Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

GIÀ LÀNG TÂY NGUYÊN...



. Già làng vừa là quyền uy, vừa là tri thức, lại vừa là tâm linh, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” để có thể xử tuốt các việc trong làng, từ lớn như quyết định dời làng lập làng, chiến tranh, cúng gọi mưa, cúng chống dịch bệnh, lý giải các giấc mơ... đến giải quyết các xích mích, cãi vã, ghen tuông, lợn gà... tóm lại phải là một người giỏi, ưu tú nhất trong cộng đồng, trong làng. Có một số già làng còn kiêm luôn thầy cúng thì quyền hành và uy tín càng lớn. Họ quyết thêm các việc của làng như cúng mưa gọi gió, cúng đuổi dịch bệnh, cúng xử lý ma lai…
----------



          Già làng là sản phẩm của xã hội Tây Nguyên từ thời xa xưa. Trong một bộ lạc như thế thường nhô lên một người thông thái. Trước kia già làng ở Tây Nguyên thực sự là những người… già. Làng biệt lập, sự giao tiếp với bên ngoài rất ít, người ta dựa vào kinh nghiệm sống để ứng xử với thiên nhiên, với cộng đồng. Mà kinh nghiệm sống thì cứ phải chọn từ các cụ già. Nên từ hồi nào hình ảnh già làng là các cụ già quắc thước, râu dài mắt sắc, vừa có uy với con cháu vừa có uy với cộng đồng, cụ thể là làng mình. Già làng vừa là quyền uy, vừa là tri thức, lại vừa là tâm linh, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” để có thể xử tuốt các việc trong làng, từ lớn như quyết định dời làng lập làng, chiến tranh, cúng gọi mưa, cúng chống dịch bệnh, lý giải các giấc mơ... đến giải quyết các xích mích, cãi vã, ghen tuông, lợn gà... tóm lại phải là một người giỏi, ưu tú nhất trong cộng đồng, trong làng. Có một số già làng còn kiêm luôn thầy cúng thì quyền hành và uy tín càng lớn. Họ quyết thêm các việc của làng như cúng mưa gọi gió, cúng đuổi dịch bệnh, cúng xử lý ma lai…

Xã hội Tây Nguyên xưa gần như khép kín, ứng xử với nhau trong cộng đồng theo luật tục, vì thế vai trò của già làng vô cùng quan trọng. Nó cũng là nơi sinh ra các hủ tục, nhưng đồng thời nó cũng làm cho tôn ti trật tự của làng được giữ vững, cấu kết làng trong một chỉnh thể thống nhất, vững bền... nhờ thế mà dù còn rất lạc hậu, dù thường xuyên du canh du cư, thường xuyên đứng trước nguy cơ dịch bệnh hoành hành dẫn đến có thể xóa cả cộng đồng... nhưng các làng Tây Nguyên đã tồn tại và giữ được nhiều phong tục tập quán, cách ứng xử với nhau, với tự nhiên rất hợp lý và hợp quy luật sống...

          Sau này vai trò già làng có chút thay đổi. Bởi bên cạnh già làng còn có chính quyền và các đoàn thể. Già làng chỉ còn vai trò trong việc hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền trong việc vận động dân làng thực hiện các chủ trương chính sách mà các cán bộ “chưa tự tin” khi tiếp xúc dân làng.

          Và cũng vì thế mà các già làng ngày càng trẻ. Về các làng Tây Nguyên bây giờ ta có thể gặp những già làng chừng 40, 50 tuổi, cá biệt có cả vài ba già làng là nữ như bà H’lâm ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai là một ví dụ. Thực ra thì bà nguyên là thượng úy quân đội phục viên. Thời tuổi trẻ bà đã có hai năm được ra miền Bắc học rồi trở về quê đánh giặc. Bà trở thành già làng chỉ vì không chịu được cảnh dân làng mình lạc hậu mông muội. Bà hướng dẫn nhân dân làm ăn, hướng dẫn cách sống mới, và biết áp dụng các điều kiện sống mới vào cuộc sống của mình. Vì can thiệp vào các hủ tục mà đã vài lần bà suýt bị cộng đồng đuổi ra khỏi làng. Nữ được suy tôn là già làng, từ xưa đến nay ở Tây Nguyên rất ít, thời gian gần đây mới xuất hiện mấy vị mà bà H’lâm kể trên là một ví dụ...

          Các già làng hiện nay có kiến thức nhiều hơn chứ không chỉ có kinh nghiệm sống, họ vẫn tham gia vào đời sống cộng đồng khi cần, bằng uy tín và cả tri thức, bởi dân làng hiện nay cũng đã khác xưa, họ hiểu biết nhiều hơn, được học hành, biết chữ, biết lý lẽ, biết phải biết trái… chứ không chỉ cúi đầu lắng nghe. Chính quyền hiện nay khuyến khích vai trò già làng trong việc duy trì nền nếp, sự ổn định cũng như luật tục của làng. Có một số làng còn thành lập hội đồng già làng, thú thật tôi cũng chưa hiểu khi xử lý các công việc thì cái hội đồng ấy họp hành giải quyết như thế nào, chứ thường bây giờ, mỗi khi xuống làng công tác, gặp được già làng hiểu công việc của cán bộ, là coi như đã xong một nửa, vậy nên “cán bộ” như chúng tôi xuống làng, sau khi tìm ủy ban xã thì xuống làng, nhân vật đầu tiên tìm gặp là già làng…
                                                                   VĂN CÔNG HÙNG
  Theo báo Người Lao Động.

5 nhận xét:

Unknown nói...

Già làng - nhân vật quan trọng của buôn bản
tin nhanh, van hoa giao thong, tin tuc kinh te, tin the gioi, bien bao giao thong

An Trạch nói...

Nói chuyện Tây Nguyên làm gì cho thệm sầu. Trung Cọng nó đang xây dựng căn cứ quân sự tại thềm lục địa của VN mà chẳng bị một phản kháng nào từ phía đảng và nhà nước VN.
Có thể nói đây là dấu chấm hết cho cái gọi là độc lập tự chủ của VN.

Tuấn trắng nói...

Định "bình loạn" tý về già làng TN, nhưng thấy còm của An Trạch, tôi lăn tăn. Còm ấy không thỏa đáng, nếu không muốn nói là không chính xác, không có tính xây dựng. Nếu cần, tôi sẽ chỉ ra sự không chính xác và thiếu tính xây dựng ấy.

Hà Tĩnh nói...

Bác VCH à,Mấy ngày nghỉ lễ nhà cháu vừa đi Tây Bắc về. Nhìn chung cuộc sống của đồng bào dân tôc ít người của ta còn nhiều khó khăn nhưng nhìn lại thấy cũng đã đổi thay nhiều. Họ cũng biết làm du lịch, làm kinh tế. Quan trọng hơn là ở họ vẫn giữ được những nét văn hóa riêng cua từng dân tộc. Nhà cháu cũng đã vào Tây Nguyên nhưng thật tiếc là chưa biết được những nét đep như bác nói. Nếu còn đến Tây Nguyên kiểu gì nhà cháu cũng hỏi bác cho thật kỹ để khám phá những nét đẹp của họ

yamaha nói...

Tôi có ở cao nguyên Trung phần nhiều năm, nhưng có lẽ do không được làm "cán bộ" như bác Hùng, nên chưa có dịp xuống "cơ sở" gặp già làng như bác. Ấn tượng khó quên của tôi về sắc tộc cao nguyên là hình ảnh một đoàn người nối nhau đi thành hàng dài qua phố, đầu thường cúi gằm xuống không nói không rằng, vai đeo gùi có mấy trái bầu trái bí gì đó, người khoác xà rông vắt chéo từ lưng xuống bẹn, lòi hai mông đít đen nhẻm, khô mốc ra. Lũ trẻ con ngu ngốc tụi tôi ngày ấy hay trêu chọc bằng cách len lén chạy vụt đến phát đét vào mông họ rồi ù chạy. Họ phản ứng bằng ánh mắt quắc lên hoặc vung lưỡi mác cầm theo lên dọa, song không làm gì cả. Bây giờ họ khác xa lắm rồi. Có người thành kỹ sư bác sĩ, kẻ cất nhà lầu nhờ làm cà phê, và cũng không còn quá chất phác như xưa nữa, thậm chí ngược lại, chắc ảnh hưởng người Kinh...