Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

MỘT KHÚC HUẾ 2004

Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ/ Những thằng thi sĩ còn kỳ ly hơn...

Ngồi lục tài liệu, thấy một bài viết về Festival Huế 2004, đọc lại hai câu thơ của ông Bùi Giáng mà phì cười, đọc lại một số đoạn thấy cũng thú vị, thì trích ra đây khúc cuối...


 More...
         

...Huế trầm lắng ngay cả khi... các nhà thơ gặp nhau. Các ông to mồm ở đâu chả biết, về đây cứ im thít, trịnh trọng hẳn. Hình như cái tâm thế Huế nó tạo ra không khí ấy. Cuộc hội thảo mà ban tổ chức gọi khiêm tốn là "Diễn đàn thơ" diễn ra trong không khí trịnh trọng và nghi lễ, mang tính học thuật khá cao. Các nhà văn nhà thơ đọc tham luận và phát biểu gồm có: Ðỗ Kim Cuông (Vụ trưởng vụ văn nghệ, ban tư tưởng Văn hoá Trung ương), Hồ Thế Hà,  Nguyễn Trọng Tạo, Văn Công Hùng, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thành Nghị, Thạch Quỳ, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Thái Sơn, Mạnh Lê... Các tham luận từ những vấn đề của thơ miền Trung, hướng ra diện mạo chung của thơ cả nước, và những vấn đề về bản chất của thơ hôm nay. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trưởng ban biên tập báo Thơ, người Nghệ An nhưng ở Huế gần 20 năm, vừa chuyển ra Hà Nội nói rằng khi làm báo Thơ ông cố gắng chú ý tính vùng miền, nhưng đến khi chọn xong thì té ra tác giả lại toàn là dân... miền Trung, miền Bắc, dù địa chỉ là miền Nam, Tây Nguyên hoặc là vùng nào đó trong cả nước. Nhà thơ Hồ Thế Hà chú ý đến những chuyển động phía sau thơ và tìm những quy luật vận động của nó. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lại dùng lý thuyết tiếp nhận để tiếp cận thơ từ phía những người sáng tác trẻ. Nhà thơ Mạnh Lê nhìn lại hai nhà thơ xứ Thanh là Trần Mai Ninh và Hữu Loan. Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị từ góc độ phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhìn thơ miền Trung trong dòng chảy chung của thơ cả nước... Nhìn chung các tham luận và phát biểu tại diễn đàn thơ phong phú và thẳng thắn. Hai đêm thơ tại trường quay của trung tâm Truyền hình Huế và trung tâm sách Phú Xuân diễn ra khá ấn tượng và hoành tráng trước nhiều tầng lớp cử tọa yêu thơ thành phố Huế. Các nhà thơ Lê Thành Nghị, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Bình Phương, Công Nam, Thạch Quỳ, Mạnh Lê, Nguyễn Ngọc Phú, Hồ Thế Hà, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vĩnh Nguyên, Ngô Minh, Trần Hoàng Phố, Nguyễn Quang Hà, Hồng Nhu... lần lượt lên đọc thơ và giao lưu với khán giả.


          Có nhiều chuyện vui bên lề Festival này. Ví như đây là đôi câu đối được ra đời bởi công chính của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch hôm đi thăm suối nước nóng Thanh Tân, một khu du lịch rất tuyệt vời: Từ mặt, từ trần, Từ Nguyên Tĩnh/ Phạm phòng, phạm pháp, Phạm Xuân Nguyên. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đến từ Hà Nội rất bất ngờ và thích thú, nhưng anh phát hiện là như thế sẽ có 2 chữ Nguyên lặp nhau. Tên của anh trùng với họ nhà văn Từ Nguyên Tĩnh. Tôi nghĩ ngay đến ông bạn của mình, nhà phê bình văn học, giảng viên đại học Huế đồng thời cũng là nhà báo Phạm Phú Phong. Thế là vế sau được đổi thành: Phạm phòng phạm pháp Phạm  Phú Phong. Năm chữ Ph đi liền nhau trong một vế đối 5 từ thì quả là đắc địa.


          Có hai cuộc chiêu đãi ấn tượng mang đậm sắc thái Huế, là cuộc do tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế tổ chức tại khách sạn Hương Giang, có bánh, có chè... và cuộc cơm muối tại nhà vườn ý Thảo của chủ nhân Nguyễn Xuân Hoa. Nhà vườn của ông nằm trong hệ thống tour du lịch của Huế. Ông Hoa chính là giám đốc sở Văn Hoá Thông Tin Thừa Thiên Huế, phó ban thường trực tổ chức Festival Huế và vợ ông là bà Cúc, thư ký toà soạn Tạp chí Sông Hương. Cả trăm thực khách đã ồ lên khi trông thấy thực đơn mà người phục vụ đưa ra và ai cũng muốn giữ một tờ làm kỷ niệm và phục vụ... nghề nghiệp của mình (vì đều là nhà thơ, nhà báo). Bà Cúc lại phải in thêm phát cho mọi người. Thực đơn như sau: 1/ Muối tiêu. 2/ Muối trắng. 3/ Muối mè. 4/ Muối ớt tươi. 5/ Hành muối. 6/ Kiệu muối. 7/ Muối đậu. 8/ Muối sả. 9/ Muối tôm. 10/ Dưa muối. 11/ Cá rô um muối. 12/ Muối ớt bột. Mười hai món muối khi ăn được diễn dịch như thế này: Tôm hấp dừa chấm muối tiêu. Cháo hoa ăn muối trắng. Sắn luộc chấm muối mè. Thịt nướng chấm muối ớt tươi ăn kèm hành và kiệu muối. Cơm nắm mo cau chấm muối đậu. Cơm gạo tám ăn với ruốc tôm... Chao ơi là Huế. Thanh cảnh mà phức tạp, tự tin mà giữ gìn, kiệm mà sang, kỹ càng, chỉn chu, đằm sâu đến... nghi ngại.


           Ông Bùi Giáng là người Quảng Nam nhưng có nhiều câu để đời về Huế, trong đó có hai câu nổi tiếng: Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ Sông Hương. Ra Huế lần này, tôi đọc thêm được mấy câu của ông như sau:  Chiến tranh nghĩ cũng ly kỳ/ Những thằng thi sĩ còn kỳ ly hơn... Ðấy là hai câu kết trong bài "Huế làm thơ" của ông. Tôi cũng là nhà thơ xứ Huế, chả biết có kỳ ly được như tiên sinh nói không?... 
DSCN3681.jpg

1 nhận xét:

Văn Công Hùng nói...

Một bạn vừa mail cho tôi đính chính nhà thơ Bùi Giáng không phải quê Hội An. Huhu quá đúng, sao tôi lại lú thế nhỉ?
Cái mail ấy như vầy:
thuy thuydienquang@gmail.com

08:29 (46 phút trước)

tới tôi
Em xin lỗi, em vừ đọc
MỘT KHÚC HUẾ 2004
Anh Hùng ơi,không biết em có nhầm không, nhưng nhà thơ Bùi Giáng không phải người Hội An. Ông người Vĩnh Trinh huyện Duy Xuyên, QN.