Thứ Ba, 13 tháng 10, 2015

MÔN SỬ VÀ... ỨNG XỬ



Dẫu chỉ là việc cậu thiếu niên bóp nát quả cam cho đến trùng trùng những đoàn quân ra trận thì cũng đều phải được trân trọng đặt đúng chỗ một cách trung thực, khoa học và cả nhân văn nữa, và chỉ đúng ý nghĩa của nó, đối với hậu thế và cả tương lai...
----------------

          Có những câu chuyện lưu truyền trong xã hội, kèm câu “không nhất thiết phải đúng sự thực”, nhưng đọc hoặc nghe xong cứ phải dở khóc dở cười.  Ví dụ trong cuộc thi người đẹp nào đó, có câu “bạn hãy kể tên 5 người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử”, một thí sinh sau cái nghiêng đầu e lệ đã thỏ thẻ, dạ, em biết nhiều lắm, nhưng vì chỉ cho kể có 5 người, ít quá nên khó, nhưng em cũng xin kể ạ, 2 Bà Trưng là một ạ, bà Đanh là 2 ạ, bà Trưng Trắc là 3, bà Triệu là 4 và bà Trưng Nhị là 5 ạ.

          Có những sự thực đã và đang hiện hữu trong đời sống, cũng không nhất thiết phải là... sự thực, ví dụ như học sinh rất không thích học môn sử, đã từng cả một hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh thi, mà vẫn phải có cả một bộ máy vận hành, ấy là hội đồng thi môn... sử. Cũng như thế, có những môn thi mà học sinh rớt cả loạt, rớt thê thảm, ấy cũng là môn sử.

          Học sinh sợ môn sử như sợ... dịch đã đành, người lớn cũng rất láng máng về lịch sử nước nhà. Mới chỉ có mấy chục năm mà chuyện xe tăng nào húc cánh cổng dinh Độc Lập, ai thảo văn kiện đầu hàng cho cựu tổng thống Dương Văn Minh, ai thực sự cắm cờ... đã làm rất tốn giấy mực và thời gian.

          Thế mà trong “Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể”, môn lịch sử có vẻ như đang bị thả nổi, được học ghép ở cấp 1 và cấp 2.

          Có một nhà văn nổi tiếng (chính thức là ông Nguyễn Quang Lập) cho rằng, nếu phải chọn giữa môn văn và môn sử thì ông sẽ chọn cho học sinh học môn sử, còn môn văn ông không cho học sinh học văn mà cho các cháu “đọc” văn. Bởi theo ông, hiện nay, một mặt môn sử đang bị coi rất nhẹ, và dạy rất khô cứng, một chiều, duy ý chí, thì môn văn cũng không hơn gì. Học sinh học văn hoàn toàn phải thuộc lòng cảm xúc của người khác, cách hiểu của người khác, không có quyền gì ngoài quyền... thuộc lòng và nhai lại...

          Trong hoàn cảnh ấy, lẽ ra người ta phải “nâng cấp” môn sử, làm sao cho nó gần gũi với đời sống, hấp dẫn người học, người đọc..., thì người ta lại định nhãng ra, phó mặc cho... lịch sử. Mà lịch sử hiện nay trên ti vi thì thấy toàn phim Tàu phim Hàn. Mà phải công nhận, người Tàu làm phim lịch sử rất giỏi, cái gì ra cái ấy, ông nào ra ông ấy, triều đại nào ra triều đại ấy, chả bù cho ta, lâu lâu có được bộ phim gọi là lịch sử thì nó sống sượng và hài hước đến xấu hổ. Còn lịch sử trong chính sử thì toàn sự phi thường và cả... phi lý. Chả thấy đâu đời sống.

          Vừa có một cái hội thảo quốc gia mang tên "Văn học, Nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” với sự tham dự của chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Khả Phiêu và nhiều lãnh đạo cao cấp cùng nhiều nhà khoa học, trí thức tiêu biểu của đất nước, đủ thấy tầm quan trọng của nó. Hội thảo về văn học nghệ thuật nhưng lại gắn với lịch sử, bởi lịch sử chính là một trong những tác nhân quan trọng hình thành nên nhân cách. Trong hội thảo rất nhiều những vấn đề về lịch sử được nhắc tới, được điểm danh ở cả 2 mặt, tốt và xấu, ở cả tư cách khách thể và chủ thể của văn học nghệ thuật.

          Tôi đồng ý với việc trả môn sử trong giáo dục về với lịch sử đúng nghĩa. Nó bắt đầu từ những câu chuyện lịch sử cho các cháu lớp nhỏ cho đến cả hệ thống chính sử với sự khách quan của góc nhìn, của hệ thống soi chiếu... để môn sử vừa là... sử, vừa hấp dẫn với học sinh. Bởi môn sử, nó không chỉ là khoa học về lịch sử, là hệ thống ngày tháng năm, hệ thống số liệu... mà còn là sự tự hào, sự tự tôn dân tộc. Dẫu chỉ là việc cậu thiếu niên bóp nát quả cam cho đến trùng trùng những đoàn quân ra trận thì cũng đều phải được trân trọng đặt đúng chỗ một cách trung thực, khoa học và cả nhân văn nữa, và chỉ đúng ý nghĩa của nó, đối với hậu thế và cả tương lai...
 

13 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lịch sử là công việc của người làm sử chứ không phải là việc của nhà chính trị.Việc phủ bóng chính trị lên lịch sử nó giống như phủ một lớp dầu bóng lên mặt thật của vật liệu gỗ quý.Hào nhoáng đấy nhưng chẳng được người xem yêu thích và hứng thú,thậm chí có cảm giác là bị dối lừa nên muốn lảng tránh

Vũ Xuân Tửu nói...

Bản chất của lịch sử là sự thật. Một khi sự thật bị xuyên tạc thì không còn là sự kiện lịch sử nữa. Và, người đời đang nhận ra điều đó.
Vũ Xuân Tửu

Daniel nói...

Tui nhớ không nhầm thì ở quê ta học sinh từ trung học cho tới đại học không học môn lịch sử , mà chỉ học môn lịch sử đảng cộng sản VN .

Nặc danh nói...

Chính các trường ĐH cũng chả chả coi môn sử ra gì. Bằng chứng là vào cùng một khoa, khối C bao giờ cũng lấy cao hơn mấy điểm so với khối khác.

yamaha nói...

Nói theo kiểu Banzac thì, thay vì lịch sử phải là một bức tranh trung thực sống động treo lên cho mọi người cùng chiêm nghiệm, lại bị ý đồ chính trị biến thành cây đinh dùng để treo bức tranh khác vẽ theo ý muốn của kẻ nắm quyền.

Nặc danh nói...

Lại nói chuyện lịch sử: Ở cái nước Chung cheng nọ có vị vua qua đời ngày X tháng Y năm Z nhưng triều đình bắt quan Ngự sở ghi vua qua đời ngày Z tháng X năm Y thế cũng xong, có gì đâu mà hoắng lên thế nhỉ??? Đối với bọn dân đen thì triều đình luôn vỗ về "dân biết, dân bàn, lân làm, dân kiểm tra" thế là bọn dân đen hô triều đình ta vạn tuế, vạn tuế...

Nặc danh nói...

Ở cái xứ Lừa này nếu nói đen thành trắng thì kẻ đó được xem là có năng lực và đầy triển vọng. Còn lịch sử thì sắng nắng chiều mưa trưa dở mưa dở nắng...

nặc danh nói...

Viết sử cũng như viết văn, để có tác phẩm thì đều phải hư cấu. Nhưng sử khác văn ở chỗ : sử được hư cấu dựa trên những sự kiện cụ thể có thực hoặc có thể có thực, còn văn thì hư cấu từ nhận thức và đánh giá của tác giả về những gì mà lịch sử mang lại phản ánh trong quá khứ hiện tại và tương lai. he he

Vũ Xuân Tửu nói...

Trao đổi với bác Nặc danh, 23:54, 13/10/2015.
- Lịch sử mà hư cấu thì thành hàng giả. Sự hư cấu lịch sử ấy, cũng như hàng giả, đều bị tẩy chay. Bởi, nó đánh lừa người ta về chất lượng sản phẩm.
- Sự hư cấu văn chương dựa trên sự kiện lịch sử có thực, thường là dạng tiểu thuyết lịch sử. (Tạm gọi như thế để phân biệt văn chương với lịch sử, giống và khác nhau như thế nào).
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Được mùa là nhờ sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của...cả hệ thống chính trị nhưng mất mùa là do hạn hán đợt nắng nóng "lịch sử". Mưa úng lụt, vỡ đê, vỡ đập thủy điện là do cơn bão "lịch sử". Chiến tranh núi xương sông máu là do "lịch sử" chọn ta làm điểm tựa... Tại sao lịch sử lại độc ác với dân tộc Lừa vậy trời??? Tiên sư cái thằng lịch sử.

Nặc danh nói...

ND 23:54 ngày 13/10 ơi:"Viết sử cũng như viết văn, để có tác phẩm thì đều phải hư cấu".Chính vì thế nên mới có cuộc cưỡng chế đầm Vươn là một"trận đánh đẹp có thể viết thành sách"như lời thiếu tướng đại ca Ca nói đới

nặc danh nói...

ND20.54,13/10,
Sử của Tướng Đai ca ca chép rằng Vươn là tội phạm nguy hiểm. Nhưng sử của Phó thường dân lại chép rằng Vươn là một anh hùng.
Cho nên sự kiện Đầm Vươn chỉ có một nhưng sử thì có hai. Sử là thế mà.

Vũ Xuân Tửu nói...

Trao đổi với bác nặc danh 00:42, 15/10/2015
Vụ Tiên Lãng, sử cũng chỉ có một, chứ không phải hai đâu. Đó là, Đoàn Văn Vươn- người anh hùng, có công mở đất và giữ đất, đúng luật.
Vũ Xuân Tửu