Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

ĐẶC SẢN... CHEN NGANG



          Lần đầu sang Đài Loan, đang đi bộ đến thăm cái tháp 101 nổi tiếng bên ấy, tôi chợt thấy một đám đông người rồng rắn ở một cái ngã sáu rất rộng. A gặp biểu tình rồi. Biểu tình bên các nước tư bản nó cũng như bên ta uống cà phê, uống trà buổi sáng vậy, chả có gì mà rộn. Tôi từng "chui" vào giữa bụng cuộc biểu tình bên Thái cái hồi mà biểu tình dữ dội nhất, thấy người ta hớn hở như ta đi... lễ hội cúc họa mi vậy, vậy nên nghĩ bụng, "xem" biểu tình ở Đài Loan cũng hay. Té ra không phải, mà họ đang... xếp hàng chờ đèn xanh để đi bộ qua đường.

          Nói lại bảo cứ khen thiên hạ, nhưng đúng là ở Đài Loan, cứ có 3 người là người ta tự động xếp hàng dọc, và có những hàng người xếp hàng dài cả cây số, như cái lần tôi xếp hàng mua vé rồi lại xếp hàng để vào thang máy lên thăm tháp 101. Một điều hết sức thú vị nữa mà chắc là ở bên ta rất khó xảy ra, ấy là bên cạnh cái cửa xếp hàng rồng rắn dài cả cây số ấy thì lại có một cái cửa vắng teo. Nhìn kỹ thì cửa ấy dành cho người tàn tật. Và không có người tàn tật thì nó... để không chứ chả ai chen vào.

          Bên Nhật, hồi động đất, những bức ảnh khiến cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục và xúc động là cảnh người Nhật xếp hàng nhận thức ăn cứu trợ. Có cậu bé được mọi người nhường cho lên trước, nhưng cậu cương quyết không lên, mà đứng xếp hàng đúng thứ tự của mình.

Trở lại Việt Nam ta, thực ra thì, dân mình rất có ý thức xếp hàng, chứ chả phải mình anh Đài, anh Nhật, nhưng rồi, thời gian biến cải, công cuộc chấn hưng cả văn hóa và giáo dục của chúng ta khiến Nhật và Đài và các nước vượt lên thôi...

Thời phong kiến thối nát nhé, các ông phần lớn là vài ba bà, có ông năm sáu bà, cá biệt cả chục và hơn nữa (Vua Minh Mạng có tới 43 bà vợ và 142 người con), không xếp hàng thứ tự có mà... loạn à, đâu vào đấy hết là nhờ... xếp hàng.

Rồi ăn cơm. Nông dân ta quan niệm và cố thực hiện bằng được là đẻ nhiều, đặc biệt là con trai, mười đứa con gái không bằng cái... dái con trai. Nên bữa ăn, cơm thì ít con thì đông, con dâu cả ngồi đầu nồi, các em trai chồng lần lượt đưa bát xới, đến lượt mình đưa bát cơm lên miệng thì... đít nồi nhẵn thín. Chả xếp hàng là gì. Và con dâu ấy sau này lại thành mẹ chồng, đứa nào là con dâu lại chết với bà...

Thời bao cấp, xếp hàng là đương nhiên, từ lấy thùng nước đến mua dầu, gạo, nước mắm, thậm chí là mua... vải màn về thay Kotex bây giờ. Nhưng là kiểu xếp hàng láu cá, khôn vặt, thậm chí là... lưu manh... ấy là mang gạch, giấy, cành cây, rổ rá... ra xếp hàng thay mình. Rồi... bán lại. Nếu có xếp hàng chân chính thì cũng có cách để vượt lên thằng trên, rồi lại thằng trên nữa, rồi về khoe với nhau, coi như là... mình khôn hơn thiên hạ...

Vậy nên, giờ, ở ngay sân bay, là nơi có thể nói là văn minh hơn vài nơi khác, bởi phải có điều kiện mới bay, nhiều tiền mới bay..., ta vẫn thấy các trường hợp, một gã giày đen, áo trong quần, vét khoác ngoài, xách cặp và... chen ngang hoặc tiến thẳng vào quầy bỏ qua giai đoạn xếp hàng. Hoặc một mệnh phụ váy đùi thẳng tắp, thơm nhưng nhức từ tóc đến mắt cá chân, túi hàng hiệu, áo lót quần lót hàng hiệu (cố tình lộ ra) nhưng hùng hục chen ngang để... khoe đẳng cấp. Tôi từng xếp hàng chung với một phụ nữ nước ngoài, chị này có 2 cái va ly to oành và một cô con gái nhỏ, chị đứng trước tôi, cứ vừa xếp hàng đi vừa dùng chân đẩy va ly, tay dắt con gái, nhích từng bước trong cái hàng xếp dằng dặc ở nơi làm thủ tục sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi vài ba gã cứ thản nhiên xách cặp chen ngang mặc mọi người khó chịu. Đến lúc làm thủ tục thì cô nhân viên mới... hốt hoảng, bởi người đàn bà ấy là đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Srilanka tại Việt Nam. Tôi có viết chuyện này lên facebook của tôi bởi ngay tối ấy xem tivi thấy bà đại sứ xuất hiện trong một sự kiện quốc gia. Nhà văn Di Li là người đọc và chuyển cho bà đại sứ. Bà là người có tiêu chuẩn không phải xếp hàng nhưng chả hiểu sao hôm ấy vẫn xếp hàng, còn dân ta thì phải xếp hàng nhưng một số cố... chen ngang.

Và ngoài đường thì người ta chen nhau từng nửa, thậm chí là 1/5 bánh xe, để tiến nhanh tới... đài hóa thân. Đến đi viếng đám ma nhiều khi cũng vẫn... chen ngang, chưa đến lượt mình nhưng tìm cách để viếng trước, lại còn coi đấy như sự hãnh diện, nhìn cái đám đang xếp hàng đợi đến lượt một cách đầy... thương hại... Cứ nhìn các bố các mẹ, toàn loại "nhà có điều kiện" sáng sáng chở con đi học chen nhau trước cổng trường thì biết. Nhà tôi ngay trước cổng một trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, sáng và chiều nào cũng chứng kiến cảnh chen nhau từng tí một để... chả giải quyết vấn đề gì?  Và bọn nhóc con, không thể khác, chúng phải bắt chước phụ huynh thôi...

Thế nên, ở Việt Nam, xếp hàng là thứ nhà quê, phải chen ngang, phải được ưu tiên mới đẳng cấp. Có rất nhiều thứ ưu tiên, và ai trong diện ưu tiên nghĩa là... hàng xịn, còn ai không trong tiêu chuẩn ấy, thì chen ngang, thì mọi cách để vượt lên người đằng trước, tự mình... ưu tiên mình.

So với dân Nhật, dân Đài và các nước trên thế giới, dân ta oách hơn nhiều, phỏng ạ?

Xếp hàng mua bánh mì Phượng ở Hội An, nhà thơ Thanh Thảo mặc áo caro đứng cuối hàng. Xếp gần tới nơi thì có một anh thanh niên xăm trổ hỏi: Bố mua bánh gì? bảo thì bánh gì cũng mua cho biết, nó bảo thế con mới mua 2 ổ thập cẩm đây, bố lấy đi, khỏi xếp hàng nữa. Ổng lấy xong trả tiền, thanh niên bảo: Ơ biếu bố mà tiền nong gì. Ông Thanh Thảo kết luận: xăm trổ nhưng mà tốt. Hiện ông đang viết trường ca về những điều lặt vặt quanh mình, nhưng mà tốt, có đưa chi tiết này vào, hôm nọ ông hồ hởi gọi điện thoại đọc đoạn ấy cho tôi nghe trong sự... đứt ruột của tôi vì sợ ông tốn tiền điện thoại...

Link gốc đăng báo Reatimes Ở ĐÂY, mang về đây để lưu ạ.

                                                                       


Không có nhận xét nào: