Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

NHỮNG NGƯỜI LÀM NÊN BÍ ẨN

Mình đang post dần loạt bài tết, tức là phải đợi báo tết in xong mới post lên không thì mất ngay nồi bánh chưng. Trưa nay hí hửng post bài Bọ Lập rồi bỏ đi họp, đang họp thì đt rung: anh ơi báo đã ra đâu mà đăng lên, có muốn bị phạt không, nghỉ nb nhé. Huhu hoảng quá, ba chân bốn cẳng chạy về, bỏ cả việc nhận phong bì, cho tạm vào chế độ soạn thảo, vậy mong bọ Lập và cu Dong đã còm vào đấy rồi nín thêm vài ngày nhé. Bài này thì in báo Thời Nay, nghe nói NB vô cùng sóng sánh, hehe...






          Đời sống tinh thần của người Tây Nguyên tưởng như rất đơn giản hoang sơ nhưng té ra nếu đi sâu tìm hiểu lại rất nhiều điều kỳ bí. Chính cái bí ẩn của thế giới tâm linh ấy nó khiến cho văn hóa bản địa nơi này có rất nhiều điều để nghiên cứu, khám phá. 

Làm sao có thể lý giải được những người dân tộc mù chữ, trông rất hiền lành chân phác thật thà kia có thể chứa trong bụng mình hàng chục cái trường ca cổ, có cái dài đến hàng chục đêm, hàng mấy chục cuốn băng theo cách tính của các nhà sưu tầm văn hóa dân gian. Mà không chỉ nhớ, họ còn diễn rất hay, một mình một sân khấu bằng chiếc chiếu là cùng, câu chuyện có bao nhiêu nhân vật thì họ có thể đóng vai bằng ấy nhân vật, cả bằng giọng hát kể và vũ đạo với đạo cụ chỉ là đống lửa và cái bức vách tường bằng le và nghệ nhân thì chỉ nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi. Những người như thế ngày xưa thường mỗi làng chỉ một, nhưng bây giờ đang hiếm dần, thậm chí rất hiếm. Hay ngôi nhà rông, thường thì mỗi làng Tây Nguyên xưa đều có một cái, và không phải ai cũng có thể chỉ huy để làm được nhà rông. Các ông thợ mộc dưới xuôi khi được phong thợ cả là họ đã rất chuyên nghiệp, trải qua thực tiễn rất nhiều, còn nghệ nhân nhà rông, có khi cả đời họ chỉ được làm một cái. Thế mà nói theo ngôn ngữ của các kỹ sư xây dựng, các kiến trúc sư được học hành bài bản bây giờ, các ngôi nhà rông được làm xét về yếu tố kỹ thuật, chuẩn không cần chỉnh. 



Nhà rông thường là được làm ở nơi cao nhất của làng, nơi gió Tây Nguyên thổi mạnh nhất, thường xuyên lồng lộng, thế mà không có các vật dụng hiện đại như sắt thép đinh bù loong... phương tiện chỉ là dao rựa và rìu, ngôi nhà rông với gỗ và tranh tồn tại ngạo nghễ như chiếc rìu lộn ngược giữa trời xanh bất chấp nắng mưa gió bão. Các kỹ sư xây dựng còn tính rằng các tỉ lệ của nhà rông rất chuẩn chứ nếu không chả cần gió bão nó cũng sẽ tự sập vì chính trọng lượng của nó. Thế mà chỉ một tay nghệ nhân mù chữ, cả đời chưa bước qua giọt nước làng, toàn ước lượng bằng mắt và bằng một lời dẫn nào đó từ một cõi nào đó chứ như đã nói, họ làm gì có kinh nghiệm, ngôi nhà rông cao vút trở thành biểu tượng của sức mạnh Tây Nguyên và là biểu trưng của văn hóa Tây Nguyên. 

Sau này, chúng ta ồ ạt đưa các nhà rông văn hóa tôn bê tông xi măng vào thay thế, vừa làm hỏng toàn bộ bản sắc của ngôi làng Tây Nguyên, làm biến mất sự hài hòa, vừa làm lụt tay nghề của các nghệ nhân. Bởi như đã nói, nghệ nhân làm nhà rông rất hiếm, theo quan niệm, đấy phải là những người được Yang tin tưởng, ban cho bí quyết. Bây giờ đưa mấy ông thợ xây hạng bét vào xây nhà rông văn hóa đồng loạt, sơn xanh đỏ tím vàng chả cần tỉ lệ kích thước, chả cần màu sắc tâm linh, yếu tố bí ẩn mất đi, nhà rông ấy phơi ra dưới nắng chả có ai lên, và nó tự hỏng.

          Cũng chả phải tự nhiên mà trên nóc các nhà rông lại có các biểu tượng rau dớn, mặt trăng mặt trời... nó có lý của nó cả. Rồi trong nhà rông có gói vật thiêng, có cái thiêng liêng mà con người chỉ được công nhận chứ không thắc mắc, không giải thích. Nhà rông vì thế nó vừa gần gũi nhưng lại vừa thiêng liêng. Tưởng chừng ai lên cũng được nhưng té ra không phải, nó có luật lệ của nó dù nó là nhà chung của làng. Và cũng bởi vì thế nên khi có việc làng, người ta toàn cúng ở cây nêu trước sân nhà rông, bởi cây nêu và cái nóc nhà rông kia chính là nơi "trung chuyển" giữa thế giới thần và người, mất đi yếu tố ấy nhà rông chỉ còn là cái xác không hồn.

          Tượng mồ cũng thế. Tôi đã chứng kiến sự kinh ngạc của các nhà nghiên cứu nổi tiếng như giáo sư Từ Chi, Ngô Văn Doanh... cũng như sự thán phục từ các họa sĩ điêu khắc đương đại trước một thế giới tượng vô cùng sống động trong những khu nhà mồ. Chỉ có rìu và con rựa, họ biến những cây gỗ chặt từ rừng về thành những pho tượng có hồn với rất nhiều sắc thái biểu cảm đặt xung quanh khu mộ để rồi... bỏ đi. Thế mà tượng mồ lung linh sống động, mà mang trong nó cả nhân gian dằng dặc, mà toàn bộ thần thái đời sống, toàn bộ tình cảm của người sống hiển hiện trong đó. Họ không coi đấy là những tác phẩm nghệ thuật, đơn giản là họ trải lòng mình vào những phiến gỗ ấy, họ "cử" những pho tượng ấy, thay họ đi theo người chết để hầu hạ người chết, bầu bạn với người chết. Những pho tượng làm kinh ngạc người hôm nay ấy, chỉ một lần duy nhất được chiêm ngưỡng là hôm làm lễ pơ thi (bỏ mả) rồi sau đấy là mặc gió mưa cho đến lúc mục. Không phải ai trong làng cũng có thể làm được tượng. Đồn rằng Yang nhập vào ai người đó mới làm được, và cũng không phải lúc nào cũng có thể làm, mà phải đúng lúc xuất thần nhất, lúc mình không còn là mình nữa, mới bắt tay vào làm. Các nghệ nhân săn voi (gru) cũng thế, có dịp tôi xin trình bày vào dịp khác...  

          Một sáng đẹp trời, toàn bộ thanh niên trai tráng trong làng được huy động đi chặt cây. Phải là những cây cổ thụ trong rừng nguyên sơ. Từng cây được tập kết về một khu đất trống, thường là gần khu mồ. Rồi lại cũng một ngày đẹp trời nào đó, nghệ nhân, phải gọi họ là siêu nghệ nhân, sau khi dọn mình, bắt đầu ra tay. Nhiều nhất là hình người ngồi ôm mặt trong dáng của bào thai, hình trai gái giao hoan, hình bộ phận sinh dục nam nữ, hình chim, khỉ vân vân. Ngày này sang tháng khác, bao giờ tượng mồ đủ thì lễ pơ thi mới bắt đầu...

          Ngôi nhà mồ cũng là một đặc sắc kiến trúc Tây Nguyên. Với rất nhiều hoa văn tinh xảo từ trên nóc xuống mái đến hàng rào xung quanh, nó vừa ấm cúng vừa gợi lên sự xa ngái. Các tượng mồ được chôn xung quanh ngôi nhà mồ. Nên nhớ, điều trác tuyệt là ở chỗ, tất cả những gì đẹp đẽ tinh xảo đến rợn ngợp kia, sau lễ bỏ mả là sẽ bỏ luôn, mặc nắng mưa, mặc mối mọt, người sống không bao giờ quay lại nữa, tác giả của nó, nghệ nhân siêu đẳng kia cũng không một chút luyến tiếc. Tài hoa của họ, người chết và Yang đã chứng kiến hôm bỏ mả rồi.

          Chỉnh chiêng cũng là một bí ẩn nữa của nghệ nhân. Người đương thời hay gọi là lên dây chiêng nhưng có lẽ dùng chỉnh chiêng đúng hơn. Người Tây Nguyên phần nhiều là mua chiêng về dùng, và bản thân  những người đúc chiêng thì không biết chỉnh âm thanh chiêng. Mà chiêng mua về muốn dùng được thì phải chỉnh. Thế là ở các làng Tây Nguyên xuất hiện các nghệ nhân chỉnh chiêng.

          Bằng khả năng trời cho, họ nghe tiếng chiêng, rồi chỉ bằng một tấm chăn đặt dưới để đỡ chiêng, một chiếc búa nhỏ cỡ ngón tay cái đầu nhọn đầu tù, họ gõ theo một linh cảm đặc biệt, gõ theo vành chiêng, cứ thế lần lượt từng cái cho đến khi cả dàn chiêng thành một thể. Tôi có dịp tháp tùng nhiều nhạc sĩ nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng, và đến màn chỉnh chiêng, nhiều ông chắp tay... vái các nghệ nhân.

          Và bởi thế nên các nghệ nhân chỉnh chiêng rất hiếm, có khi cả vùng rộng lớn cỡ nửa tỉnh mới có một vị. Một thời gian dài cồng chiêng bị cất nhiều hơn chơi, bán nhiều hơn giữ, nên các nghệ nhân càng mai một. Có một ông ở huyện Krông Pa, Gia Lai nhưng thường xuyên được vời qua các huyện ở Đăk Lak để hành nghề, muốn gặp ông này khó hơn gặp... Yang.

          Vừa rồi, sau khi UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể thì việc phát huy chiêng có vẻ được lưu ý hơn. Có vài cuộc thi chỉnh chiêng, vài lớp dạy chỉnh chiêng... nhưng theo chúng tôi, đấy mới là phần vỏ, phần hình thức, cái bí ẩn bên trong mới là điều kiện tiên quyết, mới là quan trọng, bởi, bây giờ nếu giao cho chỉ một ông thợ mộc thôi, một ngày ông ta có thể đẽo được một cái tượng mồ rất đẹp, trơn tru nhẵn nhụi, đánh bóng quang dầu nữa... nhưng rõ ràng cái hồn cái cốt của tượng không có. Cũng như thế, hàng loạt nhà rông được thiết kế cẩn thận, rồi thợ người Kinh lành nghề dựng lên, nhưng nó cứ trơ trơ vô cảm.
          Thì ra cái bí ẩn nghệ nhân, cái phần mờ nhòe trong thế giới tâm linh ấy, cái không rành mạch không lý giải ấy... nó là một phần của đời sống tinh thần Tây Nguyên. Cuộc sống nhờ thế mà thi vị hơn, xốn xang bí ẩn hơn. khát khao hơn và nhiều hy vọng hơn. Cũng như tình yêu ấy, ai chả biết, ai chả trải qua, nhưng vẫn bắt con người tự nguyện lao đao khốn khổ...
          Và bởi thế nên, nói rộng ra, văn chương nghệ thuật luôn song hành cùng con người, tồn tại cùng con người dù cho bất kỳ hoàn cảnh nào, cho dù cuộc đời có đau đớn đến đâu, đói khổ đến đâu, bởi nó biết cách nâng đỡ và an ủi con người, nó cho con người hy vọng...
                                                                                      V.C.H.

1 nhận xét:

ptuanha nói...

đôi khi chính sự thật như cái ấy lại làm nên sự hấp dẫn bác ạ