Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

TÁM GIỜ VỚI ĐẤT TỔ

Mua một cuốn sách viết về ông Bút Tre, và bần thần thấy ông mất thiêng mất. Vì người ta bạch hóa về ông, và mới biết là những câu hay nhất của trường phái thơ Bút Tre lâu nay gán cho ông té ra không phải là của ông. Ông Bút Tre chỉ hay khi ông làm thơ... Bút Tre, chứ lại làm thơ kiểu ca ngợi quê hương Phú Thọ đổi mới, ca ngợi đồng xanh nước bạc, ca ngợi tình yêu thủy chung trong sáng, ca ngợi hợp tác xã với phân gio bèo giống, lợn lạc lúa lang luồng... là hỏng, hỏng hẳn Bút Tre
 
KHOẢNH KHẮC ĐÂT TỔ
VĂN CÔNG HÙNG
          Lần đầu tiên tôi lên Phú Thọ là năm 1994. Sở dĩ tôi nhớ rành rọt thế dù cái đầu thuộc loại hay quên là vì đấy là cái năm tôi được đi dự hội nghị nhà văn trẻ. Oách. Chương trình của hội nghị có một cuộc đi thăm Đền Hùng. Muốn vào đền Hùng thì phải đi qua chào tỉnh Phú Thọ. Một mặt là gặp mặt và nghe các đồng chí lãnh đạo báo cáo, mặt khác là các đồng chí ấy chiêu đãi một bữa. Mấy trăm con người chứ ít đâu. Hồi ấy cái nhà khách của tỉnh Phú Thọ còn đang trải giường bằng vạt tre. Một số giường nhà khách không có chiếu, hoặc là không cần chiếu, khách nằm trực tiếp trên vạt tre ấy, vừa mát mà lại cũng êm. Nó là những đoạn tre vót tròn, mịn, nhỏ bện với nhau, tôi từng thấy nhiều nhà ở miền bắc ngày xưa dùng làm rèm cửa, vừa mát vừa ngăn được ruồi muỗi. Ấn tượng nhất là cái cách khiêm nhường pha chút trào lộng của ông bí thư tỉnh ủy khi ấy, ông Hữu Thỉnh (cũng dân Vĩnh Phú) bảo, Phú Thọ như anh cả, ở lại thờ cha mẹ, ông bí thư tỉnh ủy bảo, không chúng em là em út, ở nhà trông coi cha mẹ cho các anh các chị đi làm ăn xa, thi thoảng các anh chị về thăm cha mẹ thì chúng em là người đón tiếp, nếu có gì chưa phải thì mong các anh các chị thông cảm, vì ở nhà với cha mẹ nên không được đi nhiều, tầm mắt có hạn hẹp, cách ăn nói cũng chả được bóng bẩy, nấu ăn thì to mặn..., úi giời thế mà nơi ấy sinh ra những là Hoàng Hữu, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Ngô Ngọc Bội, Sao Mai, Nguyễn Hữu Nhàn... toàn những cái tên văn nhân nghe lên đã thấy khiếp. Mà đấy là mới kể thoáng nhé, chứ nếu chịu khó nhớ một chút nữa, lại chả kín trang giấy này. Mà lại còn ông Kim Ngọc lừng danh đang chiếu hàng đêm trên VTV1 kia nữa.
          Đền Hùng tất nhiên là linh thiêng rồi. Con dân đất Việt, cố gắng ít nhất trong đời một lần về với tổ để thắp hương lạy tổ. Ngay khi chưa giải phóng Miền Nam thì ở Thủ Đức, có một ngôi chùa đã xây một cái Nam thiên nhất trụ, là cái chùa một cột y nguyên như từ Hà Nội, tỉ lệ 1/1, và luôn luôn đông đặc người đến thăm viếng, dù lúc ấy đang là chế độ cũ, nghe nói chả ủng hộ gì việc xây cất này nhưng bà con cứ làm. Mới đây, tại tỉnh Gia Lai, người ta cũng dựng một cái chùa một cột y như thế, và ngày giỗ tổ, ngày tết, cũng nườm nượp người khắp nơi đến chiêm bái. Ngày ấy tôi còn trẻ, thế nên đã làm đến hai vòng lên xuống đền Hùng. Hai lần soi cái mặt tí tớn của mình xuống giếng Ngọc. Mua một cuốn sách viết về ông Bút Tre, và bần thần thấy ông mất thiêng mất. Vì người ta bạch hóa về ông, và mới biết là những câu hay nhất của trường phái thơ Bút Tre lâu nay gán cho ông té ra không phải là của ông. Ông Bút Tre chỉ hay khi ông làm thơ... Bút Tre, chứ lại làm thơ kiểu ca ngợi quê hương Phú Thọ đổi mới, ca ngợi đồng xanh nước bạc, ca ngợi tình yêu thủy chung trong sáng, ca ngợi hợp tác xã với phân gio bèo giống, lợn lạc lúa lang luồng... là hỏng, hỏng hẳn Bút Tre. Chứng kiến thêm mấy cuộc cãi nhau giữa khách viếng đền và đội quân bán dạo đủ thứ, nhiều nhất là nhang- thực tế là đội quân này, toàn trẻ con, chửi khách- thấy thương cụ tổ của mình quá. Ai đời lên viếng cụ, cố giữ cho tâm thanh thản thế mà bị thằng con nít nó kèm một bên, nó dẫn đường, nó nói chuyện... Tốt quá đi chứ, nhưng lên đến nơi nó xin... tiền dẫn đường. Ngần ngừ chưa kịp đưa là ăn chửi. Hồi ấy Phú Thọ thoáng qua chứ chưa có khái niệm gì sâu sắc, vài bạn văn chương vừa kịp quen đã chia tay, nhớ có ghé nhà một bạn thơ Việt Trì có cửa hàng bán vật liệu xây dựng được đâu mười lăm phút. Ngay bạn cùng hội nghị thì cũng chưa kịp nhớ mặt nhau huống gì...
          Sau này khi người ta xây và khánh thành một cái đền Mẫu rất lớn ở khu di tích Đền Hùng Việt Trì để thờ vọng (Đền quốc mẫu Âu Cơ chính gốc thờ Mẹ Âu Cơ được xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên địa phận xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ) thì tôi lại được cùng Phạm Xuân Nguyên tháp tùng giáo sư Văn Như Cương lên viếng đền, tất nhiên là lần này thì có vẻ như đã quen rồi. Ba chúng tôi lên đền, đến nửa chừng thì ông Cương bảo: Thôi tôi ngồi đây, anh Hùng anh Nguyên cứ lên, khi xuống xuống lại đường này rồi ta cùng xuống. Thì đến tôi với Nguyên còn mệt huống gì ông...
          Bây giờ thì đền Hùng đã gọn gàng ngăn nắp hơn mấy lần tôi lên rất nhiều. Sự lộn xộn mất đi, cảnh quan nghiêm ngắn, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh là một quần thể văn hóa du lịch. Một vườn tượng rất đẹp, một dãy nhà nghỉ, hàng loạt khu vui chơi, sự tổ chức khá khoáng hoạt và chuyên nghiệp chứ không úi xùi như dạo nào... Nhưng Phú Thọ ngoài đền Hùng ra thì vẫn còn bao điều đáng nói, đáng kể.
          Chả hiểu sao lần nào đến hoặc đi qua Phú Thọ tôi đều xúc động. Và cách giải quyết nỗi xúc động ấy là tôi rút điện thoại gọi cho một tên Phú Thọ bạn tôi. Thì ra vai trò của văn chương, của lịch sử lớn thật, nó khiến cho những kẻ dẫu lần đầu nhoáng qua mà cứ như là thân thuộc lắm, mà nao nức như mình chuẩn bị gặp cố nhân, cố hương, gặp tuổi thơ lem láp thuở nào... Một cú điện thoại lúc non trưa cho Chử Anh Đào làm y cảm động. Hỏi có việc gì, bảo chả gì, chỉ là tớ đang đi qua quê ông, nhớ ông và sướng vì điều ấy nên gọi một cú khoe. Tôi có cái tật hay nghĩ và liên tưởng, nhớ lại. Đến đâu cũng nghĩ, cũng vẩn vơ nhớ lại. Như đến cầu Việt Trì thì nhớ cái câu nghêu ngao thời nhỏ trẻ con Miền Bắc hay hát dù chả biết Việt Trì là đâu: Bố mi chết trên cầu Việt Trì, đêm ba mươi đánh điện về nhà, ò í e con bò kéo xe. Đến Phú Thọ lại nhớ rừng cọ đồi chè, nhớ bến Bình Ca, nhớ những đồi những giếng đá ong dù cũng chưa bao giờ đến... Và tất nhiên bây giờ tôi nhớ, nơi ấy, hơn ba mươi năm trước, một gã trai đồng rừng Phú Thọ, quần ka ki, mũ lá, dép cao su, và cũng tất nhiên là ba lô lệch vai, vượt nhiều chặng xe đò vào Gia Lai nhận công tác sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Việt Bắc. Thế thì đương nhiên là tôi phải rút điện thoại ra và gọi cho y một cú thôi...
          Thì là cái đận tôi ngược Yên Bái rồi trở về ấy. Các bạn Yên Bái rất nhiệt tình cho xe về, nhưng tôi lại thấy cái xe chất lượng cao vừa to vừa sang vừa ít khách lừ đừ chạy qua, thế là nhảy xuống không làm phiền nhau nữa. Mà ngồi trên cái xe này lại còn thoải mái lướt web, tất nhiên là bằng tiền của mình qua cái 3G. Đến Lâm Thao, nao nức sóng dồi thế nào tôi rút điện thoại gọi Đỗ Ngọc Dũng. Gã họa sĩ này rất nổi tiếng trong giới hội họa phía bắc, tranh rất đẹp, tôi thích xem vì không chỉ nó có bố cục và màu sắc sang, tươm tắn, dễ nhìn, mà còn thấy phía sau nó nhiều điều phải ngẫm phải ngợi. Tức là cái nỗi ám ảnh, sự liên tưởng khi rời bức tranh nó bắt ta cứ phải vân vi, phải như là mang nợ, như ám như vận vào ta một điều gì đó nửa day dứt nửa lại như thoát xác. Thế mà gã này lúc nào cũng rất thư sinh, luôn luôn áo trắng trong quần xanh, đầu bóng mướt, mặt hoan hỉ như vừa trúng số, giày luôn nháng xi, thi thoảng còn phơ phất chút mùi nước hoa. Cái xưởng vẽ của gã ngay trong nhà cũng sạch bong sạch ly dù lổn nhổn tranh đang làm, cả tượng nữa. Y đi lại trong nhà như một gã công tử đỏm dáng lượn giữa vương quốc của mình, mà tài sản là những bức tranh và vợ và con gái. Người thế mà lại vô cùng chiều vợ và con, chỉ nhìn cái cách tôi được dẫn vào để giới thiệu là đủ biết.  Một gã nhạc sĩ phía nam suốt đời mặc quần gin áo ký giả giầy lười mốc, lần đi họp liên hiệp các hội VHNT Việt Nam gặp Đỗ Ngọc Dũng xong bảo: Tôi không thiện cảm với cha này, vì trông hắn cứ như thằng vừa từ phòng họp máy lạnh ra. Đến khi nghe tôi kể về các lần triển lãm, về số lượng tranh khổng lồ mà Dũng vẽ, về sự lao động quần quật của Dũng, về cả việc y là chủ tịch cái hội VHNT vào loại oách nhất nước đấy, thì đổi thái độ và phục sát đất. Tôi gọi cho Dũng và y hoan hỉ quát lên trong máy: Ông xuống xe nhé, xuống ngay khi xe đến Việt trì nhé. Ôi giời ôi, mấy khi, ngồi với nhau một cuộc cho oách nhé. Tôi biết gã này quý nhau thì quát tướng lên thế chứ y chả uống éo bao nhiêu. Mà ngồi tay đôi thế thì cũng chán vì lúc này đã 12 giờ trưa rồi. Bèn một cú nữa cho Nguyễn Tham Thiện Kế, cũng là một quái nhân của Phú Thọ. Đẹp trai, tài hoa, các em cứ gọi là đứ đừ khi nghe y ba hoa. Gã này tôi gặp lần đầu là khi cùng ông Văn Như Cương và Phạm Xuân Nguyên lên Việt trì đận ấy. Khuya, ông Cương đã ngủ, tôi và Nguyên lần thần: Quái, lên đây chỉ để ngủ thì... phí quá. Lôi điện thoại gọi hết người này người khác đều không được, cuối cùng Nguyên bảo: Còn thằng này, nó mà không đến thì tao với mày... ngủ. Thế mà Kế đến, hắn lái hẳn con xế hộp ầm ầm lao đến với câu dọa: Mẹ các ông, nửa đêm còn bắt tôi vòng tay xin vợ để đi, giờ đã đánh xe ra khỏi nhà được rồi thì sẽ phải ngồi suốt đêm với tôi, lên xe đi. Hai thằng tôi xanh mặt sợ phải ngồi đến sáng thật, nhưng may, chỉ chừng 2 giờ hôm sau thì... buông được nhau ra, thằng nào đi đường thằng ấy... Văn Kế hay lắm. Chữ cứ như lộn ngược ra đến mấy lần, trước khi nó đậu vào mắt người đọc, nó phải xoay đến mấy vòng trên không trung, vừa làm mình chóng mặt, vừa tự giũ hết những gì vướng víu, để chữ như là chuốt như mài mà lại như thản nhiên vô tình đậu xuống trang văn. Đọc văn y không ẩu được, vì nó rất kỹ, cái kỹ vừa dụng công vừa tài hoa như giời cho. Cứ hình dung trước khi hạ xuống một chữ, y đã bắt cả một tiểu đoàn từ đồng nghĩa duyệt binh để y chọn lấy một. Thế nên nó cứ đau đáu khắc khoải mà lại lấp lánh lóe sáng sự thông minh. Còn nhớ sau đại hội Nhà Văn Việt Nam vừa rồi, có nhà thơ nữ viết báo xếp hạng y là người đẹp trai nhất đại hội, mặc đồ (hiệu) sành điệu nhất đại hội- Riêng khoản này thì tôi hơi nghi ngờ, vì y ăn mặc có vẻ bụi hơn tôi, tay chân đeo nhiều xiềng xích chứ tôi thì một cái nhẫn cũng quyết không, nhưng tôi lại đeo cavat còn y thì áo thụng cổ lòn, tôi áo trong quần còn y thả dài quá gối, đã thế lại một cái bao da lệ xệ... Câu đầu tiên tôi hỏi y là: Có ngồi được với Đỗ Ngọc Dũng không. Y hể hả trả lời ngay: Được chứ, khi biết tôi đang cách Việt Trì ba mươi cây thì y bảo: Mà có không thì ông đến tôi cũng phải... liều ngồi...
Nguyễn Tham Thiện Kế, lãng tử Phú Thọ, hai thằng khoanh tay như... có lỗi

          Chỉ một buổi chiều mà Đỗ Ngọc Dũng và Nguyễn Tham Thiện Kế đã thiết kế cho tôi một cuộc Việt Trì thú vị. Và thì ra các bạn Phú Thọ không như phía Nam chúng tôi, coi sự "ngồi" là trọng, mà lấy sự đi, sự chơi mới là mục đích. Ngay sau buổi trưa gọn nhẹ với mỗi người... nửa con gà, đĩa xôi, bát miến- rượu Tây Dũng xách từ nhà nhưng chỉ tôi và Kế uống chút ít- là Dũng điều xe cho tôi đi. Hội Phú Thọ có 2 xe, một xe Dũng đi, mới coóng và một xe của Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ, có lẽ chả hội văn học nghệ thuật địa phương nào được như thế, thậm chí còn cả mấy chục hội chưa có xe. Thời gian ít, chỉ là cưỡi xe ngắm cảnh, nhưng nhờ chủ nhà tốt bụng và khéo vận trù nên tôi đi được nhiều. Việt trì khác nhiều quá cái thời 94 tôi ghé. Thú thật cái thời ghé lần đầu ấy tôi đã thất vọng trước những gì mắt thấy. Trong tôi từ bé, Việt Trì là một thành phố công nghiệp hàng đầu của Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Thời ấy trẻ con, đọc rồi học biết ở Miền Bắc xã hội chủ nghĩa có mấy thành phố công nghiệp là Hải Phòng thành phố Cảng, Nam Định thành phố Dệt và Việt Trì thành phố công nghiệp, còn nó là công nghiệp gì thì không biết. Hát bài hát Cầu Việt Trì, rồi Việt Trì thành phố ngã ba sông... thấy yêu ghê gớm, tự hào ghê gớm, hình dung ra bao nhiêu ảo ảnh, giờ gặp thấy hoang sơ hơn nhiều so với tưởng tượng. Các thành phố phía nam, có khi tiếng không nổi, nhưng sự đô thị hóa thì rất rõ. Tôi sống ở đấy ra nên thất vọng là phải. Nhưng giờ thì khác hoàn toàn. Phố xá sầm uất, nhà cửa nguy nga, tác phong hiện đại nhưng vẫn giữ những đặc trưng rất... đất tổ, rất bắc bộ. Nhà Nguyễn Tham Thiện kế có một cái sân, bàn tiếp khách đặt ngay ở đấy, và một cây khế, dân dã mà lại rất... hiện đại. Nhà Đỗ Ngọc Dũng cũng thế, ngất nghểu lầu, nhưng vẫn có khoảng sân trồng cây. Thế mới té ra, khối anh hiện đại hóa nhanh nhảu đoảng, chặt béng hết cây đi, bê tông hóa, nhựa hóa hết đi, thành phố trơ ra với nắng với bụi với mặt trời... để rồi giờ nhà nào cũng cố vớt vát chút xanh bằng cách tận dụng tất cả mọi nơi có thể, đặt lên đấy những chậu hoa bé tí, thậm chí là... hoa nhựa, mà vẫn cứ khô không khốc trơ ra vô cảm toàn góc cạnh với xi măng bê tông sắt thép...
với các văn nhân Phú Thọ

          Phú Thọ tôi còn được quen các nhà văn Lê Phan Nghị, Đỗ Xuân Thu, nghe tên nhưng chưa gặp các bác Nguyễn Hưng Hải, Kim Dũng... Ông Lê Phan Nghị là kỹ sư, nguyên là thư ký của cụ Kim Ngọc, người anh hùng vì nhân dân mà bây giờ gần như ai cũng biết. Tôi đã từng sống qua cái thời bao cấp ấy nên hiểu. Nghèo đói lạc hậu đã khủng khiếp rồi, nhưng chả thấm vào đâu so với sự khủng khiếp khi anh lại dám lạc ra khỏi dàn đồng ca. Tội chết đấy. Và quả như thế, vì nhân dân, vì lẽ phải, ông Kim Ngọc đã dám lạc ra khỏi cái dàn đồng ca thời ấy, một mình chịu trách nhiệm đưa ra mẫu hình khoán hộ. Chưa đến nỗi đứ đừ chết ngay theo nghĩa đen, nhưng ông và gia đình đã âm thầm chịu đựng để mãi đến gần đây mới được chiêu tuyết. Lê Phan Nghị là thư ký của ông thì chắc cũng "ngang tàng" như ông. Thì là cứ theo logich mà đoán thế chứ tôi thấy ông là người xởi lởi, thi thoảng chơi những cú điện thoại "không cần tính giờ" nói chuyện liên tu bất tận, kể trên trời dưới đất đủ chuyện, nhưng rồi cuối cùng bao giờ cũng là chuyện văn chương. Ở Phú Thọ mà chuyện ở hội Nhà Văn gi gỉ gì gi cái gì cũng biết. Còn Đỗ Xuân Thu thì tôi quen qua... blog. Anh là một trong những nhà văn của Phú Thọ cập nhật mạng khá nhanh. Chúng tôi cùng lập blog trên mạng chủ Vnweblogs. Và tôi đọc của anh từ đấy. Một giọng văn tửng tửng mà đau. Đã từng có một cuốn sách được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp VHNT Việt Nam. Anh nhận mình là Chõe bò, và chàng Chõe bò ấy đã khiến nhiều người muốn về thăm đất tổ. Hôm buổi trưa ghé hội, thấy ông Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ đất tổ đang lừ đừ đi từ ngoài cổng vào, cầm một lố sữa tươi Vinamilk kèm một bịch thuốc. Thì ra anh đang ốm. Khổ thân, bây giờ mà vẫn còn cái cảnh "Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân". Nhà ở tận huyện nào đấy nên anh ở một phòng ngay trong cơ quan. Cái trụ sở này rộng mênh mông, ông Dũng chủ tịch hội cũng có một phòng kê cái giường để thi thoảng... giận vợ lại sang ngả lưng. Còn ông Thu thì chả cần giận cũng được hưởng cái cảm giác độc thân của thời mấy mươi năm trước. Thú thực là, lâu lâu được xa vợ mấy hôm thấy đời thống khoái lắm, tự do lắm, sung sướng lắm, vênh vang lắm, nhưng cứ ăm ắp xa thì cũng hãi, cũng tủi thân. Cái hình ảnh ông Thu lử khử lừ khừ ho khù khụ một mình trong căn phòng tập thể hôm ấy làm tôi cứ nao nao...
          Đến Phú Thọ mà chưa gặp nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn là coi như... chưa đến. Ông bây giờ được coi như một trong những nhà văn hàng đầu Việt Nam viết về nông thôn. Mà cái nông thôn của ông nó là nông thôn đất tổ, là nơi đặc trưng nhất của nông thôn Việt Nam, nơi kết tụ hàng ngàn đời văn hóa Việt cổ, vì thế, lặn sâu vào nông thôn đất tổ ấy, ông đến được với nông thôn Việt Nam. Tôi đã có lần được sống với ông 15 ngày ở một trại sáng tác Vũng Tàu, được ông coi như đàn em và suốt ngày nghe ông kể về linh tinh tình phộc, về nõn về nường, về xoan về ghẹo... Ai đã từng sống ở đồng bằng Bắc bộ khi đi xa đều nhớ đến quay quắt những tứ thân mỏ quạ, những mưa xuân hoa đào, những mùa thu nắng vỡ, những nâu non rền nảy... Gặp ông như gặp lại tất cả những không khí ấy, hơi hướm ấy, thấy lại tất cả tuổi thơ của mình se se trong những câu chuyện của ông. Lần này Đỗ Ngọc Dũng cẩn thận cho xe đón mời ông về Việt Trì để tôi được gặp, vì ông ở một huyện cách Việt Trì mấy chục cây gì đấy, và chính ông gọi từ lễ tân lên khách sạn khi tôi đang thiu thiu, đánh thức tôi dậy đi ăn chiều với ông. Ngoài Dũng và Kế có thêm mấy cây bút trẻ. Họ gọi ông bằng ông, và ông cũng... xứng đáng như thế. Ông rủ tôi ở lại đi, mai hẵng về, chi hội nhà văn Phú Thọ mà ông là chi hội trưởng đang có... tiền, mai các ông sẽ chiêu đãi tôi trọng thể với tư cách chi hội chứ hôm nay Dũng đãi với tư cách hội. Mai để còn gặp Lê Phan Nghị, Kim Dũng nữa? Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ mai đại hội công đoàn. Tôi biết điều ấy qua hai cái bandrol tươi đỏ căng ngang cơ quan lúc chiều. Ông Nhàn bảo với ông Dũng: chi hội nhà văn mừng hai trăm nhé. Từ "mừng" ông thốt ra y hệt một ông nông dân miền Bắc đi mừng đám cưới. Nhưng đây là quà mừng của một chi hội Nhà Văn với công đoàn của một Hội VHNT cấp tỉnh. Mới thấy lão Dũng tổ chức giỏi thật, chỗ mình, đại hội công đoàn làm hơn tiếng là xong, chỉ cơ quan với nhau, nói mãi chị em mới chịu mặc cái áo dài. Thế mà ở hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, từ chiều hôm trước, đã như nhà có đám...
Tượng của Đỗ Ngọc Dũng ở vườn tượng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh

          Bây giờ ngồi nhớ lại, cứ tiếc, giá mà hôm ấy có gan ở lại, ngủ một đêm Phú Thọ, biết đâu lại chả viết nhạt như thế này. Nghe Dũng và Kế bảo, phải ở đêm Việt Trì mới biết thế nào là Phú Thọ. Nhưng tôi nhát, phải về Hà Nội để chiều mai bay về. Ở lại, ngộ nhỡ, dứt không ra rồi sao?...
                                                                             V. C. H

6 nhận xét:

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Chỉ có một buổi chiều mà đã thấy cả một vùng trung du đất Bắc hiện ra rồi bác ạ! Bác làm em nhớ nhà quá.
Nhưng quả này không thấy mùi "say" bác nhỉ! Cũng đủ tiền mừng đám cưới chứ bác? Hì hì!

sau rieng nói...

Anh à, đã lỡ dời qua xóm em ở thì ở bên này luôn đi, chạy về xóm cũ mần chi. Bên xóm cũ chỉ cần để lại cái link là bà con ào ào qua đây chơi với anh mà.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn:
Có 8 tiếng đồng hồ mà say thì còn quái gì để nói nữa, nhưng mà cũng kịp hai... cuộc rượu đấy.

Văn Công Hùng nói...

@ Sầu riêng:
Úi giời, cô em, lâu quá. Cô vào đây là mang niềm vui cho nhà này nhé, từ giờ người ngợm sẽ ùn ùn vào đây, không phải để đọc VCH, mà là ngắm cô Tư thôi...
Thì đang lấy blog này là chính, bỏ dần bên kia, bển phập phù lắm...

Trần Phan nói...

Chào bác Văn, thăm nhà mới của bác thấy treo cái sơ yếu lý lịch: đang hành nghề chữ nghĩa thấy sang gớm hè!

Văn Công Hùng nói...

@ Trần Phan:
Vì đấy là nghề lương thiện,hê...