Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

NGÃ BA, CÓ 2 CÁI NGÃ BA- GIA LAI CÀ KÊ 18



Diệp Kính hồi ấy là trung tâm của… chị em ta. Đội ngũ chị em bán dâm hồi ấy cũng lấy Diệp Kính làm… trụ sở. Cứ chập tối là trang điểm rồi ra Diệp Kính ngồi thành từng tụm. Và đấy cũng là nguyên nhân của những vụ lộn xộn, đánh nhau, bởi chị em đi đâu cũng có lực lượng bảo kê. Số này sẵn sàng xung trận nếu anh nào bờm xơm, chọc ghẹo, quỵt tiền vân vân… Rất nhiều người gọi vui chị em là "công đoàn Diệp Kính". Giờ không hiểu chị em tứ tán đi đâu? Nhớ có lần một bác hàm pgđ sở phóng xe máy qua, tự nhiên dừng xe lại khóc huhu, hỏi sao thế, bác bảo: thương chị em quá...
--------------



          Bây giờ Pleiku đã có cả những ngã năm ngã sáu, bề thế và hiện đại, nhưng cái ấn tượng về hai ngã ba nổi tiếng một thời vẫn neo trong tôi, mỗi khi nhớ tới vẫn thấy gần gũi thân quen như hôm qua vừa mới vụt trôi đâu đây.

          Đấy là ngã ba Diệp Kính, trung tâm của thị xã Pleiku một thời.

          Năm 1981 khi biết tôi sẽ lên Pleiku nhận công tác, một ông bạn của ba tôi vô tình gặp ba con tôi ở Huế đã nhắc đến tên cái ngã ba này, và nói rằng, đã lên Pleiku thì thế nào cũng biết nó.

          Và chính vì thế mà ngay hôm đầu tiên lên Pleiku nhận công tác, thay vì vào thẳng Ty Văn hóa có nhà khách để ở không mất tiền thì tôi đã ghé vào khách sạn, giờ là khách sạn Hùng Vương, thuê một phòng để ở. Hôm ấy khách sạn cúp nước. Tôi lang thang xuống quán cơm Mỹ Tâm trước mặt ăn và tranh thủ rửa mặt.

          Ngã ba Diệp Kính hồi ấy xứng đáng là trái tim của Pleiku. Nó có rạp chiếu phim Nhân Dân, tên cũ là Diệp Kính, tên ông chủ rạp, và nhờ thế mà thành tên ngã ba này. Nhưng sau năm 75 thì mấy bác cán bộ chính quyền quyết định đổi tên rất nhiều con đường và các cơ sở văn hóa của Pleiku. Rạp chiếu phim Diệp Kính thành rạp Nhân Dân nhưng nhân dân thì vẫn gọi ngã ba ấy là ngã ba Diệp Kính. Sát bên rạp chiếu bóng là khách sạn và nhà hàng. Hồi ấy có tiền vào được đấy là mặt mũi vênh váo lắm, dù nước ngày có ngày không, điện thì lom đom như đom đóm. Đối diện bên kia là tiệm cơm Mỹ Tâm nổi tiếng, cạnh Mỹ Tâm là Bắc Hương và mấy quán cà phê. Phía bên kia bùng binh có cái tiệm chụp hình Mỹ Lệ. Tết mấy đứa độc thân chúng tôi không về nhà được thì tổ chức nhậu, rồi lang thang cà phê, và cuối cùng là vào Mỹ Lệ chụp ảnh. Xong tết.

          Phim hồi ấy là cả một vấn đề. Không hiểu sao hồi ấy dân ta mê phim thế. Tôi nhớ lúc nào cũng đông nghìn nghịt người xếp hàng mua vé. Rạp phải hàn mấy cái thanh sắt song song ra tận giữa sân để khách xếp hàng khỏi chen lấn, thế nhưng vẫn luôn luôn chen lấn, nhất là mấy anh lính ở biên giới về, cứ điềm nhiên chìa ve áo có 2 miếng tiết đỏ lòm, và vào. Không cho vào là oánh nhau. Hồi ấy oánh nhau liên miên, hầu như mỗi ngày cũng phải vài vụ, ở đây.

          Người ta không có việc gì làm ở nhà, không xem phim, thì vẫn ra Diệp Kính, hoặc cà phê, hoặc nhậu, hoặc đơn giản chỉ là… ngắm người. Và chính vì thế mà Diệp Kính lúc nào cũng đông đúc, lộn xộn, hay xảy ra các vụ đánh nhau.

          Diệp Kính hồi ấy còn là trung tâm của… chị em ta. Đội ngũ chị em bán dâm hồi ấy cũng lấy Diệp Kính làm… trụ sở. Cứ chập tối là trang điểm rồi ra Diệp Kính ngồi thành từng tụm. Và đấy cũng là nguyên nhân của những vụ lộn xộn, đánh nhau, bởi chị em đi đâu cũng có lực lượng bảo kê. Số này sẵn sàng xung trận nếu anh nào bờm xơm, chọc ghẹo, quỵt tiền vân vân…

          Noel thì Diệp Kính cực vui vì có nhà thờ Thăng Thiên. Người theo đạo đã đành, người không có đạo cũng ra đấy, với nhiều lý do. Năm nào cũng đông nghìn nghịt. Mà hồi ấy Noel lạnh lắm, có người bảo là ngày lạnh cuối cùng của mùa lạnh, sau Noel trời sẽ ấm lên. Hồi ấy chưa đồng loạt váy như bây giờ, nhưng các cô gái cũng đã… lác đác váy. Trời lạnh, váy mỏng, da gà nổi như… ngón tay. Mươi năm nay khí hậu biến đổi rất lạ, chả thấy đâu cái lạnh như Noel ngày nào ấy nữa.

          Bây giờ, không còn hình bóng nào của ngã ba Diệp kính ngày xưa, dù nó vẫn hiện hữu ở đấy, một số địa chỉ cũ vẫn còn như khách sạn, nhà thờ, tiệm cơm Mỹ Tâm… và nó bình lặng, chứ không tấp nập đông vui xô bồ như một thời…

          Ngã ba thứ 2 tôi nhớ là ngã ba Hoa Lư. Chưa có ai tìm hiểu sao Pleiku lại có một số địa danh rất lạ như Hoa Lư, Yên Đỗ (hay Đổ nhỉ?)… không ăn nhập gì với Pleiku cả.

          Hồi ấy ngã ba Hoa Lư đúng nghĩa là ngã ba chứ không như bây giờ là ngã tám ngã chín rồi. Ở đấy có một cửa hàng ăn uống của nhà nước, sau thành hợp tác xã ăn uống, cán bộ công chức loanh quanh đấy rất hay ra ăn sáng, cà phê, mà từ hồi ấy là tô ly điếu. Đạt đến đẳng cấp tô ly điếu mỗi sáng là loại có máu mặt rồi. Tô ly thì biết rồi, điếu là điếu thuốc. Ăn xong tô phở, khuấy ly cà phê xong xuôi rồi châm lửa đốt một điếu Capstan lơ mơ nhìn đời qua làn khói, trời ơi, hình mẫu đại gia một thời đấy.

          Nhưng ấn tượng với tôi về cái ngã ba này là những tối mùa khô, tức là mùa lạnh. Mấy cái bếp lò đỏ lửa, bên bếp một cô gái, trên bếp một cái chảo, hoặc cái mâm nhôm, trên ấy là chuối chiên, khoai lang chiên hoặc xôi chiên. Khuya đói bụng, vài gã trai lững thững ra ngồi hơ tay ăn vài cái bánh ấy, tán dăm câu với cô gái, rồi về yên tâm ngủ. Hôm nào rủng rỉnh hơn thì ngay đầu hè của bộ đội F5, giờ là chỗ gần cục đá trên bệ tượng ấy, có một cụ bà ngồi bán trứng vịt lộn. Lại cũng ba bốn ông ngồi quanh ngọn đèn hột vịt, suỵt soạt húp húp nhai nhai vài quả trứng, chuyện bâng quơ với bà cụ, rồi cũng yên tâm về ngủ. Sang hơn nữa thì dấn lên đầu đường sát phía Phan Đình Phùng, ở đấy có một quán phở. Đợi khuya tí, khi xương hết tác dụng rồi thì vào, ông chủ sẽ dùng cái vợt vớt hết các thứ xương xẩu ninh từ hồi nảo hồi nào, thịt rớt đi đâu hết. Nhưng các đầu sụn của xương thì tuyệt vời. Hoặc ngồi tại đấy, hoặc làm một cặp lồng về, gặm gặm mút mút qua đêm. Món này dân nhậu hay gọi Xíu quách, còn nôm na gọi là đồ bốc mả.
Ngã 3 Hoa Lư hiện tại, ảnh Hòa Carol

          Mùa khô thì ngã ba Hoa Lư vui vô cùng, đơn giản là bởi mùa này các đoàn cải lương hay lên hát. Mà ngay đường Trần Hưng Đạo sát ngã ba Hoa Lư thời ấy có một cái nhà hát nhân dân ngoài trời. Mỗi đêm diễn hồi ấy cả chục ngàn người xem. Mà các đoàn cải lương muốn tận thu thì hay diễn muộn, tám rưỡi chín giờ mới mở màn, xong vở cũng 12 giờ thậm chí sang ngày hôm sau. Hồi ấy sương còn nhiều lắm. Khuya, ngã ba Hoa Lư đục nhờ nhờ rất liêu trai. Người đi trong màn sương ấy còn hơn cả liêu trai, thành liêu… gái…

          Ngã ba Hoa Lư bây giờ không còn một chút dấu ấn nào của thời xưa ấy. Ngã ba Diệp Kính thì còn chút chút chứ ngã ba Hoa Lư hoàn toàn mất dấu. Có chăng còn một cây nhãn và một cây phượng ngày xưa đứng ở trước cổng sở Văn hóa và khu tập thể bệnh viện. Chỗ quán cà phê của khách sạn Pleiku giờ xưa là một tiệm sửa xe. Chồng sửa xe đạp vợ bán cháo lòng và mua gì bán nấy…

          Thời gian dâu bể, dẫu ở đây chưa dâu bể, mới mười mấy năm, mà Pleiku giờ đã khác quá thể. Trong cái hiện đại hôm nay, vẫn nhoi nhói những ký ức xưa cũ. Và đấy mới chính là con người. Bởi nếu không còn ký ức, con người còn lại gì nhỉ?...
                                                                  

Không có nhận xét nào: