Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

“NHẶT CHUYỆN” TRÊN ĐƯỜNG




Đang bận làm nhà, nhà văn Nguyễn Một gọi: Đi chơi một chuyến không bác, toàn văn nhân. Chả suy nghĩ gì, nhận lời ngay: Ok đi. Làm nhà bây giờ nó cũng khác xưa, khoán hết, thi thoảng mình đến ngó tí, động viên thợ, rồi chờ họ hoàn công giao nhà cho mình, tất nhiên là mình phải… trả tiền cho họ. Mà tiền, theo “truyền thống” Việt, phần lớn là do… vợ nắm, vợ quyết, mình có ở nhà cũng chả giải quyết được việc gì, có khi lại… rối mắt rồi mà cãi cọ nhau.


Té ra là toàn người quen. Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Lương Ngọc An, Hoàng A Sáng, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Hoàng Đức… rồi Võ Đắc Danh, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thu Trân, Cao Hồng Sơn, Thái Bá Lợi… Hình như chơi được là tiêu chuẩn đầu tiên để Nguyễn Một rủ đi chuyến này, tiếp đến mới là… viết được.

Nhờ có chuyến đi này tôi mới biết 2 việc về nhà văn Tạ Duy Anh, ấy là một, anh rất sành về... rượu, và 2, anh vô cùng hiểu biết về ô tô. Trước đấy, mỗi lần có việc đến Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi anh công tác, tôi thường thấy một Tạ Duy Anh lặng lẽ, có phần xo xúi, vẻ ngơ ngác vụng về giữa đông đảo các em biên tập viên tíu tít. Nhưng giờ mới chợt nhớ, ông này xuất thân dân Sông Đà, đừng đùa.

Tôi cho cái sự mình biết lái xe và có xe để lái là... hoành tráng lắm rồi. Xưa nay người ta toàn nói bọn nhà thơ là thứ dở hơi, dây dợ không nhằng nhịt thì não cũng đơ đơ, tâm thế không bất an thì tim phổi cũng lẫn lộn, đi bộ còn lạc đường, về nhà còn lạc ngõ… thì nói gì chuyện xe pháo. Nhưng tôi biết lái xe và có xe chạy đến mấy vạn cây rồi khiến mình thì vênh vang mà bàn dân thì... mắt tròn mắt dẹt. Vậy nên trong cái tâm thế chắc chắn Tạ Duy Anh chả biết gì về xe cộ, tôi hết sức tự tin nói về cái xe của mình, về những cung đường tôi đã cầm lái, về cảm giác thích thú khi mình mình một xe trên đường, lúc thấy mình như... tổng thống, lúc lại như... lái xe, thì anh thủng thẳng kể, anh có bộ sưu tập hơn... 600 ảnh về xe, toàn xe độc, chứ cái thứ lìu tìu như xe tôi thì anh… không chấp, và từng lái vài chục loại xe, leo tất cả các con đèo ở Miền Bắc. Tôi thú thật là, chạy nhiều đèo ở miền Trung, nhưng nghe nhắc đến những con đèo phía Bắc vẫn thấy ớn. Anh kể, anh chạy đèo như một thỏa mãn đam mê, như một cú test về cảm giác, và thấy mình vẫn... trẻ. Anh kể ở Hà Nội các hãng xe quen và tin anh tới mức, tất cả các cuộc ra mắt xe đều mời anh tới lái thử. Anh kể tên vanh vách các hãng xe, nhớ lô gô từng loại một. Tôi kinh, cứ tụt xa dần chỗ ngồi để... ngắm anh như ngắm siêu nhân, nhường chỗ gần anh cho nhà văn Nguyễn Một, ông giám đốc truyền thông công ty ô tô Trường Hải này may ra đối đáp về xe được với anh… Ông Một này cũng lạ, nhà văn, giờ làm giám đốc truyền thông, nhưng nhớ vanh vách tất cả các chi tiết về kỹ thuật xe (một cái xe nghe nói có tới 18 ngàn chi tiết kỹ thuật), trừ… giá xe. Thú thật, ban đầu tôi cứ tưởng, và luôn luôn nghĩ thế, rằng là, đã là nhà văn, nhà báo thì làm giám đốc truyền thông dễ như… thò tay vào túi lấy kẹo phát cho trẻ con. Gặp ông Một chuyến này, tôi mới rụt rè nói thật: Nếu có ông ngơ ngáo nào đó, không biết nhìn người, mời tôi về làm giám đốc truyền thông như ông Một, tôi sẽ kính cẩn từ chối ngay. Té ra nó khó vô cùng, phức tạp vô cùng và đòi hỏi năng lực vô cùng…

Lâu lắm mới trở lại Chu Lai, tôi kinh ngạc vì gặp ở đây một đô thị rợp màu xanh. Nhà tôi cũng ở vùng cát, tuy không cát hoàn toàn như ngoài biển, nhưng cái làng trước sông sau biển ở Thừa Thiên Huế quê tôi cũng phau phau cát. Phía sau độn, bằng rất nhiều nguồn, rất nhiều quyết tâm, rất nhiều công sức, người ta cũng trồng được một ít phi lao (dương), keo lá tràm, còn lại là xương rồng và thứ cỏ sắc như kim lác đác sống, mà chủ yếu là chỉ xanh vào mùa mưa. Tôi đã đi qua Chu Lai cái thời cát đang phau phau đến rợn người như thế trên những chuyến xe đò xuyên Huế lên Pleiku, thời còn cái trạm kiểm soát Nước Mặn nổi tiếng, đến nỗi cánh lái xe gọi đấy là trạm “Nước mắt”. Đến đấy phải nằm hàng ngày chờ nhà chức việc kiểm tra hàng trên xe, có khi bị “sạc” hàng (hạ toàn bộ hàng trên xe xuống kiểm tra, mà hồi ấy đã xe là chở lặc lè hàng) là phải ăn cơm khỉ là cái chắc. Trước đó tôi đọc trong các tiểu thuyết của Phan Tứ, Nguyên Ngọc... những nhà văn Quảng Nam viết về vùng Chu Lai Núi Thành, thấy họ tả về cát mà khiếp đảm. Không thể nghĩ, có ngày nơi đây trở thành một vùng biếc xanh mướt mát như thế. Nghe nói để có cơ ngơi xanh này, công ty Trường Hải có riêng một xí nghiệp môi trường hàng trăm công nhân. Có những nơi họ phải đào sâu đến mấy mét, đổ đất mới vào để trồng cây, nếu không, cây chỉ cao đến một độ nhất định là bị đổ. Cát, một vùng sa mạc cát, giờ miên man xanh, và trong cái ngút ngàn xanh ấy là một khu công nghiệp chuyên sản xuất xe hơi…

Tôi đã ăn món mì Quảng thần thánh ở nhiều nơi. Huế có, Sài Gòn có, Nha Trang có, Đà Lạt có. Ở Pleiku nơi tôi sống thì quán mì Quảng ngon nhất nằm sát nhà. Lâu nay tôi cho rằng, ăn mì Quảng ngon nhất là tại một cái quán rất sang ở Tam Kỳ, do một cậu thanh niên rất trẻ mở. Tất nhiên trước khi bảo quán Tam Kỳ là nhất thì tôi cho cái quán ở một cái hẻm, ngay vỉa hè bên con đường nào đó ở Đà Nẵng mà các bạn nhà báo Đà Nẵng dẫn tôi đến trong một đêm nào đó là ngon nhất. Trước khi đến quán Đà Nẵng thì cái quán bên nhà tôi là ngon nhất. Sai toét. Một buổi trưa, ăn mì Quảng tại nhà của bà chị nhà văn Nguyễn Một là ngon nhất.

Chơi với Nguyễn Một lâu, nhưng quả là, đến chuyến đi này tôi mới biết sơ về cuộc đời anh. Đấy là một cuộc đời bi tráng nhiều nghĩa liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, đến nỗi, té ra anh họ Trần chứ không phải họ Nguyễn, nhưng rồi, giờ anh vẫn quyết giữ cái họ Nguyễn mà thuở mồ côi bé tí ông cậu đặt cho, đến nỗi, khi trên xe anh tưng tửng kể lại chuyện đời mình, gia đình mình bằng cái giọng bông lơn thì tất cả chúng tôi rưng rưng nước mắt...

Anh còn một bà chị họ ở quê, bà chị mà trong câu chuyện anh luôn nhắc đến, cùng ông cậu, tất nhiên, hai người bà con gần nhất còn lại của anh sau năm 1975. Lần nào từ Sài Gòn hoặc Đồng Nai về anh cũng đề nghị chị làm mì Quảng cho ăn, và với anh, chỉ mì Quảng của chị mới là… mì Quảng.

Mì Quảng nó ngon thứ nhất là từ nước nhưn (nhân). Hôm ấy bà chị làm nước nhưn thịt gà. Sợi mì thì mua về nhưng nước nhưn và rau sống làm lấy. Cây chuối non, rất non, chỉ lấy cái nõn, thái nhỏ, trộn với rau thơm. Chị bảo vội quá không kịp thêm một ít loại rau nữa, nhưng cái thân cây chuối vừa hạ xuống kia, thái mỏng còn rồn rộn nước nó ngọt sao mà ngọt. Ở phố cũng có, nhưng thứ nhất là tận dụng lấy thân già nhiều, thứ 2 là để lâu, hết nước ngọt rồi, nên ăn nó đúng là ăn… cây chuối. Gà đang chạy trong vườn, ông em báo phát, thế là… vào nồi. Nó đúng chất, đúng kiểu, đúng không khí… ông nhà văn Sương Nguyệt Minh, người… không biết lái xe, đang bị anh em nhà văn ép đi học lái xe, ăn hai tô xong còn thêm mấy gắp, ngồi thở, bảo: Giá bụng to hơn một tí nữa. Ẩm thực Quảng có hai món dân dã giờ thành đặc sản hay được nhắc đến là cao lầu Hội An và mì. Giờ món cao lầu vẫn chỉ ở… Hội An còn món mì đã vượt biên giới xứ Quảng, vươn ra khắp nước. Cô bạn quê Đà Nẵng, học cùng đại học với tôi, mới rồi đi làm “Ô Sin” cho con tận bên Mỹ, một hôm hân hoan khoe trên facebook món mì Quảng chị tự tay làm tại nhà con, tất nhiên bên Mỹ. Tôi nhắn hỏi: Vật tư gửi từ nhà qua à, chị bảo: Không, chợ Việt có hết. Một thứ không thể thiếu để cho tô mì Quảng đúng là… mì Quảng là ớt. Những quả ớt xanh, chỉ ớt xanh, không bao giờ ăn chín, to cỡ ngón tay. Đây là đặc sản vùng cát xứ Quảng. Quảng Trị, Huế cũng có, nhưng đúng ở Quảng mới là… ớt. Cả đĩa ớt xanh lướt như… lợn con, khi ăn bẻ đôi ra cắn rôm rốp phụ họa với tiếng lách cách của bánh tráng, vừa ăn vừa quệt mồ hôi, vừa hít hà giữa cái nắng cái nóng cũng… đặc trưng, nó mới chính là… xứ Quảng.

Tôi có hỏi ông Nguyễn Một chi tiết dân Việt ta bị giễu vì… không làm nổi con ốc vít. Một cười giải thích: Anh đi xem toàn bộ quy trình sản xuất xe hơi của Trường Hải chưa, làm được tất cả nhé. Vấn đề là làm để làm gì? Không ai chỉ sản xuất một con ốc, thâm chí là vạn con rồi thôi cả. Đầu tư máy móc là phải làm ra hàng loạt để bán, để xuất khẩu. Và cũng không ai làm nguyên một cái ô tô mà tự mình làm từ đầu đến cuối cả. Phải hợp tác, anh làm cái vô lăng tôi làm cái lốp, rồi đặt hàng thêm những thứ mình không cần làm. Sực nhớ tôi vừa có nhu cầu thay lốp, định mang vào hãng thay, bạn bè bảo hãng có sản xuất lốp chính hãng đâu, họ cũng lấy về, vậy chi bằng mang vào chính hãng lốp mà thay. Và thay xong thì mới nhận ra bạn bè khuyên đúng.

Những gì tôi thấy ở các xưởng sản xuất của Trường Hải quả là… ngoài sức tưởng tượng của tôi. Và tự hào, dân ta không chỉ sản xuất được… ốc vít mà cả cái xe (từ 16 đến 50 phần trăm). 600 héc ta tại khu phức hợp Chu Lai với 25 công ty, nhà máy trực thuộc, đi thăm cho hết phải mất mấy ngày. Khen ông này thì quả là… đặt voi vào giấy. Nhưng tôi hết sức ấn tượng với việc định hình nên một môi trường văn hóa doanh nghiệp. Vừa bản sắc vừa hiện đại, từ cái cách chào nhau, cấp dưới chào cấp trên. Và cái hình ảnh các quản đốc cúi chào khách cứ lưu mãi trong tôi đến giờ. Cứ như ta đang lọt vào một tập đoàn đâu đó bên Nhật, bên Hàn, đến cái cách lo cho cán bộ công nhân viên từ đời sống vật chất tới tinh thần, từ học hành tới công việc…

Viết cái “nhặt chuyện” này vì tối nọ, xem ti vi, thấy ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco vừa nhận giải thưởng Vinh quang Việt Nam - dấu ấn 30 năm đổi mới. Tôi nhớ, mình gặp ông này một lần khi cùng hội nghị nhà văn trẻ cách đây mấy năm vào thăm khu công nghiệp Chu Lai, lúc Trường Hải còn sơ khai. Ông này rất nhiều chuyện để viết, nhưng hình như ổng chả thích viết về mình, thêm nữa, khả năng có hạn nên chỉ… nhặt loanh quanh thôi…



3 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Dân ta đã sản xuất được 60% chi tiết của xe ô tô rồi kia à? Mừng thay.

Xuân Ba nói...

Sư bố chúng mày! Hay thế

Văn Công Hùng nói...

He he sư huynh Xuân Ba lên tiếng