Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

GIA LAI CÀ KÊ 10

Một chiều cuối năm, buồn tê tái. Thị xã văng huơ vắng hoét. Tôi mới lên nhận công tác nên không có ý định về, mà về cũng không kịp thời gian. Thời ấy nghỉ có 3 ngày, mà tàu xe về đến nhà cũng đã... 3 ngày rồi. Tha thẩn 1 mình đi bộ loanh quanh, vòng sang đường Hoàng Hoa Thám trong cái nắng chóe và lạnh hây hây. Ở Tây Nguyên mà khô tức là mùa lạnh, càng nắng lại càng lạnh còn mùa mưa lại nóng. Vừa đi vừa huýt sáo véo von thì thấy một ông già râu trắng như cước rất đẹp, con mắt nhỏ nhưng dáng người quắc thước, địu một đứa bé sau lưng. Và... đứa bé tè ướt hết cái vét ông mặc...

Tôi cứ ngoái mãi nhìn ông, có một cái gì đấy như là thân thuộc không cắt nghĩa được.

Sáng sau tôi được trưởng phòng kêu sang giao nhiệm vụ: Tối mai có cuộc ông Ni Ku Lin, nhà Việt Nam Học người Liên Xô nói chuyện tại nhà văn hóa, phòng văn nghệ là chủ lực. Tôi được phân công viết 1 bài cho anh hùng Núp đọc trước buổi nói chuyện của Ni Ku Lin. Yêu cầu: Viết ngắn, gon, chữ to, trong 1 trang, viết tay chứ không đánh máy.

Vận dùng hết khả năng nhà trường, tôi viết được bài ấy, trình trưởng phòng, ông duyệt sửa mấy chữ rồi ký nháy, đưa tôi lên báo cáo phó ty. Phó ty lại chê bai sửa chữa một hồi thì sai tôi chép lại và mang trình ông... Núp. Khổ mới lên nào có biết ông Núp ở đâu, mà thú thật là tôi còn nghĩ là... ông Núp chết rồi kia.

Nhờ Hồng Vân, bạn này chỉ chỗ và cho tôi mượn cái xe đạp có cái ghế đèo trẻ con để đi tìm ông Núp. Ơn trời, tìm đến cơ quan mặt trận thì người ta chỉ phòng ông Núp và nói ông đang trong ấy. Tôi rụt rè gõ cửa vào, và... ngạc nhiên chưa, Núp chính là cái ông chiều trước tôi gặp, vẫn nguyên bộ đồ ấy, áo trắng trong, vét ngoài. Áo trắng thì cổ  và tay rất... không trắng, áo vét nhìn kỹ thì rất nhàu, và tất nhiên, hôm qua thằng cháu đái thì tài thánh cũng không khô nếu giặt?

Té ra ông không duyệt diếc gì cả mà ngồi... đánh vần với sự trợ giúp của tôi. Chừng tiếng thì ông đánh vần xong, tôi hỏi ông có cần bổ sung gì không, ông bảo được rồi, mai mình đọc. Nhiệm vụ cao cả của mình coi như xong, và quả là mình cũng... tự hào ngầm lắm.

Hôm sau, tại nhà văn hóa tỉnh, sau giới thiệu của phó ty, ông Núp lên sân khấu, cầm cái giấy tôi viết, đứng nghiêng nghiêng và đọc. Có một người dịch sang tiếng Nga. Rồi ông Ni Ku Lin lên sân khấu ôm hôn ông Núp, rồi ông Núp xuống, tôi xong việc yên tâm ngồi  nghe ông ong Lin nói.

Sau này khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường vào viết cái bút ký về ông, một hôm chúng tôi rủ nhau đi Kon Tum chơi. Mà muốn chơi cho hoành tráng thì phải... rủ ông Núp đi. Chúng tôi đùa gọi ông là pháo, chúng tôi là pháo thủ. Pháo thủ kéo pháo đi... chơi. Thực thì trong thâm tâm chúng tôi cũng... thèm nhậu, kéo ông Núp đi chúng tôi sẽ có cớ nhậu vô tư. Chỉ định lên trường Trung cấp sư phạm, nơi Chử Anh Đào quen ông hiệu trưởng, gạ ông bữa nhậu với danh nghĩa tiếp ông Núp rồi về thôi...

Cũng không nhớ là mượn xe của cơ quan nào để đi, chỉ nhớ khi chúng tôi vào rủ thì ông đồng ý ngay. Ông và vợ ở 1 phòng trong khu tập thể mặt trận, trên bàn có 1 can rượu tổ bố. Một ông cán bộ mặt trận hẹn tôi: Ông cụ không tự chủ được khi được mời, nên các anh phải chịu trách nhiệm can gián và bảo vệ cụ khỏi... bia rượu. Nhưng rồi chúng tôi bị ông già kéo đi tứ tung, đi đâu là... rượu đấy, khi lôi được ông lên xe thì gần như ông đã không biết gì. Nên khi chúng tôi dìu ông về "trả" bị mấy ông mặt trận la oai oái. Nhưng lạ nhất là vợ ông lại chỉ cười cười, chả nói gì...

Chuyến đi ấy đấy


Ông Núp có cái hay là cứ ngồi đâu là ông nói, nói rất nhiều, bất kể người đối diện có nghe hay không, và ông cũng rất vô tâm, kể cả là đi cùng ông về nhà, thì ông cũng chỉ ngồi ôm ghè rượu và nói, bà vợ im lặng ngồi bên, không cần biết khách đi cùng sẽ ăn gì, ngủ ở đâu...

Nên có lần tôi tháp tùng ông Nguyên Ngọc và ông về làng S'tơ của ông rồi về thị trấn Dân Chủ, nơi ngày xưa là chiến khu của cách mạng thời chiến tranh chống Mỹ...

Tôi ghi lại một đoạn về chuyến đi ấy thế này: "Tôi "vinh dự" được gắn liền cơn sốt rét rừng đầu tiên trong đời với nhà văn Nguyên Ngọc và ông Núp khi tháp tùng hai ông về xã Kroong, nơi ngày xưa bộ đội và cán bộ đặt tên là thị trấn Dân Chủ, là đầu não của tỉnh ủy hai tỉnh Gia - Kon trong kháng chiến chống Mỹ, bây giờ thuộc huyện K'bang, Gia Lai. Hồi ấy đi từ Pleiku về đến Kroong mất đúng một ngày. Tối nhọ nhẹ mặt người thì chúng tôi đến nơi, thấy rừng âm u, cây to lừng lững rêu phong chọc trời, lác đác nhà sàn ngơ ngác trong hoàng hôn. Dân làng khiêng đến một chú vàng đãi bác Núp. Chú vàng được quăng uỵch ở sân ủy ban xã mắt cũng ngơ ngác như người... Không có gia vị gì ngoài mấy củ sả rừng và muối. Không ai biết làm gì, trừ tôi. Thế là tôi thành đao phủ và đầu bếp bất đắc dĩ. Bốn tiếng đồng hồ lui hui bên bờ suối với một đống lửa và cây đèn pin, chú cầy đã trở thành một nồi thịt thơm phức trong cái đói cồn cào vì lúc này đã gần mười một giờ đêm. Khi bưng nồi thịt lên thì bác Núp cũng đã ngà ngà say, ông Nguyên Ngọc phải ép ông Núp ăn, vì biết ông đã uống từ trưa không ăn gì, mà từ lúc đến đây đến giờ đã bốn năm tiếng đồng hồ, đã trôi qua mấy ghè rượu, đã nói biết bao nhiêu là chuyện, có những chuyện đã lặp lại đến mấy lần. Tôi làm mồi cho lũ muỗi đói ở chính con suối này và mang mầm sốt rét về nhà, chỉ một tuần sau chuyến đi là tôi sầm sập sốt. Cũng may là hồi ấy Gia Lai đang là trọng điểm sốt rét và bà vợ làm ngành y nên mươi ngày là tôi khỏi, chấm dứt luôn cho đến giờ, tất nhiên cũng phải qua mấy phác đồ điều trị. Cũng hồi ấy, một ông bác sĩ vừa ra trường đã bị chết vì sốt rét làm rúng động bao người mang mầm sốt rét trong người"...

XEM THÊM CHUYỆN ÔNG NÚP VÀ RƯỢU Ở ĐÂY


Không có nhận xét nào: