe các tập tính của dế mèn và thế giới loài vật. Cái blog của y khiêm tốn nhưng nhìn tên các chủ đề cũng... kinh: Đạo gia, Triết học, Phật học, Kinh thánh... thơ miên di, lục bát miên di, tạp bút, suy ngẫm, mung miêng, truyện, truyện thiếu nhi, phê bình, và... Bây giờ thống kê, tác phẩm của y đã có mặt ở hầu hết các tờ báo văn chương quan trọng cả giấy và mạng khắp trong nam ngoài bắc...
Tết rồi tôi liều mạng một mình nhận với cơ quan tổ chức một sân "thơ thị giác". Nói liều mạng bởi lâu nay chỗ tôi chỉ tổ chức các đêm thơ, lên, xuống, đọc thơ, vỗ tay, chào, tặng hoa... dù phải công nhận, các đêm thơ ở Gia Lai tổ chức đều có thể gọi là thành công, nhưng sao nó vẫn đơn điệu. Tôi muốn vượt lên sự đơn điệu ấy, đưa thơ vào đời sống và cũng đo lường lòng yêu thơ của công chúng, muốn mọi người cùng mở rộng biên độ tưởng tượng, mở rộng biên độ cảm xúc và cả không gian thơ. Chỉ trong không đầy một tuần chuẩn bị với chưa đầy chục triệu bạc, sân thơ thị giác ấy đã mở cửa chỉ trong một ngày mà kéo cả dăm ngàn lượt người đến thưởng thức và đồng điệu với thơ. Tôi nhắc sân thơ ấy không phải để khoe, mà muốn kể rằng, sân thơ ấy toàn do người trẻ làm. Tôi chỉ là người nêu ý tưởng, phụ trách chung, còn lại là các nhà thơ trẻ, họa sĩ trẻ, lăn vào làm không công. Và thành công. Và từ sân thơ ấy tôi phát hiện thêm nhiều gương mặt mới nữa. Ví dụ như cô bé Lê Kim Sơn, nghe tên như con trai, thơ cũng như con trai, khi gặp té ra... gái. Cô bé này khi sang Đà Lạt dự lễ ra mắt cuốn "Thơ tình cao nguyên" của NXB Trẻ đã khiến bao nhiêu văn nhân thi sĩ ngẩn ngơ bởi cái chiều cao hơn mét bảy mà lại thửa thêm đôi giày cao gót khiến cho chiều Đà Lạt như lệch nghiêng vào... sương mù. Trước khi Kim Sơn xuất hiện thì Lê Vi Thủy cao nhất trong giới làm thơ Miền trung Tây Nguyên với gần 1,69m, nhưng khi Sơn đứng lên thì... Thủy như đang... ngồi. Cô bé này cũng là cô giáo dạy hội họa ở một huyện giáp thành phố Pleiku. Thơ như đang vỡ ra giống các cô gái dậy thì lần đầu nghe các chàng trai đứng đầu hồi nhà huýt sáo. Ý tưởng lạ và thi thoảng lại lóe lên những câu sắc sảo đến lạnh lùng.
Là người gắn với phong trào sáng tác văn học nghệ thuật của Gia Lai và Tây Nguyên suốt ba chục năm nay, tôi nghiệm ra, cứ chu kỳ dăm năm lại có một lứa tác giả xuất hiện. Một lứa giữa thập kỷ tám mươi thế kỷ trước với những Tạ Văn Sĩ, Hữu Kim, Thu Loan, Hương Đình, Chử Anh Đào, Phạm Đức Long... rồi đến Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, Ni Ê Thanh Mai, Hoàng Thiên Nga, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Toàn... và bây giờ Lê Vi Thủy, miên di, Hồng Thủy Tiên, Lê Kim Sơn... bắt đầu lên tiếng. Mỗi thế hệ một cách lập ngôn, một giọng điệu, và càng trẻ, càng về sau, độ vang, sự táo bạo, cách tự chủ... càng rõ rệt hơn...
Thế thì tại sao không mừng...
V.C.H
22 nhận xét:
Khg một chút nào giới thiệu Hồng Thủy Tiên, ngoài cái tên. Hu hu, khg bit đâu!
Tại sao khg mừng nhg Có Người Bùn.
@ Nặc danh:
--------
Có lý do cả đấy bạn ạ...
cu duoc nhac toi ten la suong roi, bac nhi?
Bác Hùng ơi, cho tôi nói một tiếng thật lòng nhé . Nỗi vui mừng của bác về các thi - văn tài ở đất cao nguyên, e là nỗi vui mừng mang tính làng xã thôi. Ngay những người dân xứ ấy mấy ai biết gì về những người này, nói chi cả nước. Chỉ có le lói lâu lâu một nhân vật như Nguyên Hương may ra đáng gọi là vui được vì tiếng tăm và tài năng đã được công nhận toàn quốc, nhưng vẫn còn thua xa tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư Cà Mau đấy bác nhé !
@ conhi:
-------------
Thực ra thì người viết bài này cũng chỉ ngang làng xã thôi bạn ạ. Làng xã nhìn làng xã thì cũng... rưa rứa cả, thấy ai cũng tài hơn mình nên cứ phải viết và công nhận họ thôi. Tất nhiên không phải ai cũng đã nhà này nhà kia, ít nhất thời buổi này mà còn có người yêu, máu me văn chương là đã quý lắm rồi, tài năng hoặc cơm cháo gì không thể ngày một ngày hai mà là cả quá trình. Dội ngay cho họ một gáo nước lạnh hoặc động viên đồng cảm, tôi nghĩ cách thứ hai tốt hơn...
Làng xã thì sao?
Sao bác VCH không cho một vài trích đoạn đọc cho sướng.
Bị dội nước lạnh đúng vào lúc mình đang động viên đồng cảm!!!
Gửi bác Văn!
Em đọc kỹ bài ni đăng trên Văn nghệ trẻ rồi. Chúc mừng bác và chúc mừng các anh tài nhà ta! Còn mọi việc như bác nói thì rứa rứa đó. Hi hi, he he...
Các bác cứ nói vui, có tài năng nào mà không có thời kỳ nấp trong lá ủ đâu. Thiên tài được mấy, trường trại cũng không nhiều. Động viên nhau vươn lên là đúng, là tạo điều kiện cho các mầm xanh từ vườn ươm ra được trước nắng gió chứ.
VCH viết không phải là ru, cũng không phải vỗ quên các bạn. Chúc các bạn trẻ còn sức làm mới mình và làm mới văn đàn.
@ Hoàng Lâm:
----------
Có cách thứ ba là vừa... động vừa dội, hehe...
@ Bimbim:
----------
Thực ra bài này mình không chủ trương trích tác phẩm, mà chỉ nói về một lứa tác giả trẻ mới xuất hiện, rất đáng mừng, còn tác phẩm thì cũng... rưa rứa đó. Từ phát hiện ban đầu trong một dàn, một lứa đến khi thành một tác giả là cả một đời khổ ải. Hy vọng các bạn trẻ này chịu được khổ ải ấy...
Còn một số tác giả mình nhắc có blog đấy, gõ vào tên họ, đầy tác phẩm...
@ Võ Công Phúc:
-----------
Khi viết bài này, tớ quên một vài tác giả trẻ ở các tỉnh, ở KT có chú, nói thật đấy, không vuốt đuôi đâu, huhu, sory nhé.
Cám ơn chú đã chịu khó đọc bài dài ngoằng trên VNT.
@ Đoàn Nam Sinh:
---------
Cám ơn bác đã đồng cảm.
Gớm, bây giờ còn có đứa nó yêu, miệt mài, say đắm với văn chương, mừng muốn chết, cao đạo nỗi gì phải không bác...
Gửi bác Văn!
Khi viết bài này, tớ quên một vài tác giả trẻ ở các tỉnh, ở KT có chú, nói thật đấy, không vuốt đuôi đâu, huhu, sory nhé.
Cám ơn chú đã chịu khó đọc bài dài ngoằng trên VNT.
-------------------------------
Hu hu... em mà còn trẻ nổi gì nữa bác Văn ơi! Sắp U50 rồi đấy bác. Mà bác đừng nêu tên, thật đấy, em vốn ngại...tai tiếng lắm cơ!
" Nhá" một cái xem bác Văn thế nào, giờ mới sorry nhé ! Thực ra làng xã hay không có chi quan trọng. Đúng như bác nói, thời buổi ni có người "dám" lăn xả vào cuộc chơi chữ nghĩa đã quí lắm rùi, làng xã cũng tốt, huyện tỉnh cũng tốt, miễn là chịu chơi. Vả chăng không có làng xã lấy chi có huyện tỉnh, phải không các bác ! Uh mà mới " dội " mỗi một gáo nước lạnh mà sấm chớp đì đùng rùi, vậy mới vui chứ, hehe...
Cháu chào Chú Hùng. Chú đúng là người đi trước đậy tâm huyết.
@ Hung:
--------
Đi trước thì tất nhiên rồi, còn lại các thứ khác phải xem đã...
@ Conhi:
-------------
Không có chi, vui mà...
Thật tội nghiệp cho mấy anh văn nghệ tỉnh lẻ,tài năng thì hạn hẹp ,không biết thân cứ đòi ngoi ra sông lớn Hehe
@ Nặc Danh:
------------
Nghiêng mình kính chào anh (bác) văn nghệ tỉnh lớn, cám ơn anh (bác) đã hạ cố xem anh chị em văn nghệ tỉnh lẻ bơi...
làm văn chương đã nhọc, như Vi Thùy Linh từng nói: một câu động viên đúng lúc sẽ có tác dụng thúc người viết trẻ cố gắng viết cho ra hồn. Vậy tiếc gì một lời động viên. Còn ai đó ở xa ngó tới thấy mờ mờ chê bai người viết trẻ Tây Nguyên thì...cũng can chi.
@ nặc danh
cảm ơn nặc danh đã lưu tâm đến tên Hồng Thủy Tiên.
thực ra, lí do mà chú Văn Công Hùng không muốn nói đến vì Hồng Thủy Tiên chưa có dấu ấn gì đặc biệt để nói mà. ^ ^
điều đó khiến Thủy Tiên không buồn, ngược lại,là động lực cho Tiên cố gắng hơn nữa...
Đăng nhận xét