Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

MỘT CHUYẾN ĐI VẶT- phần 2

Đất Lào mênh mông mà rất ít người. Nhà cửa sơ sài, chủ yếu là nhà sàn loi thoi trên thảo nguyên, nhưng có hai thứ hay xuất hiện trước những ngôi nhà ấy, ấy là một cái chảo to đùng để bắt tivi và một cái ô tô bán tải, của Nhật hẳn hoi, thường là Toyota. Xe ở đây nghe nói cực rẻ, đường lại vắng, tốt và không bị bắn tốc độ, rất ít thấy cảnh sát. Sang Thái Lan thì thấy xe ô tô còn nhiều hơn nữa, đến nỗi đường trong phố luôn kẻ bốn làn, hai làn ở giữa dành cho xe chạy và hai làn sát vỉa hè dành cho xe đậu. Xe đậu dằng dặc đến nỗi một trong những băn khoăn của người Thái bây giờ là làm sao để cho người dân mua xe chạy chứ đừng mua xe để nằm. Khi sang Việt Nam, xe ô tô bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nên nó trở thành một thứ hàng cao vòi vọi. Chắc là nhà nước ta cũng phải tính toán rất kỹ để vừa thu được thuế mà lại đỡ được hậu quả tai nạn giao thông. Đã đến vậy mà xe biển trắng ở Việt Nam rất nhiều, chứng tỏ dân ta nhiều người rất giàu...
Phế tích Wat Phou, tiền Ăng Ko của Lào, di sản Văn hóa thế giới

 

            Ở U Bon có rất nhiều người thờ hoặc giữ các kỷ vật về Bác Hồ. Ông Bôn có một cuốn album chỉ sưu tầm ảnh Bác Hồ, hàng trăm bức ở mọi thời kỳ, từ tấm ảnh thuở bác phụ bếp trên tàu La tu sơ tơ rê vi lơ đến ảnh ở đại hội Tua, từ ảnh bác tát nước đến ảnh lễ tang Bác... trong đó có một bức lần đầu tiên tôi thấy, ấy là bức ảnh bác Hồ trong vai nhà sư thời bác hoạt động ở Thái Lan. Nhà báo Đặng Ngọc Khoa ở báo Thanh Niên khi biết tôi đang ở Thái đã mail cho tôi một vài địa chỉ người Việt, trong đó anh nhắn: "Nhà anh Quỳ ở Muk có thờ Bác Hồ, vợ bán ngoài chợ. Anh Quỳ hát nhạc VN rất hay, nhiệt tình. Ra chợ Đông Dương, ông nhớ tìm mấy người Việt. Có một anh chàng có ba ở gánh xiếc ngày xưa. Tôi bị mất tài liệu nên không viết được. Hỏi ra, nhiều chuyện hay lắm đấy. Để tôi post cái ảnh ra cho ông dễ tìm nhé". Tôi đã không tìm được anh Quỳ ở giữa cái chợ mà có rất đông người nói tiếng Việt ấy. Thấy chúng tôi nói tiếng Việt họ đồng loạt nói tiếng Việt, và vì thế mà chúng tôi chỉ đành đứng lại nói chuyện với bà con. Rất ngạc nhiên là nhiều người nhớ quê mình rất lõm bõm dù họ cũng đã từng về theo đường... du lịch. Ông Bôn kể: Cách về Việt Nam dễ nhất là thuê xe Lào để chạy. Xe Việt Nam chưa chạy thẳng sang Thái được và ngược lại. Hôm chúng tôi đi, xe dừng ở biên giới Pak Sế U Bon, xe Thái đón chúng tôi sau đó đưa đến Muk Đa han để chúng tôi nhập cảnh Lào bằng đường Sa Vẳn, xe Việt Nam lại chạy không lên đấy đón. Vậy nên cách tốt nhất là thuê xe biển số Lào vì xe Lào chạy được cả sang Thái và Việt Nam. Điều ấy cũng lý giải tại sao đôi khi ta thấy có xe biển số Lào chạy trên đường. Mà thêm nữa, ở Thái Lan chạy xe tay lái nghịch, nên có cho phép nhập cảnh cũng chả chạy được ở Việt Nam. Ông Bôn còn hí hửng khoe: Mà sang Việt Nam có nhiều cảnh sát giao thông, mình lái xe Lào phạm luật xuống xin đều được thông cảm. Có điều đường và các quán ăn dọc đường Việt Nam mất vệ sinh quá? Ấy thế nhưng hôm ngủ ở Nevada hotel (thành phố U Bon) thì cái khách sạn này lại có... gián, trong lúc chờ xe ở sảnh khách sạn, anh bạn đồng nghiệp bày trò chơi với... gián, bằng cách dùng giày gom chúng vào một vòng tròn trước mắt mấy nhân viên lễ tân. Đây là điều khá lạ, vì tôi thấy ở Thái việc vệ sinh và bảo vệ môi trường rất nghiêm ngắt. Các gạt tàn thuốc công cộng rất nhiều, từ bằng inox, tôn như ta thường thấy ở các sân bay, khách sạn, cho đến bằng mây tre... nhưng có điểm chung là đều được đổ cát vào để dụi tàn. Sang Bằng Tường, tôi thấy các nhà vệ sinh đều... mất vệ sinh như ở Việt Nam, nhưng ở Thái thì khác, như lau như li vì nó còn là nơi cho các chàng hút thuốc vào đấy mà... nhả khói.



Cái "gạt tàn" này được đặt trên đường xuống thác

            Hôm ở U Bon, HDV đưa các "quý khách" vào siêu thị xịn, chả ông nào chịu mua đồ, dù khi vào đất Thái, việc đầu tiên là xe đưa mọi người vào ngân hàng gặp các em xinh như mộng và lịch sự như tây đổi tiền. Anh nào cũng bọc theo dăm ba trăm, thậm chí cả nghìn đô la, đến đây anh ít thì đổi một trăm, nhiều thì mấy trăm đô la ra bạt. Thế nhưng khi xe chở mọi người ra cầu Hữu Nghị, cây cầu của người Nhật xây, là cửa khẩu giữa Thái và Lào để gút bai Thái, dừng lại ở một trạm xăng cho khách giải quyết nhu cấu thì tất cả lại... hăm hở mua hàng. Các trạm xăng ở Thái đều là một tổ hợp liên hoàn xăng, vệ sinh, ăn uống, nghỉ ngơi, siêu thị... Dù HDV cảnh báo mua ở đây sẽ đắt hơn siêu thị trung tâm nhưng chả ai chần chừ. Lý do thừa tiền bạt mang về làm gì, đổi lại đằng nào cũng lỗ. Có ông mua... năm chục hộp kem colgate, ông vài chục dầu gội đầu, dầu xả... toàn thứ ở Việt Nam ê hề. Có ông biết chắc chắn mua về sẽ bị vợ... la mà vẫn mua. Để thấy cái giỏi moi tiền của người Thái.




            Người ta thường đồn là đã đi Thái là phải... Sex. Chị vợ anh bạn tôi cũng có một chuyến đi Thái, về kể gần một tháng mới hết chuyện kỳ lạ mà chị thấy trong một lần mua vé vào một khu hộp đêm. Nói luôn là chị này rất nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc, cổ hủ, nhưng đã đến Pattaya thì vào đấy là đương nhiên. Chị vô cùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao mà "nó" lại làm được nhiều việc kinh hoàng như thế? Thế nhưng chả hiểu sao suốt một tuần ở các đô thị Lào và Thái chúng tôi... chả thấy gì cả. Thôi Lào thì không nói làm gì, vì nó hoạt động bí mật như ở Việt Nam, nhưng ở U Bon, nơi ngày xưa người Mỹ nhiều như nấm, bây giờ là một trong mấy thành phố lớn của Thái, chúng tôi chả thấy một tên Sex nào, dù tôi thấy vài anh trong đoàn cũng có ý... tìm hiểu. Khách sạn chúng tôi ở, Nevada hotel, được giới thiệu là lớn nhất U Bon, quây gần kín cả bốn mặt của khu phố trung tâm ấy, là một tổ hợp gồm cả siêu thị, khu vui chơi giải trí, sàn nhảy, máy đánh bạc và khu mát xa. Hỏi thì bảo là vật lý trị liệu thứ thiệt, không có chuyện giăng sao gì. Và thấy nó hun hút chui vào một khu cầu thang có vẻ "hoạt động bí mật" lắm nên quân ta ngại, chẳng anh nào dám vào, vì không biết tiếng, vào bảo đầu nó lại tưởng lưng thì khốn. Thêm nữa quả thực, lúc ngồi chờ xe đưa đi ăn cơm, thấy các em "mát xa viên" đổi ca, trông thua cả đồ nhà nên chả anh nào hứng... khám phá. Con gái Lào và Thái không đẹp như ta tưởng. Đen và lùn, và... béo và có vẻ lam lũ. Lúc lên tháp Hor Kaew cao 65 mét để ngắm toàn bộ thành phố Muk Đa Han phải bỏ toàn bộ dép giày để lên thang máy, tôi vô tình chụp được mấy... bàn chân của thiếu nữ Thái. Nó như chân của người quen đi đất, quen làm ruộng chứ không phải đi dép từ nhỏ? Thế nên tư duy sang Thái, Sex "chạy" đầy đường là không chuẩn. Họ quy hoạch hẳn hoi, vào một khu như pattaya chẳng hạn, đóng thuế hẳn hoi, bảo hiểm hẳn hoi, kiểm tra y tế thường xuyên... con người ngẩng cao đầu mà làm việc chứ không lén lén lút lút rồi bị bắt bớ như ở ta, các bố đàn ông Thái gần đấy đố dám bén mảng. Còn các khu khác, chay tịnh nhé, trong sạch nhé, nghiêm túc nhé... Bên ta nói là cấm, nhưng ngõ ngách hang hốc nào cũng có, đông như quân... Nguyên, chả ai quản lý, chả kiểm tra bệnh tật, rất mất trật tự trị an và an toàn xã hội, đàn ông ra khỏi nhà là chả biết đi đâu, thế nên mới nhất mới có vụ bà chánh án đánh ghen gái bia ôm nổi tiếng ở Bình Phước. Ngay bà vợ tôi cũng nghe nói về Thái khiếp lắm, thấy tôi về hỏi ngay: Có "suy suyển" gì không? Một số bloggers bạn bè cũng vào comment chúc... vui vẻ, có anh còn cẩn thận nhắc... bảo trọng. Khổ, như đã kể thì dẫu có tà tâm muốn... đổi gió cũng chả có chứ lấy đâu mà... đầy đường, mà suy suyển?



                                          Bàn chân thiếu nữ Thái và Đêm U Bon

            Mới đây xem tivi thấy đưa tin bãi đá cổ Sa Pa đã không còn... cổ, bởi bên cạnh những hình vẽ chữ viết bí ẩn của người tiền sử hàng mấy nghìn năm đã xuất hiện rất nhiều chạm trổ của thanh niên thời nay như một sự... lưu danh thiên cổ vì sợ danh mình không ai biết. Ở Muk Đa Han cũng có một khu còn cổ hơn ở Sa Pa là vườn quốc gia Pha Taim, nơi có một cái hang lộ thiên trên ấy còn lưu những hình vẽ của người tiền sử cách đây chừng ba bốn nghìn năm. Nườm nượp người đi rồi đến mà chả thấy ai "lưu danh" như người Việt ta cả. Hết sức tự giác từ chuyện thả một đầu mẩu thuốc lá cho đến cái bã kẹo cao su. Nếu có một ai đó vất một cái vỏ chai nhựa nằm tềnh hênh đâu đó thì chắc là... quân ta thôi. Nói chuyện ấy lại thấy kinh cái chuyện dân ta hút thuốc rồi gẩy tàn lung tung, bất cứ chỗ nào cũng phòng hút thuốc, cũng là cái gạt tàn khổng lồ cho họ. Mà phàm đã hút thuốc thì hôi mồm nên hay khạc nhổ. Đang ngồi ô tô, hạ kính xuống, choẹt. Đi xe máy, nghiêng đầu sang, choẹt. Ngồi làm việc, choẹt... kinh khiếp vô cùng.



                     Với TBT Báo GIa Lai. Từ đây xuống hang có hình vẽ của tiền nhân là 150m. Sau lưng là sông Mê Kông, bên kia là đất Lào.








            Sang U Bon thể nào cũng được giới thiệu đến thăm khu phố giò chả của người Việt, như một sự vinh dự tự hào. Mà tự hào thật. Nguyên cái chuyện thế nào cũng gặp một ông chủ bà chủ béo múp míp, nói tiếng Việt phe phé, tay bắt mặt mừng và mời nếm giò chả là tự hào rồi. Chưa hết, mỗi nhà như thế có vài chú người Thái làm thuê, làm chăm chỉ và cần mẫn lắm, đúng nghĩa làm thuê. Mấy chú người Việt "vượt biên" từ bên nhà sang làm thuê nhưng vẫn có tư thế... ông chủ, nói cười trêu chọc nhau, còn mấy người Thái bản địa thì cắm cúi làm, thậm chí bảo ngẩng mặt lên chụp ảnh cái cũng không, phải bà chủ ra lệnh mới thực hiện miễn cưỡng. Đoàn chúng tôi có đến hơn một nửa mua giò chả, thịt bò khô từ đây mang về, cứ làm như các hàng giò chả Việt Nam biến đâu hết, làng Ước Lễ đình công hết...


       
      Ông chủ giò chả người Việt và các "Ô Sin" người Thái

            Rồi cũng phải về, nhoáy cái đã hết tuần. Tiền vẫn chật túi. Cây cầu Hữu Nghị do người Nhật làm bắc qua sông Mê Kông là cửa khẩu Thái Lào. Làm thủ tục từ bên này rồi lên xe Thái sang bên Sa Van Na Khẹt đổi xe. Có một tuyến xe buyt chạy nối hai cửa khẩu qua cầu Hữu Nghị này. So sánh thì khập khiễng, nhưng quả thực là cửa khẩu Thái hoành tráng hơn, thao tác thủ tục cũng nhanh hơn. Bên Lào rất đơn sơ và rất chậm, vì chủ yếu làm bằng tay, thậm chí khách không có bàn hoặc một cái gì tương tự để kê giấy khai. Đã thế còn... vòi vĩnh. Giá vé ghi xe qua cửa khẩu năm mươi nghìn kip, họ lấy bảy chục, không thì... không qua. Làm gì nhau. Cửa khẩu Việt Nam cũng oách ngang Thái Lan, tất cả làm bằng máy, nhanh và gọn. Nói điều này với một người bạn, anh ta trề môi: Thế mà cũng so sánh. Tôi cũng chả hiểu anh ta nói như thế là thế nào?...

Cái nhà hàng nổi trên sông Mê Kông, thành phố Muk Đa Han đã ở sau lưng.

Không có nhận xét nào: