Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

BÀI PHỎNG VẤN HAI NĂM

Hình như đúng là ba năm kia. Em Hiền ở báo Văn học và Tuổi trẻ đặt mình phỏng vấn Nguyễn Ngọc Tư, mình gửi câu hỏi, đợi... 1 năm thì được hồi âm. Xong xuôi gửi cho báo và... quên luôn. Cả năm sau, hôm qua, nhận được phong bì gửi ba tờ báo, mở ra, có bài này.

Dạo này các báo mần gắt, mình đưa lên blog trước là "chúng nó" hoặc là không in nữa hoặc là không trả nhuận bút, đều đau như nhau, nên cứ phải chắc ăn đã rồi mới đưa lên được, huhu...



ONLINE VỚI NGUYỄN NGỌC TƯ

          Cách đây gần hai chục năm, tôi cùng Nguyễn Ngọc Tư dự một trại sáng tác văn học tổ chức tại trường phụ nữ trung ương ở Láng Trung. Hồi ấy Tư đang là nhân viên thủ quỹ của hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau. Trong trại tôi thấy Tư có hai việc hay làm, một là kêu một tay xe ôm chở ra bờ hồ chơi, nhiều khi tha thẩn cả ngày ở đấy, đến nỗi tay xe ôm quen mặt, có lần... không lấy tiền. Hai là thi thoảng lôi cuốn sổ ra cộng cộng nhân nhân. Thì ra đấy là sổ... nợ của cơ quan. Tôi thấy trong cuốn sổ ấy có tên cả mấy nhà văn tôi quen như Nguyễn Thanh, Lê Đình Trường. Cái thời ấy vui và trong sáng đáo để...

          Đến giờ, gặp được Tư quả là khó vì chị thoắt ẩn thoắt hiện như chim. Đại hội nhà văn lần thứ 7, cứ cậy mình quen, ào xông vào rủ Tư đi đám này đám kia, té ra có nhiều người... quen hơn mình cũng ào ào xông vô. Nhưng tính Tư vốn lặng lẽ, xong cơn ào ào ấy, Tư lại ở một mình trong phòng, còn cái đám ào ào kia thì đi nhậu.

          Một lần Tư hẹn, anh với em thi thoảng chat nhé. Bảo biết lúc nào em lên mạng mà chat. Trả lời tỉnh bơ: Cứ thấy em đỏ đèn thì là... em đang online. Thế mà có bao giờ thấy email của Tư đỏ đèn đâu, mail thì cả tháng chưa thấy trả lời.

          Đại hội nhà văn 8 vừa rồi, gặp nhau nhoáng một cái. Thấy Tư vẫn lặng lẽ tránh các đám đông dù rất nhiều người kéo Tư vào chụp ảnh. Tôi phát hiện thấy nếu né không được thì Tư mới đứng vào chụp chứ không có vẻ hào hứng một tẹo nào thế nên cũng không... bằng mọi giá xông vào chụp ảnh với chị. Nhưng mà rồi nhớ ra một chuyện là cách đây khoảng... nửa năm, tôi có gửi email cho Tư làm một bài phỏng vấn cho báo Văn học tuổi trẻ mà chưa nhận được hồi âm. Thế là cùng với biên tập viên của báo giục, chúng tôi có cuộc trao đổi qua email như sau:
         
Chào em Tư, báo Văn học và Tuổi trẻ nhờ anh phỏng vấn em cho nó... giòn tờ báo. Thôi thì chúng mình làm phận sự vậy. Anh nêu ra vài ý em trả lời hộ, ngoài ra còn gì cần nói thêm em cứ tương vào hộ anh, sau đó anh chấp bút, sau đó nữa anh mail lại cho em, em xem và sửa, sau khi nhất trí cao và toàn diện mọi mặt anh sẽ mail cho báo. Thế nhé, bắt đầu...

          VCH- Tất nhiên là cuộc sống luôn có hai mặt và sự khám phá là không cùng. Tôi đọc bạn từ hồi "Ngọn đèn không tắt" và hồi ấy đã có vài lời trên báo Văn Nghệ trẻ. Sau đấy đến "Cánh đồng bất tận" và tôi lại cũng phải có vài lời cũng trên báo này vì những vấn đề ngoài văn chương. Cho đến nay, tôi và công chúng văn chương đều thừa nhận bạn là một tác giả tên tuổi trong nền văn chương hiện đại nước nhà. Có điều từ "Ngọn đèn không tắt" đến "Cánh đồng bất tận" là một sự thay đổi rất lớn của Nguyễn Ngọc Tư cả về bút pháp và cách nhìn đời sống. Bạn nói rõ hơn về điều này được không?

          NNT: Từ ngọn đèn tới cánh đồng mình gói vào một câu nhưng là khoảng cách 5 năm. Lẽ tự nhiên, tôi lớn lên, chững chạc thêm chút già đi thêm chút. Văn phong cũng vì vậy mà thay đổi, nói chung thì càng ngày càng… phức tạp. Tôi thường nghĩ trời đất ơi mình phức tạp quá, liệu hai mươi năm nữa thì sự phức tạp đó đậm đặc tới mức nào. Cũng may ông trời sáng suốt, tôi thấy nhiều ông bạn già của mình giờ đơn giản lắm, hồn nhiên như trẻ con vậy. Cứ nhìn họ là tôi lại thấy hy vọng…

          VCH- Riêng tôi, tôi khâm phục "Cánh đồng bất tận" nhưng lại thích thú và yêu mến "Ngọn đèn không tắt" hơn. "Ngọn đèn không tắt" tài hoa và đằm sâu nhân hậu. "Cánh đồng bất tận" khốc liệt và thông minh. Tất nhiên nó vẫn là một Nguyễn Ngọc Tư của đồng bằng Nam Bộ, của Cà Mau, nơi mà tôi thấy Nam Bộ với nền văn hóa độc đáo khu biệt đã làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và ngược lại Nguyễn Ngọc tư đã làm cho vùng đất này trở nên phổ biến không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài, bằng những trang văn tài hoa và tình yêu ngộp thở với nó. Bạn nói gì về sự thay đổi (tạm gọi thế) này?

          NNT: Tôi cũng yêu Ngọn đèn không tắt. Dạo ấy còn ngây ngô, viết câu văn cũng ngây ngô, ý tưởng càng ngây ngô. Mà trong trẻo, giản dị. Tôi vẫn thường nói đó là cuốn hay nhất, bởi vì tôi không thể viết lại giống như vậy. Những va chạm, những trải nghiệm mới đã làm tôi vẫn yêu vùng đất này, nhưng yêu kiểu khác, riết róng và thực tế. Tôi nhận ra chỉ cần mình yêu và gắn bó thật lòng, thì yêu kiểu nào cũng truyền dẫn tình yêu đó đến với người đọc, dù ít hay nhiều. Đọc Cánh đồng bất tận không làm người ta sợ Nam Bộ đâu, tôi tin vậy…

          VCH- Tôi biết bạn đã không còn công tác ở Cà Mau nữa nhưng gia đình vẫn ở đấy. Nếu có một thành phố nào đó, chiêu hiền đãi sĩ, mời bạn thì bạn có chuyển nhà về đấy không?

          NNT: Không, cho đến giây phút này, tôi chẳng mảy may nghĩ mình sẽ bỏ xứ mà đi đâu đó. Để bứng tôi đi hẳn phải có cú sốc nào đó ghê gớm lắm. Nhưng nó chưa xuất hiện mà tôi cũng chẳng mong đâu (cười). 

          VCH- Hiện nay bạn đang đọc gì? Có cuốn nào của tác giả trong nước không?

          NNT: Ôi, nhiều loại lắm, biết kể sao cho xiết. Sách cũng tùy tâm trạng, buồn thì tìm đọc thứ nhẹ nhàng, vui lại tìm những cuốn sách nặng đô, những cuốn có vấn đề đọc để… buồn. Nhưng văn học dịch thiếu nhi bao giờ cũng thích, con nít trong đó mới đúng là con nít. Đọc bao giờ cũng thấy mình bớt phức tạp hẳn.

          VCH- Có một hiện tượng là các nhà văn rất ít đọc... thơ? Bạn có như thế không? Tất nhiên tôi biết vừa rồi bạn có tạt ngang chút đỉnh với thơ và... đau đớn thay cho cánh làm thơ (có tôi) là thơ bạn cũng được chào đón như văn xuôi.

          NNT: Trời, tôi đọc thơ chứ. Sổ tay tôi ghi đầy những câu thơ (của người khác, tất nhiên). Tôi còn hay lân la chơi với mấy chú nhà thơ như Chim Trắng, Lê Văn Ngăn, Tô Thùy Yên… Nhưng thơ thường khó mua lắm, nếu như tác giả không… tặng, tôi buộc phải mò lên mạng để đọc, nhất là của những anh chị thơ trẻ. Việc tôi làm thơ cũng là tôi bỗng nghĩ ra ý này ý nọ mà không thể diễn đạt bằng văn xuôi, mà bỏ luôn thì uổng quá. Không mấy khi gặp trường hợp vậy, mong anh đừng tỏ ra… đau đớn, hahaha.


          VCH- Bạn đánh giá về tản văn như thế nào? Người ta có thể sống được bằng chuyên viết tản văn không nhỉ?

          NNT: Không sống được. Nếu viết dở. Không ai đăng cho. Nhưng nói sống theo kiểu khác thì sống được, nhất là nếu người đó cô đơn và trầm tính, không thích bộc bạch mình bằng lời. Thì viết tản văn. Như một kiểu nhật ký, để người viết gửi gắm những điều mình nghĩ. Bằng cách này tôi gửi gắm được nhiều thông điệp, giải tỏa những cảm xúc đầy ứ trong lòng, mà truyện ngắn không làm được. Truyện của tôi toàn ảo, không gian và người ảo, không có hoặc rất ít tôi ở đó. Tôi cho rằng tản văn gần với người viết nhất, bộc lộ tâm tư tình cảm của người viết nhiều nhất.
         
          Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng của văn chương Việt Nam. Ngoài truyện ngắn và tiểu thuyết, tản văn của chị cũng là một thương hiệu, đến nỗi có ít nhất  2 trang web có hẳn mục riêng- Tản văn Nguyễn Ngọc Tư-  chỉ đăng tản văn của chị và thường xuyên có rất nhiều lượt truy cập.  Chị chứng minh một điều rằng, tài năng văn chương là thiên bẩm, nó sẽ phát lộ khi có điều kiện. Việc học đối với nhà văn chính là quá trình vật vã sáng tạo của họ. Quá trình ấy có sự quan sát đời sống, nghiền ngẫm cuộc đời, độc thoại với mình và đối thoại với mọi người, đau đớn với nó, trăn trở cùng nó... rồi là tìm cách thể hiện nó ra thành chữ, bắt những con chữ ấy cựa quậy trên trang giấy và trong lòng người đọc. Quá trình học tập của nhà văn là quá trình tự vượt lên những trang viết của chính mình để mình trưởng thành từ chính những trang viết ấy. Tất nhiên nhả ra một thì phải thu nạp hàng trăm, bằng chính những trải nghiệm của mình, sự quan sát tinh tế và cả sự khốc liệt của suy nghĩ. Hiện nay Nguyễn Ngọc Tư đã rời khỏi Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau đầu quân cho một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng gia đình vẫn ở Cà Mau. Về nơi công tác mới chị có dịp đi rất nhiều, một cách học và thu nạp cuộc sống rất bổ ích và đặc thù của nhà văn...
                                                          VĂN CÔNG HÙNG

6 nhận xét:

Bimbim nói...

Có người nói các nhà thơ VN đều rất giỏi toán,có nhà thơ xuât thân là nhà toán.Chứng cớ là khi họ viết về các con số thì câu thơ rất hay (trừ Tố Hữu).
Có đúng thế không bác Hùng,bác có giỏi toán không?

Văn Công Hùng nói...

@ Bim Bim:
-------------
Hồi đi học tớ dốt nhất môn lượng giác, môn hình là khá nhất trong môn toán. Nói chung là môn toán đủ để tốt nghiệp phổ thông.
Nhiều nhà sau này hay khai hồi đi học dốt nhất môn văn, tớ đoán 50% là diễn. Riêng tớ, nói luôn, rất giỏi văn.
Bây giờ món khó nhất với tớ là... đếm tiền. Mỗi lần phải trả tiền, tính tiền thối là khốn khổ...
huhu.

Dong nói...

Có một lần nằng nặc kéo bằng được Tư đi uống cà phê. Khá thú vị nhưng Tư khá kiệm lời. Văn thì lạ.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong:
---------
Người tài nó thế, còn tớ thì... chưa mời đã gạ để được mời, và ngồi thì... cứ như mình là người mời, hehe...

Bắc Hà nói...

Phấn đấu đến một cấp nào đó thì không bao giờ phải tiêu đến tiền(tiền chỉ có một cửa). VCH bản năng đếm tiền kém.Làm sao tiền chỉ có một cửa không cần lăn tăn với bản năng này nữa he he

Văn Công Hùng nói...

@ Bắc Hà:
--------------
Đúng là kém nên tôi... giao hết cho vợ. Có hai cái thẻ ATM, một cái chính của cơ quan để cấp lương vào đấy, một cái ngân hàng khuyến mãi để ai... hối lộ thì chuyển vào đấy đều giao cho vợ giữ, ví mình luôn luôn emty, huhu...