Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

ĐÒN VĂN CHƯƠNG 2

Sau "Đòn văn chương 1" có 2 ý kiến nhắn cho tôi qua mail: một là cái ảnh hồi trẻ... đẹp, hehe. Và hai là bao giờ post tiếp theo. Thì đây, nó đây:


Kỳ 1 lấy tên là đòn văn hơi kinh, thực ra mình chỉ ghi lại những kỷ niệm vui buồn của mình và một số bạn bè văn chương mà mình gặp, nên kỳ này lấy tên là CHUYỆN VUI VỀ NHỮNG BÀI THƠ DỞ. Xin cám ơn các anh chị và các bạn đã đọc kỳ một. Đặc biệt cám ơn những bạn bè một thời, đã cưu mang và giúp đỡ tôi những ngày khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần...
 
    Đọc lại những bài thơ hồi đầu quả là cũng thấy nó ngô nghê. Ngô nghê hoặc dở chứ không phản động. Mình không bao giờ phản động, dứt khoát thế. Với đất nước này, dân tộc này mình không bao giờ phản bội. Yêu đến tận cùng, trung thành đến tận cùng và xả thân đến tận cùng. Ông bà bố mẹ mình đã đổ máu xương cho nó, vì nó thì làm sao mình lại có thể nghĩ khác, làm khác. Dù sao mình vẫn tự hào là dân cách mạng nòi. Thế mà sau khi ra trường, bị rất nhiều ông cách mạng nửa mùa dạy dỗ, đe nẹt, dọa dẫm, lên lớp... chỉ vì mình không phải là... Đảng viên (tất nhiên cũng có thể còn nhiều lý do khác nữa).
        Lên Pleiku mấy năm mình làm bài thơ "Không đề" và in ở Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai Kon Tum đâu khoảng năm tám hai tám ba gì đó. Nó như thế này: Tờ lịch mỏng rụng xuống- một ngày/ Trục thời gian thêm một vòng trái đất/ Ta loay hoay tìm câu thơ vừa mất/ Tóc trên đầu thêm một sợi chia đôi. Hồi ấy thơ ca là cứ phơi phới ngợi ca dù là đói meo râu và meo... nhiều thứ khác. Đại loại đây là thơ anh LNT, sau này là TKTS báo Thanh Niên: Mùa khô Gia Lai mùa khô/ cánh đồng An Phú bây giờ rất xanh. Thơ ông Xuân Diệu: Cám ơn vợ chồng anh giáo Huế/ đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai- hoặc: Đẹp úi chu cha hồ Đắc Ui...
        Một hôm báo Gia Lai Kon Tum mời họp cộng tác viên. Cái ông TBT hồi ấy rất ghét mình. Mình biết. Ông này hay nói xấu mình với lãnh đạo. Mà hồi ấy cái tội nặng nhất là tội tư tưởng, cứ kết tội tư tưởng có vấn đề là ôi xương tan máu rơi. Một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế loan truyền: Thằng ấy có vấn đề về tư tưởng, lại ngông nghênh, rượu chè be bét là... xong. Với tư cách chủ tịch Hội Nhà báo ông cương quyết không kết nạp mình vào hội. Có lần ông này đi vắng, ông phó ở nhà ký quyết định kết nạp mình, rồi làm lễ kết nạp, quay tivi- (hồi ấy tivi phát một tuần ba tối đen trắng, mỗi tối 5 phút tin và tiếng rưỡi phim truyện. Được lên tivi là rất oách. Có cuộc họp mấy tay tivi (một máy quay nhưng gần chục anh đi theo: cuộn dây, cầm đèn, khiêng máy, micro cột vào một cành tre và một anh nữa phải cầm...) hướng ống kính vào một đồng chí lãnh đạo, đồng chí này xua tay bảo: Ưu tiên quay cho anh em cơ sở. Hihi, nói thế nhưng vẫn đổi thế ngồi, nghiêm trang ngay ngắn tay bút tay sổ đăm đắm suy tư nhìn lên sân khấu)- Thế mà ông này về bắt hủy toàn bộ quyết định dù tivi đã phát, mình đã được thấy mình cười toe toét trên màn hình đen trắng hạt sạn to như... nắm tay. Trở lại cuộc họp CTV kia, mình trong sáng vô tư đến họp, thấy cả trăm người ngồi kín hội trường. Sau khi ông TBT lên nói mấy câu kính thưa kính gửi xong rồi mời các đồng chí lãnh đạo và CTV đóng góp cho báo thì ông TM, trưởng ban nghiên cứu sử đứng dậy phát biểu. Nhớ là hồi ấy người tốt nghiệp đại học rất ít nên bác này đi đâu cũng khoe mình là cử nhân. Bác này lên là nói luôn: Vừa qua có một bài thơ rất lệch lạc xuất hiện ở Tạp chí VNGLKT, ấy là bài "không đề" của một anh chàng nào đó mới xuất hiện ở Pleiku. Tôi biết là tác giả này còn rất trẻ, mới ra trường mà sao lại bi quan thế. Chủ nghĩa xã hội đang được xây dựng ầm ầm mà anh ta chỉ ngồi trong phòng loay hoay tìm câu thơ vừa mất, không chịu xuống cơ sở, không chịu chan hòa vào đời sống, vào khí thế đại công trường xây dựng náo nhiệt. Tại sao câu thơ lại mất. Rõ ràng anh ta ám chỉ chế độ cũ và anh ta luyến tiếc nó... hehehe, bây giờ thì cười chứ hồi ấy tôi té... re. Ngồi im và ngạc nhiên, tôi quan sát mọi người: Mặt ai cũng nghiêm trọng. Thì ra đây là một cuộc đã được chuẩn bị trước. Ông phó ty cũ của tôi nhắc ở phần trước, ngồi nghiêm trọng ghi chép và phát biểu thứ nhì, vô cùng gay gắt. Ông dẫn chứng Bielinxki, Kák Mac, Hoàng Xuân Nhị, Đình Quang, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nam Mộc, Hà Xuân Trường... búa xua bùa xùa để chứng minh bài thơ này rơi vào siêu hình, tắc tị, có tư tưởng bi quan, thậm chí là chống lại, trước việc chúng ta đang tấp nập hồ hởi xây dựng chủ nghĩa xã hội, rất có hại cho công chúng. Bác này mỗi khi phát biểu lại chọn một ông để học cùng, ví dụ bảo: Thầy tôi, GS Hoàng Xuân Nhị bảo- tức là ông có học đại học tổng hợp Hà Nội. Bạn học tôi, GS TS Đình Quang nhận định (tức là ông có học đại học sân khấu)... sau tôi tìm hiểu thì ra bố chả học gì cả, nói đúng ra bố học trung cấp cầu đường. Thì đã bảo hồi ấy đại học ít lắm, nên in cạc vi sit bao giờ cũng có hàng học vấn, thường là: Hoàng Văn Tèo, cử nhân khoa học lịch sử (thêm chữ khoa học cho oách), chuyên viên xyz...
        Khoảng bốn năm ý kiến choang choang như thế thì giải lao, chả thấy ai nhắc đến báo GLKT dù hôm nay báo này mời họp CTV, và ông TBT cũng chả ngắt lời ai để hướng họ phát biểu về báo mình. Nhưng một điều lạ nữa là... không ai nhắc đến tên tác giả dù hắn đang ngồi lù lù ở hàng ghế thứ 2, nên chắc chỉ một ít người biết bài thơ ấy là của tôi, còn lại đều nghĩ là tên "phản động" ấy đang lẩn quất đâu đó chứ không có mặt trong hội trường này. Khi giải lao, một phóng viên thì thào với tôi sau khi đã ngó quanh (hầu như không ai dám đứng cạnh tôi): Tí anh có phát biểu phản hồi không? Tôi nói: Không, vì hôm nay là họp CTV báo Gia Lai  Kon Tum chứ có phải họp phê bình thơ tôi đâu, với lại tớ có thấy nhắc tên tớ đâu. Sau đấy tôi tiếp tục vào, ngồi đúng chỗ cũ, bây giờ đã ít người ngồi xung quanh hơn lúc nãy. Thực ra những người dự họp ấy họ rất tốt, hiểu vấn đề và ủng hộ tôi, thương tôi, nhưng không khí hồi ấy nó thế. Tham nhũng hối lộ tham ô ăn cắp đã nhan nhản rồi, nhưng đố anh nào dám nói ra, anh nào cũng nói dối. Nghĩ một đằng nói một nẻo, nên anh nào nói thật là ăn đòn...
        Một thời gian sau lại một bài thơ nữa dính đòn. Nó như thế này:

Em về suối đá đường mưa
Áo trắng thế đến bao giờ cho khô

Bâng quơ là chiếc đồng hồ
Vô tư quay giữa bốn bề đời sông
Anh đền áo cũ được không
Vu vơ hát giữa mênh mông bến bờ

Đêm về thức với cơn mơ
Áo trắng thế đến bao giờ cho khô...
                        (Suối đá)
        Muốn biết bài thơ trên bị đánh thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ...

7 nhận xét:

hèn đại nhân nói...

Những năm đầu của thời kỳ sau 75, nhớ lại quả là kinh khủng. Bên văn chương bác họ "choảng" nhau như thế, cánh phó thường dân chúng tôi cũng lao đao lận đận với cái kiểu qui chiếu mọi sự theo ý thức hệ cực đoan . Dạo ấy, má tôi là công nhân trong xí nghiệp bánh kẹo địa phương. Trong nhà đã bán sạch đồ đạc nhưng không biết sao còn chừa một cái tủ lạnh nhỏ xíu của Mỹ . Thỉnh thoảng má tôi bày đặt nấu chè cháo ủ lạnh cho tụi tôi ăn. Có lần, bà công đoàn nơi má tôi làm ghé nhà chơi, đúng lúc má tôi đang nấu rau câu bỏ tủ lạnh. Bà này quan sát thấy, chẳng nói gì. Nhưng hôm sau, xí nghiệp bánh kẹo tổ chức cuộc họp phê phán nhà tôi sống theo tư bản vì còn xài...tủ lạnh (?). Thế là má tôi nổi giận và vài ngày sau xin nghĩ việc ngay. Đừng tưởng những cái đầu ý thức hệ ấu trĩ, máy móc ấy đã tan biến theo thời cuộc mới. Chúng vẫn tồn tại đến ngày nay song biến tướng sang dạng khác, hiện đại hơn và đáng sợ không thua gì ngày xưa.

Tien nói...

Bác Văn Công Hùng đúng là nhà thơ . .. nghiện "dính đòn"

Phùng Hoàng Anh nói...

Bác bị đòn có để lại sẹo không ?

bimbim nói...

Em xin hỏi, bác tính đến nay được bao nhiêu tuổi Đảng rồi ?
Khi quay vào họp thấy một mình một ghế, không còn quần chúng cách mạng bên cạnh nữa chắc bác hãi lăm nhỉ?
Còn cái ông phó ty phí to cũng là ngươì uyên bác đấy chứ, đông tây đông ta đều biết.

bimbim nói...

Em xin hỏi, bác tính đến nay được bao nhiêu tuổi Đảng rồi ?
Khi quay vào họp thấy một mình một ghế, không còn quần chúng cách mạng bên cạnh nữa chắc bác hãi lăm nhỉ?
Còn cái ông phó ty phí to cũng là ngươì uyên bác đấy chứ, đông tây đông ta đều biết.

Nặc danh nói...

Tôi thấy những câu thơ ấy của anh Hùng vẫn hay,chẳng có gì là ngô nghê hoặc dở hết.
Khi người ta sợ trách nhiệm và thiếu lòng tin thì hay cảnh giác.Nếu ganh ghét,trù úm nữa thì... cấp dưới sẽ chịu đòn thôi.
Ở Séc,tôi có gửi cho 1 tờ báo mạng bài thơ "Ấn tượng Praha".Ngoài những cảm xúc được chiêm ngưỡng Thành phố từ trên đồi cao lúc mặt trời lên,với hàng trăm ngọn tháp rực vàng dưới nắng,với cầu Tình,sông Vltava,với tòa Dancing House (Nhà hình cô gái đang nhảy)v..v..tôi ấn tượng nhất là việc du khách được tự do đến thăm dinh Tổng thống(Tôi lấy hình ảnh ấy làm câu kết).Nhưng khi thơ đăng thì 2 câu nói về ấn tượng đó bị cắt (TBT gửi email nói "lúc này ca ngợi sự tự do như thế chưa nên,dù đó sự mong muốn của mọi quốc gia và cả của ta".Nó thế này:
"Và bạn ơi!
Khi cả chục ngàn người mỗi ngày,tự do ra vào Dinh Tổng Thống-
Ngần ấy thôi,chưa đáng ngạc nhiên sao?"
hề hề..Còm dài quá.Không sao nếu không đăng.Chúc vui!

TU DO nói...

Anh Hung oi!Xa hoi Viet Nam minh no the.Thuong la thang ngu, hen thi len lam lanh dao,nen nhung nhuoi khang khai nhu anh bi don la phai thoi.