Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

KÝ ỨC VỈA HÈ



Vỉa hè, nó thân thương với từng người dân đô thị, thậm chí từng được nâng lên thành “Văn hóa vỉa hè”, rõ ràng đang có những vấn đề cần phải xử lý. Cảm xúc và quy phạm, ký ức và hiện tại, thói quen và nền nếp, pháp luật và a dua, mưu sinh và đời sống, một người và muôn người... đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm túc, vừa khoa học vừa thấu tình đạt lý.


Và không chỉ vỉa hè, đô thị ta còn rất nhiều điều phải bàn tới, để nó là đô thị chứ không phải là cái làng được đánh số nhà, được trải nhựa. Lớn nhất, nó là ý thức thị dân của từng người sống ở đô thị. Nhưng thôi, trước hết, cứ từ cái vỉa hè cái đã…


Những bước chân đầu tiên của tôi khi bước trên những vỉa hè Huế là hè năm 1976. Từ bến xe An Hòa, hai bố con tôi đi bộ về bến đò Đông Ba để về quê. Đường khá xa, lại ba lô nặng, lại nhễ nhãi nắng, nhưng tôi, cậu trai mới lớn, lần đầu tiên về quê, cứ tròn xoe mắt háo hức. Đẹp nhất là đoạn qoẹo ngay đầu cầu Bạch Hổ. Phượng giao tán mát rượi. Vỉa hè thoáng, người cứ thế… thênh thang.

Có một cái ảnh mà giờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thi thoảng lại đưa lên trang cá nhân. Ấy là ảnh ông Tạo và ông Hoàng Phủ Ngọc Tường ngồi với nhau ở một vỉa hè nào đấy ở Huế, uống rượu, tất nhiên. Hai ông ngồi như hai cái bóng, khẳng khiu, cô độc, cây đèn hột vịt đặt trên bàn. Chai và ly, và hai cái bóng.

Thực ra, thời tôi sống ở Huế, vỉa hè còn thoáng lắm. Ít quán chiếm vỉa hè, có chăng người ta dựng xe. Mà xe thời ấy là toàn xe đạp. Còn quán phần lớn là trong nhà.

Vỉa hè thời ấy là của những bước chân, nhiều nhất là học sinh, sinh viên. Thành phố của sinh viên mà. Nhiều đoạn không có vỉa hè, tối tối từng cặp dắt nhau đi dưới lòng đường, như đoạn Đống Đa cắt từ Lý Thường Kiệt ra Nguyễn Huệ, thời ấy vắng lắm, rất nhiều đôi “diễu” từ 27 Nguyễn Huệ ra Lý Thường Kiệt, rẽ Đống Đa về lại Nguyễn Huệ, cứ thế mà rồi… nên cơm nên cháo. Sắp kỷ niệm 60 năm Đại học Huế, chắc sẽ có nhiều cặp dắt nhau đi lại con đường ngày xưa ấy, mà hồi tưởng, mà rưng rưng, có thể cả những nuối tiếc, những giá mà… Có một lời khuyên cho các bạn như thế, nhớ thủ thuốc huyết áp trong túi!

Cũng có lần tôi phì cười khi xem một cái ảnh Huế lụt. Thành phố mênh mông nước, nhưng trên vỉa hè, mỗi gã nghiện cà phê ngồi thu lu trên một cái ghế, trước mặt cũng là một cái ghế. Tất nhiên bốn chân ghế lút bủm trong nước. Ly cà phê đặt trên ấy. Sài Gòn đông đúc chật chội thế mà cũng chưa có kiểu cà phê ghế này. Hà Nội ngồi lưng chạm lưng trong các quán chè chén cũng chưa có kiểu ngồi này. Hình như đến giờ, nó đang là “bản quyền” của Huế.

Từng có thời, vỉa hè là một... đặc trưng của phố xá Việt.
 
Xuất thân là nông dân, khi lên phố sinh sống, bản chất tằn tiện, tiết kiệm, tận dụng... của những người coi đất là ngọc là vàng là kim cương... được phát huy, nên tất cả chỗ nào có thể tận dụng được là được tận dụng. Và thế là, vỉa hè trở thành nơi buôn bán, nơi sinh sống, thậm chí là nguồn sống chính, của rất nhiều người, nhiều gia đình (có thời vỉa hè còn là chỗ trồng... khoai lang nữa).
 
Đường Tam Đảo không cần vỉa hè...
Quả là, cái thời, dân ít đường rộng, vỉa hè cũng trở nên lãng mạn phết. Khá nhiều thơ ca nhạc họa đã ca ngợi cái vỉa hè. Là nơi hò hẹn, nơi thăng hoa ký ức, nơi thả cảm xúc trữ tình vân vân các kiểu.
Đến mức, có thời, có lúc, thấy những cái vỉa hè thẳng băng, vắng vẻ, sạch bóng... có người lại thấy nó thiếu thiếu cái gì. Cái hơi thở phập phồng, cái nhộn nhịp tồn sinh, cái hối hả đời sống, cái tươi non gấp gáp của thời gian, cả cái không gian chật hẹp ấy nữa, nó cũng như một phần của phố...

Nhưng rồi, bình tâm nhìn lại, khi mà đường đất thì vẫn như thế, nhưng con người thì lại nhân lên gấp nhiều lần bằng nhiều lý do, nhiều cách, và cái lòng tham thì lại không có điểm dừng. Từ việc kê vài cái ghế con con ngay trước cửa nhà, tận dụng một chút không gian sát hiên nhà mình, giờ người ta điềm nhiên coi toàn bộ vỉa hè trước cửa nhà mình là đất của mình, người ta có quyền bày ra đấy tất cả những gì người ta thấy có lợi, từ bàn ghế bán cà phê, nước giải khát, đến bún phở... nhẹ thì là nơi để xe máy cho khách hàng của mình. Thậm chí có nhà còn cho thuê vỉa hè trước cửa nhà, đương nhiên như nó là của mình. Tóm lại, tất cả người đi bộ đành phải... đi xuống lòng đường, là nơi dành cho xe cộ di chuyển, nhường vỉa hè cho mưu sinh.
 
Thế này là vi phạm luật giao thông rõ rồi...
Công năng chính của vỉa hè là để đi bộ. Cũng như thế, đường là để các phương tiện xe cộ di chuyển. Chả biết tự khi nào, chúng ta đã tự phát thay đổi công năng. Vỉa hè thành nơi buôn bán, còn đường thì dành một phần cho người đi bộ.

Vấn đề là, nó tạo ra sự bất bình đẳng, bởi hình như chưa ai đánh thuế vỉa hè, nhà nước cũng không cho thuê vỉa hè, trong khi, nguồn thu từ vỉa hè là rất đáng kể. Quán cà phê sát nhà tôi, chỉ thuê cái sân nho nhỏ để xe cho khách đã phải trả 5 triệu một tháng, Như thế, chỉ một quán cà phê nho nhỏ, độ chừng 5 mét mặt đường, mỗi tháng đã lời 5 triệu nếu anh cho dựng xe ngay trước cửa quán. Cứ thế nhân lên, đủ thấy cái vỉa hè lợi hại đến thế nào, đấy là nói quán tôn trọng luật, bán cà phê trong nhà, chỉ tận dụng cái vỉa hè để dựng xe thôi. Còn lại phần đông, các quán đều... tranh thủ để dăm bảy bộ bàn ghế ra vỉa hè. Tranh thủ nhưng nó trở thành lâu dài, và là nguồn thu chính.

Nó cũng còn là cái tâm lý người Việt nữa, tâm lý nhàn tản, lợi cho mình, tâm lý tranh thủ...

Quan sát mà xem, phải đến quá nửa các bà nội trợ đi chợ thích ngồi trên xe máy mua hàng thay vì dựng xe vào chợ. Đấy chính là lý do để dẫu có chợ, có sạp, nhưng người ta vẫn tràn ra vỉa hè, thậm chí là lòng đường để bán. Không có người mua, chắc chắn chả ai tràn ra đường bán cả.

Cũng như thế là cái thú... vỉa hè của khách ẩm thực. Cũng kha khá nhiều áng văn đẹp ca ngợi, miêu tả cái thú nhâm nhi ly cà phê sáng hoặc chiều ở một vỉa hè nơi thành phố lạ nào đó. Những là là đà sương sớm, là nắng chiều mong manh, là bước chân lữ thứ, là nao nao nỗi lòng... nó khiến cái cảm giác vỉa hè vừa đẹp vừa thổn thức mời gọi. Rồi ăn nhậu cũng thế. Chả biết tự lúc nào, người ta thích ngồi xà lển ở vỉa hè, cho khoái. Mà quả là, ngồi vỉa hè ngắm phố, ngắm người, chuyện vãn... nó cũng từng là cái thú của chính cả người đang viết bài này. Có anh bạn đồng nghiệp chỉ thích chiều chiều ngồi nhậu ở vỉa hè. Vài chai bia, một tô gân bò củ kiệu (đặc sản rất Huế, nhậu chết bỏ), hai ba người lù rù trong cái âm âm nửa tối nửa sáng dưới những tàn cây lúc nắng đã tắt và đèn đường chưa lên. Và anh gọi đấy là.. Rét tô ran đờ la... He. Nó rẻ, ngon, trữ tình và… tiện lợi.
 
Đường dành cho xe máy đậu ở Đài Loan
Giờ vỉa hè đang đòi quyền để trở lại đúng công năng của nó. Và đúng là không dễ dàng để xóa bỏ thói quen, xóa bỏ tập tính. Còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để xã hội không bị xáo trộn. Bởi ngay Pleiku thôi, có cái chợ Hoa Lư cũng giải quyết mãi chả xong. Nhà nước đã làm cái chợ khá khang trang cách chợ cũ có mấy trăm mét, nhưng dân ta vẫn “cương quyết bám trụ” chợ cũ. Bao nhiêu cuộc đối thoại, bao nhiêu buổi làm việc, xem ra vẫn chưa đâu vào đâu.



Ngoài chuyện thay đổi tập tính, thói quen, cũng cần khảo sát nguyện vọng của bà con, để, một mặt lập lại trật tự vỉa hè, mặt nữa, đời sống bà con không bị xáo trộn, hoặc xáo trộn ít. Cần có nhiều phương án đặt ra để hợp tình hợp lý, bởi mỗi con người là một hoàn cảnh, chả ai giống ai để có thể nhốt chung vào một cái khung. Tất nhiên không có nghĩa là nhân nhượng, nhưng cũng không thể ngay lập tức thẳng băng quy lát.

Mấy hôm nay, hầu như ngày nào cũng có thông tin về việc Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh ra tay giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Sau quận 1, vài quận khác cũng đang rục rịch. Còn Hà Nội, nơi mỗi mét vuông vỉa hè phố cổ trị giá mấy cây vàng, nghe nói cũng đang... nghiên cứu. So với các nơi ấy, vỉa hè ở Huế “giản dị” hơn nhiều, song không phải là yên bình như nhiều người tưởng.

Vỉa hè, nó thân thương với từng người dân đô thị, thậm chí từng được nâng lên thành “Văn hóa vỉa hè”, rõ ràng đang có những vấn đề cần phải xử lý. Cảm xúc và quy phạm, ký ức và hiện tại, thói quen và nền nếp, pháp luật và a dua, mưu sinh và đời sống, một người và muôn người... đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm túc, vừa khoa học vừa thấu tình đạt lý.

Và không chỉ vỉa hè, đô thị ta còn rất nhiều điều phải bàn tới, để nó là đô thị chứ không phải là cái làng được đánh số nhà, được trải nhựa. Lớn nhất, nó là ý thức thị dân của từng người sống ở đô thị. Nhưng thôi, trước hết, cứ từ cái vỉa hè cái đã…

Tháng này thôi, tôi lại được thảnh thơi bước trên những vỉa hè Huế thân thương một thời, ấy là dịp về dự kỷ niệm sáu mươi năm Đại học Huế. Hàng ngàn người đổ về, cộng với khách du lịch, với người sở tại, hy vọng, tôi vẫn còn chỗ để chen chân, để hoài niệm cái thời non tơ ngơ ngác đi dưới những vòm cây long não mà… tim đập chân run vì bên mình là bạn gái mới quen, cùng đi ra từ thư viện…

Bonus một đoạn statut trên facebook từ hôm trước:

Câu thú nhận của nguyên giám đốc công an Hà Nội rằng thì là 80% quán bia có công an sau lưng đã lý giải rất nhiều điều tưởng như hiển nhiên mà bao lâu nay không thể nào... lý giải được. Bỏ những thứ "sau lưng" ấy đi, có một chính sách hợp lý dung hòa giữa vỉa hè và mưu sinh, thậm chí cả văn hóa nữa, thứ "văn hóa vỉa hè" đã từng lên ngôi ở Việt Nam, nó làm cho cái vỉa hè sinh động hẳn lên... thì vỉa hè Hà Nội nói riêng, Việt Nam sẽ ổn thôi. Nhà cháu tin anh Chung đã nói thế, nắm rõ thế, thì anh ấy sẽ làm được.

Ví dụ, ví dụ thôi nhé, cần gì phải quân hùng tướng mạnh "ào ào như sôi" ấy, chỉ cần quay camera hoặc chụp ảnh rồi phạt nguội. 3 lần lĩnh giấy phạt nguội thì rút giấy phép. Sợ quá đi chứ ạ. Nhưng cũng tùy từng vỉa hè, có những chỗ chừa một phần cho kinh doanh, một phần cho đi bộ, dân tâm phục khẩu phục ngay. Khi đã kẻ làn rồi, anh nào lấn, cứ rứa mà phạt, phỏng ạ?
Và cũng phải có chỗ cho người dân đậu xe, chứ chạy hết xăng chả có chỗ đậu xe thì cấm cũng bằng nhau. Như cái anh buồn tè ấy, lúc bí, nó sẵn sàng nộp phạt để "úp mặt vào tường" chứ biết sao giờ, nhìn lác mắt cũng chả thấy bạn thân Uy Li Am Cường đâu? Hồi mới về quê mình nghe kể có ông nông dân lên thành phố bí tè, úp mặt vào cây (Not Sông của ông Huy Mau Le), vừa hành sự thì cảnh sát toét. Hỏi phạt nhiêu. 1 đồng. Ừ đây 10 đồng để tôi đái hết bãi chứ dở dở thế này chịu sao nổi...

Nhớ thời bao cấp, nhà nhà khinh khỉnh quay lưng ra đường, đi trên phố cứ như đi bên Hỏa lò hay lao Thừa Phủ. Rồi như có phép thần, một ngày, nhất loạt quay mặt ra đường, lấn từng cm, như hôm nay. Nhà mình ngày xưa cũng thế, lưng quay ra đường Trần Hưng Đạo, có cái chuồng heo ở đấy, cửa chính quay vào trong, hướng về mấy luống rau lang...
Chiếc ô tô này đậu đúng luật ở Huế nên dù biển lạ nhưng vẫn... an toàn, trong khi trên vỉa hè, xe máy kín mít...
 
Tác giả cũng... vỉa hè, quá bầy hầy...


Không có nhận xét nào: