Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

TỪ CHUYỆN ĐÀ NẴNG



Thì ra trong cơ chế rất chặt chẽ của chúng ta đã lộ ra những lỗ hổng chết người. Lỗ hổng ấy là, những kẻ cơ hội, thậm chí có người gọi là Mafia, câu kết với một bộ phận lãnh đạo, thậm chí là người đứng đu, để lũng đoạn chính sách, để thu lợi cho mình và cho phe cánh mà mình câu kết.
--------------

Tôi có nhiều bạn bè ở Đà Nẵng, toàn bạn từ tốt đến rất tốt. Họ là nhà văn, nhà báo, doanh nhân, bộ đội, công chức, viên chức... Rất nhiều người đã và vẫn xui tôi về Đà Nẵng mà ở, thành phố đáng sống mà.

Tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm với Đà Nẵng, từ kỷ niệm khổ đến kỷ niệm vui. Khổ nhất là cái thời đi xe đò Huế Pleiku và ngược lại, đều phải dừng chuyển xe ở Đà Nẵng. Thời bao cấp, vé xe ít mà người đi nhiều. Nhà trọ nhếch nhác, bẩn thỉu. Nhiều khi chỉ còn đủ tiền mua vé, không có tiền ở nhà trọ, không cả tiền ăn cơm, cứ ngồi luôn ở cửa vé suốt đêm chờ cái cửa tò vò mở ra thì mình mua được ngay...

Thế nhưng vẫn luôn yêu Đà Nẵng.

Đã từng viết rất nhiều bài ca ngợi Đà Nẵng, cả thơ và báo.

Thế mà giờ, Đà Nẵng như vừa qua một cơn bão. Nói đến bão lại nhớ, năm nào đấy, dự báo bão sẽ vào Đà Nẵng. Tôi đang ở đấy, chứng kiến cả thành phố căng mình ra chống bão. Thế rồi, bão không vào, nhấp nh một hồi rồi nó đi thẳng. Tôi làm bài thơ hân hoan: “Bão không vào miền Trung.

Giờ đang có một cơn bão, mạnh hơn bão tự nhiên đang làm Đà Nẵng xơ xác.

Đầu tiên là bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh mất chức. Cú này độ ngột và quyết liệt khiến dân Đà Nẵng từ ngạc nhiên đến... thở phào. Và mới nhất là cú Vũ Nhôm bị truy nã. Dân Đà Nẵng, mà chả Đà Nẵng, cả nước luôn, ngơ ngác hỏi nhau: chuyện gì đang xảy ra.

Té ra từ rất lâu, người ta đã biết Vũ Nhôm là ai, đã có nhiều phản ánh về nhân vật này tới các cơ quan có trách nhiệm. Và cuối cùng thì chính tổng Bí thư đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra.

Và vụ Vũ Nhôm nổ ra.

Thì ra trong cơ chế rất chặt chẽ của chúng ta đã lộ ra những lỗ hổng chết người. Lỗ hổng ấy là, những kẻ cơ hội, thậm chí có người gọi là Mafia, câu kết với một bộ phận lãnh đạo, thậm chí là người đứng đu, để lũng đoạn chính sách, để thu lợi cho mình và cho phe cánh mà mình câu kết.

Và hàng loạt tài sản nhà nước vào tay một vài cá nhân. Lạ cái là, những cá nhân có xuất phát điểm vào đời rất thấp, như Vũ Nhôm, chỉ từ một anh thợ nhôm kính, vù phát lên hàng đại gia, nói năng có gang có thép, có thể khoác tay lãnh đạo cao nhất của địa phương, có thể bất cứ lúc nào cũng a lô “điều” nhiều cán bộ đến chỗ mình, để nhậu hoặc giải quyết khâu oai hoặc để “bàn” về một việc gì đó.

Đặc điểm chung của những “đại gia” này là liều, rất liều. Người có chữ, hiểu biết tí thì làm gì cũng phải lật qua lật lại tính toán xem có được không, có ai phản đối không, có hợp lý không, nhân dân có ý kiến gì không vân vân. Còn các bố này “thích là nhích” ngay. Khi họ thấy đúng thì đấy là... chân lý. Mà điều họ thấy đúng thì chỉ có mỗi một tiêu chí: Họ được gì? Và từ sự liều ấy, họ nắm được một vài cán bộ biến chất làm con tin. Những con tin này sẽ phải quay lại phục vụ họ, không phải với tư cách cá nhân, mà là tư cách họ đại diện. Chính bí thư thành ủy Đà Nẵng hiện tại Trương Quang Nghĩa kể trong cuộc gặp mặt các tướng lĩnh quân đội về hưu, rằng khi ông mới lên làm bí thư tỉnh Sơn La cũng gặp một số “đại gia” hất hàm hỏi một số chánh phó giám đốc sở ở đấy là có muốn làm nữa không? Và ông Vũ Nhôm cũng từng hất hàm dọa cho chủ tịch Đà Nẵng nghỉ việc.

“Oai” và liều đến thế là cùng. Nhưng nó cũng cho thấy sức mạnh của một vài “đại gia” hiện tại. Họ có thể bóp méo, sai khiến cả một vài cán bộ chủ chốt của các tỉnh thành. Nếu không thành, họ có thể có những thế lực ngầm ở đâu đấy để xử lý. Ít nhất những câu mang tính chất dọa ấy cũng phải có những lý do để có người phải nghe theo.

Nhưng theo dõi cái cuộc gặp mặt của bí thư thành ủy với các vị tướng về hưu ấy cũng hiểu thêm khí chất người Quảng. Quyết liệt, thẳng băng, dũng cảm, làm tới cùng, không sợ bất cứ thế lực nào.

Các bạn tôi ở đấy cũng thế.

Họ đau. Cái thành phố của họ, từng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Thành phố với vô vàn điểm sáng, từ cảnh sát giao thông giúp dân và hướng dẫn giao thông chứ không phải rình để phạt, đến những người dân bình thường đang đi thấy rác là dừng lại nhặt, yêu thành phố như yêu nhà mình, có hẳn một trang web để người dân và du khách phản ánh những điều chưa đẹp của thành phố, và sau khi phản ánh lên đấy chỉ nửa tiếng là đã có người xử lý rồi.

Họ buồn. Tự nhiên thành phố của họ bất đắc dĩ “phải” nổi tiếng’. Thành phố vẫn thế, sông Hàn vẫn thế, con người vẫn thế. Nhưng trong tâm can mỗi người, có một nỗi buồn trĩu nặng.

Nhưng họ lạc quan. Các bạn tôi đều bảo, họ tin ở ngày mai. Ở chính những gì đang diễn ra và những gì chính quyền hiện tại đang làm.

Tính cách Quảng đang bị thử thách. Nhưng cái tính cách bộc trực, thẳng băng và cũng rất nhân hậu của người Đà Nẵng sẽ làm cho thành phố này vẫn là “thành phố đáng sống”.

Tôi tin thế. 

Bài in báo Văn Nghệ Công an hôm nay, LINK ĐÂY
 
Tìm được cái ảnh đang làm việc tại khách sạn Hàng Không Đà Nẵng, he he

 

Không có nhận xét nào: