Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

THI TỘI THI NỢ

Không kể chuyện các cháu đi thi mà trong túi chỉ có vài ba trăm ngàn đồng, vạ vật, không kể chuyện phía sau những đồng tiền nhàu nát đó là lợn, gà, lúa... các loại mà bố mẹ các cháu đứt ruột bán đi để lo cho con "bằng anh bằng em" thì hai câu chuyện dưới đây không thể không khiến chúng ta phải suy nghĩ, phải thở dài, phải ám ảnh...

Câu chuyện thứ nhất là 2 mẹ con từ Thái Nguyên xuống kinh đô dự thi, tất nhiên là mẹ dẫn con đi, nhưng mẹ cũng chưa bao giờ ra khỏi làng. Hành trang mang theo có mấy trăm bạc. Thế quái nào mà mẹ con lạc nhau. Là cũng vì thương con, lẽ ra ngồi ăn cơm bụi cùng mọi người ở cái nhà trọ chung ấy rồi bìu díu nhau mà về, bà này sợ con đói mang cơm về cho con trước. Và... đi lạc. Thế là náo loạn lên. Mẹ thì lao ra cổng trường vật vã ở đấy khóc lên khóc xuống. Con thì đinh ninh mẹ bị... bán sang Trung Quốc, chỉ có 100 ngàn trong túi, đã tiêu hết 80 nghìn xe ôm ra Mỹ Đình, 20 nghìn không đủ mua vé về nhà nên cháu... đi tắc xi, vì về nhà sẽ mượn tiền trả. Tất nhiên rồi cả công an, sinh viên tình nguyện, rất nhiều người tốt bụng xúm vào, 2 mẹ con lại được gặp nhau để tiếp tục thi sau khi con đã cưỡi 2 vòng tắc xi Hà Nội Thái Nguyên và ngược lại. Sau cú sốc ấy, cô bé này mà thi đậu đại học thì quả là một kỳ tài... Và quan trọng hơn, đến bao giờ nhà cháu mới trả hết số tiền mấy triệu "ngoài dự tính" là cưỡi tắc xi 2 vòng ấy?

Câu chuyện thứ 2 là bố từ Khánh Hòa đưa con ra Huế thi, có 10 triệu mang theo (tiền mẹ ở nhà phải vay mượn tứ tung, mang ra thi 2 đợt, phòng thân, về thừa sẽ trả lại), thế quái nào mà lục túi không thấy đâu nữa. Thế là ông bố lên cơn điên. Điên thật sự, phải vào bệnh viện tâm thần, bởi 10 triệu với ai đấy có thể rất nhỏ, nhưng với gia đình ông thì đấy là một gia sản... và vì thế mà trước cái sự khủng khiếp của 10 triệu không biết đi đâu rồi ông đã hoảng loạn và phát điên...

Nước ta vừa trải qua một kỳ thi tốt nghiệp với gần 100% đậu (năm nay đậu có ít hơn các năm trước), tức là một kỳ thi chỉ để chọn ra một số lượng rất ít thí sinh rớt, nhưng tổ chức rất hoành tráng rềnh rang cấp quốc gia. Một kỳ thi mà rất nhiều người đã đề nghị là bỏ, hoặc giao cho các trường phổ thông tự kiểm tra rồi cấp chứng chỉ tốt nghiệp, bởi bản thân cái bằng tốt nghiệp cấp 3 ấy bây giờ chả có giá trị gì, trừ việc để thi vào đại học. 

Và bây giờ là cuộc thi căng thẳng hơn- thi vào đại học, mà lẽ ra có thể giao cho các trường đại học tự chủ để họ tự chọn sinh viên của họ, và họ chịu trách nhiệm với  chất lượng đầu ra của họ, thì cả nước vẫn lao vào một cuộc thi chung đầy bi hài kịch như thế...

Tất nhiên Bộ có quyền không tin các trường khi mà hiện nay, hở ra là các trường đi... liên kết đào tạo để "kiếm nồi cơm" với chất lượng đầu vào rất thấp. Nhưng cũng phải nghĩ lại, là bởi hiện tại thì có gì thì có... bộ chịu. Còn nếu giao cho họ, họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm, và họ sẽ biết làm gì để bảo vệ chính thương hiệu của họ...

Năm nào cũng thế, cứ tháng 6 tháng 7 là cả xã hội lại sôi lên chuyện thi cử, trong khi chất lượng thì vẫn thế, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, mà nếu có tuyển được vào thì phần lớn là phải đào tạo lại...

Nghĩ cho cùng, chúng ta vẫn vì cái bằng chứ chưa thực sự vì chính học vấn, và vì thế mà hành nhau ra bã mỗi khi có dịp... thi...

3 nhận xét:

súng hai nòng nói...

đi đâu cũng bằng cấp ,trong khi trường nghề thì lèo tèo ,

Nặc danh nói...

Tôi đã đọc bài nói về ông bố ở Khánh Hòa đưa con đi thi bị mất tiền và hóa điên, tôi đã khóc vì xót xa, vì thương cảm, ôi những người dân nghèo bao đời nay vẫn khổ!

nguoi mien nui nói...

Tôi là người mạn ngược, it chữ nên không biết là các nước ở đông nam á và các nước trên thế giới họ có tổ chức THI CỬ mỗi năm mấy đợt tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức như ở ta không? Mà sao tôi thấy các cháu vào đại học thì học còn nhàn hơn các cháu học sinh tiểu học? Rồi thì" xin" điểm của Thầy, xin "thi lại" để có điểm đep?Mà ra thường bằng tốt nghiệp bị thiu thối, rất ít cháu xin được việc? Sao vậy ta?