Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

XEM QUỐC HỘI HỌP

          Quốc hội khóa này còn phiên cuối cùng, hôm nay đúng thứ 7 lại có truyền hình trực tiếp, mình bỏ ra hơn nửa buổi chiều xem, nhân đấy có vài cảm nhận ngoài lề về quốc hội- vì "trong lề" thì báo chí chính thống đã đưa.


          1. NÓI VO, NÓI THEO GIẤY VÀ ĐỌC THEO GIẤY.

          Nhiều đại biểu quốc hội nói vo rất hay, họ là những diễn giả chuyên nghiệp, nêu vấn đề, giải quyết vấn đề rất chính xác, không lạc và hấp dẫn. Một số khác thì cầm giấy nói, cũng lôi cuốn vì họ tự ghi ra giấy những điều họ cần nói và khi nói họ chủ động ngắt ngừng nghỉ khá mạch lạc và chuẩn xác khiến người nghe không chán, nắm được vấn đề.
          Ngán nhất là một số vị đọc bài viết sẵn như... dò bài, như thể là không phải do họ chuẩn bị. Ê a ngúc ngắc nhạt nhẽo không biểu cảm thần sắc. Tôi đã từng nghe một vị đại biểu nữ đọc một bài như thế, đọc xong có khi chính chị này cũng không hiểu mình vừa... phát biểu gì? Chiều nay thấy cả bác Tuấn- Trần Văn Tuấn, bộ trưởng nội vụ cũng cầm giấy miệt mài đọc...

          2. LAPTOP ĐỂ LÀM GÌ?

          Được biết trước kỳ quốc hội này mỗi vị đại biểu đã được phát một laptop để làm việc, loại Sony Vaio hẳn hoi, hehe, y hệt cái của tôi đang dùng. Nhưng để ý mãi cũng thấy không quá... 5 cái laptop trên bàn đại biểu mỗi phiên họp (cũng có thể do góc quay của tivi nên tôi không thấy hết). Tất nhiên là bác Dương Trung Quốc và bác Nguyễn Minh Thuyết thì đương nhiên rồi, hôm nọ thấy có chị gì tre trẻ cũng cặm cụi laptop nữa. Thời đại internet toàn cầu, quốc hội đã rất sáng suốt khi phát laptop như một công cụ lao động cho đại biểu. Ví dụ nếu các đại biểu mang laptop vào phòng họp và online thì khi bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang phát biểu trả lời đại biểu về việc các nhà máy thủy điện nhỏ ở Kon Tum phát triển ngoài kế hoạch nên không có dây để tải điện lên lưới (là cứ nôm na thế cho nó nhanh) thì mấy ông có nhà máy chạy phành phạch mà không được nối điện lên lưới bán cho EVN trong khi cả nước đang phải phập phù cúp điện mail ngay cái quyết định hoặc cái gì gì đó cho ông đại biểu đưa vấn đề của mình ra chất vấn để ông này trưng ngay ra chọ bộ trưởng rằng là chúng tôi làm thủy điện là có được đủ ban bệ phê duyệt.... Ấy là một ví dụ nhỏ, còn rất nhiều việc nữa mà nếu có laptop online trong phòng họp thì cử tri có thể tương tác ngay với đại biểu của mình, để cung cấp, để trao đổi thông tin ngay lập tức. Chao ơi, có thể mình viển vông nên cứ tưởng tượng ra như thế chăng, nhưng quả thực, rút từ mình ra, đi đâu cũng kè kè laptop online, công việc cứ gọi là phăng phăng, đi khắp trong nam ngoài bắc mà cứ như đang ngồi ở tòa soạn, bài vở đọc duyệt veo véo, chả chậm trễ bao giờ. Nhân đây khoe phát cho sướng, rằng là mình mình đang xài... 3 máy tính, 2 laptop và 1 để bàn, mà thi thoảng vẫn thấy... kẹt, như em Phong Điệp réo như réo nợ viết cho Văn Nghệ trẻ của em mục chuyện xấu nhà văn mà mãi rồi vẫn tịt, mỗi khi thấy email của em là giống như thấy... roi của vợ.
          Nói thêm một phát nữa, chiều nay xem được một lúc truyền hình trực tiếp họp quốc hội, thấy bác Thuyết bác Quốc và vài bác nữa nói hay quá, đặc biệt là vứn đề Vinashin và điện hạt nhưn, nhưng vấn đề là các bác cần nghe có nghe không, vì thấy ghế trống rất nhiều. Thi thoảng mình cũng muốn nghe quốc hội họp nhưng tuyền vào ngày mình (và mọi người) phải đi làm, nên bình thường chắc chỉ các bác hưu trí và các bà nội trợ nghe. Hôm nay đúng vào thứ 7 nên mình được nghe và chắc cũng nhiều người nữa...
          Đại loại thế...
------------------
Toàn văn bài phát biểu của GS đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết (ông Thuyết nói vo, đây là bản rã băng của văn phòng quốc hội):

Kính thưa Quý Vị Chủ toạ,
Kính thưa Quý vị Đại biểu,

Các đại biểu phát biểu trước tôi đã đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội và sự điều hành của Chính phủ trong năm 2010, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong điều hành và kiến nghị những giải pháp, những vấn đề cần quan tâm.
Tôi nghĩ ở đời có hai đối tượng rất dễ bị chê một cách nghiêm khắc. Một là chồng bị vợ chê. Hai là Chính phủ bị Quốc hội chê. Không có ai thương yêu chồng hơn là vợ nhưng vì muốn ông chủ gia đình thật tốt nên vẫn phải chê. Không ai thương yêu Chính phủ hơn đại biểu Quốc hội. Nhưng muốn có một Chính phủ tốt thì cứ phải chê.
Thứ hai, theo tôi có 2 đối tượng cũng dễ bị khen một cách ngoại giao. Một là phụ nữ được người khác giới khen. Không ai chê phụ nữ bao giờ. Thứ hai là lãnh đạo được cấp dưới khen hay được các nhà ngoại giao khen thì cũng phải sàng lọc. Tôi tin Chính phủ sẽ sàng lọc những cái gì chê là đúng, cái gì khen là đúng để tiếp tục phấn đấu.
Trong Báo cáo của Chính phủ, tôi thấy có rất nhiều điều cần tán thành, nhiều điều cần chia sẻ. Nhưng có một điều mà nó át tất cả những tán thành, những chia sẻ ấy chính là về vụ Vinashin. Có thể nói sau khi công bố Báo cáo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, rất nhiều cử tri gọi điện cho tôi. Người ta đặt những câu hỏi mà tôi thấy rất khó trả lời.
Câu hỏi thứ nhất là tại sao Bộ Chính trị lại kết luận như vậy trước khi có kết luận thanh tra. Đành là cái nhìn của Đảng rộng hơn thanh tra nhiều lắm, nhưng ít nhất phải có cơ sở kết luận của thanh tra đã.
Thứ hai, tại sao Bộ Chính trị không ký một văn bản thông báo với Quốc hội mà lại thông báo qua đồng chí Phó Thủ tướng thường trực, qua Báo cáo của Chính phủ.
Thứ ba, cử tri cũng muốn biết đồng chí A, đồng chí B trong Chính phủ có những hạn chế gì, có những ưu điểm gì trong điều hành Vinashin, trên cơ sở đó cử tri người ta dễ nhất trí nếu như mình thấy rằng không đến mức phải kỷ luật. Tôi cho chỗ này nên công bố một cách rất rõ ràng như thế. Nếu không cử tri rất buồn. Người ta rất phân vân. Và Quốc hội chúng ta không hoàn thành được nhiệm vụ trước cử tri, Chính phủ cũng không hoàn thành được nhiệm vụ trước cử tri.
Lúc nãy, phát biểu trước tôi, đại biểu Đặng Như Lợi có kiến nghị Quốc hội cần hoàn thành nốt món nợ với cử tri, từ nay đến tháng 7 cũng phải lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các đồng chí trong Chính phủ và có một kết luận để cho nhân dân tán thành, người ta được yên tâm.
Trước đây tôi có đề nghị vấn đề này, nhưng sau khi nhận được ý kiến của Thường vụ trả lời thì tôi cũng nhất trí, bởi vì tôi nghĩ thời điểm lúc đó rất tế nhị. Đấy là thời điểm trước Đại hội Đảng, nếu không khéo thì lại nghĩ mìnhcó ý này, ý khác. Nhưng bây giờ Đại hội xong rồi, kết quả tốt đẹp rồi. Bây giờ, tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể làm vấn đề này một cách đàng hoàng để cho nhân dân không băn khoăn, thắc mắc gì cả. Chúng tôi xin đề nghị Thường vụ cân nhắc và cho ý kiến sớm về vấn đề này.
Nhân còn thời gian, tôi xin đề cập một vấn đề rất thời sự hiện nay, đó là việc đối phó với thảm họa thiên tai. Từ hôm 11/3 đến giờ, không phải chỉ người Việt Nam, mà nhân dân toàn thế giới hết sức quan tâm đến diễn biến thiên tai ở Nhật Bản, chia sẻ sâu sắc trước những mất mát của nhân dân Nhật Bản, đồng thời bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với cách giải quyết, cách khắc phục thiên tai của Chính phủ Nhật và của nhân dân Nhật. Tôi cũng đặt câu hỏi tại sao người Nhật có cách hành xử được ngưỡng mộ như vậy? Tôi tự trả lời, không biết có đúng không?
Trước hết là dịch vụ công của họ rất tốt. Hàng chục nghìn người tạm trú trong nhà tạm lánh đều được chăm sóc y tế. Thức ăn có thể phải xếp hàng lấy nhưng không thể có ai đói. Người ta có Chính phủ quan tâm, sắp xếp như vậy thì làm sao người ta phải nhốn nháo, tranh cướp nhau.
Thứ hai nữa là họ có nền văn hóa cao. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất cho cách ứng phó của Nhật Bản thành công là người Nhật đã được chuẩn bị rất kỹ để sống chung với động đất, với sóng thần. Từ thiết kế nhà, sử dụng các vật liệu nhẹ đến kết cấu thích hợp với việc chống động đất đã làm giảm thiểu thiệt hại. Thêm nữa là người dân được dạy từ bé cách chống động đất, tránh sóng thần như thế nào nên ứng phó được.
Ở nước ta, một nước lúc nào cũng có mùa rét, thậm chí rét đậm, rét hại nhưng năm nào cũng chết trâu, chết bò; lúc nào cũng có bão, lũ lụt, không có năm nào không cả nhưng năm nào cũng có người chết, từ lãnh đạo đến nông dân hết sức vất vả để chống chọi. Vậy tại sao chúng ta không nghiêu cứu những phương thức để chống rét, chống bão lụt mà rất đơn giản là cấp thuyền cho người ta. Tôi nghĩ sắp tới cần nghiên cứu thêm vấn đề này.
Thứ hai, cần rà soát lại độ an toàn của tất cả công trình hiện nay, nhất là thủy điện, điện hạt nhân. Về điện hạt nhân, Quốc hội đã biểu quyết rồi. Chúng ta thấy các đồng chí làm công trình này khẳng định yên tâm. Nhưng chúng tôi mới nhận được thông tin Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga có chỉ ra những nhược điểm của những điểm mà mình đã chọn: có địa điểm thì độ địa chấn cao, nằm ngay ở đường đứt gãy, thậm chí nằm gần tam giác của 3 đường đứt gãy; có địa điểm thì nằm ở sát ven biển, khó mà có thể chống được sóng thần. Những chuyện này là mình đã có kinh nghiệm ở Dung Quất rồi, mình điều tra không kỹ cho nên khắc phục rất mệt. Tôi đề nghị là các cơ quan giúp việc của Chính phủ phải điều tra hết sức cẩn thận, chứ không thể chủ quan được. Vì chúng ta không thể tưởng tượng được thiên nhiên sẽ tàn phá thế nào. Riêng trận động đất ở Nhật, người ta tính ra là sức phá hoại của nó gấp 1.000 lần toàn bộ bom hạt nhân ở trên trái đất này, ở tất cả các nước. Đấy là điều mình không thể tưởng tượng được. Nếu bây giờ mình cứ chủ quan, mình nói là yên tâm, chúng ta thế hệ 3 rồi, nền đất ở đấy thế này, thế kia, sợ đến lúc mình hối không kịp. Đấy là những điều chúng tôi rất mong được Quốc hội, được Chính phủ quan tâm.
Xin cảm ơn Quốc hội.

6 nhận xét:

Văn Công Hùng nói...

Có cái này không biết anh có để ý hay không, em thì thấy là lạ. Đại biểu quốc hội gì mà cứ phát biểu theo kiểu: "... dân buồn", rồi thì "... dân không đồng ý",..."... cử tri hỏi tôi thế này,..."... Nghe nó cứ như đi giải bày nỗi niềm. Sao không nói là : Tôi không đồng ý, tôi thất vọng vì cách làm của các anh,... Chẳng lẽ dân người ta nói vậy, còn mấy ông nghị thì không ah?
Chính phủ làm tốt thì khen ngợi, làm không được thì dẹp, đưa người khác lên làm, quốc hội có quyền đó mà. Sao mỗi lần họp nghe đại biểu nói cứ như năn nỉ mấy ông trong chính phủ vậy???
Nghe nói tự nhiên thấy dân mình quá hiền. Bức xúc với chính phủ mà cũng chỉ biết "buồn",... rồi thôi. Mà thật ra đâu phải vậy, một dân tộc đã từng chiếng thắng bao kẻ xâm lược mạnh hơn mình biết bao nhiều lần thì đâu thể gọi là hiền. Kể cả bây giờ là thời bình, ra đường chạy xe lỡ quẹt nhau một cái, vi phạm một cái cũng có thể đâm nhau đến chết hoặc cũng bị đánh đến chết. Ít hơn một chút thì cũng có thể đấm nhau tả tơi. Tệ lắm thì cũng chửi nhau đến độ ... vuốt mặt không kịp.
Dân mình không có hiền mà !

Văn Công Hùng nói...

@ Văn Công Hùng:
-----------
Nói được như thế là giỏi lắm rồi, dân mình "nó" thế, không thể thẳng băng như nơi chú đang sống đâu, đến yêu nhau mà còn phải: Đi qua cửa hỏi có gà bán không mà. Cứ bảo nhân dân nói thế, nd buồn... là ổn, nhân dân muôn năm...

Võ Công Phúc nói...

Gửi bác Hùng!
Bác thời văn sự... nhẩy. Mà dạo rày bác bàn toàn những chuyện nhức đầu không, hay là đang định ứng cử ĐBQH đây? I can you. He he...

Văn Công Hùng nói...

@ Võ Công Phúc:
------------
Mả nhà anh chưa động, huhu
Thôi thôi lạy mợ xanh căng lậy...

Đoàn nam Sinh nói...

Có ba chuyện muốn còm lên để trao đổi thêm,
1. QH ta hiện nay đang là cơ quan quyền lực cao nhất, Chủ tịch kiêm Tổng bí thư, nên có việc lớn bé gì cũng vin vào dân, thực chất thì ngược lại chứ có phải "thiên căng vu dân..." đâu.
Nói dân lo, dân buồn mà quan bật ngửa ra nệm ghế, tay nhịp nhịp lên bàn, cười cười rất vô tội. Khinh tất, kể gì ai ?! Đến mức phản dân chưa thì không rõ, nhưng chẳng người dân nào chịu được hình ảnh đó.
2. Việc cũ rồi, tôi viết cách nay có khoảng 20 năm, nói đi nói lại nhiều lần, là cứ mùa lũ về lại có trẻ chết trôi, có khi hàng chục. Chỉ làm một việc là lấy nhựa xốp từ thùng xốp phế liệu thôi, nát cũng dùng được, bọc vải nilông sáng màu, gài nút tốt và phát không cho trẻ con phải đi lại, ăn ở trong vùng có lũ lụt, chỉ 20.000 đồng (theo thời giá) một chiếc thì đỡ đi bao nhiêu cảnh thương tâm, nhưng việc nhỏ ấy chẳng ai hưởng ứng thì phải. Nói Cả nước, trong đó có các ĐBQH, vô tâm không biết có phải không.
3. Bác Thuyết nêu một số liệu không chuẩn, cũng phải thông cảm là ngoài nghề, chuyện năng lượng của đợt địa chấn vừa qua tại Nhật là nhỏ xíu so với đương lương nổ của kho vũ khí hạt nhân loài người đang sở hữu.
Trước khi có hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân của Mỹ-Liên xô cuối thế kỷ trước thì đương lượng nổ đã đạt tới mức làm trái đất này vỡ tan rồi tái hợp, ví dụ nếu có thể, lại nổ đến ...9 (chín) lần.
Nói vo cũng có cái hay, nhưng nghĩ mà vo, hiểu mà cũng vo thì...oan quá!

bimbim nói...

Tôi cũng thấy ngán các ngài nghị,ngài nào mào đầu cũng "tôi nhất trí...cử tri gọi điện cho tôi...bưc xúc của cử tri...".Thế hoá ra các ngài không có ý kiến gì à? các ngài chỉ nói lại ý kiến người khác ?
Thực tế tôi thấy chẳng mấy khi các ngài nghe ý kiến của cử tri .