Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

NHỮNG MẢNG TỐI TỪ VIỆC MỘT NHÀ BÁO BỊ BẮT




Sự kiện nhà báo Lê Duy Phong bị bắt đã làm không chỉ làng báo rúng động mà cả xã hội cũng bàn luận sôi nổi. Không chỉ là vì sự việc diễn ra ngay sau ngày 21 tháng 6 một ngày, cũng không phải đây là sự việc đầu tiên trong làng báo, trước Phong đã có một số vụ rồi, mà có lẽ bởi, sự trắng trợn của sự việc, và cả tính bất ngờ của nó.


Trước đó, chính Phong đã có loạt bài điều tra làm xôn xao dư luận về tài sản nhà cửa đất đai… của một loạt quan chức cao cấp của tỉnh Yên Bái, vốn dĩ đã vừa rất nổi tiếng với vụ 2 cán bộ cao cấp của tỉnh bị bắn chết ngay tại trụ sở. Những phóng sự đã vạch ra sự thật trần trụi và rất cay đắng rằng, trong khi tỉnh Yên Bái còn nghèo, dân cũng rất nghèo, thì có những cán bộ có nhà cửa rất to rất rộng rất hiện đại mà giờ được đồng loạt gọi là “biệt phủ”. Nó đối lập hoàn toàn với đời sống chung của nhân dân trong tỉnh, những người mà các cán bộ này phải phục vụ họ, làm công bộc cho họ. Là nói mặt bằng chung, chứ nếu kể những người nghèo thì còn là cả trời cả vực. Sự ngăn cách ấy, cái khoảng cách giàu nghèo ấy, rõ ràng là, nó đã xúc phạm đến lý tưởng rất cao đẹp mà toàn Đảng toàn dân ta đang hướng tới: làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Nhưng rồi, cũng chính Phong, đã nhân danh chống tham nhũng để… trấn lột tham nhũng. Hành động đưa tiền cho nhà báo, số tiền không nhỏ, đến 200 triệu, của ông giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư, một sở được gọi là siêu sở trong hệ thống hành chính nước ta, rõ ràng không thể coi là hành động hiếu hỉ thông thường. Dù bất cứ biện minh nào cũng không thể khiến người ta hết nghi ngờ. Và chỉ mấy ngày sau cú nhận tiền này, Phong lại “mần” cú nữa từ một doanh nghiệp, và lần này thì Phong gặp… ma, diễn từ thành ngữ “đi đêm có ngày gặp ma” của cha ông ta.

Cũng phải thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà Phong lại chọn Yên Bái để làm tiền trắng trợn thế. Cái tỉnh rất oai hùng với “khởi nghĩa Yên Bái” lừng danh ngày nào vài năm trở lại đây có khá nhiều chuyện lùm xùm, mà đỉnh điểm là việc 2 cán bộ đầu tỉnh bị bắn chết. Và sau đấy, như cái dớp, các vụ lùm xùm tiếp tục bị phanh phui.

Nhà báo Lê Duy Phong đã tham gia vào quá trình điều tra ấy, công bố cho mọi người biết, một số giám đốc sở ở Yên Bái có gì? Nhưng đau lòng là, Phong đã dùng thông tin mình có, dùng bài báo mình viết, và cao hơn, đã dùng quyền lực của nhà báo, dùng niềm tin của bạn đọc, để làm cái việc tồi tệ, mà các nhà báo chân chính nghe đã xấu hổ.

Với cơ chế báo chí hiện nay, nói thật là, những nhà báo như Phong không phải là cá biệt.

Rất nhiều nhà báo đã đánh mất mình, biến mình thành hung thần với các doanh nghiệp, các cơ quan và những cán bộ thoái hóa. Thay vì viết bài công bố vạch trần tiêu cực thì những nhà báo như thế này lại biến những việc ấy thành nơi trao đổi, thành cơ hội làm ăn. Việc viết bài, dọa viết bài, đăng bài, rút bài… diễn ra trong mê lộ của những cuộc mặc cả hết sức trắng trợn, hết sức xấu hổ và hết sức bất nhân. Họ đã biến công cụ được giao, khai thác chút khả năng mình có, thành thứ để kiếm ăn bất chính. Và, quả là, đi đêm lắm thì sẽ gặp ma…

Nhưng cũng phải thấy thêm mặt nữa, ấy là những tiêu cực trong xã hội khá nhiều chính là đất để những nhà báo biến chất khai thác kiếm ăn. Công cuộc chống tham nhũng càng chống có vẻ càng… không giảm. Những cá nhân biến chất biết cách để bịt những chỗ cần bịt. Một trong những nơi họ phải bịt là báo chí. Và họ biết những mắt xích nào cần đột phá. Lê Duy Phong là một mắt xích như thế.

Có người đặt câu hỏi, ông giám đốc sở kế hoạch đầu tư Yên Bái ấy, chỉ nguyên Lê Duy Phong đã phải đưa hai trăm triệu, vậy thì còn bao nhiêu chỗ như Duy Phong để phải đưa nữa? Duy Phong chưa phải nhà báo nổi tiếng, và tờ báo mà anh phục vụ cũng không phải báo lớn, mà còn phải thế, thì còn bao nhiêu chỗ “cần phải như thế” nữa?

Và cũng thấy, té ra cái việc nhận tiền, rất nhiều tiền, chỉ để… không làm gì cả, không viết gì cả, không đăng gì cả, quả là nó rất nhẹ nhàng, và hết sức dễ dàng, đương nhiên nữa, chả thế mà đang viết bài đánh đấm tưng bừng thế, vẫn lái xe lên nhận tiền, một cách vừa công khai vừa liều lĩnh, để rồi bị tóm. Và cũng thấy, cái việc đưa tiền để không bị phanh phui nó cũng đương nhiên biết bao. Từ vụ 5 chục triệu, phui ra vụ 200 triệu, và nghe nói, không chỉ có thế?

Từ việc nhà báo Lê Duy Phong bị bắt này, rõ ràng, rất nhiều vấn đề đang được lộ ra, và cũng khiến chúng ta giật mình khi thấy những mảng tối ở trong giới báo chí và cả quan chức.





3 nhận xét:

Hoàng Quốc Lợi nói...

Tôi không vơ đũa cả nắm , nhưng quả thực với cơ chế hiện nay , lòng tin của Nhân dân với "các nhà báo " đã xuống mức thấp nhất rồi đấy ? Người ta hình như tin những "tin vịt " nhiều hơn tin chính thống từ "các nhà báo " ? Tại sao vậy ? việc quản lý báo chí nói chung , quản lý các Nhà báo " ra sao chỉ có bộ chủ quản , các cơ quan biên tập của những tờ báo đó biết rõ hơn ai hết ? Nhưng Pháp luật hình như có điều gì đó chưa nghiêm , ngại , thậm chí "nể " báo chí nên trong làng báo chí có không ít những kẻ lộng hành , lăng loàn , loạn ngôn , có nhiều mưu đồ mờ ám "nhân danh nhà báo " để tha hóa mình bằng các "xảo thuật " của nghề làm báo ?

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi cảm thấy vụ này có uẩn khúc gì đó. Hãy chờ đợi Công Lý lên tiếng.

Nặc danh nói...

Tôi có chung suy nghĩ như ông Nguyễn Sĩ Dũng chẳng có ai hôm trước viết bài kể chuyện tham nhũng của các ông quan lớn của tỉnh hôm sau lại đi ăn tiền để bị băt quả tang cả