Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

BÁO, VĂN VÀ... BLOG



Cho đến lúc có con. Đường sữa tã lót… đều phải có tiền mới mua được. Mà thơ thì… ế, hoặc có bán được cũng rất rẻ, năm thì mười họa được in một bài. Mà cái giống thơ nó lại cao sang. In được bài thơ không thể cặm cụi bần hàn bỏ túi mang về nộp vợ, mà phải kiêu hãnh ngẩng cao đầu bảo với bạn bè: Tớ mới in thơ, chiều nay đập phá nhé. Có đập phá kiểu rượu gạo lạc rang thì cũng mất đứt 5 lần bài thơ, bởi bài thơ thời ấy nhuận bút chỉ ngang cái… tin (và cũng in vào góc nhỏ như cái tin). Thế là, hoặc ký nợ, hoặc về nhà… nhón của vợ, tức là sữa, tã của con… mang đi “rửa” thơ...
----------------



          Nhớ một thời nào đó, ở vài tờ báo lớn nước ta, các tin bài thường không in tên tác giả, mà chỉ đề tắt là PV hoặc nhóm phóng viên. Các tờ báo hồi ấy rất ít xưng tôi, mà là ta, chúng ta, thi thoảng mạnh dạn lắm mới… chúng tôi. Chữ “Tôi” gần như là húy kị, rất ít xuất hiện. Các bài báo cứ thẳng băng, chữ nghĩa rõ ràng, mạch lạc, ít ôi a lãng đãng trời mây non nước…

          Tôi bây giờ được biết đến nhiều với tư cách nhà báo, nhưng khởi đầu tôi là người làm thơ, không viết báo, bởi nghe người đi trước nói, báo sẽ giết thơ, tư duy thơ và báo khác nhau một trời một vực. Ông trời không cho ai 2 thứ bao giờ, hoặc thơ, hoặc báo, ông chọn đi. Và tôi chọn… thơ.



          Cho đến lúc có con. Đường sữa tã lót… đều phải có tiền mới mua được. Mà thơ thì… ế, hoặc có bán được cũng rất rẻ, năm thì mười họa được in một bài. Mà cái giống thơ nó lại cao sang. In được bài thơ không thể cặm cụi bần hàn bỏ túi mang về nộp vợ, mà phải kiêu hãnh ngẩng cao đầu bảo với bạn bè: Tớ mới in thơ, chiều nay đập phá nhé. Có đập phá kiểu rượu gạo lạc rang thì cũng mất đứt 5 lần bài thơ, bởi bài thơ thời ấy nhuận bút chỉ ngang cái… tin (và cũng in vào góc nhỏ như cái tin). Thế là, hoặc ký nợ, hoặc về nhà… nhón của vợ, tức là sữa, tã của con… mang đi “rửa” thơ.

          Mà lại thấy bọn khác nó trình độ cũng như mình, lại còn… xấu trai hơn mình, không biết làm thơ, nhưng viết báo, và chúng đi Honda, hút thuốc đót, uống bia Sài Gòn, thi thoảng cao hứng còn cho con mình hộp sữa…

          Và thế là tôi viết báo, hăng say và chuyên nghiệp, dù trước bọn nhà báo chúng đều coi tôi là nhà thơ chứ không phải báo, báo chỉ là học trò chúng. Kệ, tôi tìm lối viết của mình.

          Tôi có mấy chục năm ở Tây Nguyên, đã đánh đổi cả tuổi trẻ của mình ở đấy. Lại có quê nội ở Huế, quê ngoại ở Ninh Bình, sinh ở Thanh Hóa, đầy ký ức, cả ký ức đau thương và ký ức hạnh phúc huy hoàng. Thì mang chúng ra mà xài chứ phải đi đâu nữa. Tôi dùng chữ kiểu thơ, tư liệu là chính đời sống của mình, và viết thành báo. Tất nhiên không phải báo nào cũng chịu lối viết của tôi. Và tôi cũng biết bài nào thì gửi cho báo nào sẽ được in, gửi báo khác sẽ bị bỏ sọt rác ngay. Sau này thì trở thành cộng tác viên thân thiết, được đặt bài thường xuyên và “bị” giục bài.

          Có một chuyện vui về giới báo chí văn chương, ấy là khi ngoài đường có một con chó bị xe chẹt chết. Người đầu tiên lao tới là phóng viên ảnh, anh ta chụp lia lịa rồi lao về nhà, bật buồng tối làm việc. Người thứ hai là anh phóng viên tin, lao tới, hỏi han ai tông, giờ tông, ai thấy vân vân rồi lao về làm tin. Anh thứ 3 đến hỏi kỹ hơn, lai lịch con chó, lai lịch chủ chó, lai lịch cái xe, lai lịch lái xe, sở thích lái xe, vợ con thế nào, con chó thích ăn gì vân vân, rồi về viết phóng sự. Anh thứ tư lững thững tới, nhặt con chó về… làm thịt, rồi hú bạn bè tới nhậu, anh ta là… nhà thơ.

          Càng ngày bạn đọc càng khó tính. Ngày xưa thì phải cạnh tranh nhau đưa tin sớm và chính xác. Bây giờ tiêu chí sớm đã bị… internet đánh gục rồi. Chỉ cần cái điện thoại thông minh, toàn dân ta đã trở thành “nhà báo”. Vậy thì người đọc đòi hỏi ở nhà báo chuyện nghiệp thứ khác, thứ mà các “nhà báo công dân… mạng” kia không làm được. Cái khác ấy là gì, mỗi nhà báo chuyên nghiệp có một bí quyết riêng để mình tồn tại, để bài mình viết ra có báo sử dụng và có người đọc.

          Từ khi internet thông dụng, thế giới blog, facebook mở ra, quả là, ta chứng kiến một chân trời khác của chữ nghĩa. Phải công nhận là có rất nhiều người bình thường viết blog, fb rất hay, có khi còn hay hơn nhà báo chuyên nghiệp nếu họ viết đúng về lĩnh vực chuyên môn sâu của họ. Ngày nào tôi cũng phải bỏ ra vài tiếng lướt blog và fb của bạn bè. Đọc để có thông tin, để học thêm kiến thức, và cả học chữ của họ. Nhiều người sử dụng chữ tài tình lắm. Bây giờ viết khô cứng như ngày xưa hoặc rên rỉ nỉ non sến súa đều chết cả. Viết tự nhiên như hơi thở đời sống, như chính cuộc đời vốn có, chữ tươi nẩy mẩy vang y như tiêu chuẩn luyện thanh của ca sĩ. Tất nhiên vẫn phải có sự chọn lọc chứ không thể tương hết củi lửa rơm rạ rều rác lên báo. Nên có những điều đăng trên blog hoặc fb được nhưng không đăng báo được, và ngược lại cũng có những bài đăng báo được, nhưng đăng blog, fb lại không được.



          Một hôm mát giời, một ông tổng biên tập một tờ báo điện cho tôi: Tôi thường xuyên đọc blog của ông, thấy ông viết tưng tửng dí dỏm vui lắm. Nhưng nếu chỉ đăng blog thì nó phí đi, ông hãy viết kỹ hơn tí nữa, gửi tôi in trước rồi đăng blog cũng không muộn.

          Chả là một thời gian dài, tôi lại không có nhu cầu đăng báo kiếm tiền nữa, vì các con đã trưởng thành, có thể cho lại bố mẹ tiền tiêu vặt. Vậy thì tôi viết blog, bởi tôi quan niệm, blog và fb chính là cầu nối để người viết chuyên nghiệp chuyển tải và quảng bá tác phẩm đến bạn đọc. Và tôi phục vụ bạn đọc của tôi, một cách vô tư, miễn phí. Nhưng giờ có lời mời như thế, thì tôi lại gửi báo đăng trước, rồi mới đưa lên blog. Có tờ báo mạng còn mời tôi viết với điều kiện sau đấy tải cái link ấy lên fb của tôi để thêm bạn đọc. Ok luôn, miễn làm sao những gì mình viết càng có đông bạn đọc càng tốt. Bởi suy cho cùng, hạnh phúc nhất của người viết, ấy là có nhiều bạn đọc, được bạn đọc đồng cảm và chia sẻ.

          Nhân nói mối quan hệ báo chí văn chương và blog xin kể câu chuyện của chính tôi. Ấy là hồi tôi viết cái bút ký “Đăk Pơ một chiều” nói về chiến thắng GM.100 Pháp ở đèo Mang Yang, Đăk Pơ kèm lời khẩn cầu của các cựu chiến binh rằng ở đấy, chỉ riêng trung đoàn 96 vẫn còn 147 liệt sĩ chưa tìm thấy xương cốt, hãy xây ở đấy một ngôi đền chung để thờ các liệt sĩ, để các liệt sĩ có chỗ trú ngụ, thân nhân có chỗ về hương khói. Sau khi đăng báo, tôi đưa lên blog của mình, và lập tức nó đạt con số comment kỷ lục là hơn một nghìn, chính xác là một nghìn không trăm năm mươi chín comment, chưa kể hơn trăm comment tôi phải xóa đi vì nhiều lý do. Và điều quan trọng là, sau đấy, trước nhu cầu chính đáng của các cựu chiến binh và bạn đọc, tỉnh Gia Lai đã quyết định xây ở đấy một tượng đài chiến thắng và ngôi đền tưởng niệm, dự kiến 27/7 này sẽ hoàn thành. Tôi thì nghĩ rằng nó có nhiều yếu tố để có quyết định này, nhưng các cụ cựu chiến binh thì cứ dứt khoát khẳng định rằng, nhờ có bài báo ấy mà mới có quyết định xây đền tưởng niệm. Người tỉnh táo không ai vơ hết vào mình như thế, nhưng trước “quyết tâm sắt đá” của các cụ, toàn hàm thượng tá, đại tá, tuổi nhấp nhỉnh 8, 90… tôi đành cười trừ…

          Thì nhân 21 tháng 6, tự cho phép mình lan man một chút để lấy tinh thần viết tiếp…
                                                                  
 

1 nhận xét:

TNG nói...

Tôi học SP Sử. Hiện nay là GV dạy Sử, tại 1 trường PTTH của 1 huyện phía tây tỉnh GL của ta. Tôi thường theo sát các Bài của anh VCH viết trên Blog, Tôi vẫn "quý mến" nhất là các Bài về Đăk Pơ và luôn theo dõi kết quả của "Đại Công trình" này; Thật khâm phục anh VCH, với ngòi bút của chính mình anh đã làm "mát lòng" các Liệt sĩ đã hy sinh ở đây, cách đây tròn 61 mùa hạ. Thân mến đến anh, đôi lời cám ơn của một Giáo viên dạy SỬ vùng sâu. Bố em ở Quê nhà, vùng đồng bằng bắc bộ, Ông từng tham gia đánh trận Đèo Mang Yang 1973, lâu lâu Ông alo vào hỏi thăm: trong ấy bây giờ đời sống của đồng bào ta ra sao? vùng phía đông Trường sơn có phát triển lắm ko? va, nói rằng người dân nơi ấy lòng tốt với cách mạng ta lắm đấy , Con ạ.