Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

ĐỪNG ĐỂ BĂNG RÔN THÀNH RÁC ĐÔ THỊ...



Băng rôn, chả biết có nước nào nhiều băng rôn, khẩu hiệu như nước ta không, nhiều khi treo chỉ để mà treo chứ chả biết nó có tác dụng không? Chưa kể, rất nhiều câu nói của lãnh tụ bị ngắt ra khỏi ngữ cảnh khiến nó vừa cộc lốc vừa sai sai thế nào, ví dụ "Tự tôi ngày nào cũng tập", ví dụ "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ thì rừng rất quý" vân vân các loại... Đô thị, vô hình trung trở thành nơi... phô diễn băng rôn các loại các kiểu bất chấp ý thức thẩm mỹ...


Đô thị của chúng ta giờ ngày càng đẹp, càng được chăm chút kỹ lưỡng, từ ánh sáng đến cây xanh, vỉa hè, góc phố vân vân, tuy thế nhiều lúc nhiều chỗ vẫn còn lòe loẹt, rối rắm, thậm chí đến phản cảm. Một trong những thứ gây ra sự rối rắm và lòe loẹt là các băng rôn chăng đầy trên tất cả các phố nước ta mọi lúc mọi nơi.

Có 2 loại băng rôn được treo ngang đường, một là màu đỏ dành cho các sự kiện chính trị, chủ yếu do ngành văn hóa treo, và hai là màu xanh (có thể màu khác nữa, nhưng không đỏ) dành cho các tổ chức xã hội, các ngày lễ nhỏ, các chiến dịch..., còn loại treo đứng trên cột là dành cho quảng cáo...

Ngày xưa còn khó khăn thì đa phần các cơ quan, cá nhân tự làm lấy băng rôn rồi mang treo (tất nhiên phải xin phép), giờ có các đơn vị chuyên kinh doanh, mang ma két và giấy phép đến giao cho họ thực hiện là xong.

Nhưng xong mà lại chưa xong là bởi, họ treo xong rồi phần lớn là... quên thu dọn, ít nhất là chậm thời gian dăm ngày, nặng hơn là quên luôn. Băng rôn trở thành rác đô thị, phản cảm là ở chỗ ấy.

Chả cứ băng rôn màu xanh hoặc trắng, ngay màu đỏ nhiều khi cũng bị... quên. Chúc mừng năm mới mà đến tháng 6 vẫn còn nghênh ngang trên đường.

Chưa kể, để lâu không thu dọn, hoặc sau cơn mưa, bão, hoặc chỉ là gió to, các băng rôn ấy rơi lả tả, hoặc bị xé rách, trông rất nhếch nhác.

Rồi nữa, nhiều khi nội dung rất ngô nghê, dù các ngày lễ, kỷ niệm quan trọng đều đã có ban tuyên giáo hướng dẫn nội dung, thế mà năm nào đó ở một trường học đã treo cái băng rôn: “Nhiệt liệt chào mừng ngày thương binh liệt sĩ”. Hoặc cũng từng có khẩu hiệu như thế này căng ngoài đường: “Nhiệt liệt chào mừng ngày đái tháo đường”, “Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun” vân vân. Cái gì cũng nhiệt liệt dù chả biết cái cần nhiệt liệt ấy có nhiệt liệt không? Rất nhiều câu sai ngữ pháp, cả câu dài ngoằng ngoẵng chả thấy chủ ngữ đâu. 

Chả biết trên thế giới có nước nào sử dụng nhiều băng rôn như ở nước ta không, nhưng quả là, nước ta có rất nhiều băng rôn khẩu hiệu căng chi chí trên đường, mà với tốc độ đi xe máy thôi, rất khó để đọc, mà nếu chăm chú đọc thì sẽ rất dễ bị tai nạn giao thông. Thế tức là việc treo chỉ để mà... treo.

Và cũng nói luôn. Giá tiền một băng rôn như thế không rẻ, cả công làm và treo đâu chừng 300 ngàn một cái, mà một sự kiện thì biết bao nhiêu băng rôn được treo?
Nên không phải ngẫu nhiên mà bây giờ có thêm một thuật ngữ là rác đô thị, nó gồm rất nhiều thứ dọc ngang trên phố, từ dây nhợ các loại, ánh sáng các loại,  biểu tượng các loại và cả... các băng rôn không đúng kiểu.

Thực ra thì đã có những quy định, quy chuẩn cho băng rôn, quảng cáo, nhưng từ việc ban hành quy chuẩn đến thực hiện, đôn đốc kiểm tra vẫn là một khoảng cách, khoảng cách ấy đủ cho hoàng loạt băng rôn, vô tình hay cố ý, gia nhập “đội quân” rác đô thị...

Bài thâm canh trên báo Thanh niên chủ nhật hôm nay
 

Không có nhận xét nào: