Mình cho rằng đây là bài viết hay nhất của Sương Nguyệt Minh. Một thời hào hùng hiện ra, cái thời mà mình mua một con vịt gần chéo cánh nặng 7 lạng đánh 7 đĩa tiết canh đông như thạch, 15 thằng nhậu bò lê bò càng. Sau này kể lại chả thằng nào tin. Thì đây, nhà văn Sương Nguyệt Minh kể lại cái tài lẻ ấy của mình. Mà chả mình mình, còn là Trung Trung Đỉnh, Đỗ Tiến Thụy, Tạ Văn Sĩ, Lê Văn Thiềng... tên nào tên ấy hiện lên mồn một và sinh động...
Mà thôi, chả khen nữa, kẻo lại "phò mã tốt áo"...
Điều quan trọng là, SNM nhắn kèm theo mail: Được đưa lên blog VCH bài này là sướng một đời viết văn rồi, không cần in báo giấy, không cần nhuận bút, hehe...
------------------------------
Dạo ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh còn ở Văn Nghệ Quân Đội. Chúng tôi đi Tây Nguyên. Đêm nghỉ ở Nhà khách Sư đoàn Đắc Tô, Trung Trung Đỉnh thao thức, trằn trọc suốt. Gần sáng, tôi bỗng dưng thức dậy sau giấc ngủ sâu và dài, qua ánh sáng lờ mờ bóng điện ngoài sân hắt vào, thấy ông ngồi xếp bằng im lìm như một già làng Tây Nguyên trong... màn.
Đất trời Kon Tum vẫn chưa sáng hẳn, phố núi im phắc như bị bỏ quên giữa rừng, chứ nếu ở Hà Nội giờ đó đã rộn rã tiếng honda, ô tô, tiếng người dọn hàng sớm. Tôi lò dò ngồi dậy:
"Bác có chuyện gì mà thức suốt đêm thế?"
"Lo quá! Con bé Thảo nhà tôi vào Đại học năm nay chẳng biết thi cử thế nào?"
"Sao bảo nó làm bài tốt?"
"Tốt thì tốt, nhưng học tài thi phận. Mấy lần tôi định đánh thức chú dậy mượn điện thoại di động gọi về nhà, lại thấy chú ngủ mê mệt, sợ phá giấc."
Cái ông này mới xa Hà Nội một ngày đã bấn lên. Nửa đêm choang điện thoại về nhà, có khi vợ con nghĩ mình... tai nạn. Tôi bảo:
"Đến ngày đến tháng, người ta báo kết quả. Bác lo, chẳng giải quyết gì".
"Không lo mà được à? Chú không có con gái, biết đếch gì". - Ông bực dọc, cáu.
Biết ông Trung Trung Đỉnh yêu con gái nhất nước Việt Nam rồi! Tôi đành im lặng. Rõ ràng là ông thấy không thể chia sẻ với cái thằng "không có con gái".
Dạo ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh chưa sắm điện thoại di động, nhưng ông đã mua tặng đứa con gái 18 tuổi xinh đẹp cái máy Nokia vỏ màu đỏ hồng 3 triệu đồng, giá ngang một con trâu. Không phải ông chiều con gái mà chỉ làm mỗi việc: thỉnh thoảng điện thoại từ máy bàn cơ quan hỏi con gái chuyện học hành, và thế nào cũng chốt câu: "Thắng không kiêu bại không nản nhé!". Suốt dọc đường đi, ông liên tục mượn máy của tôi (y như mượn xà phòng vậy), điện thoại cho con bé, và tôi nghe đến phát mệt câu ấy.
Những ngày sau ở Tây Nguyên, nói chuyện rổn rảng, cứ loanh quanh thế nào rồi ông Đỉnh cũng lái câu chuyện về đứa con gái thi vào đại học. Tôi nghĩ, bụng bảo dạ: Bác cứ làm như chỉ mình bác có con gái. Đi thực tế, suốt ngày lo con gái thì viết cái nỗi gì? Nhưng, không dám nói, chỉ sợ ông quát: "Chú không có con gái, biết đếch gì!"
Sáng bảnh.
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ lái chiếc xe Honda tàng tàng tróc sơn nhuôm nhoam đến sớm nhất. Có lẽ ông Sỹ là nhà thơ lại hành nghề xe ôm... duy nhất nước Việt Nam? Ông có thơ in trên các báo ở Sài Gòn từ năm 1970. Nhà văn Lê Văn Thiềng đương nhiệm Tổng biên tập Báo Kon Tum cũng đến. Rồi nhà thơ Văn Công Hùng bắt xe đò từ Pleiku ra sớm. Mấy hôm trước, thấy Trung Trung Đỉnh khoe Văn Công Hùng có tài đánh tiết canh vịt cả nước Nam không ai bằng. Đám văn chương các vùng miền từ bắc đến nam vãng cảnh Gia Lai đều ghé nhà y tụ vạ. Y làm thịt vịt, đánh tiết canh chỉ mấy phút là đông. Y úp bát tiết canh, rồi lấy lạt xỏ vào phần tiết vừa nhấc bát sứ ra, treo lên từng xâu mà không bị vỡ. Khi đám văn nhân thi sĩ đã ngồi vào chiếu nhậu, y mới xách ra cả chùm tiết canh, chia mỗi người một xâu trong mọi ánh nhìn kinh ngạc, bái phục. Tạ Văn Sỹ từ Kon Tum sang, ông đánh con xe Honda 78 cánh én, ghi đông vểnh lên như "bố vợ phải đấm". Chén hết xâu tiết canh vịt thuộc khẩu phần của mình rồi, chợt ông nhớ đến người bạn thơ Hữu Kim cũng thuộc loại nghiền tiết canh vịt. Chả biết ông to nhỏ với Văn Công Hùng thế nào mà khi về trên ghi đông xe Honda của Tạ Văn Sỹ treo lủng lẳng một xâu tiết canh vịt. Tôi chịu, không hiểu số phận xâu tiết canh ấy có bị rã ra hay không khi ông Sỹ say ngất ngưởng, phóng xe máy vù vù 50km trên đường nhựa Plâyku - Kon Tum đã xuống cấp đầy ổ voi ổ gà. Cho đến tận bây giờ tôi cũng chưa kịp hỏi nhà thơ Hữu Kim xem có được nhìn thấy tiết canh vịt Văn Công Hùng gửi không hay chỉ nhìn thấy... vòng lạt treo trên ghi đông xe máy?
Cứ nghĩ đến Văn Công Hùng là tôi lại nhớ đến tiết canh vịt. Tiết canh vịt là "văn minh ẩm thực" của Ninh Bình - quê mẹ nhà thơ, chứ không phải của nơi ngụ cư Plâyku. Mấy chục năm sống ở Plâyku nhưng y chưa bao giờ là người Plâyku, người Ninh Bình cũng không, người Thanh Hóa nơi sinh cũng chẳng phải và cũng không thấy dấu vết gì của Huế quê cha ở trong con người y. Vậy thì y là người của vùng đất nào, của quê hương nào?
Chúng tôi kéo nhau đi uống cafê sáng. Lần đầu tiên, uống cafê Tây Nguyên ở ngay nơi nó mọc và đơm hoa kết trái. Văn nhân, thi sĩ ngồi ngay vỉa hè nhấm nháp hương vị cafê chồn. Cà phê chồn màu đen nâu vến thành ngấn trên cốc sứ trắng. Tôi cảm nhận được vị đắng đậm đà và hương thơm dìu dịu lãng đãng lúc xa lúc gần ngai ngái mùi đất đỏ bazan, hơi ẩm mốc của mùn cây và hương cacao thơm lừng, lại phảng phất mùi Chocolate. Tôi tấm tắc khen với sự ngạc nhiên về sự huyền diệu của café chồn ngon thơm.
Nhà thơ Văn Công Hùng giảng giải: Cà phê chồn là đúng nghĩa đen. Nó là loại cafê có tên khoa học là Arabica tròn béo, chứa nhiều caffeine. Chồn xám Mjia lưng đen có 2 sọc dài trắng và bụng cũng trắng thường động dục, giao phối vào khoảng tháng 11 đúng lúc thu hái rộ cà phê. Chồn Mjia tìm đến các cây cafê 4-5 tuổi, chọn ăn những quả chín đỏ to tròn, mọng. Hạt cafê qua dạ dày, ruột non con chồn được các enzyme tiêu hóa ngấm qua vỏ, thấm sâu vào ruột hạt làm thay đổi các phân tử tạo ra các thay đổi hương vị cơ bản cho hạt cafê trước khi thải ra ngoài. Người dân Ê Đê lấy về đem ra suối nước chảy rửa sạch rồi sấy hoặc phơi khô, sau đó xay và chế biến ra loại cafê chồn huyền diệu nổi tiếng. Theo như nhà thơ Văn Công Hùng thì một tách cafê chồn ở Luân Đôn có giá tới 50 đô la.
Tôi thật sự ngạc nhiên về sự am hiểu cafê của ông nhà thơ ở phố núi Pleiku. Tôi lạ nước lạ cái vào Tây Nguyên lần đầu nhìn cái gì cũng lạ, nghe cái gì cũng hấp dẫn. Bài học đi thực tế đầu tiên lại ở ngay vỉa hè phố núi và từ bạn văn chương.
Tạ Văn Sỹ - nhà thơ của chúng sinh, của người lao động. Có những câu thơ lãng mạn lay động lòng người, ông viết ngay ở ngã tư đường trong lúc ngồi trên yên xe honda chờ khách. Văn Công Hùng thì bảo Tạ Văn Sỹ có một quyển sổ con con để trong túi áo, lúc vắng khách thì móc sổ ra làm thơ. Đỗ Tiến Thụy thì bảo, làm gì có sổ tay, tất cả thơ ông Sỹ đều viết trên vỏ bao thuốc lá, lúc về nhà mới chép lại vào sổ ô ly của con gái. Vậy mà thơ vẫn cứ hay, đâu kể gì làm trên giấy trắng hay máy vi tính:
"Bây giờ dành thời gian để viết thơ tình/ E có kẻ sẽ cho là phí phạm/ Và có kẻ sẽ cho là lãng mạn/ Nếu bình tâm ngồi đọc thơ tình/ Xin chớ nhầm khi căng óc mưu sinh/ Để quên mất trái tim mình thơ mộng/ Tôi tất bật với ê chề cuộc sống/ Vẫn thấy dư thanh thản viết thơ tình".
Tây Nguyên thật lạ kỳ là mảnh đất lành, nhiều văn nhân thi sĩ khắp nơi đến sinh sống và làm việc. Nhà văn Lê Văn Thiềng từ Hà Nam chọn đất Kon Tum lập nghiệp. Ông Thiềng mạnh về ký, thường moi móc những đề tài lạ, hấp dẫn, viết về người Rơ Mâm, Xê Đăng, ngục Kon Tum, nghệ sĩ nhân dân Y BRơm...Và in khá nhiều trên Văn Nghệ Quân Đội.
Nhà văn Lê Văn Thiềng đưa chúng tôi đến Trung tâm bảo trợ xã hội Kon Tum. Trung tâm đang nuôi 79 đứa trẻ không người nuôi dưỡng, có mấy đứa trẻ người dân tộc thiểu số bị chôn theo mẹ, được bộ đội biên phòng cứu sống. Thằng bé Y Đức mặt mũi sáng sủa đứng trước mặt chúng tôi, bẽn lẽn. Y Đức con chị Y Chánh và anh A Oát người Ja Rai ở làng Kênh, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy. Y Chánh sinh nở trong một đêm mùa mưa tối tăm và kiệt sức rồi chết, vì trước đó một tuần bị tả lị. "Y Chánh không chết mà nó đi về thế giới dưới kia, sống cuộc sống khác. Cho thằng bé đi theo bú sữa mẹ". Tư duy đa thần và tâm linh thô sơ, người Ja Rai ở làng Kênh nghĩ như thế. Theo luật tục, già làng A Nun làm lễ cho thằng bé theo mẹ sang thế giới mới. Có người làng thương, đi báo cho Đồn biên phòng 709. Thiếu uý Phạm Xuân Bốn và Đội vận động quần chúng đến kịp và họ giải thích, làm mọi cách để cứu đứa bé khỏi bị chôn sống theo mẹ. Nhìn bé Y Đức tóc xoăn mang vẻ đẹp hoang dã của núi rừng, chúng tôi chẳng nói được câu nào. Trong lòng ai cũng trĩu nặng.
Nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy đánh ô tô của Sư đoàn Đăk Tô đến đón chúng tôi ngược đại ngàn Mo Ray. Thụy đẻ ba thằng con trai, thảo nào lái xe vùn vụt. Chập tối thì tới nơi. Ông Trung Trung Đỉnh vẫn thấp thỏm lo, bảo Văn Công Hùng:
"Chú cho anh mượn điện thoại gọi cho con bé xem có kết quả thi vào đại học chưa?"
Lại thi cử. Văn Công Hùng móc túi quần lấy cái máy điện thoại to bằng nửa viên gạch, không một vệt sóng. Tôi cũng rút máy ra, máy lặng câm, bảo:
"Vùng này không phủ sóng. Sao mà bác sốt ruột thế?"
"Chú không có con gái, biết đếch gì!"
Văn Công Hùng bấm tay tôi cười hì hì, ra hiệu lặng im. Không lặng im, ông anh mắng chết. Thêm lần nữa ông Đỉnh không chia sẻ được với thằng em "không có con gái". Cứ thế này thì chết mất, chẳng thể yên ổn được với ông Đỉnh khi chưa biết con bé đỗ hay trượt.
Chúng tôi vào nhà A Veo - chủ nhà người Rơ Mâm thấp, đậm, tóc xoăn tít, trán hơi rô và răng trắng. A Veo vẫn nhận ra khách quý đã từng uống rượu ở nhà mình mấy năm về trước, bảo:
"Đây là cán bộ Đỉnh uống rượu ghè, và nghe mình hát Hơri. Chú này lái xe, tên Thụy mình cũng nhớ".
Nhà văn Trung Trung Đỉnh giới thiệu tôi và Văn Công Hùng với A Veo, rồi bảo:
"Bây giờ, Đỗ Tiến Thụy là nhà văn quân đội rồi, sắp tới bỏ nghề lái xe và sống bằng nghề làm nhà văn".
A Veo hỏi:
"Lái xe nhiều tiền. Nhà văn có làm ngô, ra lúa không? Sao dại thế?"
Đỗ Tiến Thụy bảo:
"Không làm ra ngô, nhưng viết ra chữ".
"Chữ bán có đắt không?"
"Như bác Trung Trung Đỉnh bán một gùi chữ, mua được 1 con trâu. Gùi chữ bác Sương Nguyệt Minh mua được 1 con heo."
"Thế à! Làm nhà văn sướng nhỉ. Cho mình làm với".
Tôi can A Veo. Nhọc lắm. Là nói thế thôi, chứ viết hết cả đời may ra mới được một vốc chữ, lấy đâu ra nhiều tới 1 gùi chữ. Không sống nổi bằng nghề viết văn đâu...
A Veo không nghe tôi kêu ca cái sự nhọc nhằn của người viết văn, hỏi:
"Còn chú Thụy? Gùi chữ của chú mua được 1 con voi không?"
Văn Công Hùng cướp lời Đỗ Tiến Thụy, bảo:
"Riêng chú Thụy tuổi trẻ tài cao, bán 1 gùi chữ lại mua 1 gùi chữ. Chú này không bán chữ để mua ngô, khoai, lợn, gà".
"Thế thì mình chẳng làm "nghề nhà văn" đâu. Nhọc lắm!".
Đang nói chuyện thì nghe có tiếng ậm è ở góc sàn nhà. Chúng tôi quay mặt lại nhìn. A Veo bảo:
"Mới bị gấu nó cầm tù, sắp chết đói đấy?"
"Gấu cầm tù, nghĩa là sao, A Veo?"
A Veo kể:
Cái thằng người lạ kia từ dưới xuôi mò đến rừng Mo Ray đốt ong. Tranh ăn mật non của gấu mà. Gấu mất phần, lùa cho thằng này bỏ của chạy lấy người, rồi trèo lên cây. Con gấu đen lặc lè không chịu bỏ "thằng tranh ăn" bèn ngồi lì dưới gốc cây xoay. Một ngày, hai ngày rồi lại một đêm, hai đêm, ba đêm. Thằng này đói quá lả đi mà không dám xuống. Con gấu đen biết "thằng tranh ăn" hết hơi kiệt sức rồi mới bỏ đi. A Veo đi rừng nghe tiếng "thằng tranh ăn" thều thào, liền chạy về làng gọi đứa con trai ra giúp sức đưa nó xuống mang về nhà phục... cháo loãng.
Hôm sau, Đỗ Tiến Thụy đi đồn 709, đến đúng nơi biên phòng cứu thằng bé Y Đức khỏi bị chôn theo mẹ. Sau này, Thụy viết bút ký Ở NƠI RỪNG THẲM dự thi Văn Nghệ Quân Đội được giải nhì. Văn Công Hùng làm được chùm thơ in túa lua các báo Tết. Trung Trung Đỉnh thì zi zô, chẳng thấy tăm hơi bài nào. Ông Đỉnh bảo tôi: "Lần đầu, chú vào Tây Nguyên như con gái mới biết yêu thổn thức, viết dào dạt. Anh như gái già viết mãi, chán rồi". Tôi nghĩ bụng: Thì hết Đêm nguyệt thực đến Cánh rừng tình yêu, rồi Lạc rừng..., bác viết nữa thì bọn em... treo niêu à.
Tôi cũng viết được bút ký MO RAY ĐẠI NGÀN, đại ý: Cách đó mấy năm, A Veo và Trung Trung Đỉnh, Đỗ Tiến Thụy ngồi trên nhà sàn ăn thịt hổ. Chả là con hổ nhỏ bị toán thợ săn nào đó bắn bị thương nặng. Nó lết đến đầu làng Le thì gục. A Veo đi rừng về bắt gặp, vác về nhà làm thịt, rồi gọi mấy chú bộ đội D17 công binh đắp đập hồ nước Mo Ray cùng ăn. Trung Trung Đỉnh và Đỗ Tiến Thụy là khách quý được mời. Sàn nhà lát bằng bương to đập rập, khách chủ ngồi ung dung, tự tại, vui vẻ ăn uống. Cứ gặm xong một cái xương, A Veo lại vạch kẽ sàn vứt xuống gầm nhà. A Veo còn quờ tay nhặt các mẩu xương khách bỏ ra, vạch kẽ sàn vứt xuống đất. Tiếc quá! Đỗ Tiến Thụy bảo: "Lúc ấy dân Ja Rai ở làng Le chưa biết lấy xương hổ nấu cao. Chả lẽ xin chủ nhà những mẩu xương ấy. Ngại quá!" Ông Đỉnh không để ý đến xương hổ vì rượu ngon và những câu hát Hơri cuốn ông về thời nguyên thuỷ hoang sơ mất rồi.
Sau này, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ lại, kể: Ăn vừa xong thì con hổ mẹ về. Nó ôm cột nhà sàn rung đùng đùng. Trâu, bò, dê, heo, gà ngan... chết khiếp, kêu loạn xị, phá chuồng. Một lúc rồi cũng yên ắng. Chú em Thụy vội vã xuống đất nhặt xương hổ (chắc là định mang về nấu cao) thì sạch bách, không một mẩu nào. Có dễ hổ mẹ về nhặt xương của con mang đi... Chuyện hư thật như huyền thoại. Tôi nghe nói cả Đông Đương còn một con hổ thọt. Có khi hai nhà văn này ăn thịt mèo rừng lại cứ tưởng là hổ!?
Hết đợt đi Mo Ray, chúng tôi trở lại phố núi. Nhà văn Lê Văn Thiềng đón về báo Kon Tum. Hai ông thì thào chuyện gì đó, lát sau, Trung Trung Đỉnh bảo tôi:
"Anh không phải phiền máy di động của chú nữa".
"Bác mượn di động của em cũng giống như mượn bánh xà phòng thơm về tắm. Xót ruột thật, nhưng thằng "không có con gái" này vẫn... zô tư".
"Thôi, anh có rồi. Thật mà."
Tôi chưa kịp hỏi: sao có nhanh thế, quay ra đã thấy nàng mắt bồ câu tròn, xinh xắn, mặc quần bò, áo phông xuất hiện, xin gặp nhà văn Trung Trung Đỉnh. Theo cô gái thì: Có một người giấu tên, đọc tiểu thuyết Lạc Rừng cảm phục tác giả quá. Hôm trước giở báo Kon Tum, đọc bài viết về Trung Trung Đỉnh mới hay nhà văn lơ ngơ quá, chưa biết dùng điện thoại di động. Bạn đọc giấu tên ấy nghe tin nhà văn vào Tây Nguyên, bèn mua cái điện thoại samsung và nhờ nhân viên đại lý mang đến tặng. Dù Lê Văn Thiềng báo trước có chuyện đó, nhưng ông Đỉnh vẫn bất ngờ. Chỉ đến khi cô gái chìa quyển Lạc Rừng, xin chữ ký Trung Trung Đỉnh giúp người bạn đọc giấu tên kia, ông mới tin là thật. Ông đặt bút ký loằng ngoằng, rồi ngây mặt ra sung sướng. Làm nhà văn như Trung Trung Đỉnh được bạn đọc quý mến đến như vậy, dễ chẳng được mấy người?!
Tôi mất nửa giờ đồng hồ hướng dẫn Trung Trung Đỉnh dùng máy di động. Văn Công Hùng thấy thế cứ cười hí hí. Nói trước ông Đỉnh quên sau. Viết văn hay thế, bạn đọc quý mến thế, mà có vài thao tác gọi và nhắn tin cũng quên.
"Thôi chết rồi, chú bấm giúp để anh gọi về cho con gái".
Lại con gái! Nghe tiếng tút tút, tôi trao máy cho ông:
"Bố đây! Bố Đỉnh đây. Thế nào con gái? "Thắng không kiêu, bại không nản nhé!" À... đỗ rồi à? Thừa những 4 điểm? Ba con 9 à? Tại sao không phải là ba con 10 mà chỉ được ba con 9? Ngày trước tân binh, bố bắn bài một được ba con 10 cơ đấy...".
Con bé Thảo đỗ vào đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông Đỉnh sướng run người, lại còn cố lên giọng mắng yêu con gái: "Tại sao không phải ba điểm 10?" Hách ghê!
Chúng tôi mừng quá! Còn mừng hơn cả Trung Trung Đỉnh. Cuộc đàm thoại ngưng, nét mặt ông rạng rỡ, các cơ dãn hết ra. Rồi ông bần thần, cứ như đang trong mơ, cứ như vừa bỏ khỏi gánh nặng ngàn cân trên đôi vai gầy. Tôi bảo:
"Bác sướng nhé. Dứt khoát chuyến này về Hà Nội, em bảo con bé Thảo: Mày làm bố mày mất ăn mất ngủ cả tuần. Chú cũng không yên ổn 7 ngày. Con gái con lứa gì mà bố khổ thế?"
Ông Đỉnh cười hớn hở, bảo:
"Chú không có con gái, biết đếch gì!"
3356 chữ Tháng 12. 2009
Sương Nguyệt Minh
Đỗ Tiến Thụy: Chụp ảnh té ra khó hơn viết văn các bác ạ
9 nhận xét:
Trên đời một trong những cái mà mình ghét nhất đấy là thơ không hiểu sao lại thích blog của gã làm thơ
@ Nặc danh:
Đọc mãi mới hiểu là gã Nặc danh này ghét thơ nhưng lại thích blog này.
Và điều ấy chứng tỏ thơ có thể... cải tạo thế giới, hơ hơ...
Văn Sương Nguyệt Tiên sinh mộc mà cuốn. Chi tiết cuồn cuộn chảy từ trong bộ nhớ ra. Thông tin cô đặc và đông lại có thể treo lạt trên ghiđông xe máy mà phóng qua ổ gà, để về nhà chỉ còn xâu lạt. Vì sản phẩm của VCH theo ý văn Sương Tiên sinh là Ẩm thực Ninh Bình quê mẹ. Cả bốn địa danh Ninh Bình quê mẹ, Huế quê cha, Thanh Hóa nơi chôn rau, Pleiku nơi y đang sống đều hiển hiện trong tính cách. Vậy là Y thuộc dạng Hợp chất có chọn lọc cả 4 ưu điểm vùng miền.
Chính điều này, Y đã chọn SNM, chọn bài của Sương Tiên sinh nói hộ Y và bạn văn Tây Nguyên.
Và bài này "mọi nhẽ lắm", VCH vẫn nói với tôi như thế giống nhà văn Trung Trung Đỉnh "Cậu không có con gái biết đếch gì!" Khì khì khì...
Gã nhà thơ kia vì đọc Blog không bị ăn 3 cân bo bo và 7 cân thơ nên ta thích.Chính vì muốn cải tạo TG sắp lại được ăn bo bo +thơ.Dở hơi biết bơi ngồi mà mơ tiết canh xâu lạt nhé
@ Nặc danh:
Chờ đấy, sẽ vẫn phải có thơ chứ. Không có thơ nó... nhạt miệng chịu sao nổi?
Anh Văn công Công ơi , DQ vẫn phải
hỏi lại chiện tiết canh xâu lạt . Chắc í anh muốn nói ...tiết luộc phải ko ? hi hì !
@ Dã quỳ:
Luộc thì ai còn gọi là tiết canh nữa hả giời???
Anh Hùng à , từ lâu tôi cứ nghĩ tiết canh đông "xâu lạt được" là cách nói hình tượng hóa của mấy bợm nhậu ,nay đọc bài này của SNM thấy mình quê quá ,vì cứ phân vân không biết nhà văn viết thật hay đùa ???
@ Kim Daniel:
---------------
Huhu bạn ơi, viết đùa đấy, tiết canh thì chỉ đến mức là gẫy thìa thôi chứ làm sao mà xâu lạt được ạ.
Đăng nhận xét