Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

TRỞ LẠI PLEI BÔNG (kỳ 2)



           Viết xong cái Plei Bông thì tôi mới biết, té ra, Trái không phải là con trai ông Xu Man, và cũng không phải con bà vợ ông Xu Man mà chúng tôi cứ đinh ninh đấy là vợ ông từ xưa đến nay.

           Đã bảo, ông là người ít nói, và chúng tôi cũng... vô tâm. Người thân ông Xu Man nhất là họa sĩ Viết Huy, người Huế, lên nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum trước tôi mấy năm. Là họa sĩ với nhau nên họ thân nhau hơn. Tôi dân văn chương, vả còn trẻ, còn nhiều thú vui, nhiều quan hệ khác, mãi đến khi ông Huy chuyển lên Kon Tum, coi như là “bàn giao” ông Xu Man lại thì tôi mới gần gũi ông hơn, nhưng khi ấy thì ông đã già, chỉ còn quan hệ gần như một phía, chúng tôi trao đổi gì ông trả lời, yêu cầu gì ông thực hiện, thế thôi.

           Ông tên thật là Siu Yơng sinh năm 1925. Theo hiểu biết hạn hẹp của mình, thì Siu là họ của người Jrai, mà ông Xu Man và làng ông toàn người Bahnar, và dân tộc Bahnar thì không có họ, nên tại sao ông Xu Man và dân làng ông nhiều người cũng họ Siu thì tôi... chưa lý giải được. Hỏi ông sao đang Siu Yơng lại thành Xu Man ông cười giơ lợi: Thì có biết đâu, ra Bắc thấy có ông Su Man nào đấy nổi tiếng lắm, thế là lấy theo. Hồi ấy nhiều người dân tộc Tây Nguyên ra Bắc hay lấy lại tên mới lắm, như Thảo Anh Chon tên thật là A Chon, Nguyễn Văn Sĩ tên thật là Ksor Krơn vân vân...

           Ông được Việt Minh giác ngộ rồi đưa ra Bắc học trung cấp Mỹ thuật.  Học chưa xong thì lại về Nam hoạt động. Khi đi ông có bà vợ, nhưng khi về bà vợ ấy đã có đứa con trai không phải với ông, chính là anh Trái mà chúng tôi cứ ngỡ con trai ông, vì ông này thường xuyên ở cùng ông sau này, tham gia vào mọi hoạt động nhà ông như nhân vật chính, và có việc gì thì chúng tôi thường xuyên trao đổi với anh này. Còn người con trai thứ 2, Krớt, mới chính là con ông với bà vợ sống với ông từ trước 1975, lúc ông vào Nam lần thứ nhất. Krớt như cái bóng trong nhà, như chả liên quan gì, vì lần nào cũng tôi xuống cũng thấy tay này... say rượu nằm quặt qoẹo.

           Lương của ông nuôi cả nhà. Ông Trái 9 đứa con, ông Krớt 7 đứa, cộng 2 ông bà là 22 người. Kinh hoàng chưa. Nên cái chuyện ông... thiếu dinh dưỡng cũng là dễ hiểu. Cuối đời, ông có tiền, rất nhiều tiền. Toàn bộ tranh bán được. Không chỉ bán tranh cũ, người sưu tập tranh còn đặt ông vẽ mới, vẽ bao nhiêu họ mua bấy nhiêu, có những phác thảo rất nguệch ngoạc họ cũng... cân luôn. Một số tiền họ giao trực tiếp cho ông, một số chuyển qua hội Văn học Nghệ thuật, và tôi hay là người cầm tiền về cho ông. Cầm về, hẹn ông cách chi tiêu, tiết kiệm, giữ lại để phòng lúc ốm đau. Ông nghe, gật đầu rồi cười rất... tin tưởng. Lần sau về hỏi, ông bảo: Gần hết rồi. Trái mua xe máy, cho Trái, con Trái. Trái mua xe công nông chở thuê, nhưng mua phải xe đểu, không chạy được nữa. Tôi ra xem mấy cái xe máy dựng lổn ngổn ở sân, cũng toàn xe Trung Quốc, toàn loại xe đểu và đã vỡ hỏng quăn qoeo hết, chưa chết người là may. Nhưng ở trong làng mua thường là đắt gấp rưỡi gấp đôi... May ông mua được mấy con bò, nên giờ mỗi khi chúng tôi về thường không gặp ông ngay được, mà phải lên chỗ ông chăn bò tìm ông, hoặc Trái lên chở về. Những lúc ông từ chỗ chăn bò về, ông chả khác gì một ông lão Bahnar chưa bao giờ ra khỏi làng...

           Phải đến cái lần tôi đưa ông Trần Tuấn Hiệp về làm phim về ông trong chương trình “Chúng tôi nói về chúng tôi” mới thấy cụ thể ông sống thế nào. Chúng tôi không báo trước, mà muốn báo trước cũng chả có cách gì báo. Mà Nguyễn Tuấn Hiệp thuộc trường phải làm phim hết sức tự nhiên, không dàn dựng, thấy gì ghi nấy, về dựng và đọc lời bình cũng y như những gì nó diễn ra. Ông đang ngồi thái chuối. Thái chuối thì ai chả từng. Nhưng với ông thì nó là cả một kỳ công, bởi tay ông đã cứng qoèo, nên phải lấy sợi thun đèo hàng xe đạp cột cán dao vào tay, rồi thái. Hai đứa con trai say rượu ngủ trong nhà. Bà vợ ngồi sưởi nắng. Cái Radio đang oang oang phát tin thời sự. Ống kính lấy trọn cảnh ấy, xem lại mà tôi vẫn bồi hồi...

           Ông Xu Man là họa sĩ học xong đại học Mỹ thuật hẳn hoi, nhưng ông vẽ chân dung người rất yếu, trừ vẽ cụ Hồ, ông nhắm mắt lia bút cũng ra (Tôi cũng chứng kiến ông họa sĩ Lê Khắc Ứng, thương binh mù mắt, vẽ cụ Hồ trước hàng trăm người chứng kiến, trăm bức như một), còn lại là đều... hỏng. Tức là tỉ lệ rất buồn cười. Nhưng vẽ đám đông thì chả ai qua ông. Nó cứ rừng rực ngùn ngụt chất Bahnar, chất Tây Nguyên. Những đầu người nhấp nhô bé xíu, hàng trăm đầu người trong tranh ông, và nó hết sức Tây Nguyên. Chính giữa bao giờ cũng là ảnh cụ Hồ, xung quanh cờ đỏ. Phong cách tranh ông là thế, không lẫn, và cũng không ai bắt chước được.  

           Tôi thấy trong chương trình của Festival Cồng chiêng Tây Nguyên đợt này tổ chức ở Gia Lai có một mục là làm cái nhà lưu niệm ông họa sĩ Xu Man nên cầm đèn chạy trước... ban tổ chức, chạy về làng ông ngó nghiêng tí.

           Thì thấy nó... buồn hơn mình hình dung. Buồn hơn những gì mình đã thấy, mình giữ trong lòng từ bao nhiêu năm nay.

           Ngày ông Xu Man mất, hai mươi tám tết năm 2007, chôn sáng ngày 29, tức 30 tết, năm ấy không có 30, tôi cùng 2 người bạn văn là những người Kinh duy nhất ở Pleiku về tiễn ông. Tết mà, biết làm sao. Dân làng đập heo và đánh chiêng tiễn ông. Mộ ông đào rất sâu chứ không sơ sài như những người Bahnar khác. Và chúng tôi có ý định làm một ngôi mộ cho ông, sau đấy bố con họa sĩ Lê Hùng đã xuống thực địa, cô con gái là kiến trúc sư đã vẽ một cái mộ rất Bahnar mà cũng hiện đại, hợp với cảnh quan xung quan mà lại cũng rất... họa sĩ, nhưng đến giờ vẫn chưa có kinh phí thực hiện.

Đối với quê hương ông là người chung thuỷ. Toàn bộ tác phẩm của ông là vẽ từ cảm hứng về quê hương mình. Ngay khi nhận quyết định về hưu ông đã trở về ngay quê nhà để sống để tiếp tục lao động nghệ thuật để được đắm chìm trong cái sự thiêng liêng trong nỗi niềm ấm áp của quê hương để từ đó cảm xúc của ông tiếp tục dâng trào để có thời gian chăm sóc gia đình vợ con chứ không ở lại thành phố dù ông đã có lời hứa sẽ được cấp nhà tại đấy... Xu Man rất giỏi vẽ phong cảnh giỏi sử dụng màu nguyên giỏi trang trí... nhưng ông lại yếu về chân dung, về khắc hoạ nhân vật. Ông rất giỏi vẽ đám đông người Bahnar trong tranh không thể lẫn, nhìn vào là thấy ngay chất Bahnar. Điều ấy làm nên cá tính của tranh ông. Nhưng duy nhất trong tranh ông hình tượng cụ Hồ được ông đặc tả ở trong không dưới 100 tác phẩm từ những bức khổ lớn hoành tráng như “Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên”, “Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Đón Bác về Tây Nguyên”, “Mừng chiến thắng”... với hình tượng cụ Hồ là trung tâm đến những bức nhỏ miêu tả cảnh sinh hoạt như “Đi học”, “Đi nhà trẻ”, “Lễ đâm trâu quê tôi”, “Máy bay về Pleiku”... đều có hình ảnh cụ Hồ được miêu tả gián tiếp thông qua những bức ảnh treo ở những nơi trang trọng được ông đưa vào tranh. Ông tâm sự rằng với các hoạ sĩ khác vẽ cụ Hồ khó một thì với ông khó 10 vì ông rất yếu trong việc cân đong tỉ lệ hình thể. Thế nhưng khi vẽ bất cứ một bức tranh nào thì có 2 hình ảnh ngay lập tức hiện lên trong ông như một sự lay động của tiềm thức như thường trực trong tâm khảm ấy là nhân dân quê ông và cụ Hồ.... 

            Ông cũng đã thọ đến 82 tuổi rồi còn gì? Ông luôn được đánh giá là một trong những tài năng quý hiếm của Tây Nguyên. Ông ra đi giới mỹ thuật Việt Nam khuyết đi một chân dung, một nhân cách, một tài hoa một độc đáo, một bản sắc, một mảng màu rực rỡ mà sâu lắng mang tên Xu Man. Nhưng bù lại những tác phẩm của ông vẫn còn lại mãi với thời gian với tấm lòng những người yêu hội hoạ...    

Lần này chúng tôi về, đi trên con đường nhỏ vào nhà ông đã được đổ bê tông nhưng cũng bắt đầu... lở lói. Mùi mưa trộn nắng, mùi phân trâu bò lợn, mùi đủ thứ khiến chúng tôi... hoang mang. Rất ít người làng biết hoặc nhớ ông, kể cả mấy cô giáo dạy ở cái điểm trường cách nhà ông chừng 200 mét. Có thể là tại chúng tôi gọi ông là Xu Man còn tên thật của ông là Siu Yơng. Căn nhà nhà nước xây và cả căn  nhà sàn liền đấy, nhưng ở vị trí khác, tức là cái nhà sàn ông từng ở đã bị bỏ, con ông làm một nhà sàn bằng tôn ở vị trí bên cạnh, đều đóng kín. Tìm mãi thì gặp được vợ chồng người cháu nội của ông, tức con trai của Trái, tức cũng... không phải cháu nội ông. Nên cái cuộc nói chuyện của chúng tôi về ông nó... chuệch choạc, vì chính người đàn ông 2 con này cũng biết rất ít về ông, về chúng tôi, những người từng rất thân cận với ông khi sống.

           Chúng tôi đi ra giọt nước, nơi đẹp nhất, trữ tình nhất, nơi chúng tôi và cả dân làng hay quần tụ nhất trong ngày, thì trời ạ, giọt nước vẫn đấy nhưng nó... tơ hơ ra một cách rất thảm hại, dù cây đa ruộng lúa ấy, khi chúng tôi giơ máy ảnh lên, qua ống kính nó vẫn đẹp mê hồn.

           Là giờ nó chỉ còn là một vũng nước tù, rất bẩn, với đủ thứ lềnh bềnh trên ấy, không loại trừ cả phân và nước đái bò bởi xung quanh đấy chúng đang ngả ngớn rất nhiều. 2 cái ống nhựa chọc qua đấy, dẫn xuống, thế là... giọt nước. Ngày xưa, cái vũng nước phía trên ấy, vũng nước chảy từ gốc cây đa ra ấy, một số vùng Miền Trung hay gọi là Mội ấy, nó bị nhiều thứ che khuất, nó không tơ hơ ra thế, nên nước cứ trong vắt vô tư chảy. Giờ tơ hơ ra mới thấy nó... bẩn. Cô giáo bảo, bà con vẫn dùng nước này để ăn, nước giếng (một số nhà có) chỉ dùng rửa và tắm giặt. Hồi trước, hầu như không có giếng, nên cái giọt nước này là nơi sáng sáng chiều chiều gần như cả làng tụ tập về, nó là nơi thứ 2 dân làng tụ tập sau nhà rông. Giờ vẫn dùng nhưng cái vẻ lạc lõng cô đơn hiện ra không tránh khỏi...

           Nhưng cái cánh đồng thì vẫn đẹp, đẹp lắm, dù nó bé thôi, là cái nơi nước trũng xuống, có cả nước từ giọt nước chảy ra. Lúa và cỏ luôn luôn xanh, cây đa trầm mặc. Cảnh này tôi đã thấy ở một thắng cảnh trong lần sang Ấn Độ. Ở đây, nó hiện diện bình yên. Tôi cẩn thận lách chân qua những bãi phân bò tìm một nơi đứng và giương máy...

Giọt nước giờ nó thế này

Những người còn biết ông Xu Man

 
Nhưng cánh đồng thì vẫn đẹp lắm
                                                                          

Không có nhận xét nào: