Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

NGƯỜI ĐI CHÂN TRẦN VỀ PHỐ...

Đúng hẹn, hôm nay xin mời các bạn xem chân dung Võ Thị Hảo qua con mắt của... tôi. Bài này viết hơi lâu rồi, có thể một vài thông tin đã cũ, nhưng bảo đảm không sai...
Không chỉ thế, còn xin khuyến mãi mấy cải ảnh hoa hậu Võ Thị Hảo.




             Ra Hà Nội, gặp nhà văn Võ Thị Hảo khá dễ để nhận ra chị. Ấy là người đàn bà rất thích trang sức bằng... nhiều màu sắc. Chị có thể chơi những bộ đồ với những gam màu khá chói chang hoặc đối nghịch đi lang thang khắp phố. Có lần chị đã nửa đùa nửa nghịch trả lời phỏng vấn, in trên báo hẳn hoi: Bầy choa là nhà quê, cứ thấy cái chi xanh xanh đỏ đỏ là bầy choa thích. Và vừa rồi lại định làm hẳn một cuốn sách về bạn bè trường cũ ở Hà Nội nhan đề: Những người đi chân đất ra phố.
          Tháng trước tôi ra Hà Nội, và đã… suýt ngất vì ngạc nhiên khi Võ Thị Hảo tự tay lái một con bốn chỗ lướt đến, mà chỗ tôi ở khu Quảng Bá đường rất ngoằn ngoèo. Kinh hãi là bởi tôi đã chứng kiến Hảo đi… xe máy. Cái xe khô rang nhớt và các thứ cần vững chắc thì nó đã long xòng xọc, và hầu như ngày nào chị cũng “được” CSGT quan tâm vì nếu không đi vào đường một chiều thì cũng rẽ trái không đúng, không vượt đèn đỏ thì cũng sang đường sai… không phải chị ẩu mà là chị không để ý. Thế mà bây giờ hiên ngang một con xe mới khự thì quả là một cuộc “lột xác” kỳ lạ. Cũng như đã chơi với chị, biết cái tính lơ ngơ lóng ngóng của chị giữa cuộc đời này mà lại nghe tin chị mở công ty Võ Thị để… kinh doanh sách của chính mình, thì là bạn chị, dứt khoát phải hồi hộp lo âu rồi?...
          Sinh ra ở một làng quê nghèo xứ Nghệ, tuổi thơ của Võ Thị Hảo là những con đường đầy rơm và những con mèo. Thực ra hồi ấy nghèo, rơm rạ trên đường làng đâu có nhiều như bây giờ, nhưng đấy đã là một thế giới cổ tích của chị. Chị chạy nhảy, chị trốn tìm, chui vào rơm rạ, trồng cây chuối trên rơm rạ, cùng những chú mèo bè bạn, chị thả hồn vào cõi riêng của mình. Rồi ra Hà Nội học đại học, rồi về nhà xuất bản Văn hoá dân tộc làm biên tập, lang thang đi... Tây để làm sách. Tây ở đây là những Tây Nguyên, Tây Bắc... rồi phát tiết ra... viết văn. Đến bây giờ thì chị đã trở thành một nhà văn "đinh" của nền văn chương đương đại Việt Nam với nhiều tập sách, nhiều giải thưởng văn học. Rồi một thời nghề chính của chị lại là... nhà báo. Sau khi thôi việc ở NXB, chị về làm trưởng văn phòng đại diện báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, và người ta lại nhận ra ở chị một phong cách viết báo nhạy bén với cách phát hiện vấn đề rất mới, cách phỏng vấn các nhân vật quan trọng rất thẳng thắn tinh nhạy và ở cả khả năng quản lý... văn phòng. Sau đó thì chị lại là trưởng ban biên tập của tờ Gia Đình và Xã Hội. Sau đó nữa là… bây giờ…
          Mấy năm trước chị được mời sang  Mỹ để sáng tác và đọc... truyện ngắn, cái món mà ở Việt Nam ta chưa có. Ở ta mới chỉ đọc thơ cho công chúng nghe, mà cũng đang càng ngày càng ít đi, vì công chúng còn bận làm ăn, vì đời sống công nghiệp, vì phương tiện truyền thông hiện đại lấn át... làm cho thơ, cái món mà dân ta vốn dĩ rất yêu thích, bằng chứng là các cụ ta, dù không biết chữ nhưng vẫn thuộc làu làu, thậm chí đọc ngược, truyện Kiều, các truyện Nôm Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa... trở nên lép vế trong đời sống. Mỹ nó cũng hiện đại, truyền thông vô cùng phát triển, dân nó cũng làm ăn, nó sống còn thực dụng hơn ta nhiều... thế mà nó vẫn mê văn chương đến thế. Đọc truyện xong còn được ghi vào đĩa lưu ở thư viện và các trung tâm văn học, văn hoá, các trường đại học... Việt Nam ta chưa quá hai chục nhà văn được mời như thế.
          Chị viết đã lâu, nhưng có lẽ cái truyện ngắn mà công chúng ghi nhận sự xuất hiện của chị như một nhà văn nữ tài năng là Người sót lại của rừng cười. Truyện này đã được dựng thành phim. Sau này nhiều tập truyện ngắn nữa của chị ra đời và tập nào cũng gây xôn xao dư luận. Đến giờ chị đã quay ra viết tiểu thuyết, trong đó  cuốn "Giàn thiêu" được rất nhiều người, cả bạn đọc và giới phê bình đánh giá cao. Truyện của chị là truyện của những thân phận cụ thể và chị đi đến tận cùng với họ chứ không hời hợt hộp kính như các truyện của một vài tác giả trẻ hiện nay. Chị như người đi trên dây giữa hai bờ thực và ảo với một lối viết thông minh đầy tâm trạng, và chị luôn đứng về phía thiệt thòi, về phía nước mắt. Những chi tiết, những mảnh đời dân dã mang đậm dấu ấn tuổi thơ của chị được chị cho thăng hoa thành những trang văn thấm đẫm nhân tình. Tuy thế truyện của chị cũng rất dữ dội với lối tiếp cận rất hiện đại mà nếu người đọc hời hợt hoặc theo lối mòn sẽ không hấp thu nổi. Yếu tố kỳ ảo như một thủ pháp giúp chị thành công trong nhiều truyện. Và tất cả các truyện của chị đều lấy cái sự cứu rỗi con người làm mục đích. Chị có hẳn một cái truyện rất hay mang tên như thế, truyện ngắn "Biển cứu rỗi", và nó là tên của cả một tập truyện ngắn của chị. Sự hướng thiện trong mỗi con người, mỗi cá nhân trong từng hoàn cảnh cụ thể được khai thác ở nhiều cung bậc giúp người đọc tự nâng mình lên, tự ngắm lại mình. Cũng như thế, sự tha hoá, đánh mất mình cũng được mổ xẻ, soi rọi bằng cái nhìn dịu dàng nữ tính nhưng cũng đầy sắc sảo theo quy luật vận động thấm đẫm chất triết học.
          Thì chị cứ tự diễu mình là đi chân đất ra phố, nhưng cái dáng "chân đất" ấy đã trở thành thân quen với bạn đọc. Thời còn làm ở nhà xuất bản Văn Hoá Dân tộc, chị rất hay vào Tây Nguyên viết sách và tổ chức bản thảo. Tôi quen chị từ những ngày ấy. Những chuyến lang thang xuống làng xuống bản, những ngày cùng đi chợ nấu cơm ăn với nhau cho... đỡ tốn tại trụ sở hội Văn học Nghệ thật Đăk Lăk, những đêm rượu cần nghiêng ngả, những vòng xoang thổn thức... chị hoà nhập tự nhiên trong tất cả những cảnh huống ấy bằng sự dịu dàng đầy nữ tính. Hồi công trường Ia Ly mới mở ra, chị đã có mặt giúp anh Trần Thái Thuỳ, khi ấy là trưởng ban quản lý dự án xuất bản một cuốn cẩm nang về phong tục tập quán Tây Nguyên phát cho cán bộ công nhân viên công trường... Những chuyến đi như thế, vừa là công việc cụ thể của NXB, nhưng quan trọng là qua đó chị tích luỹ vốn sống, học hỏi thêm nhiều điều từ đời sống để những trang văn của chị ngày càng lung linh hơn, huyền ảo hơn, có hơi hướng của nhiều vùng đất trong một văn phong nhất quán mang tên Võ Thị Hảo.
          Bây giờ chị đang sống cùng hai con gái trong một ngôi nhà hiện đại bề thế ở một làng ngoại thành Hà Nội. Ngôi nhà được xây nên bằng ý chí của người đàn bà giàu nghị lực đã trải qua những ngày khó khăn khổ sở tưởng chừng không thể vượt qua. Ngồi ở đấy có thể nghe ếch kêu, nước chảy, đom đóm lập loè và mùi cỏ dại ở bờ ruộng dâng lên ngào ngạt. Ở đấy cũng san sát các đình làng cổ kính trang nghiêm với đầy đủ nghi lễ cổ truyền đất Việt. Chị chọn cho mình một chỗ ở gần gũi với nông thôn dù như thế mỗi ngày đi làm chị phải vượt qua bốn năm chục cây số. Và trong nhà chị cũng nuôi rất nhiều... mèo. Những con mèo bị xích hiền đến ngẩn ngơ để chống lại nạn bị giật bằng thòng lọng chui vào các quán tiểu hổ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong vườn còn những cây khế sai trĩu quả, và tất nhiên là rất nhiều hoa và cây cảnh.
          Thỉnh thoảng ra Hà Nội tôi đều điện cho chị và thế nào cũng phải "ngồi" với nhau một bữa. Thế nào cũng có Nguyễn Thị Chính ở NXB Văn hoá dân tộc, Phạm Xuân Nguyên ở viện Văn học… những người bạn thân của chị. Chị là người vô cùng tốt, vô cùng chỉn chu, vô cùng tận tình với bạn bè. Bận mấy, có các bạn trong nam ra chị đều để công việc đấy tiếp đón hướng dẫn tận tình. Có những hôm gió bấc ù ù, rét đến cắt ruột, cả bọn rủ nhau ra ngoại thành đi câu. Chả được con cá nào bèn đưa tiền nhờ chủ ao đi mua hộ về nướng bằng bếp than tổ ong, ngồi trên bờ ao thông thống gió, hoa xoan tím đến bồi hồi ăn cá và... đọc thơ. Những chi tiết ấy, cảm xúc ấy... thế nào cũng vào văn của chị như một thứ ân nghĩa với cuộc đời, mà chị, nhà văn luôn mang trong mình tâm thế con nợ của cuộc đời đã phải luôn trăn trở để cuộc đời này với những số phận cụ thể luôn vang vọng trong từng trang văn của mình...
Đây là chân dung khuyến mãi:


                                                                            

5 nhận xét:

Nguyên Du nói...

Cách đây hơn 10 năm tại Huế, Du cùng chị Hảo, Xuân Hoàng (Văn K12 đã mất), L.T.Bích Ngọc (Văn K9,bây giờ làm ở bee.net) lên thăm Huyền Không Sơn Thượng. Cảnh đẹp, nhà văn nổi tiếng mà mình lại không viết nổi một chữ nào. Còn anh VCH thì không bỏ qua một tình tiết cuộc gặp nào nên bài viết ra ào ào...Tài thiệt.

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyên Du:
Hơ, đi chơi như chú là sướng, còn như anh là khổ, chơi không ra chơi, cứ chăm chăm nhìn ngó và nhăn nhó...

đoàn Nam Sinh nói...

Hôm nào đây sẽ đi HN, nhờ VCH giới thiệu nhé. Gặp người chắc còn hay hơn cả văn đấy nhỉ.

Văn Công Hùng nói...

@ Đoàn Nam sinh:
Chỉ sợ bác không dám gặp?

ĐNS nói...

Chưa giới thiệu đã răn đe rồi, ăn thua mình chứ, gan thì sợ gì gang. VCH giúp đi, đa tạ.