Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

CHUYỆN PHÂY



          Từ khi facebook xuất hiện, nhiều người có tên... lạ hẳn.

          Tất nhiên không kể số cố tình lấy nick name như lá mùa thu, cỏ xanh, người cô đơn, gái xinh không đẹp, người dễ thương... vân vân, để có hồi ông chủ của facebook phải làm cái việc là danh chính ngôn thuận là "trả lại tên cho em", bắt đăng ký chính chủ, nhưng thực sự thì cái số trở về chính chủ cũng không nhiều. Trong số 5000 bạn facebook của tôi, số mang nick name này vẫn nhiều.

          Còn một số nữa, tò mò tôi đi tìm, thì hình như là do cách đặt tên theo kiểu tiếng Anh, tức là khai theo yêu cầu, nhưng tiếng Anh thì tên trước họ sau còn tiếng Việt thì họ trước tên sau, ví dụ như các bạn tôi Hai Phụng Đoàn chính là Đoàn Hai Phụng (Anh tên thật là Đoàn Minh Phụng, bị cướp nick nên lập tài khoản khác, khai thế nào nó ra như thế), như Khánh Vân Trần chính tên là Trần Khánh Vân, như Huệ Trần chính tên Trần Huệ, như Vinh Lê thì chính là Lê Vinh vân vân... Vấn đề là, một chặp, tất cả họ đều coi tên mình chính là cái tên ngược kia. Anh bạn Đoàn Minh Phụng của tôi mỗi lần viết post thì đều xưng tên viết tắt HPD, còn bạn Vân, thì mỗi khi giới thiệu đều rất hân hoan: Tớ là Khánh Vân Trần, hoặc: Giờ đến lượt Khánh Vân Trần hát. Chị Trần Thị Huệ cũng thế, giờ toàn xưng Huệ Trần... Và rất nhiều người như thế nữa. Và mỗi khi có điều kiện offline thì mọi người toàn gọi nhau bằng cái tên ngược như thế, như thế nó đã xuôi tự thuở nào. Và cũng phải thừa nhận thế này, mạng thì ảo nhưng đời là thật. Các quan hệ bạn bè trên facebook trở thành thân thiết ngoài đời thật rất nhiều. Tôi thì nói thật, cương quyết không dùng bút danh dù làm nghề viết (khi nào một báo số báo mà có 2, 3 bài hoặc in dày quá tự thấy... xấu hổ, như là "cướp cơm chim" của đồng nghiệp thì mới dùng bút danh), cũng không dùng nick, cứ tên thật mà dùng, thế mà cũng ối người cương quyết gọi tôi bằng Văn Công... công.

Để nói rằng, vai trò của mạng xã hội facebook ở Việt Nam là rất lớn. Tôi có thấy loáng thoáng ở đâu đấy có người đưa thông tin về việc cơ quan chức năng, hay chính facebook chi đó, thống kê số người dùng mạng xã hội facebook ở Việt Nam thuộc loại rất khủng.

Hiện nay rất nhiều cơ quan chức năng đã sử dụng facebook như một công cụ, một kênh để giao tiếp với dân, mà thành công nhất, tôi cho là thành phố Đà Nẵng. Từ cái kênh thông tin ấy, mọi chuyện của thành phố đều được cập nhật, và xử lý rất nhanh, nhiều khi nhanh hơn chuyện trong nhà. Như vệ sinh ở con đường nào đấy, quán ăn nào đấy chặt chém, thái độ ứng xử của một nhân viên công vụ nào đấy, một chậu hoa bị treo ngược ở đâu đấy vân vân... Một số cán bộ lãnh đạo cũng sử dụng facebook như một cách giao tiếp với dân, nhắc nhở điều hành công việc, bên cạnh việc chính của facebook là... thư giãn. Họ cũng đưa những hình ảnh đời thường của họ như... người thường. Và đa phần những người như thế đều được dân tin tưởng, bởi như đã nói, mạng xã hội tuy ảo nhưng trình độ tư duy, năng lực suy nghĩ cho tới phong cách, gu, phông văn hóa, trình độ hiểu biết... nó đều hiện ra trên... facebook, tất nhiên không phải là không có những người giấu thân phận rất giỏi, hoặc những kẻ mà dân phây thủ gọi là "tàu ngầm". Chả thế mà không ít ông/ bà, (bà nhiều hơn ông), bị lừa, và vừa rồi thấy công an bắt mấy đứa rất chíp hôi ngồi gửi tin lừa đảo, hết trúng thưởng xe xịn đô dày đến là người nước ngoài có tiền nhưng... không tiêu được, nhờ giữ giùm. Vô lý thế mà cũng rất nhiều người dính, ngoan ngoãn dốc hầu bao để rồi khóc sướt mướt.

Mấy tháng trước, một anh bạn là phó Tổng biên tập một tờ báo tỉnh nhắn tin: Phó bí thư thường trực tỉnh em vừa comment vào trang anh đấy. Nói thật, tôi đông bạn đọc, nên chả nhớ hết được ai đã like hay còm. Hôm ấy phải bạn kia chụp cho cái ảnh thì mới biết anh này vào comment ở cái bài tôi viết về đại nhà báo quốc tế, rằng "cả người soạn và người ký đều rất ẩu bác VCH nạ", cứ như là thân quen tự thuở nào?

Hôm nọ tôi viết bài "Thời mạng" có nhắc đến việc tin giả tin sai rồi, cái ấy cũng nhiều chuyện buồn cười lắm. Nhưng có chuyện này nữa, một số cán bộ của ta vẫn còn sợ mạng xã hội như sợ... phản động. Đang chơi rất hăng hái, lên một vị trí nào đấy, thế là im thít luôn. Không phải họ không có thời gian, mà là họ ngại thật. Nhưng chính vì thế mà tôi rất nể các vị "bạn phây búc" của tôi như bí thư thị xã Hoàng Mai, bí thư thị xã An Khê... họ chơi và sử dụng facebook như một công cụ hữu hiệu để làm việc. Nhớ năm nào đó, 30 tết, bí thư thị xã An Khê, thông qua facebook, xử lý việc ế hoa của bà con nông dân trước giao thừa rất ngoạn mục, dân (cả ngoài đời và dân mạng) vỗ tay rầm rầm, like điên đảo.

Nên, vấn đề là bản lĩnh, sự thông minh, hiểu biết... để sử dụng công cụ, chứ không phải công cụ nó điều hành mình. Lại nhớ ông thủ tướng Sigapore, cứ gặp đồng cấp là phải seo phì phát, cúng phây cái đã, tính sau. Thủ tướng nước mình có lần cũng... bị dính Wefie như thế... Vì nói vui chuyện phây nên không nhắc đến ông cũng rất là trùm mạng, là ông Trump, có việc gì là lên trang của ổng, viết mấy dòng, và cả thế giới ầm ầm xôn xao chuyển động hả hê hoặc toát mồ hôi. Ông này không chơi phây, mà chơi Twitter...

Phây có thể kết nối những người rất... ghét nhau ngồi với nhau, he he... Ảnh là ông nhà văn Nguyễn Đình Tú đang ngồi... khoe like


Bài đăng Ở ĐÂY ạ, lôi về đây để liu.
                                                              

Không có nhận xét nào: