Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

RỪNG, KHÔNG CHỈ TRÊN... RỪNG



          Năm nào đấy, tôi xuống Ninh Thuận, ghé thăm bạn học cũ, anh Đình Hy, khi ấy đương là phó chủ tịch hội VHNT Ninh Thuận.

          Tôi quyết khước từ cái món tắm biển mà Hy vạch ra, trong đó hấp dẫn nhất là xuống Ninh Chữ vừa... nhìn biển vừa nhậu. Nghe nói đây là bãi biển đẹp nhất nhì Việt Nam, khi ấy đang rất hoang sơ.

          Chúng tôi về một làng Chăm.

          Và trên đường đi tôi chứng kiến cảnh khô khát của vùng đất được mệnh danh là nắng như rang và gió như phang (Phan Rang nói trại).

          Lại nhớ thời trước đấy, tôi hay đi xe đò Pleiku xuống Sài Gòn, qua Ninh Thuận đa phần là vào buổi chiều. Và cảnh hay thấy là nắng kinh khủng, những người phụ nữ Chăm mặc váy áo kín mít, đi từng đoàn trong nắng. Rồi những diêm dân, cũng trong nắng nóng như thế, gánh hoặc đội muối. Có cảm giác bất cứ chỗ nào trên người họ cũng nhơm nhớp muối.

          Còn lần này, chúng tôi chứng kiến những con cừu ăn... xương rồng.

          Những đàn cừu được lùa đi trên sa mạc khô khát. Những đứa bé quắt qoeo cầm theo chai nước đi theo đàn cừu. Chúng lang thang đi tìm nước. Mà cánh đồng cứ miên man nắng, vết nứt nẻ cứ như đâm toạc vào chiều. Cái nắng buổi chiều ong ong như sắp bốc lửa. Đến một đoạn, đứa bé gặp một đám xương rồng, thứ cây hiếm hoi còn xanh trên sa mạc mùa này. Một thứ nữa cũng sống ở đây nhưng không xanh, là cỏ lông chông. Kệ đàn cừu lơ vơ đấy, đứa bé vun cỏ vất vào giữa đám xương rồng, và đốt. Tất nhiên cỏ cháy và xương rồng héo. Và, ngạc nhiên chưa, bọn cừu lao vào ăn những cây xương rồng bị đốt héo ấy. Thì ra đốt để gai xương rồng mềm, cừu ăn cho dễ. Mà không phải lúc nào cũng kiếm được những đám xương rồng ngon lành đến thế cho lũ cừu.

          Nắng, cơ cực nắng. Khô, không khốc khô. Ninh Thuận mùa khô là thế. Miền Trung mùa khô là thế. Giờ, không chỉ miền Trung, nó lan cả vào miền Tây, cái vùng mà, "sống chung với lũ" là một phương châm để tồn tại. Giờ hạn và mặn. Tất nhiên có nhiều lý do, do làm nhiều thủy điện trên sông quá, nhưng cũng do hết rừng nữa.

          Năm nào đấy, Huế quê tôi lụt. Mênh mông, trắng xóa. Mỗi lần ngồi xem ti vi tường thuật là tôi lại khóc. Phía ấy có nhà tôi, mẹ tôi, em tôi và các cháu. Mà cứ mênh mông hơn biển, mà không cách gì liên lạc được, còn âm u bí ẩn hơn thời vua Quang Trung cho ngựa trạm mang cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân tặng vợ là công chúa Ngọc Hân. Hồi ấy còn các trạm ngựa, thông tin sẽ ngược lại. Còn giờ, nhìn về cứ thăm thẳm, gọi về cứ tút tút. Liên lạc mờ mịt.

Lại nghe một nhà văn đàn anh giảng giải mà tôi đã ghi trong sổ tay: "Với người Tây Nguyên, giữa làng và rừng có 4 cấp độ, chính xác là bốn vùng. Một là làng, hai là rẫy, ba là rừng để người ta vào lấy cái tổ ong, bắt con thịt... và 4 là rừng ma, rừng thăm thẳm ấy. Làng chiếm ít rừng nhất, chỉ là chỗ để ở, mỗi làng chừng mươi mười lăm nóc nhà, không có vườn. Rẫy cũng ít, đồng bào làm rẫy cố định, nhưng khi đất bạc màu thì họ du cư, đến lúc nào đấy, rẫy hồi sinh thì họ quay lại, hoặc không quay lại thì rừng ở đấy cũng tái sinh rất nhanh, bởi xung quanh vẫn là rừng để dìu cây ở khu rẫy này nhập bọn". Cái hình ảnh rừng dìu cây tái sinh khiến tôi à lên thích thú, bởi tôi đã chứng kiến những khu rừng bị phá làm rẫy như thế, chỉ sau dăm mùa, rừng lại lên rất nhanh, và nó đủ chủng loại, dìu nhau mà lớn, mà phát triển, trong khi cái gọi là rừng chúng ta trồng, nhất là vào những dịp “tết trồng cây”, thì chả đã có câu thơ rất vui từ thời nào đấy thôi: “Hoan hô các cụ trồng cây/ mười cây chết chín một cây gật gù”. Còn phần thứ 3 là rừng lân cận, là nơi dân làng thi thoảng ghé vào, vừa là khách, vừa là chủ, họ không xâm hại đến loại rừng này bao nhiêu, bởi những thứ họ lấy ở đấy rất nhỏ nhoi và không lấy thì nó cũng sẽ tự hoại. Đây là chỗ mà chúng ta hay nghe nói là người Tây Nguyên nếu thấy một tổ ong, một loại gì ăn được, họ chỉ cần đánh dấu vào đấy, thế là sẽ không có ai xâm phạm vào nữa, bởi nó đã có chủ. Và nên nhớ, mỗi làng Tây Nguyên như thế đều có già làng với hệ thống luật tục rất chặt chẽ, nếu ai xâm phạm sẽ bị làng phạt. Mà dân làng thì rất tự trọng và ý thức cộng đồng rất cao, nên rất sợ bị làng phạt. Và vì sợ nên không bao giờ xâm phạm. Thứ tư là đại ngàn, là cái nơi họ biết là của họ nhưng họ chỉ từ xa ngắm, hoặc có vào thì cũng chỉ như khách, và họ thờ cúng, họ coi đấy là nơi trú ngụ của thần linh, là nơi thần linh quan sát họ, theo dõi đời sống của họ, nhất cử nhất động họ sống thế nào thần linh đều biết, và vì thế mà họ luôn cố gắng sống tốt... Cứ thế người và rừng hòa quyện nương tựa nhau, tôn nhau và tồn tại và phát triển.

Rừng đại ngàn chính là cái thùng, cái chỗ chứa nước cho đồng bằng.

Giờ đang mất, gần hết, nếu không muốn nói như nhiều người có vẻ "ngoa ngôn": hết rồi.

Bao nhiều năm người Tây Nguyên sống với rừng, làm chủ rừng, có vẻ hoang dã, nhưng rừng vẹn nguyên, rừng xanh tốt, rừng vẫn là rừng.

Mới mấy chục năm, giờ rừng đã kịp... hết.

Một tờ báo mới làm mấy kỳ điều tra, chỉ trong giới cán bộ ở Tây Nguyên thôi, đã thấy họ xài gỗ khủng khiếp đến như thế nào?

Cái sở thích quái đản, cho rằng phong lưu là trong nhà phải có gỗ quý, lạm dụng gỗ quý như một thứ khoe khoang đẳng cấp của các quan chức, nhất là các quan chức trên địa bàn có rừng, cũng là động lực, là điều kiện cho tình trạng chảy máu rừng tiếp tục kéo dài. Có thể coi mỗi cây đại thụ là một công trình thủy lợi nhỏ vì đặc điểm của cây thân gỗ, trong tế bào gỗ có "khí khổng" rất lớn, nó vừa chứa khí, vừa điều hòa lượng nước, tích nước cho cây và giữ nước cho đất. Giờ nó thành vật dụng trong nhà, trong các lâu đài...

Rừng nó không chỉ là bóng mát, là lá phổi, là gỗ... nó chính là nước đấy. Mà Tây Nguyên là rừng. Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng. Nó giữ nước cho toàn bộ miền Trung, và cả Nam bộ nữa, thông qua hệ thống sông. Tôi giật mình, ừ nhỉ. Giờ đồi núi trọc lốc hết, mưa xuống nước cuồn cuộn tuôn, Tây Nguyên bạc màu, đổ nước xuống hết đồng bằng, cuốn theo của cải làng mạc. Hết mưa là hết nước. Khô khát như... Tây Nguyên.

Và rừng lúc này không tích nước được nữa.

          Bộ rễ vĩ đại của hàng triệu triệu loại sinh vật tạo nên rừng, và thảm thực bì cũng vĩ đại không kém, chính là những cái hồ chứa nước trên cao, như những cái thùng trên các khu nhà cao tầng bây giờ (là tôi cứ hình dung thô thiển thế), để điều tiết nước tại chỗ, và không chỉ tại chỗ, cho cả khu vực, cho cả khu vực khác...

          Giờ, rừng hết, thì những hồ nước khổng lồ ngầm dưới đất ấy, cũng khô, cũng trở thành vô dụng. Hạn hán là điều đương nhiên.

          Chưa kể còn thủy điện, lấy nước sông này chuyển sang sông kia, khiến vừa lãng phí nước, vừa tạo sự khô hạn tại chỗ, kéo theo nhiều hệ lụy khác, mà lớn nhất, là cưỡng lại tự nhiên, chống lại tự nhiên, điều mà cha ông cố tránh. Cha ông chúng ta cố gắng hòa thuận với tự nhiên, nương theo tự nhiên mà sống. Cái truyền thuyết dân làng mỗi năm lại phải cống một cô gái trinh xinh đẹp cho thủy thần, hoặc thủy quái... là minh chứng cho điều này. Chúng ta thì cố gắng “thay trời” để chống để cưỡng lại tự nhiên, dẫn đến tự nhiên nổi giận, hết hạn hán lại lũ lụt. Làm ăn tích cóp cả đời, một cơn trời nổi giận, là tay trắng... Đã có lần để làm thủy điện An Khê Ka Nak, người ta đã lấy nước sông Ba nắn xuống sông Côn khiến sông Côn thì lụt mà miền Tây Sơn thượng đạo thì hạn, để công trình thủy điện này trở thành "sự sai lầm thế kỷ".

Có một số ý kiến của các nhà chuyên môn là phải thay đổi cơ cấu cây trồng ở Tây Nguyên, phải trồng cây gì, con gì dùng ít nước nhất. Như có hồi các nhà khoa học cũng phải báo động việc khoan nước ngầm tưới cà phê khi Tây Nguyên trở thành thủ phủ cà phê.

Rừng có chức năng giữ nước, để mưa ào xuống không biến ngay thành lũ tàn phá mà tằn tiện tích lại, từng giọt, cho Tây Nguyên và cho cả các vùng chung quanh. Cho cả một mảng rộng lớn Nam Đông Dương. Đơn giản vì Tây nguyên ở trên cao, và tự biến mình thành cái tháp nước điều tiết cho cả khu vực...

          Và vì thế, chủ sở hữu giữ rừng cũng chính là chủ sở hữu giữ nước. Nước ở cả 2  nghĩa là nước sinh học, nước sự sống H2O, và nước nghĩa chính trị xã hội: Nước nhà, Tổ quốc Việt Nam.

          Giờ rừng Tây Nguyên cứ như tiếng thở dài thăm thẳm, và tiếng thở dài ấy không thể trở thành nước để những vùng duyên hải và cả miền Tây đủ nước dùng. Song song với chống dịch Covid, người ta cũng đang phải căng mình ra chống hạn.

          Và mới té ra, Tây Nguyên vì cả nước là như thế!


                                                                       

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Đúng là rừng góp phần điều tiết nước, điều hòa nhiệt độ trong đời sống con người. Tàn phá rừng ắt sẽ xảy ra thảm họa môi trường. Tuy nhiên, đối với Ninh Thuận, một tỉnh thuộc vùng nhiệt đới cận hoang mạc, một năm chỉ có 3 tháng mưa, còn lại những 9 tháng nắng. Vẻn vẹn một con sông lớn, sông Dinh, mà phải qua 3 cái đập. Thủy lưu tại hạ. 3/4 dân chúng lại sống trên vùng cao, đồi núi. Chuyện thiếu nước uống, đất không có chút ẩm độ là chuyện tất nhiên xưa nay...Chỉ thương người dân Chăm, Raglây bao đời nay gắng sống trong cảnh đói nước như một kiếp nạn làm người.

Văn Công Hùng nói...

Ninh Thuận là vùng đất rất lạ, nó cũng như vùng Krông Pa của Gia Lai. NÓ như một cái đít chảo, không khí, nhất là khí nóng, cứ quẩn xuống đấy, khiến tạo nên một dòng khi nóng. Tất nhiên Ninh Thuận có biển, nó không bị quẩn như thế nhưng vì rất ít mưa nên khí hậu khô khát