Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

NHỚ TRẦN ĐẠI GIA

Bài này ông Nguyễn Lưu đặt cho báo Đầu tư, chả biết nó in chưa, in ở đấy sẽ lấy tên là... "đèn lồng đỏ treo cao", chao ơi, hồi xem cái phim này cứ nghĩ, bao giờ dân nước mình được quyền hô: treo đèn phòng bà ba...

            Nói dại, một ngày nào đó mà tất cả đàn ông Tây Nguyên mặc đồ Tôn Trung Sơn bốn túi kín cổ và các cô gái thì tha thướt Sường xám, tay cầm những Đông trùng hạ thảo thay cho Amakong để cường... vài thứ, rồi rưng rưng chơi bát âm nhỉ? Là nghĩ thế thôi chứ có thật thì nguy à? Thế nhưng hai ba hôm nay lại thấy báo chí đưa tin rầm rộ là nhiều tỉnh thành đang... đèn lồng hóa phố thị của mình. Nếu mà chỉ đọc chữ thì chắc chả ai tin, nhưng đến lúc xem ảnh cả một dãy phố ở Thanh Hóa rực rỡ đèn lồng tăm tắp chào xuân cổ truyền dân tộc thì... hoảng thật sự.

          Nhớ hồi nhỏ học, thầy dạy nước ta bị hàng ngàn năm đô hộ, sở dĩ nước không bị mất là do chúng ta có sức đề kháng về văn hóa rất lớn. Bao nhiêu áp đặt cả tự nhiên và cưỡng bức thế mà vẫn “đánh cho để dài tóc, đánh cho để răng đen”, thế mà giờ chả hiểu ai xui khôn xui dại mà cứ rực lên đèn lồng hân hoan như... “hội chợ Thượng Hải”.
          Nhớ cái phim Trung Quốc rất hay “Đèn lồng đỏ treo cao” của đạo diễn rất giỏi Trương Nghệ Mưu. Ở đó các bà thê thiếp muốn được ông chồng già đa thê Trần Tả Thiên ghé thăm hàng đêm thì phải treo đèn lồng đỏ lên trước cửa phòng mình. Và thế là trong phim, cái điệp khúc vừa buồn vừa ghê rợn âm u: treo đèn phòng bà ba, bà tư, bà cả, bà hai... cứ liên tục vang lên vừa thê thảm vừa phủ phê...
          Nhưng ở ta chỉ một vợ một chồng, treo đèn lồng làm gì nhỉ?

2 nhận xét:

Unknown nói...

Thì đây cũng là một "thị giác" thôi, anh H à!

Văn Công Hùng nói...

@ Hạnh Nhi:
Thị giác, đương nhiên, nhưng là mắt của ai???