Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

NGỒI XỨ CÀ PHÊ TÁN CHUYỆN CÀ PHÊ...



Nghe xong rùng mình, bởi tôi là môn đồ của cà phê, ngày nào cũng phải ít nhất một cữ, cà phê đen nóng, đường rất ít, để ngẫm hết cái hương, cái vị cà phê, chứ cho đường nhiều, hoặc sữa... thì nó mất hết chất cà phê đi. Vậy nên nếu có cái “tinh chất” cà phê kia thì tôi là người “hưởng” trọn vẹn nhất cái “tinh chất” ấy...
---------------



          Mấy hôm nay có một tờ báo đưa cái tin chỉ cần một giọt tinh chất cà phê cho vào một cốc nước đen đen là ta có một... cốc cà phê. Đây là loại cà phê mà dù không phải cà phê nhưng lại vẫn là cà phê vì nó là... cà phê bởi nó được bán trong quán cà phê và nó có mùi cà phê và màu cũng cà phê... Nghe nói cái giọt tinh chất này được nhập từ... “nước lạ”, và nó là chất có thể gây ung thư.

          Nghe xong rùng mình, bởi tôi là môn đồ của cà phê, ngày nào cũng phải ít nhất một cữ, cà phê đen nóng, đường rất ít, để ngẫm hết cái hương, cái vị cà phê, chứ cho đường nhiều, hoặc sữa... thì nó mất hết chất cà phê đi. Vậy nên nếu có cái “tinh chất” cà phê kia thì tôi là người “hưởng” trọn vẹn nhất cái “tinh chất” ấy.


          Tây Nguyên hiện đang là thủ phủ cà phê của Việt Nam, của Việt Nam thôi, bởi cà phê là một loại cây nhập Việt (nó có nguồn gốc từ Etiopi nhưng giờ thì Braxin là cường quốc cà phê). Nhưng có điều lạ, tôi rất ít thấy (chính xác là không thấy) bà con dân tộc Tây Nguyên uống cà phê, là tôi nói dưới buôn làng ấy, chứ bà con lên phố ở thì chả nói làm gì?

          Nên có vài bác nhà văn nhà báo tả cảnh bà con Jarai, Bahnar, Êđê... dưới làng sáng khề khà pha cà phê uống tại nhà thì bà con chỉ cười. Mà chả cười thì biết làm gì bây giờ.

          Người Pháp mang cà phê vào Việt Nam họ mang theo cả kiểu uống. Nhưng giờ, bằng sự “sáng tạo” rất Việt Nam, chúng ta đã tạo ra những kiểu uống cà phê của riêng mình. Cũng ở Việt Nam, nhưng mỗi vùng có cách uống khác nhau. Thứ nhất là bột cà phê. Nhìn tưởng cà phê nhưng thực chất cà phê trong ấy lại ít thôi, là đang nói loại cà phê xịn ấy. Thường các nhà sản xuất cà phê có bí quyết rang xay riêng để khách hàng nghiện cà phê của mình như nghiện... ma túy vậy. Và bên cạnh hạt cà phê thì họ còn cho cả phụ gia, không phải gian dối kiểu giọt tinh chất kia nhé, mà để làm tăng độ hấp dẫn của cà phê. Có thể là vỏ cà phê, là bột bắp rang, là cả hạt cau vân vân các kiểu, trong một liều lượng cho phép theo tỉ lệ riêng của từng nhà. Nhưng giờ, vì sự gian dối xuất hiện quá nhiều nên nhiều quán tổ chức pha cà phê hạt ngay trước mặt khách, ấy là hạt cà phê nguyên, cho vào máy vừa xay vừa pha. Nhưng những ai quen uống cà phê truyền thống lại không thích cà phê kiểu này vì nó... nhạt. Bản thân tôi, từng có lần được một bạn đọc, chỉ vì yêu quý tặng hẳn một cân hạt cà phê chồn. Vốn ông này có cái rẫy cà phê, trong ấy xuất hiện mấy chú chồn, thế là mỗi sáng ông đi dạo một vòng nhặt vài ba viên cà phê từ đống phân chồn lảnh khảnh nhoe nhoét ở đâu đấy, cất cẩn thận. Dồn cả năm thì được chừng một cân, ông đùm lại rồi phi con chiến mã phành phạch lên cho tôi bởi ông là nông dân thứ thiệt, không biết uống cà phê. Tôi lại mang ra nhờ một ông bạn chủ hãng cà phê nổi tiếng ở Pleiku nhờ xay. Ông ấy trực tiếp xay rồi đóng gói hút chân không trả lại cho tôi. Và sáng ấy tôi kính cẩn mời mấy ông sâu cà phê thưởng thức. Té ra nó rất khác thứ cà phê chúng tôi vẫn hay uống. Loãng loạch và rất ít cả hương cả vị cà phê... Tất nhiên sau cuộc ấy thì tôi pha uống một mình, và đến khi thấy cái cà phê này nó ngon thật sự thì... vừa hết, tôi lại trở lại cà phê thường ngày của mình.

          Thứ nữa là cách pha. Người Việt có vài cách pha, một là pha phin, hai là pha kiểu... bít tất, tức là cho cà phê vào cái túi như bít tất rồi thả vào nồi... luộc. Pha phin dành cho người có thời gian, nhất là... công chức, còn bít tất dành cho người vội, vào phát có ngay. Trong khi người châu Âu chẳng hạn, họ pha cà phê theo kiểu... nấu rượu, cà phê được chưng bằng hơi, cất lấy cái tinh túy của cà phê từ cách thủy...

          Cách uống cũng đa dạng. Xứ nóng như Sài Gòn thì cà phê là giải khát. Ly cà phê tức là một ly đá tổ bố, trong ấy chỉ nhờ nhờ cà phê, xóc xóc mấy cái cho đá tan thêm rồi ừng ực mấy hơi xong chế trà vào uống tiếp, hết đá xin thêm... Dân Tây Nguyên thì hay cà phê phin, nam thường đen nóng nữ thì cà phê sữa. Nhưng dân Huế uống cà phê mới kinh, nữ toàn uống cà phê đen không đường... Ra phía Bắc mà kiếm được ly cà phê cũng khá khó khăn, trong khi ở các tỉnh phía Nam, chỗ nào có thể kê được một cái bàn và bốn cái ghế là có thể có một quán cà phê. Dân phía Bắc buổi sáng thường nhâm nhi ly trà nóng, phía Nam thì là ly cà phê, chưa có ly cà phê thì chưa làm gì được, từ anh thợ xây, ông xe ôm đến chị bán hàng rong, cô vé số, cậu sinh viên, anh nhà báo, ông chủ doanh nghiệp... tất thảy đều... bình đẳng trước cà phê...


 Xuống làng xa bản vắng bây giờ cũng có quán cà phê, chí ít là bên cạnh ủy ban xã thế nào cũng có một quán. Mới đây tôi uống cà phê ở tít tận xã Lơ Ku huyện Kbang, huyện tận cùng tỉnh Gia Lai. Đấy là nhà của một cặp vợ chồng giáo viên trẻ. Họ dành ra cái chái có bóng mát của một cây pơ lang kê mấy cái bàn chục cái ghế bán đủ thứ. Thế mà thấy thanh niên Ba Na ngồi đông phết, có chàng còn rút điện thoại trong túi ra, mở nhạc, bỏ lên bàn, gác chân lên ghế mắt mơ màng nhả khói. Chắc chàng đang nghĩ uống cà phê nhạc như thế thua quái gì mấy quán ở phố, mà ở đây lại còn phong cảnh tự nhiên hữu tình...

Ông nhà văn Vũ Hồng là người nghiện cà phê hạng nặng. Một ngày ông có thể xơi năm bảy cữ cà phê, và đặc biệt là buổi sáng không bao giờ ăn sáng, chỉ cà phê, buổi trưa nhiều khi ông cũng qua trưa bằng một ly cà phê. Đi đâu việc đầu tiên là ông tia các quán cà phê. Tất nhiên không phải quán nào cũng được ông duyệt. Như ra Hà Nội ở đâu thì ở, ông cũng mò về 2 quán ở Trần Nhân Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cứ một mình, ngồi như cóc cụ thế, kính trắng lơ ngơ mặc sự đời trôi. Hỏi ông hay nghĩ gì lúc ngồi cà phê, ông bảo ngồi... đếm xe chạy ngoài đường...

Lần vào Sài Gòn, nhà con gái tôi ở tầng 11 một chung cư trên đường Tân Hương. Thèm cà phê quá mò xuống tầng 1, cạnh cái bể bơi có quán cà phê rất mát, kêu một ly đen. Trời ạ, đen thì có đen nhưng nó quyết không phải là cà phê. Đắng như mồ hóng và cũng có mùi như... mồ hóng. Dù rất thèm nhưng tôi cũng không thể nào nhấp nổi ngụm thứ 2. Thế mà ở bàn bên cạnh, mấy cô gái chân dài miên man, mỗi cô một ly đen đá uống say sưa ống hút và chụp ảnh tự sướng nữa...

Nguyễn Ngân, cô phóng viên trẻ đẹp thông minh và rất chịu khó của VTV một lần vào Pleiku, tôi rủ đi cà phê đêm. Thường thì gọi là quán cà phê nhưng nó bán nhiều thứ không phải cà phê, cũng như thế, rủ nhau đi cà phê nhưng vào quán có thể không uống cà phê. Nhưng tối ấy tôi bảo cháu nên uống 1 ly cà phê, cho biết. Mà phải đen nóng, cho nó đúng là cà phê. Cô bé uống, khen ngon, rồi khen rất ngon, và sau đấy nhắn tin: cháu bắt đền chú đấy, suốt đêm qua cháu... nhìn trần khách sạn và đếm trắng đêm luôn...

Xứ cà phê nên sinh ra những ông “vua cà phê” mà Đặng Lê Nguyên Vũ là một ví dụ. Ông này là bác sĩ, bỏ nghề, làm cà phê, từ đi bỏ mối cà phê tiến lên xây dựng thương hiệu cà phê “Trung Nguyên” nổi tiếng. Giờ ông đắc đạo, giao sự nghiệp cà phê cho cấp dưới, còn mình về trang trại ẩn dật để... suy nghĩ. Nghe một bạn đồng nhiệp kể, khi nào bí, ông lại cưỡi ngựa dạo quanh trang trại ở Ma Drac, và lúc ấy, tư tưởng lại xuất hiện. Ông nghĩ ra rất nhiều chuyện, vượt ra ngoài chuyện cà phê, liên quan đến tương lai và tiền đồ của đất nước. Ví dụ ông nghĩ làm sao để “Toàn cầu hóa Trung Nguyên”, rồi “Đóng góp vào chiến lược quốc gia cho một Việt Nam hùng mạnh”, rồi nữa “Theo đuổi học thuyết Cà phê trên phạm vi toàn cầu”... Người trần mắt thịt, nên dẫu rất yêu cà phê nhưng đọc các tư tưởng của ông, tôi mù tịt, ví dụ tư tưởng này “Cà phê là "báu vật của trời đất", là di sản văn minh và năng lượng kích hoạt sáng tạo cho mỗi người”. Chỉ biết một điều, giờ đi đâu cũng gặp những Pano quảng cáo cà phê Trung Nguyên trong đó có câu “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ tặng cho thanh niên Việt”, sau này bị phản ứng, tỉnh Đăk Lăk yêu cầu ghi rõ “chủ tịch cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ” chứ không chủ tịch chung chung thế được, lẫn lộn hết, nhưng chỉ mình tỉnh Đăk Lăk yêu cầu sửa, còn các tỉnh khác vẫn y nguyên...

Cà phê nó đã gắn với người Việt như thế, nên cái thông tin giờ có thứ “tinh chất” pha vào nước đen- nước gì cũng được, miễn là đen- thì thành cà phê khiến dân tình xôn xao. Chứ lại không ư, đến một ngày nào đó, trên các đô thị Việt Nam  bỗng dưng vắng bóng các quán cà phê (bởi người ta sợ, không uống nữa), thì sẽ ra sao nhỉ? Người trồng cà phê, người bán cà phê, người nghiện cà phê... họ đi đâu về đâu?

Để hoàn thành bài này, tôi tốn hết... 3 ly cà phê và một ngày chủ nhật...
                                            



 

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hết ba ly rồi giờ cô chủ quán cà thêm một Li nữa liệu có phê được không?

Vũ Xuân Tửu nói...

Vào khoảng năm 2009 gì đó, tôi được hân hạnh tháp tùng đoàn nhà văn Nam Bộ lên Lũng Cú. Vừa sáng tinh mơ mờ đất, đã thấy các bác Lê Văn Thảo, Lê Chí và Vũ Hồng, ngồi quán cà-phê. Tôi chưa ăn sáng, nên chỉ xin Vũ Hồng mấy giọt, lấy cảm hứng, đi dạo trên cánh đồng Thèn Pả. Thế rồi, bài thơ Uống cà-phê với bạn ở Lũng Cú (tặng Vũ Hồng) ra đời.
Pha cà-phê, ngoài cách chảy xuôi, tôi còn thấy có một kiểu lạ. Người ta cho nước nóng xuống dưới cùng, trên đặt cà-phê bột, rồi dùng pít- tông đẩy ngược lên.
Cái chữ bảng hiệu cà-phê cũng thiên hình vạn trạng. Ở Hội An, thấy một quán vẽ chữ "Giọt đắng", nom y như thể cà-phê đang nhỏ giọt vậy. Ở thành phố nọ còn viết chữ nửa tây nửa ta: "Bamboo cafe" (bảo là quán cà-phê Cây Tre. Hẳn họ quên mất từ tiếng Anh: caffee...).
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Mong cà fe làm cho người dân tỉnh táo hơn một chút, rằng: ngoài đọc báo cướp-giết-hiếp ra chúng ta còn có đảo Hoàng Sa đã mất, Trường Sa sắp mất về người bạn "4 tốt" và mỗi người từ cụ già đến trẻ sơ sinh đang cõng một món nợ công ngàn "đô"...để mà tâm tư.

Nặc danh nói...

@ Vũ Xuân Tửu:
Người ta viết đúng rồi (café), bác lại sửa thành caffee ? Tiếng Anh không có chữ caffee, nó là coffee bác ơi.

Vũ Xuân Tửu nói...

Trao đổi bạn Nặc danh, 00:33 ngày 31/10/2015
Tôi nhầm, đúng là coffee, phiên âm ra tiếng Việt là cà-phê. Cám ơn bạn.
Vũ Xuân Tửu